Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số: Đặc sắc nét văn hóa của người M’nông ở Bình Phước

Dân tộc M’nông ở Việt Nam là một trong những cư dân bản địa ở nam Tây Nguyên. Hiện nay phần đông người M’nông cư trú tại hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, một bộ phận ở Lâm Đồng và Bình Phước. Tuy số người sống ở Bình Phước không phải là đông nhất nhưng người M’nông ở Bình Phước đã tạo dựng được một không gian văn hóa đặc sắc, có những nét riêng độc đáo. Người M’nông đã góp phần làm phong phú nét văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước.

Với đồng bào M’nông, múa là sợi dây gắn kết với thần linh, thông qua điệu múa, đồng bào dâng lên thần linh những ước nguyện cầu mong cho mưa thuận gió hòa

Nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng 

Người M’Nông hay còn gọi là người Bu-dâng, Preh, Ger, Nong, Prâng, Rlăm, Kuyênh, Chil Bu Nor, nhóm M’Nông-Bu dâng, là sắc tộc sử dụng ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer (ngữ hệ Nam Á). Giữa họ và các tộc người trong cùng nhóm ngôn ngữ ở Nam Tây Nguyên như Mạ, Cơho, Xtiêng và Chơro có quan hệ gần gũi rõ nét về ngôn ngữ và văn hóa. Từ lâu, các nhóm tộc người M’nông tự nhận tộc danh chung của dân tộc mình là Bu Nong. Tên nhóm địa phương được ghép vào sau tên tộc danh chung để phân biệt các nhóm tộc người như: Bu Nong Nong, Bu Nong Preh, Bu Nong Biăt, Bu Nong R’Ong, Bu Nong Prâng, Bu Nong Đip, Bu Nong Bih, Bu Nong Kuănh, Bu Nong Mạ...

Người Mnông có nền văn hóa đặc sắc mang đậm bản sắc riêng, được lưu truyền qua các thế hệ chủ yếu là do truyền khẩu. Những nhóm địa phương đều có chung ngôn ngữ thống nhất nhưng có vài nét khác nhau về bản sắc, thể hiện qua phong tục, tập quán, đặc biệt về trang phục, trang sức. Sắc thái văn hóa của từng nhóm tộc người cũng là yếu tố làm nên nét đặc sắc, đa dạng của văn hóa tộc người M’nông. Các nhóm M’nông còn có sự khác nhau về nghệ thuật diễn xướng, lễ hội và phong tục. Nếu trước kia, do địa bàn cư trú cách biệt, các nhóm dân tộc giữ sắc màu địa phương thì ngày nay, sự kết nối và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ trong nội bộ tộc người đã dần dần thay đổi, mờ nhạt bản sắc. Do đó, việc nghiên cứu giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa của các nhóm tộc người là rất cần thiết, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của dân tộc M’nông trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Liên khúc Khèn bầu - hát ru con - gõ cối qua phần trình bày của Nghệ nhân Điểu Một, Thị Piốt và nhóm múa

Người Mnông phân bố tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, bao gồm nhiều nhóm tộc người hay còn gọi là nhóm địa phương khác nhau. Nhưng địa bàn tụ cư truyền thống của người Mnông là khu vực tây nam Tây Nguyên (thuộc hai tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và tây nam các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng).

Trên dãy đất sơn nguyên Bình Phước, bên cạnh cộng đồng người Stiêng được coi là dân tộc bản địa thì người M’nông cũng là cộng đồng sinh sống lâu đời. Họ đã kiến tạo cho riêng mình một bản sắc văn hóa độc đáo, riêng có với sự tổng hòa của văn hóa cổ truyền và có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa với một số đồng bào dân tộc ở địa phương trong quá trình cộng cư, phát triển

Đồng bào dân tộc M’nông ở Bình Phước hiện nay có trên 10 nghìn người, thường gọi là nhóm Bù Noong, sinh sống sống rải rác thành từng buôn, sóc ở các xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Đắk Nhau (của huyện Bù Đăng) và xã Đắk Ơ, xã Bù Gia Mập (của huyện Bù Gia Mập). Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có sáu di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội truyền thống Lễ hội Miếu Bà Rá thị xã Phước Long; Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh; Lễ hội truyền thống Lễ hội Cầu bông của người Kinh (huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, huyện Bù Đăng, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước); Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông; Nghề thủ công truyền thống Nghề Đan gùi của S’tiêng huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh.

Độc đáo nghề dệt thổ cẩm của người M'nông tỉnh Bình Phước 

Thổ cẩm là một trong những sản phẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc M’nông ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và các xã Đăk Nhau, Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Với kinh nghiệm được tích lũy từ bao đời, người M’nông đã tạo nên nghề truyền thống riêng của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Tiếng đàn đá của Nghệ nhân Điểu Duyên

 Theo quan niệm của người M’nông: nhà nào có nhiều thổ cẩm được coi là giàu có, sang trọng. Thổ cẩm thường được mặc trong các dịp lễ, tết và các ngày quan trọng của người M’nông và được dùng làm quà tặng cô dâu, hai bên thông gia trong ngày cưới. Một số người M’nông nghiều kinh nghiệm kể lại, dệt thủ công truyền thống tích lũy và phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện kỹ thuật qua đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo của người phụ nữ để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Dệt thổ cẩm đòi hỏi phải có năng khiếu, kỹ năng, nắm rõ kỹ thuật dệt; bên cạnh đó, phải nhận biết và khai thác đúng các nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây rừng để phối tạo ra chất liệu nhuộm màu, cũng như kỹ thuật tạo hình hoa văn. Những kỹ thuật, tri thức này còn thể hiện sự ghi nhớ, chắt lọc, sáng tạo và tích lũy qua thời gian để tạo ra sản phẩm độc đáo, riêng có của người M’nông.

Ngày 4/8/2022, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1838/QĐ-BVHTTDL đưa “Nghề thủ công truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người M’nông xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và xã Đăk Nhau, Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’nông trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào M’nông tại tỉnh Bình Phước. Đây là tiền đề góp phần quảng bá và đưa sản phẩm thổ cẩm vươn xa, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ thương mại, du lịch và là động lực để người dân tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Từ đó, các địa phương có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các hộ gia đình còn duy trì nghề dệt thổ cẩm để tiếp cận nguồn vốn; về khuyến khích, ưu đãi với nghệ nhân dệt thổ cẩm, người có tay nghề giỏi và xây dựng các buôn, sóc thành điểm du lịch cộng đồng, cũng như thành lập các hợp tác xã dệt thổ cẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách du lịch.

 Không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử-văn hóa, khoa học của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đây còn là sự ghi nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Đặc biệt là tâm huyết của các nghệ nhân và cộng đồng người M’nông đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm.

Tình người M'nông giữa sơn nguyên đại ngàn 

Trong hai ngày 21 và 22/10/2023, đoàn nghệ nhân dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước đã mang đến một không gian văn hóa M’nông với nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi động thu hút du khách dừng chân tìm hiểu và trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Tiết mục múa Say ngày hội vui (Nhul nar tăm ngột)

Giới thiệu không gian văn hóa dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước là một điểm nhấn trong hoạt động tháng 10 “Khám phá nét ẩm thực dân tộc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trong khuôn khổ hoạt động, đoàn nghệ nhân M’nông đã giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình như ẩm thực, trình diễn dân ca dân vũ, tái hiện lễ hội, trình diễn nghề truyền thống như đan lát và dệt thổ cẩm...Tiếp đó là không gian Trưng bày, triển lãm ảnh Bình Phước - Hồn đất, tình người với 100 bức ảnh đặc trưng của vùng đất, văn hóa, con người các dân tộc tỉnh Bình Phước; những tiềm năng thế mạnh về kinh tế, du lịch…Những điểm đến, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bình Phước.

Nhắc đến văn hóa của người M’nông không thể nhắc đến dân ca dân vũ, đoàn nghệ nhân dân tộc M’nông đã mang đến chương trình nghệ thuật độc đáo mang âm hưởng núi rừng với chủ đề Bản hoà âm M’nông.  

Cũng như các dân tộc sinh sống trên dãy đất Nam Trường Sơn, cồng, chiêng được biết đến là nhạc cụ gắn liền với đời sống tâm linh và sinh hoạt của các dân tộc anh em, trong đó có người Mnông. Cồng, chiêng là biểu tượng của sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, là ngôn ngữ giao tiếp của người M’nông với các thần linh, với bạn bè, du khách, là một dân tộc hiền hòa và mến khách. Bài chiêng Mừng khách giới thiệu với du khách tục lệ: Mỗi khi có khách quý đến nhà, những người con của núi rừng lại đánh lên những bài chiêng thể hiện niềm vui, niềm hân hoan chào đón những vị khách quý phương xa. 

Liên khúc đàn đá Tiếng chày trên Sóc Bom Bo - Hoa Pơ Lang qua phần trình diễn của nghệ nhân Điểu Duyên giới thiệu nét đặc sắc của đàn đá - nhạc cụ bí ẩn, cổ xưa nhất của các tộc người, trong đó có người M’nông. Đây là báu vật được chế tác trước Công nguyên, với niên đại hơn 2.500 năm, người M’Nông gọi là Goong lũ (tức là cồng đá). Tiếng đàn như âm vang trầm hùng của núi rừng, như tiếng suối dội vào ghềnh đá. Tiếng đàn đá còn thay cho lời kể, lời thở than, niềm an ủi lúc vui, lúc buồn trong thang âm cuộc sống của người dân bản địa.

Tiết mục múa Say ngày hội vui (Nhul nar tăm ngột) cho thấy nghệ thuật múa dân gian phong phú. Bằng sự mô phỏng các động tác trong lao động, sản xuất, người Mnông đã tạo ra những điệu múa làm đắm say lòng người. Từ bao đời, mỗi khi diễn ra lễ hội hay ngày vui cộng đồng, đồng bào lại nắm chặt tay nhau cùng nhảy múa xung quanh ngọn lửa với ước vọng về một ngày mai tươi sáng hơn. Với đồng bào M’nông, múa là sợi dây gắn kết với thần linh. Thông qua điệu múa, đồng bào dâng lên thần linh những ước nguyện cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, nhà nhà ấm no, người người hạnh phúc. Múa không chỉ làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú mà còn giúp gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, giúp giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về văn hóa ông cha. Đây cũng là cách để người M’nông Bình Phước giới thiệu, quảng bá những đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.

 Bên cạnh cồng, chiêng, đàn đá và các loại hình nhạc cụ khác, người M’ nông còn có các nhạc cụ thô sơ được chế tác đơn giản nhưng không kém phần độc đáo. Văn hóa của người M’nông gắn liền với cuộc sống giản dị và dân ca Mnông được sản sinh ra từ cuộc sống lao động sản xuất, phục vụ cuộc sống tinh thần của đồng bào. Đến nay dân tộc M’nông đã phải trải qua nhiều biến cố và thay đổi của lịch sử, nhưng những bài ca vẫn sống mãi với thời gian, vẫn là hành trang theo bước người M’nông từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dân ca M’nông đã thể hiện khá đậm nét sự kết hợp hài hòa giữa cuộc sống với nghệ thuật, từ âm điệu, nhịp điệu, tiết tấu và lời ca thường gắn với môi trường thiên nhiên và điều kiện sản xuất.

Dân ca M’nông có nhiều thể loại như: hát ru con, hát đồng dao, hát kể, hát khẩn thần, hát giao duyên... Hát ru con có cung bậc âm thanh trầm mặc, đều đặn, sâu lắng của người bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em... khiến em bé dễ đi vào giấc ngủ. Thậm chí, ngay cả khi địu con trên đường lên nương, hay đang lao động sản xuất, phụ nữ M’nông cũng thường hay hát ru con. Hát ru thường đệm bởi tiếng khèn bầu như âm vang gió thổi của núi rừng sơn nguyên, đưa tiếng lòng với những ước mơ, hoài bão của các bà, các mẹ, các chị về cháu, con, em mình vang xa chạm tới những cung bậc yêu thương.

Du khách cùng hòa nhịp với các nghệ nhân của Đoàn nghệ thuật M'nông tỉnh Bình Phước

Cùng với hát ru, độc tấu gõ cối là nét đặc trưng văn hóa của một số tộc người, trong đó có người M'nông tỉnh Bình Phước. Liên khúc Khèn bầu - hát ru con - gõ cối qua phần trình bày của Nghệ nhân Điểu Một, Thị Piốt và nhóm múa cho thấy nét độc đáo này. Tuy thô sơ nhưng điệu gõ cối đặc trưng không chỉ có ý nghĩa mô phỏng hình thái lao động mà nó tồn tại như một nét văn hóa cổ truyền, ẩn chứa ý nghĩa tâm linh, thường được trình diễn trong các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng. 

Theo quan niệm của người M’Nông, đàn đá là loại nhạc cụ cổ xưa, là sợi dây kết nối con người và thế giới tâm linh. Ngày nay, đàn đá vẫn được sử dụng trong các hoạt động nghi lễ, hội hè của đồng bào. Tiếng đàn đá tạo cho các nghi thức tế lễ thêm linh thiêng. Tiếng đàn đá phối tấu cùng các nhạc cụ khác tạo nên những tiết tấu sôi động cho các động tác nhảy múa trong các lễ hội. 

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa. Đây là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Bình Phước được công nhận và là một trong 24 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 6, năm 2017. Đàn đá Lộc Hòa do ông Bùi Hữu Triều ở ấp 8, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh , tỉnh Bình Phước phát hiện vào năm 1996, trong khi canh tác ở vườn nhà. 

Với những giá trị văn hóa riêng biệt, người M’Nông đã và đang cùng cộng đồng 54 dân tộc anh em góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.

DIÊN VỸ - Ảnh: NGÔ HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023

;