Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa ở Bắc Giang

Mặt trước nghi môn đình Vân Xuyên (xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) - Ảnh tác giả cung cấp

1. Thực trạng quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích thời gian qua

Tính đến hết năm 2022, tỉnh Bắc Giang có 743/2.237 di tích được xếp hạng (trong đó 5 di tích quốc gia đặc biệt, 95 di tích quốc gia, 643 di tích cấp tỉnh). Cùng với sự phát triển về kinh tế và công cuộc CNH, HĐH, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Để bảo lưu những giá trị truyền thống, đặc sắc còn lưu giữ trong di tích, việc đầu tư, tu bổ di tích ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Hằng năm, ngoài nguồn ngân sách của tỉnh giao cho Sở VHTTDL thực hiện, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước dưới hình thức xã hội hóa (XHH) cho việc tu bổ, tôn tạo di tích ngày một tăng lên, nhờ vậy nhiều di tích được đầu tư tu bổ, góp phần bảo tồn DSVH của dân tộc, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Bắc Giang, thu hút du khách tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; việc phân cấp quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy chuyên trách từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo Quyết định số 32/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình tín ngưỡng, tôn giáo có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, đối với cấp tỉnh hiện nay, UBND tỉnh không duy trì bộ máy chuyên trách quản lý di tích cấp tỉnh, giao cho Sở VHTTDL là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về DSVH (bộ phận tham mưu là phòng Quản lý DSVH và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang). Đối với cấp huyện, đã thành lập được 3 ban quản lý di tích (BQLDT) trực thuộc UBND huyện là BQLDT lịch sử Hoàng Hoa Thám tại huyện Yên Thế; BQLDT quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên; BQLDT ATK II huyện Hiệp Hòa. Đối với các xã/ phường/ thị trấn có di tích được xếp hạng về cơ bản đều thành lập BQLDT để quản lý, bảo vệ, chống xâm hại, xuống cấp và huy động nguồn lực cho hoạt động của di tích. Các BQLDT này hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, do đại diện lãnh đạo UBND xã làm trưởng ban, thành viên gồm công chức văn hóa, xã hội, địa chính, công an xã, Hội Người cao tuổi, Ủy ban MTTQ xã, trưởng thôn, tổ dân phố, người trông coi trực tiếp di tích, sư trụ trì chùa...

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc thành lập BQLDT ở một số địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời kiện toàn khi có thay đổi, bổ sung thành viên, chưa phát huy hiệu quả vai trò của BQLDT cơ sở, hoạt động chỉ mang tính hình thức. Công tác quản lý ở một số di tích khi tu bổ giao cho lãnh đạo thôn, hoặc chi hội người cao tuổi, hội bản tự, hội chân quy, thủ nhang thực hiện. Trình độ chuyên môn của đội ngũ trực tiếp quản lý, giám sát tại di tích còn hạn chế bởi các thành viên BQLDT đa phần đều lớn tuổi, làm việc kiêm nhiệm, tham gia công tác không ổn định nên hiệu quả làm việc không cao. Việc phân cấp, giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho địa phương (cấp huyện, xã) chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ có chuyên môn chuyên ngành. Cán bộ chuyên môn văn hóa ở địa phương đa phần kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn tới việc theo dõi, giám sát công tác tu bổ còn hạn chế.

Về cơ chế quản lý sử dụng các nguồn công đức, tài trợ, đa phần các địa phương thực hiện theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2014 của Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ về thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý, sử dụng nguồn công đức. Hầu hết các địa phương giao công việc này cho BQLDT cơ sở hoặc người trực tiếp trông coi di tích, sư trụ trì... thu nhận, đồng thời có phương thức tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo tính công khai, minh bạch, có sổ sách ghi chép rõ ràng.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tu bổ, phục hồi di tích có nguồn vốn XHH: luôn được Sở VHTTDL quan tâm, chú trọng. Thông qua hoạt động này nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích tại cơ sở, đồng thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm trong công tác quản lý tu bổ di tích. Qua công tác thanh/ kiểm tra cho thấy, về cơ bản các địa phương có di tích đều chấp hành đúng theo văn bản thỏa thuận tu bổ của cơ quan có thẩm quyền. Việc lập hồ sơ thiết kế tu bổ di tích được các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế lập đảm bảo quy trình theo quy định tại Nghị định 166/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Quá trình thi công đáp ứng theo trình tự được hướng dẫn chi tiết tại thông tư số 15/2019 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; có phương án bảo quản các tài liệu, hiện vật trong quá trình thi công hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, đảm bảo các hiện vật được bảo vệ giữ nguyên giá trị sau thời gian tu bổ, phục hồi di tích. Các nội dung tu sửa di tích có sự đồng thuận, thống nhất trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, qua kiểm tra nội dung nêu trên còn những tồn tại sau:

Việc cập nhật các quy định hiện hành về tu bổ, tôn tạo di tích của BQLDT cơ sở, chủ đầu tư chưa kịp thời, một số chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm do vậy còn hạn chế như: việc lưu giữ hồ sơ tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích còn chưa đầy đủ. Một số công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã lâu nhưng không làm báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Việc quản lý, giám sát công tác thi công tu bổ tại hiện trường chủ yếu giao cho ban xây dựng và ban giám sát cộng đồng thực hiện... Một số địa phương chưa chủ động, sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích; một số nơi tự ý tiếp nhận các hiện vật vào di tích mà không báo cáo cơ quan chức năng theo quy định (đình Nội Đông, chùa Mai Thưởng huyện Lục Nam); hoặc trong quá trình thi công tu bổ di tích đã làm hư hỏng hiện vật (vỡ bia đá ở chùa Thổ Hà, huyện Việt Yên);...

Việc lập dự án: do chưa thực hiện triệt để nguyên tắc “giữ nguyên yếu tố gốc của di tích” nên có một số dự án xác định nội dung chệch hướng, chưa lấy vấn đề bảo tồn làm nội dung ưu tiên. Đồng thời khảo sát đánh giá hiện trạng di tích còn sơ sài, chưa bám kỹ vào các quy định của quy chế bảo quản và tu bổ di tích. Một số dự án chưa tranh thủ được sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ chuyên môn thuộc Sở, nhân chứng lịch sử, cộng đồng dân cư địa phương...

Việc thực hiện chỉ đạo, lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích còn chưa thường xuyên do đội ngũ cán bộ thanh tra của ngành VHTTDL còn mỏng, không thể liên tục trong cùng một thời gian.

Huy động nguồn lực XHH tu bổ, tôn tạo di tích: trong công tác đầu tư, tu bổ di tích, nguồn vốn XHH được coi là nguồn lực quan trọng, đáp ứng phần nào nhu cầu tu bổ di tích khi nguồn kinh phí Nhà nước còn hạn hẹp. Theo kiểm tra, việc huy động nguồn vốn XHH để thực hiện tu bổ di tích được quan tâm và thực hiện khá tốt; kinh phí XHH để tu bổ, tôn tạo di tích chủ yếu được huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân, sự ủng hộ không nhỏ từ các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, con em thành đạt làm ăn xa quê... Việc quản lý, sử dụng nguồn thu này cơ bản đảm bảo công khai, minh bạch, có sổ ghi chép cụ thể, chi tiêu đúng mục đích.

Huyện Yên Dũng là một trong những địa phương đi đầu trong hoạt động kêu gọi XHH. Huyện huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước với nguồn XHH thực hiện công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích đã xếp hạng, ưu tiên các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Trên địa bàn huyện có tổng số 82 di tích, giai đoạn 2021-2022, huyện đã đầu tư, tu bổ tôn tạo 16 di tích với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách là 6,7 tỷ đồng, vốn XHH gần 24 tỷ đồng. Điều này cho thấy nguồn vốn XHH chiếm ưu thế hơn nhiều sự đầu tư của Nhà nước trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở địa phương.

Một số huyện đã chủ động nguồn ngân sách địa phương và nguồn XHH để đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Điển hình như năm 2022, huyện Lạng Giang đầu tư tu bổ, tôn tạo 10 di tích, vốn ngân sách huyện 2,9 tỷ đồng, vốn XHH gần 13 tỷ đồng. Huyện Lục Nam đầu tư tu bổ, tôn tạo 4 di tích, vốn ngân sách huyện gần 2,4 tỷ đồng, vốn XHH hơn 5,6 tỷ đồng... Tính hết năm 2022, toàn tỉnh đầu tư tu bổ, tôn tạo 59 di tích, trong đó vốn ngân sách gần 59 tỷ đồng, vốn XHH trên 55 tỷ đồng (1), không kém so với nguồn vốn của Nhà nước. Những năm qua, công tác XHH trong bảo tồn, tôn tạo di tích đã phát huy hiệu quả, thu hút được nguồn vốn tương đối lớn vào tu bổ, tôn tạo các di tích. Nhờ đó, nhiều di tích thoát khỏi cảnh xuống cấp, phát huy tốt giá trị vốn có của nó, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Tuy nhiên, tại một số địa phương việc quản lý dự án trùng tu, tôn tạo, tu bổ di tích bằng nguồn vốn XHH còn thiếu chặt chẽ. Nhiều vụ việc về xâm phạm đất đai, tranh chấp hiện vật trong di tích… chưa được xử lý kiên quyết kịp thời. Trong nhiều trường hợp thực hiện đầu tư tu bổ cho di tích bằng nguồn vốn XHH chưa chú ý đúng mức đến hoạt động tu bổ cấp thiết. Đa phần các di tích ở Bắc Giang đều làm bằng vật liệu gỗ nên qua quá trình mưa, nắng, độ ẩm, mối mọt, nấm mốc xâm hại cũng là nguyên nhân gây hư hỏng di tích. Việc bảo quản và tu bổ cấp thiết rất quan trọng nhằm gìn giữ duy trì tuổi thọ của di tích. Trên thực tế, đơn vị quản lý sử dụng, ngay cả các nhà sư trụ trì tại các ngôi chùa, chủ đầu tư đều chưa chú ý đúng mức đến bảo quản, tu bổ cấp thiết cho di tích, thường chỉ quan tâm tới việc thay thế sửa chữa và triển khai dự án tôn tạo, xây mới nhiều hơn. Bên cạnh đó còn do tâm lý chung của dân làng chỉ muốn di tích được bền vững, xứng tầm, bề thế hơn thời trước, nên muốn thay mới toàn bộ các cấu kiện gỗ, chưa thực sự hướng tới việc áp dụng biện pháp nối vá, gắn chắp, gia cố cấu kiện cũ… Kết quả là yếu tố gốc bị biến dạng, các giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của di tích cũng bị suy giảm, mất mát. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý về di tích ở cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh hiện nay rất mỏng, hầu hết các huyện đều chưa có cán bộ chuyên môn về di tích, nếu có cũng phải phụ trách nhiều mảng công tác. Ở cấp xã mới có một biên chế cho cán bộ văn hóa nên khó có thể nắm bắt kịp thời các diễn biến xảy ra trên địa bàn phụ trách.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

XHH tu bổ, tôn tạo di tích là một trong những giải pháp quan trọng để gìn giữ di tích được lâu bền. Trong thời gian qua, công tác quản lý tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý các di tích được tu bổ bằng nguồn vốn XHH tốt hơn nữa trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền Luật DSVH, các văn bản của Chính phủ, Bộ VHTTDL về công tác quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Cần chú trọng xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật về bảo tồn, tu bổ di tích với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Mở cuộc vận động sâu rộng để quán triệt pháp luật về DSVH đến các tổ chức đoàn thể xã hội, các hội và cộng đồng dân cư địa phương.

Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di tích với phương châm “đưa di tích về cộng đồng”; coi trọng giải quyết các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, tuyên truyền nhằm xây dựng, vun đắp giá trị bền vững chính là “tính thiêng” của mỗi di tích, để vừa tạo ra sự riêng biệt của di tích, vừa thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, trùng tu di tích; xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm di tích.

Hai là, đối với các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, chủ đầu tư cần coi trọng việc lựa chọn đơn vị có chuyên môn, đủ điều kiện hành nghề lập dự án tu bổ di tích theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích được quy định tại Nghị định số 166/2018 của Chính phủ. Trong trường hợp có khó khăn vướng mắc, chủ đầu tư gửi văn bản về Sở VHTTDL để được hướng dẫn. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả và gắn trách nhiệm cho từng đối tượng, quy định chế tài xử lý bằng nhiều hình thức để chấn chỉnh dần hoạt động này bắt kịp xu thế và nghiêm túc hơn.

Nâng cao năng lực chuyên môn thẩm tra, thẩm định sẽ giúp cho các dự án tu bổ, phục hồi di tích thực hiện tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong thực tiễn. Kiểm tra, thẩm định chặt chẽ đơn vị tư vấn lập dự án, thiết kế kỹ thuật thi công về năng lực chuyên môn, kể cả với các đơn vị đã đáp ứng đủ các yêu cầu về chứng chỉ giấy phép nghề và có bề dày kinh nghiệm.

Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiệm vụ của mình có trách nhiệm xem xét hồ sơ, trình cấp lãnh đạo phê duyệt. Cần chủ động sắp xếp bố trí các đơn vị, cá nhân có năng lực, với đầy đủ tiêu chí để xử lý các hồ sơ trình xin phê duyệt. Kiện toàn sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời xây dựng vị trí việc làm để có tiêu chí, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án; chú trọng khâu thẩm tra, thẩm định chuyên môn trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích.

Về giải pháp lâu dài, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác thẩm định hồ sơ, nghiên cứu xem xét các nội dung hồ sơ khi trình phê duyệt. Có thể coi giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ, công chức có đầy đủ năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn thực hiện xử lý hồ sơ là khâu then chốt nhất trong quá trình quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích hiện nay.

Bốn là, tổ chức, cá nhân tư vấn giám sát phải được đơn vị chuyên môn của cơ quan chủ quản đầu tư, thẩm định về hồ sơ nhân sự và kế hoạch triển khai trước khi ký hợp đồng với chủ đầu tư. Cần sớm đưa thành các quy định trong nội dung văn bản quy phạm pháp luật về định mức riêng cho giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích mới khuyến khích được các nhà chuyên môn giỏi tham gia.

UBND các huyện chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin, UBND các xã, BQLDT cơ sở tăng cường phát huy vai trò giám sát cộng đồng nhằm kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án để bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về giá trị của di tích tại địa phương, công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chỉ đạo công tác phát huy giá trị di tích, giới thiệu quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa sau khi đầu tư hoàn thành các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Năm là, để tạo lập môi trường thu hút nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, Nhà nước cần có các giải pháp đẩy mạnh hoạt động XHH nhằm huy động các nguồn lực của xã hội để trùng tu, tôn tạo di tích trên tinh thần tự nguyện, tự giác của tổ chức và cá nhân, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước. Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí XHH công khai, minh bạch, đúng mục đích, đồng thời ban hành các cơ chế chính sách kiểm soát quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, khai thác giá trị di tích. Trong bối cảnh đổi mới cơ chế chính sách, đổi mới phương thức và cơ cấu đầu tư, việc hạn chế tối đa nguồn chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động liên quan tới ngành VHTTDL, kéo theo những khó khăn trong đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Bởi vậy chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng các giải pháp thực tiễn là việc làm thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, việc đưa ra mô hình “xã hội hóa” nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích là phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Nhà nước cần tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát với các di tích trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn XHH trong đầu tư, từ tu bổ, tôn tạo đến quá trình khai thác, phát huy các giá trị của di tích ấy. Nhằm đảm bảo tối đa thực hiện nguồn vốn XHH đúng mục đích, khuyến khích tăng cường cơ chế XHH hoạt động bảo tồn di tích, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng xã hội, người dân quanh di tích.

Sáu là, các cơ quan chủ quản cần tích cực chủ động thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình diễn ra hoạt động tu bổ di tích nhằm kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; kiểm điểm xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, đồng thời phê phán các tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc các quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Đối với trách nhiệm của phòng Văn hóa và Thông tin các huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hơn nữa, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích. Nếu phát hiện sai phạm cần yêu cầu dừng thi công để khắc phục ngay và quyết liệt xử lý đối với những sai phạm đã xảy ra. Bên cạnh đó cần quan tâm phối hợp với UBND các xã giải quyết kịp thời vướng mắc của nhân dân trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư, nguồn XHH, nguồn công đức đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch…

Bảy là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Chú trọng xây dựng đội ngũ thợ lành nghề tham gia các hoạt động bảo quản, tu bổ, trùng tu di tích. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn theo từng địa bàn cụ thể, trang bị kiến thức pháp luật về di sản cho cán bộ cơ sở, các BQLDT cũng như những người trực tiếp tham gia trông coi, bảo vệ di tích. Cử cán bộ đi học tập, tham quan nghiên cứu kinh nghiệm quản lý, tu bổ, phục hồi di tích ở trong nước và các nước trong khu vực.

Tám là, đối với công tác bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị di tích, cộng đồng phải được xem xét là nhân tố đầu tiên được hưởng lợi từ hoạt động này. Lợi ích đem lại từ quá trình khai thác, phát huy giá trị di tích chính là động lực lâu dài và bền vững nhất tác động trở lại hài hòa nhất quá trình bảo tồn, trùng tu di tích. Trên cơ sở cộng đồng tham gia vào quá trình bảo tồn và trùng tu, phát huy giá trị di tích, trách nhiệm của cộng đồng được đề cao và phát huy có hiệu quả hơn trong hoạt động giám sát để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án, nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích trong quá trình bảo quản, tu bổ di tích; đồng thời hình ảnh địa phương được quảng bá rộng rãi, do vậy lợi ích người dân luôn phải được đặt lên hàng đầu, đây chính là yếu tố then chốt gắn kết cộng đồng với trách nhiệm bảo vệ di tích.

________________

1. Số liệu thống kê nội bộ của phòng Tu bổ và Tôn tạo, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Bài, Tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa là hoạt động có tính đặc thù chuyên ngành, Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 (15), 2006.

2. Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Danh sách di tích xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tính đến 30-12-2022, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2023.

3. Chính phủ, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

4. Nguyễn Quốc Hùng, Tu bổ tôn tạo di tích - lý luận và thực tiễn, In trong cuốn Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, tập 1, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003.

5. Quốc hội, Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009.

6. Sở VHTTDL Bắc Giang, Báo cáo tổng kết công tác tu bổ, tôn tạo di tích năm 2021-2022, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2023.

7. Lưu Trần Tiêu, Mấy vấn đề về hoạt động tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3, 2011, tr.3-7.

CHU THỊ THANH BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;