Ẩm thực truyền thống dân tộc Giẻ - Triêng tỉnh Kon Tum

Mì trộn cà dại, thịt heo gác bếp, cá nướng lá chuối, gà nướng, ếch nướng ống, canh bột, thịt sóc nấu bột bắp, rượu ghè... là những món ăn được giới thiệu tại không gian ẩm thực Kon Tum trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023. Đó là những món ăn gắn liền với đời sống thường nhật của đồng bào Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, nghi thức quan trọng của thôn, làng.

Xã Đắk Dục nằm ở phía Bắc của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chủ yếu là đồng bào Triêng sinh sống, đây là một nhánh của dân tộc Giẻ - Triêng. Người Triêng luôn giữ gìn và phát huy các văn hóa truyền thống trong cộng đồng như: hát giao duyên, múa xoang, các lễ hội, dệt thổ cẩm, đan lát... Đến với ngày hội, du khách không chỉ được hòa mình trong lễ hội dân gian độc đáo với cồng chiêng, điệu xoang, cuốn hút trong giai điệu của các nhạc cụ truyền thống, mà còn được thưởng thức những món ăn dân dã đậm đà hương vị núi rừng.

Để góp phần làm nên vẻ đẹp truyền thống của dân tộc này, phải kể đến những món ăn truyền thống của người Triêng như: nấu, nướng, muối chua và thực phẩm chủ yếu là thịt sóc, dúi, chim, cá... Từ các nguyên liệu mang đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên như cá suối, thịt rừng, rau rừng, cơm lam... qua bàn tay khéo léo, công phu từ các nghệ nhân, các mâm cơm truyền thống hoàn thiện trong niềm vui và thích thú từ du khách. Các món ăn rất đa dạng, đậm đà bản sắc và mang hương vị riêng của dân tộc Triêng.

Các món ăn được chế biến bằng nhiều cách khác nhau nhưng chủ yếu là nấu bằng bếp củi, nướng bằng than rất được ưa chuộng. Vị thức ăn thơm ngon đặc trưng, tuy đơn sơ, dân dã nhưng đây là món ăn hằng ngày cũng như các dịp lễ hội của người Triêng, mang đậm hương vị khó quên.

Khi nhắc đến vùng đất Tây Nguyên, chúng ta đều nghĩ đến ngay ché rượu cần men lá, không thể thiếu trong các lễ hội của người Triêng. Nguyên liệu chủ yếu là nếp cẩm và men lá, được người Triêng tự làm và mỗi nhà có ít nhất từ 1 đến 2 ghè rượu để trong nhà, đến khi có khách hoặc ngày lễ đem ra uống.

Món cơm gói lá đót và cơm lam được nấu bằng nếp nương, nếp rẫy. Ngoài nếp trắng, còn được nấu bằng nếp cẩm vừa bổ dưỡng, vừa thơm. Đối với món cơm lam, trước khi nấu cơm lam, cần vo nếp qua 1-2 lượt nước sạch, để ráo. Ống lồ ô được chọn là ống cỡ nhỏ “vừa tuổi”, nếu ống non quá thì cơm lam sẽ bị đắng, nếu như ống già quá thì dễ nứt khi gặp nhiệt độ cao. Bỏ nếp vào ống và nướng trên than. Đối với cơm gói lá đót, loại lá dùng để gói phải là lá đót tươi, rửa sạch, để ráo, sau đó xếp chồng lên nhau cho khít. Nếp rẫy vo qua, ngâm cho mềm hạt; rải lên lá đót, gói lại hình ống tam giác nhỏ, buộc chặt và luộc trên bếp củi. Bánh nếp dẻo thơm mùi lá, hương vị khó quên. Chiếc bánh đẹp và ngon tùy vào tay người quấn lá và buộc dây để bánh không bị bung, bị hở.

Canh bột là món ăn không thể thiếu vào các dịp lễ hội, cưới hỏi của người Triêng. Nguyên liệu chính của món ăn này là gạo tẻ, xương thịt heo và bí đỏ, bí trắng, rau rừng. Gạo tẻ ngâm và giã bằng cối cho nhuyễn còn canh hầm xương thịt heo, thêm bí đỏ, bí trắng, rau rừng nấu nhừ sau đó mới đổ bột khuấy đều đến khi chín, cho lửa nhỏ để canh bột không bị khê.

Món ăn từ lá mì được giới thiệu tại Hội thi là món Lá mì chua nấu với thịt chồn khô. Với người dân Kon Tum, món ăn từ lá mì là món ăn thông dụng trong những bữa ăn gia đình của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong các dịp đãi khách quý và thậm chí cả trong dịp lễ hội lớn, nhỏ của cộng đồng. Theo kinh nghiệm của bà con các dân tộc thiểu số tại Kon Tum, lá mì ngon nhất là khi hái vào lúc sáng sớm, nên chọn hái những lá non gần ngọn, bỏ cuống, đem về rửa sạch rồi vò nát hoặc cho vào cối đá giã đều, vắt cho lá ra bớt nước xanh rồi bỏ vào nồi nấu. Lá mì được ủ chua, nấu với thịt chồn khô. Sau mỗi mùa thu hoạch lúa, những người đàn ông vào rừng săn bắt những con chồn mang về chế biến, phơi khô dùng dần trong các bữa ăn hằng ngày.

Mỗi khi săn được  heo rừng, dân làng không ăn hết mà thường để dành bằng cách xẻ những miếng thịt ngon, hong trên giàn bếp cho khô. Nhờ hơi lửa và khói bếp, thịt khô loại này mùi vị rất đặc trưng. Chỉ khi có khách hay lễ lạt, người nhà mới mang ra nướng để thết đãi. 

Trong mâm cơm giới thiệu tới du khách, đồng bào Triêng có 2 món ăn được nấu từ thịt lợn khô là thịt heo gác bếp chấm muối tiêu rừng và thịt heo gác bếp nấu cà đắng, củ kiệu, bột bắp. Nguyên liệu chủ yếu là heo đen và thịt heo đen làm sạch, ướp gia vị phơi trong giàn bếp và sau đó chấm muối sả tiêu rừng.

Món gà nướng (chấm muối, bí trắng băm) còn gọi là món láp, tuy đơn giản nhưng muốn ngon, người chế biến cần phải khéo léo nướng gà vừa chín tới, nạo bí trắng và thêm các gia vị chấm.

Món thịt sóc nấu bột bắp, chuối rừng: sóc làm sạch, phơi khô từ 3 đến 5 ngày. Khi sóc đã khô hẳn, mới dùng nước để nấu lại, cho thịt sóc mềm ra, chặt miếng, ướp gia vị. Ngoài tiêu rừng, gia vị chính của món thịt sóc còn có pu duông (riềng rừng). Bà con không dùng củ, mà chỉ lấy ruột non trong thân cây.

Bên cạnh đó, trong mâm cơm của người Triêng còn có những món ăn: ếch nướng ống, cá tươi nướng lá chuối, cá nấu rau dớn, lá mì tươi trộn cà dại…

Không gian lễ, hội, hay các sự kiện của cộng đồng, gia đình của đồng bào Triêng không thể thiếu các món ăn đơn sơ, dân dã mà đậm đà, khó quên. Ẩm thực truyền thống cũng làm thành một nét riêng, để lại ấn tượng trong lòng du khách thập phương có dịp thưởng thức, góp phần làm nên nét đẹp văn hóa của dân tộc Giẻ - Triêng vùng Bắc Tây Nguyên.

HỒNG VÂN - Ảnh: TUẤN MINH

;