Hanoi Art Connecting 2023: Nơi kết nối những trái tim yêu nghệ thuật trên thế giới

Trải qua 5 mùa tổ chức thành công, Hanoi Art Connecting trở lại với mùa thứ 6, quy tụ các nghệ sĩ đến từ gần 30 quốc gia tụ hội tại Hà Nội. Họ đến đây với những trái tim nhiệt huyết dành cho nghệ thuật, và gửi gắm những thông điệp nhân văn, ý nghĩa qua từng tác phẩm.

Hơn 150 bàn tay điêu luyện 

Hanoi Art Connecting là hoạt động do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Asia Art Link phối hợp với Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội đồng tổ chức từ ngày 24 đến 30 tháng 10. Năm nay, sự kiện quy tụ các nghệ sĩ tên tuổi như: Lê Huy Tiếp, Phan Cẩm Thượng, Vũ Đình Tuấn, Công Kim Hoa, Trịnh Minh Tiến (Việt Nam); Kamol Tassananchalee (Thái Lan); Fil Dela Cruz (Philippines); Edi Sunaryo (Indonesia); Carolyn Muskat, Don McKinney (Mỹ)... Nhiều nghệ sĩ là giáo sư, giảng viên tại các trường đại học đào tạo mỹ thuật có tiếng trên thế giới.

 Tác phẩm in độc bản của họa sĩ Lê Huy Tiếp

Với mong muốn xây dựng môi trường kết nối giữa các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, sự kiện năm nay đã thu hút được sự tham gia của 156 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và 27 quốc gia khác trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực trong nghệ thuật như: hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt. Đây cũng là dịp quý báu để các nghệ sĩ, khán giả yêu nghệ thuật cùng sinh viên các trường đào tạo kiến trúc, mỹ thuật và thiết kế giao lưu, trao đổi kiến thức. Điểm đặc biệt là chương trình luôn chú trọng vào việc phát hiện, thúc đẩy các nhân tố nghệ thuật trẻ, giàu sáng tạo, tạo điều kiện kết nối giữa thế hệ mới và lớp nghệ sĩ gạo cội đi trước, và cũng là giao thoa giữa sự biến thiên của tương lai và tinh hoa của quá khứ.

Đem đến những xúc cảm khác nhau 

Xuất phát điểm cho chuyến hành trình kết nối có thể kể từ tác phẩm của điêu khắc gia Nguyễn Thăng Long, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp HN. Nếu tại Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc vừa qua, Nguyễn Thăng Long mang đến các tác phẩm điêu khắc gốm với kỹ thuật bắt con trạch, thì tại sự kiện lần nay, ngôn ngữ biểu đạt trên bề mặt gốm của anh có vẻ ít phức tạp hơn. Dường như dụng ý của anh muốn người xem tập trung nhiều hơn vào cấu trúc gồm 6 modun xếp chồng lên nhau. Đây là một kết cấu tương đối khó thực hiện, đòi hỏi nghệ sĩ phải khéo léo để giữ cho 6 khối hình thăng bằng, không bị đổ. Con số 6 gợi ta liên tưởng đến 6 mùa mà Hanoi Art Connecting đã đi qua với nhiều thành công và nhiều kỷ niệm khó phai. Nhằm tạo thêm điểm nhấn cho tác phẩm, trên bề mặt gốm, anh còn lưu lại những dấu vết của công việc làm gốm như nặn, nạo, vồ, đập. Vì thế, bề mặt tác phẩm có phần thô ráp, sần sùi. 

 Sinh viên ngành Mỹ thuật tham quan không gian sáng tác của các nghệ sĩ tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Từ thô ráp, sần sùi cho đến chai sạn, đó là những gì người phụ nữ Việt Nam phải trải qua trên hành trình cuộc đời, từ khi còn trẻ, rồi khi làm mẹ, cho đến lúc về già. Người phụ nữ, mà cụ thể hơn là người mẹ của mình, chính là cảm hứng cho tác phẩm tại sự kiện lần này của họa sĩ Lê Huy Tiếp. Tác phẩm là bản in độc bản từ ngực của một người phụ nữ ở độ tuổi ngoài 50. Qua đây, ông muốn ca ngợi tình yêu thương bao la, đức hi sinh cao cả của những người phụ nữ đã tần tảo một đời vì con cái, gia đình. Tác phẩm đem đến triển lãm lần này nằm trong dự án do họa sĩ khởi xướng nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú. Sau một năm phát động trên mạng xã hội, ông đã nhận về rất nhiều lượt tham gia từ những người phụ nữ ở mọi lứa tuổi từ thanh niên cho đến khi đã về già, mọi tình trạng sức khỏe. Tất cả những người phụ nữ ấy đến với ông trên tinh thần tự nguyện, tích cực sẻ chia, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa. 

Tiếp nối mạch cảm xúc dung dị và đời thường đó là tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Lê Văn Thư. Là một người có nhiều chuyến đi tới nhiều miền quê trên đất nước Việt Nam, trên hành trình sáng tác nghệ thuật của mình, chàng họa sĩ trẻ đã dành nhiều tâm huyết, công sức để khắc họa lại những khung cảnh nên thơ và bình yên mà anh đã đi qua. Đến với sự kiện lần này, anh đưa người xem khám phá miền núi phía Bắc, nơi có những mái nhà trình tường mộc mạc, chân chất. Và ở nơi không có nhịp sống hiện đại đó, còn có hình ảnh người con đứng bên cửa nhà, ngóng chờ mẹ đi làm nương về. Thưởng thức tranh của anh, người xem như được hòa mình vào không gian đầy nên thơ, trữ tình và tìm thấy cho mình cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, tránh xa những ồn ào, tấp nập nơi thị thành. Ở thế giới ngoài kia với nhiều biến động qua từng ngày, thì có một Việt Nam trong tranh của Lê Văn Thư yên bình đến bất ngờ. 

Sarath Perera, Tìm kiếm tự do, acrylic trên vải

Vốn là một nghệ sĩ nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc, trong đó có nhiều tác phẩm đã được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo (tỉnh Vĩnh Phúc), điêu khắc gia Mukai Katsumi (Nhật Bản) lần này lại tìm thấy những cảm xúc mới trong lĩnh vực hội họa. Không tìm về nếp nhà bình yên như Lê Văn Thư, Katsumi nhìn Việt Nam bằng đôi mắt đầy trừu tượng, từ đó, khắc họa thiên nhiên đất nước này thật sinh động và hùng vỹ. 

Tác phẩm của điêu khắc gia Nguyễn Thăng Long

Trong hơn một năm với nhiều căng thăng leo thang ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới, nghệ sĩ người Australia, Geoge Burchett đã tạo ra tác phẩm hội họa kết hợp với nghệ thuật sắp đặt mang tên “Make art not war” (tạm dịch: Tạo ra nghệ thuật, không phải tạo ra chiến tranh). Tác phẩm hội họa giống như sự mô tả chi tiết hình ảnh những người dân ở các quốc gia đang hứng chịu những tàn phá do chiến tranh đang vật lộn từng ngày với những đau thương, mất mát, cơ cực, hay dường như họ đang vật lộn trong cuộc tranh giành sự sống với những người dân ở các quốc gia phía bên kia chiến tuyến, mà vốn dĩ họ cũng không mong muốn điều đó. Ở giữa 2 tác phẩm là hình ảnh một người gỗ với dòng chữ ghi tiêu đề của tác phẩm. Trong những xao động mà các cuộc chiến tranh gây nên, hơn bao giờ hết, con người khao khát được cất lên tiếng nói hòa bình. Dù may mắn hơn khi được sống ở một quốc gia không tiếng súng, tiếng bom, nhưng đều sống trên cùng một hành tinh, tác giả cũng phải chịu những ảnh hưởng nhất định do xung đột giữa các quốc gia gây nên. Burchett đang muốn dùng nghệ thuật để góp một tiếng nói, một lời kêu gọi hòa giải xung đột giữa các bên cùng với những con người đang hàng ngày phải hứng chịu những hậu quả do súng đạn gây nên. Thông điệp về một thế giới hòa bình được cất lên từ Hà Nội, thành phố vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” càng có sức lay động tới công chúng hơn, và trước tiên là hướng tới những người yêu nghệ thuật.  

Lê Văn Thư, Bản Hà Nhì, sơn dầu

Đứng trước một thế giới bị xáo trộn như vậy, con người trong tác phẩm của nghệ sĩ Lê Phi Hùng lựa chọn sự giải thoát, tránh xa khỏi những thứ khiến cho con người ta cảm thấy phiền não. Chất liệu được anh sử dụng là giấy bồi. Từ đó khiến cho nhân vật trong tác phẩm của anh có cảm giác nhẹ nhàng hơn. Sự giải thoát trong tác phẩm của Lê Phi Hùng không phải là đi đến sự kết thúc đầy tiêu cực, bi quan, mà sự giải thoát ấy ấp ủ những hạt mần hi vọng, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. 

... Nhưng đều có sự kết nối bằng tình yêu nghệ thuật 

Tại buổi triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, mỗi mùa Hannoi Art Connecting đều phát hiện ra gương mặt mới cho nền mỹ thuật đương đại. Qua 6 mùa nối tiếp nhau, có thể thấy, tư duy sáng tác của các nghệ sĩ bây giờ khác với những thập niên trước. Và mỗi nghệ sĩ đều thể hiện những ngữ điệu riêng trong văn hóa, xã hội của quốc gia mình. Có những người được sống trong một xã hội thái bình, song cũng có những người không may mắn phải sống trong xã hội với nhiều biến động, từ đó, tâm thế của họ nhìn cuộc đời, sự cảm thụ mỹ thuật cũng khác nhau. Có những tiếng lòng không thể cất nên thành lời, họ đã mượn nghệ thuật để biểu đạt cho công chúng hiểu được điều đó. Tất cả điều đó cho ta thấy bức tranh toàn cảnh của mỹ thuật thế giới ngày nay, đặc biệt trong khu vực châu Á, Đông Nam Á và châu Á, có những sắc màu tươi vui và có cả những sắc màu u buồn. 

Có được ngôn ngữ thể hiện đa dạng như vậy là bởi Hannoi Art Connecting 2023 không bó buộc nghệ sĩ trong khuôn khổ một chủ đề nhất định. Mỗi người đều có thể thỏa sức sáng tạo nên các tác phẩm theo cảm hứng của mình. Dẫu là mỗi nghệ sĩ đem đến sự kiện một đề tài khác nhau, nhưng tựu chung lại, giữa họ có sự kết nối về tình yêu đối với nghệ thuật, và nguồn năng lượng dồi dào trong sáng tạo nghệ thuật.

Các nghệ sĩ trong nước và quốc tế của Hanoi Art Connecting đang miệt mài sáng tác

Trong những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ quốc tế lựa chọn Việt Nam, mà nổi bật lên là thành phố Hà Nội làm điểm dừng chân cho hành trình sáng tác nghệ thuật của mình. Đặc biệt là qua thành công của Hanoi Art Connecting đã góp phần khẳng định vị thế của Hà Nội không chỉ là trung tâm sáng tạo của cả nước, mà còn là điểm đến lý tưởng cho các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới.

NAM PHONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023

;