Lễ “Cúng giọt nước” của người Jrai, tỉnh Gia Lai

Với cộng đồng người Jrai ở Gia Lai thì nước được xem là mạch nguồn sự sống, sự sinh trưởng và phát triển của vạn vật. Chính vì thế “Cúng giọt nước” trở thành một nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của người Jrai, và đã được các nghệ nhân tái hiện lại trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I.

Nghi lễ được tổ chức nhằm mục đích cầu Thần nước (Yang Ia) ban cho nguồn nước dồi dào để phục vụ sinh hoạt, canh tác, sản xuất; cho cây cối, hoa màu phát triển tốt tươi, không bị sâu bọ phá hoại; mang lại mùa vụ bội thu, dân làng ấm no, khỏe mạnh.

Trước khi cúng già làng và người dân chuẩn bị giọt nước và các vật dụng cúng

Thời gian tổ chức lễ cúng không quy định cụ thể nhưng thường được tổ chức vào từ tháng 4 đến tháng 5 hằng năm. Địa điểm tổ chức là bến nước của làng. Trước khi tiến hành nghi thức này, dân làng tập trung về bến nước để dọn vệ sinh và chuẩn bị các vật phẩm cần thiết.

Thời điểm làm lễ cúng vào buổi sáng sớm. Lễ vật gồm: 1 con heo, 1 con gà, 1 ghè rượu và 1 nắm lá rừng. Chủ lễ thường là già làng, người có uy tín, am hiểu về phong tục tập quán của cộng đồng. Trước nghi lễ, già làng dùng vật cúng đập đầu heo và gà. Lễ vật dâng cúng gồm thịt và gan các con vật được cắt nhỏ, đựng trong lá chuối, để bên cạnh ghè rượu.

Sau khi nước được rót vào ghè rượu, già làng đọc lời khấn cầu mong các vị thần suối phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no

Người Jrai quan niệm máu là phương tiện truyền dẫn sự sống, nên già làng lấy máu và gan của con vật hiến tế đặt quanh tai ghè rượu. Sau khi nước được rót vào ghè rượu, già làng đọc lời khấn cầu mong các vị thần suối phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; mong Thần nước ban cho dân làng nguồn nước tươi mát, tràn trề quanh năm. Kết thúc lời khấn, già làng uống ngụm rượu đầu tiên, rồi đến dân làng lần lượt truyền tay nhau cần rượu để uống. Sau đó, các cô gái sẽ hứng nước ở giọt mang về làng; già làng và dân làng lần lượt xuống giọt nước để rửa mặt, rửa chân, té nước vào nhau nhằm cầu mong những điều tốt lành. Tiếp theo, mọi người cùng hòa vào nhịp chiêng, điệu xoang, thưởng thức rượu cần và vui chơi tại bến nước…

Người Jrai cho rằng các vị thần linh cũng có tình cảm như con người, cũng có vui, buồn, giận hờn và biết yêu thương, biết ghét… Cúng thần nhiều lễ vật với tấm lòng thành thì sẽ nhận lại sự che chở, giúp đỡ của các vị thần.

Lễ cúng giọt nước là một biểu tượng văn hóa độc đáo, thể hiện tính cố kết cộng đồng của người Jrai cùng với ước vọng đón chờ một mùa vụ mới thuận lợi, bội thu.

Mọi người cùng hòa vào nhịp chiêng, điệu xoang và thưởng thức rượu cần

NGỌC BÍCH - Ảnh: HỒNG VÂN

;