Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số: Độc đáo văn hóa dân tộc Pà Thẻn

Trong các ngày từ 3-5/11/2023, tại thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) đã diễn ra Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I – Tuần văn hóa, du lịch Lai Châu 2023 với chủ đề “bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người”

Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I - Ảnh: Tuấn Minh

"Dân tộc thiểu số " và "Dân tộc ít người" 

Một thời gian dài, nhiều người trong chúng ta có quan niệm: “dân tộc thiểu số” là “dân tộc ít người”. Cách nhìn nhận, quan niệm như vậy là không chính xác. Bởi trong số 54 dân tộc cùng sinh sống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trừ người Kinh (người Việt) có số dân lúc nào cũng chiếm tỷ lệ 85-86% (kết quả Tổng điều tra Dân số năm 2019: hơn 82 triệu người, chiếm 85,3%) thì 53 dân tộc còn lại đương nhiên là dân tộc thiểu số… song trong 53 dân tộc này, không phải dân tộc nào cũng ít người. Nói cách khác, họ chỉ thiểu số so với người Kinh chứ không hề ít người - như 6 dân tộc có số dân trên 1 triệu người gồm: Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer, Nùng (trong số này, dân tộc Tày đông nhất với 1,85 triệu người); còn dân tộc ít người là những dân tộc có số dân ít, tùy theo quan niệm của mỗi quốc gia nhưng thường là những dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Đặc sắc nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang 

Dân tộc Pà Thẻn có tiếng nói thuộc ngữ hệ Mông - Dao. Tại Tuyên Quang, đồng bào cư trú chủ yếu ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình) và 2 thôn Khuổi Hóp - Nà Luông, xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa) với khoảng 1.000 nhân khẩu. Tuy dân số ít nhưng người Pà Thẻn có một lịch sử lâu đời và nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Tham dự Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I ở Lai Châu, bà con đã giới thiệu nghi lễ Nhảy lửa vô cùng đặc sắc qua phần thực hiện của thầy cúng Phù Văn Thành cùng tốp nghệ nhân thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình.

Một góc không gian văn hóa Pà Thẻn tại Ngày hội - Ảnh: Thanh Hà

Nghi lễ Nhảy lửa là minh chứng cho ước mơ và phần nào hiện thực hóa ước mơ về sức mạnh của con người chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Đồng thời, nó có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác. Hằng năm, khi mọi công việc đồng áng đã xong xuôi, người Pà Thẻn lại tổ chức Nhảy lửa để mừng mùa màng bội thu và mong cho mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an. Đối với người Pà Thẻn, thần lửa là vị thần tối cao và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ. 

Lễ Nhảy lửa thường được bắt đầu vào khoảng từ 19h00. Mở đầu, thầy cúng Phù Văn Thành (sinh năm 1961) thắp nến và bày các lễ vật (1 con lợn luộc nhỏ, rượu, giấy cúng, đèn, hương) lên mâm trước khi thắp 3 nén hương cắm vào bát trên bàn, thêm ba nén hương nữa cắm dưới đất (cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi). Sau đó, thầy ngồi vào ghế cúng, tay cầm que tre gõ vào đàn pàn dơ vừa lắc vòng, thân người bật lên theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng đầu tiên nêu lý do tổ chức lễ hội nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn. Nội dung của bài cúng: “Tháng 10, ngày 16 sư thầy Pốc huơ so tờ Pong, tôi gọi các thần, thần phải thưa, tôi gọi sư thầy và quân binh phải đến”. Cứ thế, thầy gọi hết tên 28 ông sư thầy về đầy đủ. Thầy lại nói: “Hôm nay, triệu tập các sư thầy và quan binh về đây, không phải vì lý do lễ tết hay ma chay mà vì các học trò và muôn dân muốn được thưởng thức một lễ hội cầu lửa, để xua đi tà ma, đem lại niềm vui cho mọi người, đem lại ấm no cho mọi nhà”. Khi được các thần đồng ý (trong quan niệm dân gian), thầy cúng sai các học trò bắt đầu châm lửa vào đống củi. Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng tay gõ đàn pàn dơ và lắc pà sán tầu liên tục, miệng đọc các bài cúng. 

Nhảy lửa - Ảnh: Tuấn Minh

Nội dung bài cúng là mở đường lên trời để tìm các vị thần ở trên trời về nhập vào các chàng thanh niên đã ngồi chờ. Khi cúng, đầu ông thầy lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn pàn dơ, nhạc lắc pà sán tầu bên tay trái thầy cũng rung lên từng nhịp, tạo âm thanh náo động, dồn dập. Người ta cho rằng, lúc này ông thầy đang xuất hồn đi chu du ở thế giới bên kia để tìm các vị thần. Thế giới bên kia là thế giới vô hình, chỉ nhờ có ma “âm binh” phù trợ thầy cúng mới nhìn thấy và đi đúng vào con đường mà các “pạ quơ” nam đang trú ngụ. Qua bài cúng và nhạc điệu các nhạc cụ trong tay thầy, người Pà Thẻn cho rằng con đường đi tìm thần về nhảy lửa của thầy cũng lắm gian lao, vất vả, có khi phải đi qua cả hang quỷ rất nguy hiểm… Do vậy, thầy cúng phải là người cao tay, có nhiều phép thuật và quân binh.

Sau tiếng nhạc nổi lên cùng với lời gọi của thầy cúng khoảng 20 - 30 phút, cơ thể từng chàng trai tham gia lễ Nhảy lửa bắt đầu rung lên, ánh mắt họ tự nhiên khác lạ, đầu thì lắc đi lắc lại… Tất cả nói rằng, các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào mình (kiểu trạng thái “lên đồng” ở người Kinh). Anh Sìn Văn Toàn (sinh năm 1984), người từng tham gia hơn 100 lễ Nhảy lửa trong 10 năm trở lại đây cho biết: toàn thân anh lúc đó thấy lạnh toát, có nhu cầu tìm đến chỗ ấm nóng và đống lửa kia có cảm giác cũng trở nên nhỏ bé. Cứ thế, anh Toàn cùng các thanh niên Pà Thẻn lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy. Khi người này nhảy xong, lao từ trong đống than hồng ra thì lại có một người khác nhảy vào tiếp nối. Cũng có khi hai, ba người cùng nhảy một lúc. 

Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò và cổ vũ của những người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than. Trong lúc đó, thầy cúng Phù Văn Thành vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng, thầy cúng cũng như hòa vào nhịp nhẩy của các học trò, toàn thân của thầy rung lên bần bật trên ghế. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban tiếp sức mạnh cho đợt nhảy mới và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ họ lại thay nhau lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng.

Phần nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng cho đến khi lửa tàn. Khi lửa đã tàn, than đã nguội, thầy cúng tiếp tục gõ pàn dơ, khấn cúng tiễn thần thánh trở về trời và khấn xin các thần, thánh không nhập vào những người nhảy lửa nữa, để họ trở lại trạng thái bình thường. Lúc này, các học trò của thầy Phù Văn Thành mới dần tỉnh táo lại. Điều kỳ lạ là họ không thấy đau và cũng không hề bị bỏng. Anh Sìn Văn Toàn đã cho người viết bài này xem cả 2 lòng bàn chân đầy vết chai sạn và lem nhem của than bụi sau hơn 100 lần nhảy lửa trong suốt 10 năm để chứng thực điều đó! Lễ nhảy lửa kết thúc, thầy Phù Văn Thành đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

Thời khắc thầy cúng Phù Văn Thành cùng các thanh niên Pà Thẻn làm lễ - Ảnh: Tuấn Minh

Có thể nói, lễ Nhảy lửa là nguồn tư liệu sống quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang nói riêng và của người Pà Thẻn nói chung. So với các nghi lễ khác tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại Lai Châu thường phải cách điệu, ước lệ nhiều công đoạn để phù hợp với không gian sân khấu thì lễ Nhảy lửa đã được tái hiện nguyên vẹn từ thời gian (19h), không gian (bãi đất trống) đến đồ lễ và các bước cầu cúng.

Chính vì những giá trị, ý nghĩa trên đây mà ngày 1/6/2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký quyết định ghi danh lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản… Từ đó gắn kết con người với cộng đồng, môi trường sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển một sản phẩm du lịch độc đáo.

 …Và không chỉ nghi lễ nhảy lửa 

Ngoài lễ Nhảy lửa, người Pà Thẻn còn có một nền văn hóa rất phong phú, đa dạng. Về văn hóa phi vật thể, ở góc độ ngôn ngữ, người Pà Thẻn có tiếng nói riêng thông qua hình thức truyền khẩu, giao tiếp, các làn điệu dân ca... Đương nhiên, việc sử dụng và duy trì ngôn ngữ của người Pà Thẻn đang có nguy cơ mai một do sự tiếp biến văn hóa, tình trạng kết hôn không cùng dân tộc, con cái đi làm ăn xa, không có môi trường để thường xuyên giao tiếp tiếng mẹ đẻ. 

Cũng như các dân tộc khác, người Pà Thẻn có một kho tàng văn học dân gian của mình gồm truyện kể dân gian, ca dao, tục ngữ, các thể loại dân ca dân vũ, nghệ thuật tạo hình, phong tục tập quán… được truyền từ đời này sang đời khác qua sinh hoạt, lao động sản xuất, nuôi dạy con cái... 

Với đời sống tôn giáo tín ngưỡng, hiện các nghi lễ tín ngưỡng gắn với phong tục tập quán của người Pà Thẻn đang được phục hồi, có sự giao thoa với các dân tộc khác trong vùng, thể hiện qua việc các thầy cúng là người dân tộc Pà Thẻn thực hiện các nghi lễ cúng cho các dân tộc khác và bên cạnh lễ Nhảy lửa thì người Pà Thẻn còn có lễ hội Kéo chày, thường được đồng bào tổ chức cùng với lễ hội Nhảy lửa. Ngày nay, lễ Kéo chày thỉnh thoảng vẫn được dân tộc Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tổ chức cùng với lễ hội Nhảy lửa. 

Một tiết mục văn nghệ mang bản sắc Pà Thẻn - Ảnh: Tuấn Minh

Người Pà Thẻn hiện vẫn duy trì gia đình theo chế độ phụ quyền nhưng sự bình đẳng của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Khi người phụ nữ mang thai và sinh nở cũng có những kiêng kỵ bắt buộc để “mẹ tròn con vuông”, đứa trẻ được che chở, phù hộ sao cho khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Nghi lễ vòng đời người còn có đám cưới, đám ma… Điều đáng nói là một số nghi lễ đám ma của người Pà Thẻn tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình khác với nghi lễ đám ma của… chính người Pà Thẻn tại xã Linh Phú, huyện Chiêm Hoá.

Về văn hóa vật thể, nhà ở truyền thống của người Pà Thẻn rất đơn giản, là nhà đất, cột kê đá tảng, xung quanh có bức vách bằng gỗ hoặc trát đất, giống nhà ở của người Kinh ngày trước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà ở của người Pà Thẻn đã có sự thay đổi: đồng bào chuyển sang làm nhà sàn theo kiểu người Tày hoặc nhà xây theo kiểu người Kinh - rõ nhất là ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa.

Ngoài nhà ở, trước đây xuất phát từ cuộc sống tự cung tự cấp, đồng bào tự chế tác công cụ lao động, sản xuất, đồ gia dụng là nguyên liệu sẵn có như tre, nứa, giang, mây, cây rừng... để làm ra các nhu yếu phẩm (mâm, đũa, báng nước, cối giã gạo, cày, bừa, rổ, rá...). Ngày nay, nhờ hội nhập và giao lưu kinh tế giữa các vùng miền, phần lớn dụng cụ, phương tiện sản xuất, đồ dùng sinh hoạt đã được thay thế bằng những sản phẩm có năng suất, hiệu quả, tiện dụng hơn.

Không thể không nói đến trang phục Pà Thẻn. Hiện đàn ông Pà Thẻn không mặc trang phục truyền thống, phụ nữ Pà Thẻn cũng chỉ sử dụng vào các dịp lễ tết, hội hè đình đám dù chúng trông khá bắt mắt, giàu giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật. Ấy thế nhưng, thời gian gần đây, xuất phát từ ý thức tự giác tộc người và có thêm hiểu biết về du lịch cộng đồng, nhiều phụ nữ Pà Thẻn (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) đã tìm về cội nguồn nghề thêu may trang phục truyền thống, biến may thêu thành sản phẩm văn hóa phục vụ du khách, vừa góp phần quảng bá những nét đặc sắc riêng có, vừa nâng cao chất lượng đời sống.

Rõ ràng, dù địa bàn cư trú không dài, rộng như các dân tộc khác, số dân cũng ít nhưng thực sự đã tồn tại dòng riêng văn hóa Pà Thẻn giữa nguồn chung văn hóa Việt Nam. Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I chính là để “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người”, trong đó có dân tộc Pà Thẻn!

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023

;