Lễ hội Đền Hùng xưa và nay

Tóm tắt: Thời đại các Vua Hùng không chỉ tỏa rạng về truyền thống dựng nước và giữ nước mà còn là sự hội tụ của nền văn minh sông Hồng - văn hóa Đông Sơn, nền tảng tinh thần - bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Việt Nam, trong đó lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng là một trong những hạt nhân cốt lõi quy tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng không chỉ trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc mà còn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bài viết đề cập đến ý nghĩa và giá trị của lễ hội Đền Hùng xưa và nay.

Từ khóa: lễ hội, Đền Hùng, ý nghĩa, giá trị.

Abstract: The Hung Kings era not only shines with the tradition of nation-building and defense but also represents the convergence of the Red River civilization - Dong Son culture, the spiritual foundation - the unique cultural identity of the Vietnamese community, in which the Hung Kings Commemoration - the Hung Temple Festival is one of the core nuclei that gathers the strength of national unity. Today, the worship of the Hùng Kings and the Hùng Temple Festival are not only recognized as outstanding intangible cultural heritage of Vietnam but also as a representative intangible cultural heritage of humanity. This article dis- cusses the significance and value of the Hùng Temple Festival in both the past and present.

Keywords: festival, Hùng Temple, significance, value.

Rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng - Ảnh tư liệu: Đinh Vũ

Phú Thọ là vùng Đất Tổ giàu truyền thống lịch sử văn hóa, còn giữ được nhiều lễ hội dân gian cùng với nhiều tục cổ trong sinh hoạt hằng ngày, thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp, khởi nguồn nghề trồng lúa nước của người Việt, tiêu biểu là lễ hội Đền Hùng. Trải qua tiến trình lịch sử của dân tộc từ ngày xưa đến hiện nay, lễ hội Đền Hùng - một biểu tượng văn hóa có giá trị thể hiện tinh thần hội tụ, đoàn kết dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam hướng về cội nguồn dân tộc đã tồn tại, đồng hành cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

1. Lễ hội Đền Hùng xưa

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng như lễ hội Đền Hùng có từ rất xa xưa trong đời sống văn hóa của người Việt. Hội Đền Hùng trước thời Hậu Lê chưa có quy mô tầm vóc vượt xa ngoài địa phương, chưa có lễ hội với nội dung Giỗ Tổ chung của cả nước và chỉ có tế lễ mở hội ở 3 làng riêng rẽ: làng Vi, làng Trẹo, làng Cổ Tích (tỉnh Phú Thọ). Làng Vi và làng Trẹo mở hội vào tháng Giêng và tháng Tám (vì chung nhau đình Cả); làng Cổ Tích tổ chức hội từ mồng 8 đến 12 tháng Ba âm lịch (chính tế là ngày 11), phần nghi lễ có khác làng Vi, làng Trẹo (theo các cụ cao niên xã Hy Cương, chân núi Nghĩa Lĩnh kể lại).

Thời Hồng Đức, hội Đền Hùng được “gia ban Quốc tế” - việc mở hội do nhà nước chủ trì, nhưng ủy quyền cho quan đầu trấn thay mặt triều đình tổ chức (1). Ngày 23-2-1785 (niên hiệu Cảnh Hưng), Nguyên soái Tổng quốc chính Đoan Nam Vương (Trịnh Khải) ban lệnh cho phép xã Hy Cương được miễn trừ thuế khóa để chuyên lo đèn nhang tại Đền Hùng.

Dưới thời Nguyễn, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo, mở mang đền Thượng, đền Hạ, đền Trung, đền Giếng, chùa và gác chuông; chùa Thiên Quang giao cho dân sở tại tu sửa. Các vua nhà Nguyễn theo lệ, cứ 5 năm (vào những năm chẵn 5, chẵn 10), triều đình đứng ra tổ chức lễ hội Giỗ Tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, những năm lẻ địa phương đăng cai tổ chức. Khuôn viên của lễ hội là những vùng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh, thời gian trong 3 ngày. TK XIX, nhà Nguyễn ngay sau khi lên thay triều Tây Sơn đã cho dựng điện Thái Hòa ở Kinh thành Huế và cho treo ở phía trên ngai vàng của nhà vua bài thơ về Đền Hùng, rước tinh linh (bài vị) của các Vua Hùng về thờ ở miếu Lịch đại Đế Vương (Huế). Hằng năm, triều đình liên tục cử các quan đại thần cấp tiền để tu bổ, xây dựng đền thờ và lăng mộ Hùng Vương ở Đền Hùng, vì đã rước bài vị về thờ tại Kinh đô Huế, nên tại Đền Hùng không tổ chức Giỗ Tổ/ Quốc lễ, mà chỉ cấp sắc cho người dân địa phương có trách nhiệm thờ phụ.

Từ năm Khải Định thứ 2 (1917), quan Tuần phủ Lê Trung Ngọc xin Bộ Lễ ấn định ngày Quốc lễ vào mồng 10 tháng Ba âm lịch (trước ngày húy của Vua Hùng một ngày), ngày 11 tháng Ba âm lịch để dân sở tại làm lễ. Thời gian tổ chức lễ hội bắt đầu từ mồng 8 đến mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm.

Khác hẳn với lễ hội của làng xã chỉ tiến hành với dân cư trong làng xã, lễ hội Đền Hùng được tiến hành với sự tham gia của nhân dân cả nước, nhưng về chủ thể việc cúng giỗ Vua Hùng do 3 cấp tiến hành: nhà nước phong kiến, các làng xã sở tại và từng người dân. Nhà nước phong kiến tiến hành tế lễ (Quốc tế) vào ngày 10 tháng Ba âm lịch là ngày Giỗ Vua Hùng thứ nhất (Kinh Dương Vương) (2). Lệ này cứ 5 năm một lần vào năm chẵn (ví dụ 1920, 1925) gọi là hội chính.

Theo văn bia, tới triều Tự Đức, hội Đền Hùng mới lấy lại ý nghĩa tôn nghiêm, quy mô mang tính toàn quốc. Từ Tự Đức, nhà Nguyễn chú ý việc trùng tu “nâng cấp” Đền Hùng và phục hồi lại hình thức Quốc tế… Hình thức này kéo dài đến những năm trước Cách mạng Tháng 8-1945 (3).

Những tư liệu còn lại cho biết, phần nghi lễ trong lễ hội Đền Hùng xưa được tổ chức long trọng: vào năm hội chính, nhân dân làng sở tại treo lá cờ thần trên đỉnh núi Nỏn báo cho đồng bào từ tháng Giêng. Ngoài việc quan triều đình và quan hàng tỉnh đứng tế, các làng xã có đình thờ Vua Hùng, hoàng hậu, công chúa hoặc tướng lĩnh thời Hùng Vương còn rước kiệu đến chầu tại Đền Hùng. Trên địa bàn Phú Thọ có hơn 600 nơi thờ tự, nhưng “Về rước kiệu, quan Tuần phủ Phú Thọ thông sức cho 40 làng quanh núi thờ Vua Hùng, vợ con và tướng lĩnh của Vua rước kiệu về chầu” (4). Đây chính là nét đặc trưng riêng, độc đáo, ảnh hưởng cộng đồng rộng lớn mà chỉ có ở lễ hội tưởng niệm các Vua Hùng mới có. Không gian lễ hội Đền Hùng xưa ảnh hưởng tới 40 làng cùng tổ chức rước kiệu, ngoài ra các làng còn trình diễn các trò chơi, trò diễn đặc sắc của làng mình để lễ hội Đền Hùng là nơi hội tụ và tỏa sáng các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc mang đậm nét văn hóa thời đại Hùng Vương. Nghi lễ được tiến hành trang nghiêm bằng lễ rước kiệu, hầu kiệu có những người che lọng, vác cờ, bát bửu, tấu nhạc bát âm, đánh chiêng trống, phường chèo đóng đường (tốp chèo vừa đi, vừa diễn trong đám rước hội làng), làng ở xa phải rước hai ba ngày mới đến đền. Lễ hội Đền Hùng mang tính Quốc lễ nên có tốp tiền trạm dọn đường trong đám rước.

Do có dân sở tại nên triều đình giao cho nhiệm vụ trông nom đền miếu và phục vụ ngày Giỗ Tổ, đồng thời được miễn khoản sưu thuế phu phen, ngoài ra còn được cấp thêm chi phí lấy từ thuế điền thổ của hạt Sơn Hùng Tuyên. Sau khi đã tiến hành Quốc tế là đến lượt các làng xung quanh Đền Hùng tế lễ. Chính các cuộc hành lễ của làng xã đã tạo nên sự xúc động tâm linh mạnh mẽ hướng về cội nguồn. Quan phủ cho phép khoảng trên 40 làng ở xung quanh khu vực núi thờ Vua Hùng, vợ con và tướng lĩnh của Vua được rước kiệu từ đình làng mình tới chầu, tất cả kiệu đều đặt ở chân núi để chấm giải: kiệu nào nhất thì được Vua ban cho một bức trướng nhỏ và được rước lên đền Thượng để thay mặt cả đoàn kiệu đứng tế Tổ. Lễ tế diễn ra tại đền Thượng, chủ tế là quan Tuần phủ đứng đầu tỉnh do nhà vua ủy nhiệm, bồi tế là các quan lại của tỉnh, huyện trong địa hạt Phú Thọ. Đây là một hoạt động tín ngưỡng rất tôn nghiêm và vui vẻ, đám rước được tổ chức công phu gồm 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Kiệu được sơn son thếp vàng, đục chạm rất tinh xảo, thân kiệu là hai con rồng dài gần 4m do 16 người khiêng. Cỗ kiệu đi đầu bày hương hoa đèn nến, trầu cau, bình nước và nậm rượu; cỗ kiệu thứ hai rước nhang án bài vị Thánh có lọng che; cỗ kiệu thứ ba rước đầy bánh chưng (hoặc xôi), thịt lợn luộc (hoặc cả con). Đi đầu là viên quan dịch cầm loa quả bầu báo cho nhân dân hai bên đường và khách bộ hành biết trước cỗ kiệu sắp tới để họ nghênh xem hoặc thu xếp trước những gì trở ngại khiếm nhã, tiếp theo là phường chèo vừa đi, vừa hát gọi là phường chèo dẫn đường, sau đó là tiếng trống đánh theo nhịp “tùng boong” hoặc “tùng tùng boong boong”. Dịch loa, phường chèo và chiêng trống có thể xem là một ê-kíp tiền trạm. Ê-kíp chính của đám rước gồm người vác lá cờ thần dẫn đầu, 8 người vác cờ đuôi nheo, 8 người vác bát bửu. Ông chủ tế mặc áo hoàng bào thụng kiểu nhà vua đi trước, các quan viên chia nhau hộ giá trước và sau kiệu. Riêng kiệu nhang án có phường bát âm tấu nhạc hầu Thánh đi hai bên. Trừ phường bát âm mặc thường phục cổ điển (quần trắng, áo the, khăn xếp), còn các quan viên rước kiệu đều ăn mặc theo lối quan văn võ trong triều. Những làng ở xa phải rước hai, ba ngày mới tới đền. Bởi vậy có thể xem đội quân hậu cần là ê-kíp thứ ba. Hằng ngày, họ phải đem cơm nắm, thức ăn, nước uống từ nhà đến cho đám rước, đi đi về về rậm rịch (5). Rước kiệu là một hoạt động tín ngưỡng rất nghiêm trang và vui vẻ. Các thủ tục dâng lễ tấu sớ được tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt theo lễ giáo phong kiến. Phần lễ được diễn ra trang nghiêm trong các ngôi đền, chùa trên núi Nghĩa Lĩnh (thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì ngày nay).

Sau phần nghi lễ linh thiêng, hội Đền Hùng xưa mang những nét văn hóa truyền thống của hội làng, đó là việc trình diễn các trò chơi, trò diễn tưng bừng như: kéo co, chọi gà, đấu vật, cờ người, cờ tướng, thổi cơm thi, bách nghệ khôi hài, hát xoan, rước Chúa Gái… Mỗi trò chơi, trò diễn phản ánh những hình thái sinh hoạt tín ngưỡng, những phong tục tập quán, cùng với những giá trị tinh thần toát lên từ đời sống tâm linh sâu sắc của cộng đồng. Các trò chơi, trò diễn chứa đựng các lớp văn hóa, các giá trị văn hóa do cộng đồng sáng tạo ra, phản ánh quá trình lao động, đấu tranh chống lại thiên tai địch họa, giặc xâm lăng... để tồn tại và phát triển, đồng thời gửi gắm khát vọng cải tạo, chinh phục thiên nhiên. “Văn hóa Việt thuở các Vua Hùng dựng nước thể hiện những nội dung phong phú và qua những hình thức đa dạng, là văn hóa dân gian mang tính toàn dân” (6). Đây là tín ngưỡng phồn thực của cư dân trồng lúa nước được nhân dân tái hiện, phản ánh cuộc sống sinh hoạt với những lễ thức được hình thành từ đời sống lao động của cộng đồng và phục vụ lại cộng đồng, bởi vậy các tín ngưỡng này có sức sống trong cộng đồng, được lan tỏa và bảo tồn cho đến ngày nay. Trong đó, dấu ấn sâu đậm hơn cả chính là các nghi lễ, những giá trị văn hóa đang tồn tại, phác họa cho chúng ta một bức tranh khá toàn diện về hoạt động trồng trọt và chăn nuôi với những quy trình khép kín từ khi bắt đầu gieo trồng đến khi có kết quả của người Việt cổ thời Hùng Vương. Những giá trị văn hóa ấy là những sáng tạo của cộng đồng trong quá trình lao động sản xuất, thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên để xây dựng, bảo vệ làng quê, đất nước đã trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu được trong đời sống của cộng đồng từ thời nguyên thủy cổ xưa cho đến ngày nay.

Lễ hội Đền Hùng thời phong kiến đã có tính ổn định về nghi lễ. Song, thành phần tham gia lễ hội chủ yếu là cộng đồng cư dân Phú Thọ, cộng đồng từ các làng Vi, Trẹo, Cổ Tích và cộng đồng cư trú vùng lân cận khu vực Đền Hùng. Nội dung phần lễ đã có tới 40 làng rước kiệu về chầu Tổ, 40 làng này đều thuộc các cộng đồng của cư dân Phú Thọ. Mặc dù lễ hội đã nâng lên Quốc lễ, nhưng cộng đồng cư dân Phú Thọ vẫn giữ vai trò chủ đạo thực hành nghi lễ và tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian trong không gian lễ hội Đền Hùng.

2. Lễ hội Đền Hùng ngày nay

Từ sau năm 1954 đến trước năm 1986

Sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ Giỗ Tổ mang tính chất giản tiện, tiết kiệm, đồng thời cũng không phân ra hội chính và hội lệ. Nghi thức được thống nhất như sau: Sáng mồng 9 tháng Ba âm lịch, các thành phần tham gia tập trung tại Công quán gồm đại biểu quân, dân, chính của tỉnh, huyện Lâm Thao và xã Hy Cương do Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của tỉnh làm trưởng đoàn, tất cả mặc trang phục chỉnh tề. Khi lên đền, có đoàn thiếu nhi xã Hy Cương tay cầm cờ đỏ sao vàng, đánh trống ếch (ngày trước dân làng gọi là trống “cà rình”) rộn ràng đi trước. Tới đền Thượng, vị trưởng đoàn dâng bó hoa huệ tươi đặt lên ban thờ. Cả đoàn thực hiện nghi lễ mặc niệm trước linh vị Quốc Tổ (7).

Vào thập kỷ 80, nội dung lễ hội Đền Hùng được thực hiện đơn giản, chủ yếu là việc thực hành nghi lễ tưởng niệm ở đền Thượng là chính. Tuy nhiên, cùng với đoàn đại biểu còn có đội văn công, đội nữ múa sinh tiền và đội nhạc, đánh trống đồng, diễn tấu đàn bầu (8).

Mặc dù trong một thời gian dài từ sau 1954 đến trước thời kỳ Đổi mới, lễ hội Đền Hùng chưa được tổ chức theo quy mô và tầm cỡ của chính nó. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đã quan tâm trên cả hai phương diện: Về phương diện vật thể (kiến trúc, di vật…), năm 1962, Đền Hùng được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích quốc gia và có chương trình đầu tư tu bổ, tôn tạo. Về phương diện lễ hội, đã từng bước khôi phục để góp phần vào việc tổ chức lễ hội Đền Hùng ngày càng quy mô bài bản hơn, xứng tầm lễ hội quốc gia.

Thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 đến nay

Thời kỳ đổi mới, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được Đảng và Nhà nước định hướng chỉ đạo tổ chức.

Giai đoạn 1990-1995: Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức với nghi thức rước cờ Tổ quốc, rước bánh chưng, bánh dày. Lễ dâng hương có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Trung ương tham dự, lãnh đạo địa phương đọc diễn văn.

Với tinh thần kế thừa và phát triển, để Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành ngày Quốc lễ, từ năm 1999 đến năm 2010, Đảng, Quốc hội và Nhà nước đã ban hành văn bản (9) điều chỉnh quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Lễ hội Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ năm 2010

Thực hiện Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 của Chính phủ về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài: Lễ hội Đền Hùng năm 2010 được tổ chức với quy mô Quốc lễ lớn nhất trong lịch sử tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ trước đến nay, Chủ tịch nước là chủ lễ dâng hương. Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, diễn trình lễ hội được thực hành gồm 2 phần: phần lễ và phần hội.

Phần lễ: Lễ vật trong lễ dâng hương tại Đền Thượng vào ngày chính hội Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng Ba âm lịch) gồm có: 100 chiếc bánh chưng gói lá dong tươi xanh buộc lạt giang nhuộm hồng; 100 chiếc bánh dày, giữa có dán chữ Phúc màu đỏ; 1 chiếc thủ lợn đã luộc chín; 1 mâm xôi gấc được đồ bằng 5kg gạo nếp; 5 mâm ngũ quả với các loại quả mang đặc trưng của các vùng miền trong cả nước; 8 mâm bánh khảo, bánh cốm được xếp hình tháp, cùng với trầu cau, rượu nước, vàng hương… Như vậy, lễ vật dâng cúng Vua Hùng ngày nay vẫn là các sản phẩm thuần nông nghiệp, đó là hai loại bánh truyền thống được lưu truyền trong truyền thuyết chọn người hiền tài nối ngôi vua từ đời Hùng Vương thứ 6. Lễ vật ngày nay không chỉ là sản vật của Phú Thọ mà còn là sản vật phong phú với hoa thơm quả ngọt của mọi miền đất nước được cộng đồng các dân tộc Việt Nam lựa chọn đem về dâng tiến Vua Hùng.

Nghi lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tổ chức trang trọng, thành kính vào ngày chính hội với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương, các Bộ, ban, ngành. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết làm chủ lễ dâng hương và đọc diễn văn khai mạc, sau đó ủy quyền cho Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đọc bài văn tế Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 do Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu soạn. Kết thúc bài văn tế, chủ lễ và các đại biểu vào Thượng cung bái Tổ, rồi xuống lăng Hùng Vương đặt vòng hoa, thắp hương. Trong thời gian chủ lễ và các đại biểu thực hiện các nghi thức ở đền Thượng và lăng Hùng Vương, nhạc lễ vẫn cử hành linh thiêng, trầm hùng. Tiếp đó, đoàn đại biểu di chuyển từ lăng Hùng Vương tới bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong”, chủ lễ kính cẩn đặt lẵng hoa dưới chân bức phù điêu, thay mặt nhân dân cả nước bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh trong âm vang tiếng nhạc bài hát ca ngợi Hồ Chủ tịch, khắc ghi lời căn dặn thiêng liêng của Bác tại nơi này vào ngày 19-9-1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Phần hội: Không gian hội được mở rộng từ phía Nam thành phố Việt Trì đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các vùng phụ cận thuộc huyện Lâm Thao và Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, thời gian diễn ra trong 10 ngày, từ ngày mồng 1 đến mồng 10 tháng Ba âm lịch. Trước ngày chính hội, buổi sáng mồng 9 tháng Ba âm lịch, trên dòng sông Lô tại ngã ba Hạc, cửa ngõ phía Nam thành phố diễn ra cuộc thi bơi chải truyền thống thành phố Việt Trì mở rộng năm 2010 với không khí tưng bừng, sôi động, náo nhiệt thể hiện tinh thần thượng võ, chinh phục tự nhiên. Các đội chải vào cuộc thi tranh tài làm náo nhiệt cả một khúc sông bởi tiếng trống, chiêng, tiếng hò reo cổ vũ của du khách. Cuộc thi đã thu hút một số lượng khách rất lớn trên đường về dự lễ hội Đền Hùng dừng chân cổ vũ.

Phần hội trong lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào năm 2010 đã quy tụ được các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tiêu biểu trong phong trào văn hóa, thể thao quần chúng của các vùng, miền trong cả nước; là dịp để các tỉnh giới thiệu về tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch như dân ca, dân vũ, dân nhạc, các diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực, các môn thể thao truyền thống, đặc biệt là phát huy giá trị di sản văn hóa các vùng miền trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, gắn kết cộng đồng các dân tộc, đáp ứng yêu cầu giáo dục và tính thẩm mỹ ngày càng cao của nhân dân trong thời đại mới, là dịp để cộng đồng hội tụ, giao lưu, học hỏi và hiểu biết lẫn nhau. Tinh thần của cộng đồng dân cư thể hiện đỉnh điểm trong các ngày giỗ Vua Hùng chính là sự hợp nhất đồng lòng của ý thức dân tộc/ quốc gia, niềm tự hào về cội nguồn mang giá trị truyền thống của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Khác với lễ hội Đền Hùng xưa, chủ yếu cộng đồng cư dân Phú Thọ tham gia thực hành nghi thức tế lễ và tổ chức các hoạt động hội, cộng đồng tham dự lễ hội Đền Hùng ngày nay là cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang sinh sống ở mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài, cùng hướng về cội nguồn dân tộc.

Lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào năm 2010 (Quốc lễ) là sự phát triển đỉnh cao thể hiện sự vận động, biến đổi và lan tỏa theo thời gian và không gian nhất định, đồng thời thể hiện rõ cốt cách tinh thần của dân tộc Việt Nam trong lịch sử - quá khứ - hiện tại - tương lai. Trong nội dung phần lễ và phần hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thể hiện phong phú qua các nghi thức rước, tế, các trò chơi, trò diễn dân gian nhưng chủ thể cộng đồng lễ hội Đền Hùng giai đoạn này đã có sự biến đổi, từ cộng đồng của các làng đến nay đã là cộng đồng của khu vực Đền Hùng. Mặc dù lễ hội đã nâng lên Quốc lễ, nhưng cộng đồng cư dân Phú Thọ vẫn giữ vai trò chủ đạo thực hành nghi lễ và tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian trong không gian hội, không gian văn hóa cộng đồng của lễ hội Đền Hùng.

Những tư liệu dẫn ra trên đây đã cung cấp thông tin để nhận biết về lễ hội Đền Hùng trong diễn trình lịch sử. Đó là một quá trình lễ hội biến đổi sâu sắc trên nhiều phương diện: từ quan niệm, quy mô, nội dung, không gian tổ chức, về trách nhiệm và vai trò của quốc gia, địa phương trong quá trình tổ chức lễ hội. Với mục tiêu xuyên suốt là phải gìn giữ, bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thời đại trước đến thời đại sau nhưng không để mất đi giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc - là việc thờ cúng Quốc Tổ và lễ hội Đền Hùng.

3. Ý nghĩa, giá trị của lễ hội Đền Hùng xưa và nay

Lễ hội Đền Hùng ngày nay đã được bồi đắp các lớp văn hóa theo tiến trình lịch sử dân tộc, sự bồi đắp đó được thể hiện trong đời sống văn hóa cộng đồng và luôn được cộng đồng cư dân làm bệ đỡ nền tảng vững chắc. Chính vì vậy, ưu thế vượt trội của lễ hội Đền Hùng từ xưa đến nay đều mang ý nghĩa cộng đồng cao. Lễ hội Đền Hùng xưa có sự tham gia của cộng đồng, nhưng trong phạm vi cộng đồng của các làng cổ quanh chân núi Nghĩa Lĩnh, lúc này cộng đồng mang tính khép kín và bó hẹp ở không gian nhỏ. Từ thời Lê sơ trở đi, lễ hội Đền Hùng phát triển mạnh, cộng đồng ở đây chính là cư dân các làng xã xung quanh khu vực Đền Hùng, chủ yếu là nhân dân các xã thuộc huyện Lâm Thao (nay thuộc thành phố Việt Trì). Tư liệu cho biết, xung quanh Nghĩa Lĩnh vào dịp tổ chức lễ hội đã có 40 làng rước kiệu về chầu Tổ. Đến năm 1017, lễ hội Đền Hùng được các vương triều chính thức hóa thành ngày Quốc lễ của toàn dân tộc và được duy trì đến ngày nay, lễ hội Đền Hùng mang ý nghĩa, giá trị được thể hiện:

Một là, người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Vua Hùng là biểu tượng cao đẹp nhất - “các Vua Hùng đã có công dựng nước”, được cộng đồng tôn vinh, trân trọng và phụng thờ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hình thành trong không gian văn hóa tâm linh linh thiêng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Chính từ không gian văn hóa này, trong tâm thức bao đời, ý thức dân tộc và ý thức lịch sử, sự quý trọng vĩ nhân và ước nguyện cộng đồng trong tư duy văn hóa người dân qua hàng nghìn năm luôn luôn hòa quyện, phối nhập một cách hồn nhiên, hình thành nên một lẽ sống, một đạo lý tri ân, mang tính truyền thống đối với các bậc tiền nhân của cộng đồng dân tộc mà Quốc Tổ Hùng Vương là đỉnh cao. “Nhu cầu về một ông Vua Tổ của đất nước thúc đẩy tín ngưỡng lan rộng ra”, vì vậy bất chấp mọi thăng trầm của lịch sử và thời gian xô đẩy, theo suốt chiều dài lịch sử, đối với người Việt Nam, tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã hóa thân vào đời sống cộng đồng, lấy cộng đồng làm gốc để tạo đà làm nên các giá trị văn hóa, tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc ta được đời đời tôn vinh. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng có sức sống và thu hút cộng đồng: từ cộng đồng làng, ngày nay lễ hội Đền Hùng là của cộng đồng quốc gia đa dân tộc, đa thành phần du khách từ mọi miền của đất nước, thu hút và có sức sống mãnh liệt bền vững trong đời sống tâm linh của nhân dân, kết tinh thành nguồn văn hóa mang đặc trưng văn hóa tâm linh Việt Nam.

Hai là, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh từ thời dựng nước đến giữ nước ngày nay, mọi thời đại đều cần thiết có sức mạnh nội sinh để quy tụ sự đoàn kết cố kết cộng đồng. Chính vì vậy, từ triều đại phong kiến đến nay, lễ hội Đền Hùng là lễ hội duy nhất được chính thức hóa bằng nghi lễ nhà nước (Quốc lễ). Điều đó thể hiện sự can thiệp sâu sắc của nhà nước phong kiến, đặc biệt là thời Lê sơ (Lê Thánh Tông). Đây cũng là điều kiện để tạo đà sáng tạo và duy trì một giá trị văn hóa độc đáo. Giá trị văn hóa đó đã trường tồn qua mọi biến cố thăng trầm lịch sử và tồn tại lâu dài cho tới ngày nay. Thực tế đã chứng minh rằng, ngày nay lễ hội Đền Hùng đã được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là Quốc lễ của toàn dân tộc.

Ba là, khi điều kiện kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, con người hướng đến, tìm về niềm tin tín ngưỡng và lựa chọn cho mình một hình thái tín ngưỡng trong đó đạo hiếu là hạt nhân của tín ngường thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, lễ hội Đền Hùng có điểm xuất phát từ tinh thần cộng đồng, đặc điểm văn hóa truyền thống của cộng đồng. Cộng đồng có trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Một trong những giá trị tiêu biểu của lễ hội Đền Hùng là hàm chứa những khát vọng linh thiêng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua thời gian, lễ hội Đền Hùng, một biểu tượng văn hóa có giá trị đã tồn tại, đồng hành cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đến nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng không chỉ trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc mà còn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bốn là, Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng là đỉnh cao của truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. “Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một hiện tượng lịch sử độc đáo hiếm có so với nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới” (10). Bản chất của lễ hội Đền Hùng thể hiện 4 nội dung cơ bản, đó là: Đạo hiếu; Đạo lý uống nước nhớ nguồn; Ý thức hệ về cội nguồn dân tộc; Thể hiện một nét riêng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Nguồn gốc của lễ hội Đền Hùng gắn liền với lịch sử phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, khi cộng đồng, cá thể trong cộng đồng đã ý thức về nòi giống, về cội nguồn dân tộc, về một vị tổ chung cho cả quốc gia. Ý thức này đã tạo nên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh đó sẽ là nguồn lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong diễn trình lịch sử, lễ hội Đền Hùng tồn tại, luôn có sự biến đổi theo thời gian. Sự biến đổi này là do quá trình lựa chọn của chủ thể văn hóa, của cộng đồng trong phạm vi địa phương và quốc gia.

________________

1. Dương Huy Thiện, Lễ hội Đền Hùng, in trong Tổng tập văn nghệ dân gian Đất Tổ, tập 2, Sở Văn hóa - Thông tin Thể thao Phú Thọ và Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, 2001, tr.53.

2. Cũng viết về định lễ Giỗ Tổ của nhà Nguyễn, tác giả Vũ Kim Biên cho biết: Bộ Lễ chuẩn nghị hằng năm cứ đến ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch, nhà nước định nhật ngày Quốc tế về tu lễ theo tục lệ của dân sở tại. Tu lễ tại Công quán, làm lễ cúng tế tại đền Thượng vào giờ Tỵ. Lễ vật là tam sinh (trâu, dê, lợn), do ông phủ đường quan Thượng thư sắp lễ tại xã - quan tỉnh duyệt lễ trước mùng 9 tháng Ba âm lịch. Tiền sắm lễ mỗi năm nhà nước cấp 100 đồng bạc, còn lại Hội đồng trích từ tiền hoa lợi ruộng tại phủ Lâm Thao 25 mẫu 8 sào 22 tấc 4 thước, làm lễ cúng tại đền - “Hùng Miếu điển lệ bi”, Khải Định năm thứ 8” (Nguồn: Vũ Kim Biên, Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng, VHTTDL Phú Thọ, 2010, tr.88).

3. Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ - Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ, Phú Thọ, 2006, tr.54.

4, 5, 7, 8. Vũ Kim Biên, Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Sở VHTTDL Phú Thọ, 2010, tr.133, 97-98, 95, 95.

6. Ngô Quang Nam, Xuân Thiêm (chủ biên), Địa chí Vĩnh Phú - Văn hóa dân gian vùng Đất Tổ, Sở Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú, 1986, tr.13.

9. Văn bản quy định về Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng: Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài (thay thế Nghị định số 82/2001/NĐ-CP): Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) là 1 trong 6 ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức nghi lễ cấp quốc gia vào năm tròn (10 năm/ 1lần), Chủ tịch nước là chủ lễ dâng hương.

10. Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao Phú Thọ, Di tích và Danh thắng vùng Đất Tổ, Phú Thọ, 1998, tr.34.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 19-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-2-2025; Ngày duyệt đăng: 25-2-2025.

TS TRẦN THỊ TUYẾT MAI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025

;