A Biu là người dân tộc Ba Na, ông là một trong những nghệ nhân ưu tú (NNƯT) say mê với việc gìn giữ văn hóa, âm hưởng cồng chiêng dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên. Trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I diễn ra tại tỉnh Kon Tum vừa qua, du khách đã được thưởng thức sự rộn ràng, ngân vang của tiếng cồng, chiêng do già làng A Biu và các nghệ nhân, diễn viên trình diễn.
A Biu là một nghệ nhân đa tài, ông sống tại làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Ông không chỉ thuộc nhiều bài sử thi, truyện cổ dân gian Ba Na, giỏi đánh cồng, chiêng mà còn là một người chơi được các nhạc cụ hiện đại và có giọng hát hay.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thưởng thức màn hòa tấu cồng chiêng do NNƯT A Biu thể hiện - Ảnh: Tuấn Minh
Trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, NNƯT A Biu cũng đến “góp vui” với các tiết mục văn nghệ độc đáo. Mỗi khi tiếng chiêng của A Biu vang lên, là một lần du khách cùng vui vẻ, hứng khởi, hướng đến để thưởng thức. Điều thú vị là, trong khuôn khổ Ngày hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã đến thăm các không gian trưng bày của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên. Tại đây, NNƯT A Biu và các nghệ nhân dân tộc Ba Na đã vinh dự được gửi đến Đại tướng Tô Lâm và khán giả màn múa xoang và âm nhạc cồng chiêng đặc sắc. Đặc biệt, nghệ nhân A Biu đã làm cho du khách thích thú khi trình bày về một ca khúc trữ tình của dân tộc Ba Na với cây đàn ghi ta điện. Câu chuyện tình lãng mạn, đẹp đẽ của vùng đại ngàn, sơn cước được thể hiện qua giọng hát trầm ấm, hào sảng của nghệ nhân A Biu đã thực sự để lại dấu ấn đối với người thưởng thức.
Chia sẻ về cảm nhận khi tham gia Ngày hội năm nay, NNƯT A Biu cho biết: Đến với Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tôi rất xúc động, tôi nhận thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào dân tộc chúng tôi. Ở đây, chúng tôi là những nghệ nhân của 5 tỉnh được gặp gỡ nhau, giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Tại Ngày hội, thấy các đồng bào dân tộc khác vẫn mặc khố, váy, với tôi điều này rất có ý nghĩa. Vì các đồng bào dân tộc đã có ý thức giữ gìn tập tục, văn hóa truyền thống, có nghĩa là những lời ăn, tiếng nói, trang phục của các dân tộc Ba Na, Giẻ-Triêng, Ja Rai, K’Ho… vẫn được duy trì, giữ gìn.
NNƯT A Biu - Ảnh: Ngọc Bích
Không chỉ là người đam mê, yêu thích với văn hóa truyền thống của dân tộc, A Biu còn là người tích cực truyền lửa, lan tỏa văn hóa đến với các thế hệ kế cận và cộng đồng, vì thế, nghệ nhân A Biu đã cùng với người thân mở du lịch cộng đồng tại gia đình. Nghệ nhân A Biu cho biết, trong khuôn viên gia đình ông rất đậm nét văn hóa dân tộc Ba Na, ở đó có nhà sàn, cây nêu, nhiều loại cồng, chiêng, đàn như T’rưng và nhiều vật dụng khác.
“A Biu để cả một khoảng sân rộng để Biu có thể biểu diễn cồng chiêng và các nghệ nhân, thành viên trong gia đình múa xoang... Du khách đến với gia đình chúng tôi cảm thấy rất thích thú vì được trải nghiệm cuộc sống của dân tộc Ba Na như được thưởng thức các món ăn như cơm lam, gà nướng, cà đắng trộn… do chính Biu chế biến. Du khách còn được mặc trang phục của dân tộc chúng tôi, hòa mình vào tiếng cồng, chiêng, và màn múa xoang vui nhộn… những điều đó làm cho họ thích thú”- NNƯT A Biu cho biết.
Nói về khu du lịch sinh thái của gia đình, nét mặt của nghệ nhân A Biu dường như tỏa sáng, ông vui vẻ kể những câu chuyện về sự thích thú của du khách khi đến với gia đình ông. Theo nghệ nhân, với việc làm du lịch cộng đồng, không chỉ lan tỏa những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mà còn góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình và các thành viên tham gia.
Chia sẻ về việc tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa trong thời gian tới, nghệ nhân A Biu cho biết: “là một người yêu văn hóa, tôi đã mất rất nhiều công sức trong việc sưu tầm, tìm tòi, nghiên cứu về cồng chiêng. Trong khi, các dân tộc nơi đây thường truyền lại kinh nghiệm không sử dụng giấy viết ghi chép lại mà bằng truyền khẩu. Vì vậy, A Biu đã từng bước truyền lại cho các con, cháu. Cháu của tôi, có những đứa bé mới có ba, bốn tuổi cũng đã biết đánh chiêng. Đến bây giờ, tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được việc có ích, đó là lan tỏa văn hóa của dân tộc Ba Na đến với người dân trong cộng đồng cũng như du khách trong nước và quốc tế”.
NGỌC BÍCH