Nhà giả kim không phải tác phẩm tiên phong cho xu hướng cổ tích hiện đại. Trước đó, Hoàng tử bé của A.S.Exupery, Công chúa nhỏ của F.H.Burnett đã mang lại tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Trong nền văn học Brazil thời bấy giờ thể loại này không có chỗ đứng xứng đáng, nhưng Paulo Coelho đã đặt hết tâm huyết, niềm tin vào Nhà giả kim, ông cho rằng, câu chuyện cổ tích chân phương, sâu sắc này không thể bị lãng quên. Năm 2008, tác phẩm được dịch ra 56 thứ tiếng, bán ra 65 triệu bản, được đông đảo độc giả trên thế giới đón nhận. Trên hết, cuốn tiểu thuyết mỏng, nhẹ như thơ này là một bản hòa âm của cổ tích lung linh với triết lý phương Đông sâu sắc.
1. Âm hưởng cổ tích trong một cuốn tiểu thuyết hiện đại
K. Pauxtopxki từng nói: “Người kể chuyện cổ tích không coi thường bất cứ việc gì, dù đó chỉ là cổ một chai bia, một hạt sương trên lông mà con vàng anh đã để rơi hay cái cột đèn gỉ ngoài phố. Bất cứ ý nghĩ mạnh mẽ, đẹp đẽ nhất nào cũng có thể có trong sự giúp đỡ bạn bè của những vật giản dị kia” (1). Sự tinh tế đó không chỉ xuất hiện trong những tác phẩm được coi là hình mẫu của thể loại cổ tích, mà còn được phát triển ở thế hệ sau, ghi dấu âm hưởng cổ tích trong những cuốn tiểu thuyết đương đại. Trong số đó, Paulo Coelho là một điển hình. Năm 1988, nhà văn người Brazil này đã cho ra đời tiểu thuyết O Alquimista, được dịch ra tiếng Việt với nhan đề Nhà giả kim.
Bằng giọng văn hiện đại, cùng lối dẫn dắt đầy huyền bí, P.Coelho đã vẽ nên một câu chuyện mang âm hưởng cổ tích mà vẫn gần gũi với thực tại; khắc họa nên Santiago, một chàng chăn cừu ham học, ưa tìm hiểu về thế giới xung quanh, có một ý chí bền bỉ cho việc đạt được mục tiêu của cuộc đời mình.
Để hiểu hơn về ý nghĩa cốt truyện, trước hết cần phải giải thích một chút về nhan đề của tác phẩm, nhà giả kim là những người chuyên nghiên cứu về giả kim thuật. Đây là một truyền thống triết học, tiền khoa học được thực hành khắp châu Âu, Ai Cập, châu Á. Mục đích của giả kim thuật là chuyển đổi các kim loại cơ bản như chì thành các kim loại quý như vàng, tạo ra thuốc trường sinh bất tử, thúc đẩy sự phát triển của alkahest, chất dung môi hòa tan mọi thứ. Giả kim thuật là tiền thân của môn hóa học cận đại, có ảnh hưởng sâu sắc đến khoa học kỹ thuật thời cổ cũng như đời sống loài người (2). Giả kim thuật sử dụng quan điểm của Aristotle, một nhà triết học TK IV trước CN làm cơ sở lý thuyết, có thể chuyển hóa được chất này thành chất khác, kim loại này thành kim loại khác. Ý tưởng điều chế vàng nảy nở từ khi mà sự phát triển của thương mại đã dần dần biến nó thành thứ kim loại quý giá nhất mang đến sự giàu sang, quyền lực cho con người.
Năm 296, hoàng đế La Mã ra sắc lệnh hủy bỏ những cách điều chế vàng từ hỗn hợp với bạc, đồng ở Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp cổ đại vì vàng giả tràn ngập thị trường. Để lách luật, các nhà giả kim thuật di cư từ Ai Cập sang Babylon, Syria, dựng các phòng thí nghiệm. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà giả kim thuật đã góp phần tìm ra các hợp chất mới, hoàn thiện nhiều kỹ thuật thí nghiệm quan trọng. Vào TK VIII, sau khi người Ả Rập chinh phục Ai Cập, Syria, các quốc gia ở vùng cận đông thì trung tâm khoa học đã chuyển về Ả Rập. Vào đầu TK IX, họ đã có giả kim thuật riêng, khác với người Hy Lạp, không tiếp thu một cách đơn thuần thuyết Aristotle mà kết hợp thủy ngân với lưu huỳnh. Tuy phương thức này thất bại nhưng họ đã sáng tạo ra thuật ngữ giả kim thuật, tên gọi này tồn tại đến cuối TK XVIII (3).
Trong khi đó, giả kim thuật của người Trung Quốc lại tìm kiếm thuốc trường sinh, có tên gọi là luyện đan, dựa trên cơ sở học thuyết thần tiên. Các đạo gia chia luyện đan thành ngoại đan, nội đan. Ngoại đan là dùng lửa luyện các khoáng chất như chì, thủy ngân, đan sa trong các lò đặc biệt để biến chúng thành đan dược, nuốt vào có thể thành tiên hay trường sinh bất lão, có những đặc tính lý thú. Chính vì thế mà đan sa được xem là tiên dược để luyện thuốc trường sinh. Tuy nhiên, do đan sa có độc tính cao nên ngoại đan dần dần suy tàn, chỉ còn luyện đan là khởi thủy của ngành luyện kim ngày nay (4).
Tuy nhiên, tác phẩm này không phải là một chuyên khảo nghiên cứu đơn thuần về thuật giả kim, chính xác hơn, nó không đi sâu vào việc đề cập đến vấn đề làm thế nào để biến đá thành vàng hay tạo ra thuốc trường sinh, mà nó là cuộc hành trình tìm ra bản ngã đích thực của anh chăn cừu mộng mơ Santiago. Câu chuyện kết cấu đơn giản, được phát triển một cách từ tốn, dung dị như lối kể chuyện cổ tích. Santiago, chàng chăn cừu trẻ tuổi của vùng đất Andalusia xinh đẹp, ước mong được đi cùng khắp thế giới bao la để học hỏi nhiều điều thú vị. Chàng trai ham đọc sách, có những giấc mơ kỳ lạ về kim tự tháp Ai Cập này đã gặp một bà lão di gan kỳ dị với lời hứa sẽ giúp cậu tìm ra kho báu nếu được chia phần, một ông lão lạ lùng ở bãi chợ tặng cậu 2 viên đá urim, thummim mà theo kinh Cựu ước thì chúng là vật thày tư tế đạo Do Thái dùng để bói. Sau khi trải qua rất nhiều biến cố suốt dọc đường đi, cậu khám phá ra nhiều điều, hiểu rõ hơn về những dấu hiệu chỉ dẫn cho cuộc đời mình, quyết tâm tìm được một nhà giả kim. Cũng ở nơi sa mạc ấy, trong lúc cố đi tìm nhà luyện kim đan theo chỉ dẫn trên những trang sách, cậu gặp được Fatima, cô gái mà cậu đem lòng yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Việc cậu được nhà giả kim sau đó tiếp nhận, đưa đi cùng ông trên hành trình tìm ra tâm linh vũ trụ được coi là một dấu hiệu mà cậu được đón nhận sau những điều ngộ ra được trong chuyến đi. Cậu được truyền thụ những trải nghiệm để tự mình có thể lắng nghe trái tim mách bảo những điều đúng đắn; cậu trò chuyện với sa mạc, với khoảng không bao la để hòa vào với đất trời. Đi khỏi sa mạc, chia tay nhà giả kim, Santiago đã trở thành một con người trưởng thành hơn. Cậu nhận ra rằng kho báu mà bấy lâu nay cậu tìm kiếm không phải là một kho báu vàng bạc đơn thuần hiện hữu mà đó chính là việc hiểu được bản thân mình, mục đích sống cũng như biết trân quý những điều giản dị mà mình đang có, những phút giây được trở về với Fatima. Nhớ ra lời hứa sẽ chia 1/10 kho tàng tìm được cho bà lão di gan thuở nào, Santiago hiểu ra rằng đó chỉ là vật chất đơn thuần, cái cậu nhận được còn lớn hơn tất cả, cậu đã tìm ra bản ngã cho chính mình. Trải qua cuộc khám phá những vùng đất xa xôi để đến với kim tự tháp, để tìm thấy kho báu của cuộc đời, vươn tới tâm linh vũ trụ, khai phá bản thân, Santiago đã nghiệm ra những chân lý sâu sắc, để trở về rồi thành một chàng trai với những suy nghĩ tinh khôi, lối sống an nhiên, tâm hồn bình yên, nhận ra rằng kho báu đích thực chính là trái tim của mình.
Suốt câu chuyện, độc giả được dịch chuyển liên tục trong 2 chiều không gian, đầu tiên là của thực tại với chuyến đi băng qua sa mạc theo chân Santiago, chiều không gian của tâm thức với hành trình tìm ra bản thân, chân lý của cuộc sống mỗi con người. Xen vào đó là những tình tiết mang yếu tố hư ảo của cổ tích. Câu chuyện được dựng lên trên nền của cổ tích huyền ảo, lung linh, những cảm giác hư hư thực thực cứ thôi thúc độc giả lật giở những trang tiếp để dõi theo chuyến hành trình. Có thể nói, sự tinh tế trong lối kể của P.Coelho khiến cho câu chuyện cổ tích này trở nên thu hút.
Nguyễn Đổng Chi cho rằng: “Chuyện cổ tích là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh. Nó là một thể loại đã đạt đến cấp độ cao trong nghệ thuật tự sự truyền miệng, trước khi chuyển sang giai đoạn toàn thịnh của văn xuôi tự sự trong nền văn học viết” (5). Căn cứ vào nhận định này, có thể nhận thấy rằng Nhà giả kim không trải qua giai đoạn tự sự truyền miệng, nhưng không vì vậy mà nó không mang tính chất của một câu chuyện cổ tích. Tác phẩm được thai nghén trong một xã hội với sự hỗ trợ của máy móc, vì thế nó đã quá độ sang giai đoạn toàn thịnh của văn xuôi tự sự, để trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh của văn học viết. Chính vì lẽ đó mà nó mang đầy đủ tính chất của một câu chuyện cổ tích hiện đại.
Hơn nữa, bản chất của cổ tích là sử dụng những yếu tố kỳ ảo nhằm mục đích hướng thiện cho con người. Cái thiện đó có thể là những biểu hiện tốt đẹp trong cuộc sống thường ngày ở khuôn khổ của cổ tích truyền thống. Nhưng ở thời đại ngày nay, khi mà con người còn phải đối mặt với những điều phức tạp hơn trong cuộc sống, thì sự hướng thiện mà cổ tích mang lại còn ẩn dưới những tầng ý nghĩa sâu xa hơn, đó là việc tìm ra bản ngã của mình, biết trân trọng những điều giản dị, gần gũi, yêu thương những người xung quanh, tìm ra được chân lý sống, làm cho cuộc đời của mình có ý nghĩa hơn.
Hàng loạt hành động, lời nói mang tính chất kỳ ảo của những nhân vật như bà già giải đoán mộng, ông lão mà Santiago gặp ngoài chợ, anh chàng người Anh, nhà luyện kim đan... đều mang đậm nét chất cổ tích. Nếu như trong truyện cổ tích truyền thống, ta bắt gặp những ông bụt, bà tiên với sự xuất hiện thần bí của phép màu thì Nhà giả kim cũng mang lại cảm giác tương tự. Yếu tố cổ tích còn được lồng ghép vào những chi tiết như giấc mơ về kim tự tháp của Santiago, sự tiên tri của ông vua xứ Salem, sự lần theo những dấu hiệu, việc người chủ cửa hàng pha lê căn dặn cậu những câu trong kinh Koran... tất cả đã tạo nên tiền đề cho cuộc hành trình của chàng trai trẻ.
Âm hưởng cổ tích vẫn còn tiếp diễn cho đến tận khi Santiago tìm được nhà giả kim, được ông dẫn dắt từng bước để tìm đến chân lý của nghệ thuật luyện kim đan. Đó không chỉ là việc luyện đá thành vàng, tìm đến sự giàu sang vĩnh cửu hay việc tạo ra thuốc trường sinh để vươn tới sự bất tử; vượt lên trên đó, con người phải biết cách hòa nhập với vũ trụ, tự mở đường cho tâm hồn mình tìm đến sự an nhiên trong cuộc sống, rũ bỏ những ham muốn vật chất, sân si để tìm ra chân lý sống của cuộc đời mình. Đó mới là điều quan trọng nhất của thuật giả kim. Đứng ở một khía cạnh nào đó, chân lý của giả kim thuật cũng gần với tư tưởng đạo Phật, đó là tính hướng thiện, đạt tới cảnh giới của sự giản dị trong cuộc sống.
2. Sự song hành của triết lý phương Đông
Trong quan điểm thời kỳ cổ, trung đại, phương Đông là một nơi huyền ảo, chứa đựng những bí thuật mang tính triết lý sống. Cuộc sống cơ học hiện hữu ở phương Đông không chỉ được lồng ghép vào những yếu tố ly kỳ mà còn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ qua nhiều thời đại. Nhà giả kim cũng không ngoại lệ khi cả tác phẩm thấm đẫm triết lý phương Đông trong từng câu chữ: “...Chúa Giê su cùng các môn đệ tiếp tục đi, đến một làng nọ. Một cô gái tên Marta rước Người vào nhà. Em gái cô là Maria ngồi dưới chân Người nghe giảng dạy, còn Marta thì bận rộn lo tiếp đãi Người…” (6). Thiên chúa giáo gắn với những đạo lý trong kinh thánh được phổ biến ở phương Tây, nhưng riêng dòng Kitô giáo lại được gọi là chính thống giáo Đông phương, dòng giáo này đã dung dưỡng nên những tư tưởng của đạo thiên chúa tại các vùng đất phía đông bán cầu. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi P.Coelho sử dụng một đoạn trong Kinh thánh tân ước để làm lời đề từ cho tác phẩm của mình.
Trong suốt câu chuyện của chàng chăn cừu Santiago, tư tưởng triết lý phương Đông như một sợi chỉ cần mẫn xâu chuỗi từng sự kiện lại. Những nghiền ngẫm về một cuộc sống cô độc, lang bạt nhưng đầy lý thú, sự say mê khám phá từng miền đất lạ, ước mơ được gặp những con người mới để cuộc sống của mình không quanh quẩn những mối quan hệ cũ, mong muốn được thử mọi phương cách để tìm đến hạnh phúc. Tất cả những tư tưởng ấy là sự phản ánh một cách tích cực quan niệm về hạnh phúc của con người. Hạnh phúc không phải là điều mà ai cũng dễ dàng có được, mà phải đi tìm kiếm, phải lao động nghiêm túc, phải có sự kết nối giữa người với người để tạo nền tảng cho nó được hình thành, nuôi dưỡng. “Nhưng cái chính là mỗi ngày cậu đều thực hiện được ước mơ của mình: đi khắp đó đây... Cậu có thể thăm thú mọi thành phố, làm quen bao phụ nữ, thử mọi phương cách để đạt hạnh phúc” (7).
Triết lý phương Đông được Santiago nhận ra một cách rõ nét hơn cả từ lời tiên tri về kho tàng ở kim tự tháp Ai Cập của bà già di gan giải đoán mộng, rồi đến cuộc gặp với vua xứ Salem một cách tình cờ ở khu chợ, người có thể đọc ra được hết cuộc đời cậu, những tâm tư, tình cảm giấu kín trong tâm khảm, cả những bí mật mà cậu chưa từng kể với ai. Những sự kiện ấy đã nhen nhóm trong cậu việc đi tìm một kho tàng, cũng chính là sự theo đuổi vận mệnh, để tìm ra bản ngã của mình. Phảng phất trong từng trang sách là tính triết lý, cũng là cái tài của Coelho khi khắc họa nên từng nhân vật trong câu chuyện, để làm chất xúc tác, nhằm nổi bật lên tính cách, mục đích của nhân vật chính, anh chàng chăn cừu.
Những bài học mà Santiago học được về nguyên lý đãi ngộ với những người dành lòng tốt cho mình. Hai viên đá urim, thummim mang tính biểu tượng rất lớn cho bài học về việc hãy tin vào bản thân mình trước khi trông chờ vào sự chỉ dẫn từ những vật ngoài thân. Sau đó là câu chuyện về muỗng dầu, sự cân bằng giữa việc gìn giữ những điều ý nghĩa với bản thân mình với việc biết nhìn ngắm thế giới xung quanh, tầm quan trọng của việc đi để học hỏi thế giới bên ngoài, tầm quan trọng của kiến thức, tính nhẫn nại, kiên trì, tất cả đã giúp cho chàng chăn cừu ngày nào thấu hiểu sâu sắc triết lý sống của người phương Đông. Ngoài ra, đó còn là bài học về tinh thần lao động, chỉ khi con người biết tự làm việc để nuôi dưỡng ước mơ của mình, kiên trì vượt qua gian khó thì mới biết trân quý những thành quả ngọt ngào mà điều đó mang lại.
Điều dễ nhận thấy nhất ở triết lý phương Đông là yếu tố trọng tình. Khác với tính duy lý của phương Tây, những dân tộc thuộc dòng Á châu đề cao tình cảm giữa người với người lên hàng đầu. Trong suốt hành trình của Nhà giả kim, P.Coelho gần như không hề gây nên một chuyện khó khăn đáng kể nào cho nhân vật, ngoại trừ vụ cướp nhỏ ở chợ làm cho Santiago phải bật khóc vì thất vọng về bản thân nhiều hơn là về việc mình bị mất tài sản. Sự hỗ trợ, chỉ dẫn, giúp đỡ của những người không hề quen biết mà Santiago nhận được thậm chí còn hơn rất nhiều những của cải mà cậu bị mất. Yếu tố trọng tình được thể hiện khá đậm nét ở sự nhân văn trong tư tưởng của tác giả khi xây dựng nên một xã hội với nhiều con người sẵn sàng đứng ra giúp đỡ kẻ chẳng thân thuộc, quen biết gì với mình. Đó còn là tình yêu mãnh liệt, chung thủy của Sangtiago với Fatima. Hình bóng của cô, tình yêu với cô giúp cho chàng trai chăn cừu có thêm nhiều sức mạnh để vượt qua chặng đường dài, những khó khăn, vất vả, mong ngày được trở về bên cô gái mà anh yêu. Sức mạnh của tình yêu cũng là một yếu tố được đề cập đến khá nhiều khi nhắc đến triết lý phương Đông.
3. Bản hòa âm đọng lại
Nhà giả kim không phải là một bài học khiên cưỡng của tính triết lý, nó để lại cho người đọc âm vang nhẹ nhàng như một bản giao hưởng phương Đông về tiềm lực của bản thân mỗi con người, niềm tin vào cuộc sống, sức mạnh của tình yêu. Trên hết, tác phẩm còn đưa đến ý nghĩa về tinh thần học tập, sự lạc quan, ý chí kiên cường để đạt đến mục tiêu ở mỗi cá nhân. Những bài học mà tính triết lý của tác phẩm mang đến cho người đọc rất quan trọng, không chỉ trong một thế kỷ, một thời đại nào, mà nó có sức mạnh trường tồn, bất biến đối với sự tồn tại của loài người.
Đối với xã hội Brazil nói riêng, toàn thế giới nói chung, P.Coelho đã lưu dấu một tác phẩm mang nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc. Cuốn sách được viết như một câu chuyện cổ phương Đông đầy huyền bí này mang lại thông điệp rằng khi con người thực tâm mong muốn điều gì, dồn tâm huyết, sự cố gắng cho việc đạt được điều đó thì cả vũ trụ này cũng sẽ xoay vần để điều đó thành sự thật. Đó chính là ý nghĩa quan trọng nhất mà tác phẩm mong muốn mang lại cho con người xã hội, nhằm mục tiêu phát triển con người vì xã hội văn minh.
Năm 1988, Nhà giả kim ra đời, tuy những trang viết đầu tay không được sự quan tâm ngay từ đầu, nhưng bằng lòng kiên trì, niềm tin vào đứa con tinh thần, tác giả đã từng bước đưa câu chuyện cổ tích này trở thành một hiện tượng của văn học hiện đại. Cho đến ngày nay, sau nhiều thập kỷ, tác phẩm vẫn chứng tỏ được sức mạnh của triết lý phương Đông trong từng trang viết, mang lại một điểm sáng cho văn học Brazil.
______________
1. K. Pauxtopxki, Người kể chuyện cổ tích, trong Bình minh mưa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.540.
2, 3, 4. wikipedia.org.
5. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1972, tr.71.
6. Lucas, Kinh thánh tân ước, bản tiếng Đức, tr.38.
7. Paulo Coelho, Nhà giả kim, Nxb Văn học, Hà Nội, 2013, tr.25.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017
Tác giả : TRỊNH PHƯƠNG THU