Tâm huyết "giữ lửa" tiếng đàn Klong pút

Dù nhiều dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên cùng biết chơi Klong pút nhưng Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Y Sinh sinh ra và lớn lên ở làng Đắk Giá, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vẫn luôn tự hào rằng, tiếng đàn Klong pút của người Xơ Đăng là đặc biệt. Nhắc đến đàn Klong pút là nhớ đến những giai điệu dân ca không lời vừa da diết, vừa gấp gáp, mang âm vang núi rừng, như một bản hòa tấu ngân vang giữa đất trời, là âm thanh gắn với bao lớp tuổi thơ người Xơ Đăng đến cả khi mái đầu đã điểm bạc.

Ở Kon Tum, các nghệ nhân chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc không còn nhiều, vì vậy mà NNƯT Y Sinh luôn đau đáu, trăn trở làm sao để tiếng đàn của dân tộc mình ngày càng bay cao, bay xa, truyền động lực cho thế hệ sau tình yêu với chiếc đàn Klong pút, không bị mai một, biến mất trong nhịp sống hiện đại.

Tản bộ trên lối nhỏ, giữa những tán cây xanh rậm rạp, gió thổi rì rào, tìm đến Làng Xơ Đăng (tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam) gặp cô Y Sinh vào một buổi sáng tháng Tám mát mẻ, được nghe cô biểu diễn Klong pút, được trò chuyện về chặng đường, những gian nan vất vả trên hành trình "giữ lửa" Kong put của dân tộc mình, mới thấy sức sống và đam mê của người phụ nữ ấy sao mà lớn lao, đáng quý đến vậy.

Từ cổng làng xuống dưới khoảng sân rộng là một con dốc, không gian như một Tây Nguyên thu nhỏ với các nhạc cụ truyền thống: đàn t’rưng, cồng chiêng và không thể thiếu những chiếc đàn Klong pút được đặt ngay ngắn trước cửa căn nhà rông quen thuộc.

Đồng bào dân tộc Xơ Đăng biểu diễn đàn Klong pút trước cửa nhà rông

Cô Y Sinh kể, cô được Ban quản lý mời ra Làng đến nay đã được 5 năm, cô chẳng nghĩ mình sẽ gắn bó với nơi này lâu đến vậy. Thi thoảng nhớ gia đình, cô hay nói đùa rằng “cho mẹ về Kon Tum mấy bữa, chứ mẹ xa nhà lâu quá, ơ nhưng nghĩ lại thì đây cũng là nhà mình tự khi nào”. Từ thuở nhỏ, Cô Y Sinh đã bộc lộ là một cô bé có năng khiếu âm nhạc, đến khi trưởng thành, cô có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình và của những dân tộc anh em khác. Thế nhưng, chiếc đàn Klong put được làm bằng những ống nứa khô tưởng chừng như vô tri lại mang đến những âm thanh, nốt nhạc kỳ diệu, khiến bà càng thêm yêu, tự hào và mong muốn giữ gìn nét văn hóa đặc sắc, riêng có của người Xơ Đăng. Cô Y Sinh cho biết, nếu các bài nhạc chơi bằng Klong pút 3 miền đều có lời, nên dễ học, dễ nhớ hơn, thì để chơi được các bài bằng Klong pút của người Xơ Đăng lại rất khó, bởi các bản nhạc không có lời mà chỉ được truyền lại bằng âm thanh khi vỗ tay với đàn.

Để chơi được đàn klong pút cần có sự cảm nhạc tốt và thấu hiểu giữa các thành viên

Đàn Klong pút chủ yếu do phụ nữ Xơ Đăng sử dụng, thường được chơi trên nương rẫy vào mùa lúa. Vào mùa phát rẫy tháng 1-2, người Xơ Đăng chơi đàn trong những đêm ở trên chòi canh rẫy để vơi bớt những nỗi mệt nhọc. Thú dữ nghe âm thanh rộn ràng của tiếng đàn thì sợ nên tránh xa rẫy. Vào mùa lễ hội như mừng lúa mới, lễ hội máng nước, người Xơ Đăng chơi đàn trong nhà rông. Tiếng đàn Klông pút còn là tiếng lòng thổn thức gửi đến người thương của thiếu nữ Xơ Đăng đến tuổi cập kê. 

Một chiếc đàn Klong pút nguyên bản của người Xơ Đăng ban đầu chỉ có 2 hoặc 3 ống tre lớn, nhưng sau này người ta đã chế tác ra nhiều loại đàn có tới 7 đến 10 ống tùy theo cách chơi của mỗi người để đánh những bản nhạc mang nhiều âm điệu hơn. Ngày xưa, những ống tre được đặt dưới sàn nhà hoặc dưới các phiến đá, người chơi đàn phải quỳ gối xuống thấp mới chơi được, về sau, chiếc kệ cao chừng 40-50cm đã được thiết kế để việc chơi đàn trở nên dễ dàng và tạo ra được âm thanh đẹp hơn. Khi vỗ, hai bàn tay úp vào nhau và cách các ống tre khoảng 10cm, luồng hơi từ lòng bàn tay sẽ truyền vào các miệng ống, tạo ra những tiếng “bụp… bụp”. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để vỗ hay, vỗ to, người chơi đàn Klong pút phải có cảm nhận âm thật tốt và dành nhiều thời gian để tập luyện, trau dồi.

Kỹ thuật chơi đàn cần được luyện tập trong một thời gian dài mới thành thục

NNƯT Y Sinh chia sẻ, việc truyền lại cách chơi đàn cho thế hệ trẻ ở buôn làng cũng không dễ dàng. Bởi, ngày nay, do thời gian dành cho việc học tập và những sở thích  khác chiếm nhiều, nên không ít thiếu nữ Xơ Đăng ít hứng thú với việc học nhạc cụ truyền thống.

  Xuất phát là một cô giáo, tham gia nhiều hoạt động văn hóa ở địa phương, có kinh nghiệm chế tác và biểu diễn nhạc cụ xuất chúng, năm 2015, Y Sinh  được Bộ VHTTDL công nhận là NNƯT của tỉnh Kon Tum. Chính những đóng góp thiết thực của mình mà Y Sinh rất có uy tín, luôn đứng ra và trở thành cầu nối, giúp Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thuyết phục các bậc cha mẹ cho con em mình tạm xa buôn làng xa xôi đến với “Ngôi nhà chung”, để theo bà học đàn Klong pút, góp phần lan tỏa những giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc Xơ Đăng đến với công chúng trong và ngoài nước. Bao nhiêu năm theo đuổi lý tưởng giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào mình, NNƯT Y Sinh vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, mặc dù bà bảo “mắt đã mờ, chân đã chậm, cái lưng cũng không còn thẳng thớm như ngày xưa nữa”.

NNƯT Y Sinh luôn tràn đầy nhiệt huyết với công cuộc giữ gìn và bảo tồn tiếng đàn Klong pút

Ngoài việc học đàn Klong put, các thành viên trong làng Xơ Đăng còn được người “trưởng bản” tâm huyết Y Sinh rèn luyện cho tính kiên trì và nguyên tắc. Giờ nào tăng gia sản xuất, giờ nào sinh hoạt riêng, giờ nào có mặt ở nhà truyền thống để biểu diễn cho du khách thưởng thức, trải nghiệm, giờ nào chuyên tâm trau dồi kỹ thuật chơi đàn… tất cả đều đoàn kết, gắn bó và không ngừng nỗ lực để lan tỏa tình yêu đối với âm nhạc truyền thống nói riêng và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người nói chung.

Giữa khoảng sân đất rộng, bao quanh là những tán cây rợp lá, hình ảnh một người phụ luống tuổi, mái tóc điểm bạc, những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt cùng các cô gái bên chiếc đàn Klong pút hòa vào làm một, tạo nên một bản nhạc độc đáo, ấn tượng. Muốn chơi Klong pút cũng cần có sự thấu hiểu, đoàn kết giữa các thành viên tham gia chơi đàn, một mình không tạo thành bản nhạc được, thế mới thấy, đồng bào Xơ Đăng rất coi trọng tính cộng đồng, tình đoàn kết, luôn cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ lần nhau trong cuộc sống.

Hỏi rằng, “cô Y Sinh sẽ cho phép mình nghỉ ngơi, về với buôn làng, về với gia đình khi nào?” Ánh mắt cô vẫn rất sáng và kiên định, rằng tình yêu của cô đối với Klong pút là “bất diệt”, cô yêu Klong pút và tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào mình. Vì vậy, cô sẽ tiếp tục là người giữ và truyền “lửa” đến các thế hệ sau, đến khi nào “sức cùng lực kiệt” thì cô mới nghỉ ngơi. Vẫn có những con người tâm huyết như cô Y Sinh, tôi tin rằng,  tiếng đàn Klong pút cũng vẫn sẽ vang vọng, toát lên vẻ đẹp độc đáo của  Tây Nguyên đại ngàn.

Và, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục là ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em, chắp cánh để  các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc lan tỏa đến với du khách trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

 

 

 

;