Tận dụng số hóa để phát triển

Với độ mở lớn, ngành điện ảnh Việt Nam đang tích cực chuyển mình để thích ứng với những thay đổi không ngừng của điện ảnh khu vực và thế giới.

Cảnh trong phim Cậu vàng

Những điểm mới trong Luật Điện ảnh năm 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cho thấy sự phát triển nhanh chóng của điện ảnh trong sự phát triển của kinh tế, xã hội. Đặc biệt là sự bùng nổ của Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ tới đời sống thưởng thức điện ảnh. Những người làm điện ảnh luôn đứng trước cơ hội làm mới mình, bởi điện ảnh là một ngành nghệ thuật được sinh ra và phát triển cùng với các bước tiến của công nghệ.

Đối với lĩnh vực điện ảnh, sự ra đời và phổ cập tới người dùng các thiết bị thông minh, máy tính, smart phone, smart TV… giúp người xem tiếp cận nhanh với điện ảnh, rút ngắn khoảng cách tiếp cận những tác phẩm điện ảnh từ trong quá khứ tới hiện tại. Việc chuyển đổi số trong cách tiếp cận người xem đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với ngành Điện ảnh Việt Nam.

Sự thay đổi về xu hướng hưởng thụ điện ảnh cũng khiến nhiều nhà sản xuất lớn không còn cách nào khác là phải tìm tới các nền tảng phát hành và phổ biến phim trực tuyến như một cứu cánh cho đầu ra của các bộ phim, trong đó bao gồm cả những phim bom tấn.

Cảnh trong phim Điên tối

Cùng với sự trợ giúp nổi bật của công nghệ 4.0 trên các nền tảng trực tuyến, các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách. Xem phim trên nền tảng số, khán giả có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với hàng trăm, hàng nghìn sự lựa chọn phong phú trong các kho phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột đã có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà hay tới bất cứ đâu với chi phí thấp hơn nhiều so với việc ra rạp.

Không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghiệp điện ảnh toàn cầu, điện ảnh Việt Nam tích cực xây dựng, phát triển các nền tảng chiếu phim trên không gian mạng. Chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên Internet kết hợp với các nền tảng phát triển điện ảnh, gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh.

Ngoài việc đẩy mạnh quá trình sản xuất, phát hành, quảng bá … sử dụng các ưu việt của kỹ thuật số, nền tảng số thì việc xây dựng một nền tảng số chính thức của Nhà nước trong phát hành và phổ biến phim trực tuyến cũng sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng, giới thiệu văn hóa đất nước, con người Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh có giá trị về nội dung và tư tưởng. Đặc biệt việc số hóa sẽ giúp nhiều bộ phim Việt Nam trước đây có cơ hội đến với lớp khán giả trẻ, khán giả mới. Vì thế, việc chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên internet kết hợp với các nền tảng, chương trình phổ biến, phát triển điện ảnh cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nền Điện ảnh Việt Nam. Trong công cuộc số hóa điện ảnh, việc xây dựng và phát triển Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ góp phần quan trọng đưa đến khán giả những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật bằng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh trên nền tảng trực tuyến ngày càng phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0. 

Cảnh trong phim Song song

Việc số hóa không chỉ giúp lưu trữ, bảo tồn và quảng bá các hình ảnh mà điện ảnh vốn gắn chặt với công nghệ cũng sử dụng nhiều ứng dụng, các giải pháp công nghệ về âm thanh, tiếng động trong quá trình sản xuất các sản phẩm điện ảnh. Trong giai đoạn công nghệ số bùng nổ, các công nghệ số không chỉ hỗ trợ cho quá trình sản xuất âm thanh, hình ảnh mà tham gia vào hầu hết các khâu của quá trình sản xuất mỗi tác phẩm điện ảnh: từ xây dựng kịch bản, sản xuất nội dung, hoàn thiện tác phẩm, quảng bá, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, phát hành, phân phối, lưu trữ... Các kênh số (truyền hình số, internet...) cũng đang là một phương thức ngày càng trở nên phổ biến trong cách khán giả thưởng thức các tác phẩm điện ảnh, bên cạnh phương thức truyền thống là các rạp chiếu phim.

Ở một góc độ khác, môi trường số, mà đặc biệt là mạng Internet cung cấp nhiều dữ liệu giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thể nắm bắt được dư luận, các phản hồi của xã hội về các tác phẩm điện ảnh, các vấn đề văn hóa, xã hội được nêu trong các tác phẩm điện ảnh. Các dữ liệu đó, nếu được thu thập đầy đủ, được phân tích tốt sẽ giúp các cơ quan quản lý đưa ra các chính sách phù hợp, góp phần định hướng nền điện ảnh, xây dựng một xã hội số tốt đẹp.

Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, việc chuyển đổi số trong điện ảnh là cần thiết. Ngoài tác phẩm điện ảnh và các tư liệu hình ảnh thì còn có các tài liệu (văn bản, hồ sơ) liên quan đến chúng, bao gồm các thông tin như lý lịch phim, thời hạn phát hành, phổ biến phim, tình trạng kỹ thuật, bản quyền sử dụng, nơi lưu trữ, các ràng buộc về pháp luật có liên quan đến việc hợp tác, sản xuất, mua, bán, trao đổi, quyền sở hữu, quyền tác giả…vv… cũng cần đồng bộ số hóa.

 Cảnh trong phim Tiệc trăng máu

Trong thời gian tới, ngoài việc tăng số lượng phim được sản xuất, phát hành bằng các nguồn lực xã hội thì việc phát triển các nền tảng xem trực tuyến, song song với phim chiếu rạp cũng cần được đẩy mạnh. Cùng với những bộ phim mới, công cuộc chuyển các tác phẩm điện ảnh hoặc tư liệu hình ảnh động thành tín hiệu số cần hoàn thiện và đẩy nhanh về tiến độ. Tiếp đó là chuyển các dữ liệu thông tin về các tác phẩm và tư liệu hình ảnh động thành tín hiệu số tạo nền tảng lưu trữ, quảng bá và phổ biến được thuận lợi. Việc chuyển lên môi trường số sẽ tạo nhiều cơ hội, những nền tảng dữ liệu lớn (Big data) để các bộ phim sống mãi với thời gian và góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của nền điện ảnh dân tộc. Đặc biệt là những thước phim đồng hành cùng lịch sử đất nước, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên môi trường mạng, hòa nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời góp phần ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa trong một thế giới phẳng.

Để kho phim Việt phát huy giá trị, có thể khẳng định hình thức phát hành, phổ biến phim trực tuyến là một trong những cơ hội để điện ảnh Việt Nam thực hiện được những mục tiêu với nhiều ý nghĩa: Thông qua hoạt động quảng bá những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, có giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật sống mãi với thời gian. Nhà nước khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển của điện ảnh trong bối cảnh bùng nổ của các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, thể hiện sự phát triển và xu thế xã hội hóa mạnh mẽ trong điện ảnh. Về lâu dài có thể gia tăng nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất, phục vụ đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Cảnh trong phim Ròm

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, việc số hóa tất cả các công đoạn từ sản xuất, phát hành, quảng bá, lưu trữ… đều là nhiệm vụ hàng đầu của ngành khi thị trường điện ảnh Việt Nam luôn được đánh giá có mức tăng trưởng tích cực, với nguồn khán giả trẻ đông đảo, cũng là những người dùng công nghệ 4.0 áp đảo trong việc hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh. Biết tận dụng công nghệ, chủ động biến công nghệ phục vụ, tối ưu hóa các chu trình, điện ảnh Việt đang có nhiều cơ hội kéo gần khoảng cách với khu vực và thế giới.

HỮU BẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023

;