Kinh nghiệm từ phong trào Đờn ca tài tử ở An Minh

Không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, việc phát triển, nhân rộng các câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử trong huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã và đang phát huy hiệu quả trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang cho biết: Câu lạc bộ Ban Chủ nhiệm Đờn ca tài tử huyện An Minh vinh dự được chọn báo cáo tham luận tại Đại hội Đai biểu nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là huyện có phong trào hoạt động hiệu quả, lan tỏa rộng và thu hút đông người tham gia trong tỉnh Kiên Giang.

Theo báo cáo của CLB Ban Chủ nhiệm Đờn ca tài tử huyện An Minh, hiện 11/11 xã, thị trấn nơi đây đã thành lập được CLB Đờn ca tài tử, trong đó 1 CLB Ban Chủ nhiệm Đờn ca tài tử huyện gồm các thành viên là Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm của 11 CLB Đờn ca tài tử xã, thị trấn tham gia. Tổng số thành viên 11 CLB Đờn ca tài tử xã, thị trấn là 205 thành viên.

Để triển khai có hiệu quả việc gìn giữ bảo tồn và phát triển loại hình Đờn ca tài tử ở cơ sở, CLB Ban Chủ nhiệm Đờn ca tài tử huyện An Minh đã đề xuất hai nhiệm vụ trọng tâm. Đối với cấp quản lý là Phòng Văn hóa và Thông tin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện An Minh, phải có sự tác động mạnh đến UBND các xã, thị trấn, cam kết thực hiện thành lập mỗi xã có từ 1 CLB Đờn ca tài tử trở lên để làm cơ sở chấm điểm văn hóa văn nghệ cuối năm các xã, thị trấn. Về phía CLB Ban Chủ nhiệm huyện thường xuyên theo dõi, giúp đỡ các CLB gặp khó khăn, tổ chức tổng kết cuối năm, đề nghị biểu dương, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào Đờn ca tài tử. Mỗi năm có kế hoạch hoạt động riêng triển khai từ đầu năm và bốc thăm chọn kỳ sinh hoạt trong năm cho các xã, thị trấn. Sau đó gửi về UBND xã, thị trấn để có kế hoạch chủ động tổ chức sinh hoạt. Mỗi năm,  CLB Ban Chủ nhiệm huyện tổ chức 12 kỳ sinh hoạt, có mời lãnh đạo CLB Ban Chủ nhiệm Đờn ca tài tử tỉnh và Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện đến dự và chỉ đạo. Từ khi thành lập các CLB xã, thị trấn đã có gần 70 buổi sinh hoạt Ban chủ nhiệm huyện đến dự chia sẻ kinh nghiệm. Ban Chủ nhiệm huyện bố trí thời gian sinh hoạt hợp lý, thường vào thứ bảy từ 15 giờ đến 19 giờ là kết thúc, không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống riêng tư của thành viên. Hiện nay, lực lượng tài tử ca, tài tử đờn của CLB huyện An Minh rất phong phú, tham gia được tất cả các chương trình ở đủ mọi cấp. Huyện có 1 Nghệ nhân Ưu tú được được truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú Trần Minh Mãi (Tư Mãi). Về khó khăn chuyên môn mà CLB nhận thấy đó là các thành viên tự học hỏi lẫn nhau, chưa qua lớp đào tạo kỹ năng cơ bản hoặc chuyên sâu về Đờn ca tài tử.

Buổi sinh hoạt của CLB Ban Chủ nhiệm Đờn ca tài tử huyện An Minh tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện

 

Kết quả hoạt động giai đoạn 2019-2022 của CLB Ban chủ nhiệm Đờn ca tài tử huyện An Minh: đã tổ chức được 31/36 cuộc sinh hoạt xoay vòng CLB Ban Chủ nhiệm huyện (có 5 kỳ không sinh hoạt được do dịch bệnh COVID-19 năm 2021), 3 cuộc du lịch sinh hoạt dã ngoại ở tỉnh Cà Mau, huyện U Minh Thượng, huyện U Minh Hạ (Cà Mau), tổ chức 9 cuộc giao lưu với huyện bạn gồm: Rạch Giá, An Biên, U Minh Thượng, U Minh Hạ. Tham gia 2 hội thi cấp tỉnh 2019 - 2020; kết quả đạt 1 giải C, 1giải A toàn đoàn và hơn 200 cuộc sinh hoạt cấp xã, thị trấn. Đài Phát thanh huyện thu phát 5 cuộc, Đài PTTH tỉnh Kiên Giang phát sóng 2 kỳ giới thiệu mô hình sinh hoạt của CLB huyện An Minh.

Về kinh phí hoạt động của các CLB: ngoài phần thu phí hội viên đóng góp, ủng hộ của các ban ngành thì phát huy tinh thần xã hội hóa. Kết quả hoạt động giai đoạn 2019 - 2022 của CLB Ban Chủ nhiệm Đờn ca tài tử huyện An Minh với tổng kinh phí tương đương 341 triệu đồng (Trong đó hỗ trợ từ Trung tâm Văn hóa huyện là 27 triệu đồng, UBND các xã, thị trấn 13 triệu đồng còn lại là 301 triệu đồng là nguồn đóng góp từ các thành viên CLB). Nhạc công sinh hoạt không đóng góp bằng tiền mà bằng hình thức đờn trong các buổi sinh hoạt. Còn tài tử ca mỗi đợt sinh hoạt đóng góp 100 ngàn đồng, tham gia sinh hoạt cả vợ lẫn chồng cũng chỉ đóng 100 ngàn đồng. Hiện nay, CLB huyện An Minh có khoảng 20 cặp vợ chồng cùng đồng hành sinh hoạt. Đây cũng là yếu tố vô cùng thuận lợi để duy trì sinh hoạt đều.

Kinh nghiệm từ phong trào Đờn ca tài tử huyện An Minh cho thấy, công tác tổ chức luôn phải được ưu tiên hàng đầu từ huyện đến cơ sở, tạo thành cánh tay nối dài. Người điều hành, tổ chức phải truyền cho bằng được ngọn lửa đam mê đến từng thành viên. Như vậy người Chủ nhiệm CLB phải chuẩn mực, nói đi đôi với làm, thực hiện bằng cái tâm, không vụ lợi. Tiêu chí khi chọn thành viên CLB Ban Chủ nhiệm từ huyện đến cơ sở đảm bảo phải có chuyên môn, có lòng đam mê, nhiệt huyết, có quỹ thời gian...

Anh Nguyễn Trí Nhân, Chủ nhiệm CLB Ban Chủ nhiệm Đờn ca tài tử huyện An Minh chia sẻ: thuận lợi của CLB là được sự quan tâm của CLB Ban Chủ nhiệm Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và truyền thanh huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, phải kể đến truyền thống yêu nghệ thuật Đờn ca tài tử của người dân “Vùng Miệt Thứ” qua các thời kỳ, từ trong chiến tranh bom đạn và thời kỳ đổi mới. Cho nên phong trào Đờn ca tài tử đã thấm vào máu của người dân An Minh.

 

THẾ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

;