Tóm tắt: Trong dòng chảy không ngừng của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nghệ thuật rối nước Đào Thục, một di sản văn hóa quý báu của Việt Nam, đang đứng trước nhiều thách thức. Một mặt, sự phát triển của du lịch và giao lưu văn hóa quốc tế mở ra cơ hội vàng để quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này ra thế giới, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, những thách thức không nhỏ đang đặt ra, từ sự thay đổi trong thị hiếu khán giả, áp lực thương mại hóa, đến nguy cơ mai một đội ngũ nghệ nhân kế cận. Nếu không có những chiến lược bảo tồn và phát triển phù hợp, nghệ thuật rối nước Đào Thục có nguy cơ bị lãng quên trong đời sống văn hóa hiện đại. Bài viết đi sâu phân tích những cơ hội và thách thức mà nghề rối Đào Thục đang đối mặt, từ đó đề xuất những giải pháp khả thi dưới góc độ quản lý văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gắn kết với du lịch và kinh tế sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật truyền thống trong thời đại hội nhập.
Từ khóa: rối nước Đào Thục, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Abstract: In the relentless flow of the market economy and international integration, Dao Thuc water puppetry, a precious cultural heritage of Vietnam, faces numerous challenges. On one hand, the development of tourism and international cultural exchange opens up a golden opportunity to promote this unique art form to the world, attracting the attention of domestic and international tourists. On the other hand, significant challenges arise, from changes in audience tastes and pressures of commercialization to the risk of a dwindling pool of successor artisans. Without appropriate preservation and development strategies, Dao Thuc water puppetry risks being forgotten in modern cultural life. This article delves into analyzing the opportunities and challenges that Dao Thuc puppetry faces, thereby proposing feasible solutions from a cultural management perspective, aiming to preserve and promote the heritage’s values, contribute to the development of the cultural industry, integrate with tourism and the creative economy, and create momentum for the sustainable development of traditional art in the age of integration.
Keywords: Dao Thuc water puppetry, market economy, international integration.
Nghề rối nước Đào Thục là một trong những di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam, có lịch sử hình thành hơn 300 năm tại làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là một trong những trung tâm rối nước lâu đời (thời kỳ nhà Lê (TK XVII)). Nghệ thuật rối nước Đào Thục mang đặc trưng riêng biệt với những con rối được điều khiển khéo léo trên mặt nước, kết hợp với âm nhạc dân gian như trống, mõ, sáo, đàn bầu, tạo nên không gian diễn xướng sống động. Các tích trò rối nước phản ánh sinh hoạt đời sống, phong tục tập quán của người dân đồng bằng Bắc Bộ đồng thời thể hiện tinh thần lạc quan, dí dỏm, đậm chất văn hóa dân gian.
1. Nghề rối Đào Thục - một di sản văn hóa đặc sắc
Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của phường rối nước Đào Thục
Phường rối nước Đào Thục có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, gắn liền với truyền thống văn hóa của làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Theo các tư liệu dân gian, nghề rối nước tại đây được khởi nguồn từ cụ Đào Đăng Khiêm - một vị quan thời Hậu Lê, người đã truyền dạy nghề rối cho dân làng nhằm phục vụ các lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trải qua nhiều thế kỷ, phường rối nước Đào Thục vẫn duy trì và còn phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm rối nước tiêu biểu của miền Bắc. Nghệ thuật rối nước nơi đây mang đậm bản sắc dân gian với những tích trò phản ánh đời sống lao động, sinh hoạt, tín ngưỡng của người Việt. Đặc biệt, sân khấu rối nước truyền thống tại Đào Thục vẫn giữ nguyên hình thức biểu diễn trên mặt nước với thủy đình cổ kính, tạo không gian diễn xướng nghệ thuật độc đáo. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những con rối gỗ được điều khiển khéo léo qua hệ thống dây sào, kết hợp với âm nhạc dân gian như trống, mõ, sáo, đàn bầu, mang đến những màn trình diễn hấp dẫn, sinh động. Ngày nay, ngoài việc phục vụ người dân trong nước, phường rối nước Đào Thục còn tham gia nhiều chương trình biểu diễn phục vụ du khách nước ngoài, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Rối nước Đào Thục - nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo
Nghề rối nước Đào Thục mang những đặc trưng nghệ thuật độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt trong nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Trước hết, nghệ thuật biểu diễn rối nước ở Đào Thục kết hợp nhuần nhuyễn giữa chuyển động của con rối, âm nhạc dân gian và lời thoại, tạo nên những màn trình diễn sinh động, hấp dẫn. Các nghệ nhân điều khiển con rối từ sau bức mành gỗ bằng hệ thống dây sào chìm dưới nước, đòi hỏi sự khéo léo và phối hợp nhịp nhàng để tạo ra những động tác tự nhiên, linh hoạt. Nhờ vào kỹ thuật tinh xảo này, các con rối có thể bơi lội, nhảy múa, đánh nhau, chèo thuyền hay thậm chí phun nước, mang lại sức sống cho từng tích trò.
Nội dung kịch bản của rối nước Đào Thục chủ yếu xoay quanh các câu chuyện dân gian, truyền thuyết, và sinh hoạt đời sống thường nhật của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Đến nay, phường rối Đào Thục đã có lực lượng khá đông đảo, lên đến 30 người và còn lưu giữ được nhiều tích trò như: đốt pháo bật cờ, câu ếch, trâu chui ống, đánh cáo bắt vịt, xay thóc giã gạo, tráng sĩ đả hổ... (1). Những tích xưa được các nghệ nhân Đào Thục chuyển tải hóa thân vào những con rối vô hồn nhưng in đậm dấu ấn trong lòng người xem bởi các động tác nghệ thuật điêu luyện. Các tích trò ngoài việc mang tính giải trí mà còn phản ánh sâu sắc các giá trị đạo đức, triết lý nhân sinh của người Việt. Đặc biệt, nhân vật chú Tễu - hình tượng quen thuộc trong nghệ thuật rối nước - với dáng vẻ hóm hỉnh và lời thoại dí dỏm luôn mở đầu mỗi buổi diễn, tạo nên điểm nhấn đặc biệt.
Không gian diễn xướng của rối nước Đào Thục cũng mang nét đặc trưng riêng khi sân khấu chính là mặt nước với thủy đình được dựng trên ao làng. Thủy đình là nơi che chắn cho các nghệ nhân điều khiển rối đồng thời là biểu tượng cho kiến trúc truyền thống, tạo nên không gian diễn xướng đầy tính nghệ thuật. Âm nhạc dân gian với các nhạc cụ như trống, mõ, đàn bầu, sáo… góp phần làm tăng sự hấp dẫn của vở diễn, giúp khán giả hòa mình vào không khí rộn ràng, sống động của sân khấu rối nước. Với những yếu tố nghệ thuật đặc sắc này, nghề rối Đào Thục thực sự là một loại hình giải trí, là một di sản văn hóa có giá trị cần được gìn giữ và phát huy.
Vai trò của nghệ thuật rối nước trong đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng
Nghệ thuật rối nước Đào Thục không những là một loại hình biểu diễn dân gian mà còn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng. Trước hết, đây là một hình thức giải trí truyền thống, gắn liền với các lễ hội làng quê, mang đến niềm vui và sự gắn kết cho người dân. Thông qua các tích trò rối nước, những giá trị đạo đức, tín ngưỡng và phong tục tập quán của người Việt được truyền tải một cách sinh động, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử và văn hóa dân tộc. Nghề rối nước cũng là niềm tự hào của cộng đồng làng Đào Thục, nơi các nghệ nhân luôn say mê biểu diễn và tâm huyết truyền dạy nghề cho thế hệ sau, góp phần gìn giữ di sản. Theo Quyết định Số: 473/QĐ-BVHTTDL, ngày 6-3-2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2).
Ngoài giá trị văn hóa, rối nước Đào Thục còn đóng vai trò thúc đẩy kinh tế địa phương, đặc biệt là đối với phát triển du lịch. Các buổi diễn rối nước rất thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh làng quê Việt Nam và tạo cơ hội việc làm cho người dân. Hơn nữa, rối nước còn là một cầu nối quan trọng trong giao lưu văn hóa quốc tế, khi nhiều đoàn nghệ thuật mang rối nước Việt Nam đến trình diễn tại các sự kiện văn hóa lớn trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập, việc bảo tồn và phát huy giá trị của rối nước không những nhằm bảo vệ bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực phát triển bền vững cho cộng đồng làng nghề truyền thống.
2. Cơ hội và thách thức của nghề rối nước Đào Thục trước bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
Cơ hội
Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nghề rối nước Đào Thục đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Trước hết, sự phát triển của ngành Du lịch mang lại lợi thế lớn, giúp mở rộng thị trường biểu diễn. Việt Nam ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó nghệ thuật rối nước trở thành một điểm nhấn đặc biệt. Làng rối Đào Thục, với lịch sử lâu đời và những màn trình diễn đặc sắc, có thể trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch tìm hiểu và thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nếu kết hợp biểu diễn rối nước với các tour du lịch trải nghiệm văn hóa làng nghề, giá trị kinh tế từ nghệ thuật truyền thống sẽ được nâng cao đáng kể. Rối nước Đào Thục thu hút hàng trăm lượt du khách đến xem và tham quan mỗi năm. Hiện nay, làng đã có trang quảng bá và nhiều nghệ nhân trẻ lập trang mạng xã hội khác nhau về phường múa rối Đào Thục nhằm giới thiệu với khách thập phương loại hình văn hóa dân gian đặc sắc. Phường đã kết nối với một số công ty du lịch phục vụ khách tham quan, thưởng thức nghệ thuật rối nước. Trung bình mỗi năm, phường biểu diễn khoảng 300 buổi ngay tại làng. Để phù hợp thời đại, nghệ nhân Phường rối nước Đào Thục còn sáng tác thêm các tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước như: “Tặng hoa ngày hội”, “Rước ảnh Bác Hồ”, “Hà Nội 12 ngày đêm”… (3).
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ truyền thông số mang đến cơ hội lớn để quảng bá rộng rãi nghệ thuật rối nước Đào Thục. Nhờ các nền tảng mạng xã hội, trang web, video trực tuyến, các tiết mục rối nước sẽ tháo bỏ giới hạn không gian biểu diễn trực tiếp ở thủy đình để có thể tiếp cận đông đảo công chúng trên toàn cầu. Việc xây dựng các sản phẩm truyền thông chất lượng, như phim tài liệu, video biểu diễn trực tuyến, hay tour tham quan ảo về rối nước, sẽ giúp thu hút sự quan tâm của giới trẻ và khán giả quốc tế. Đồng thời, số hóa các vở diễn kinh điển sẽ giúp lưu giữ di sản và đồng thời mở ra hướng phát triển sáng tạo trong biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Ngoài ra, hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội hợp tác văn hóa, thúc đẩy giao lưu nghệ thuật giữa rối nước Đào Thục với các đoàn nghệ thuật nước ngoài. Việc tham gia các liên hoan nghệ thuật quốc tế, tổ chức biểu diễn ở nước ngoài sẽ góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam và tạo điều kiện để các nghệ nhân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng nghệ thuật và sáng tạo thêm những kịch bản mới phù hợp với thị hiếu hiện đại.
Không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của chính sách nhà nước trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Chính phủ và các cơ quan quản lý văn hóa đã có nhiều chương trình hỗ trợ nghệ thuật truyền thống như rối nước, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nghệ nhân đến khuyến khích các dự án sáng tạo gắn liền với di sản. Các chính sách ưu đãi về du lịch, bảo trợ nghệ thuật và quảng bá văn hóa truyền thống ra thế giới cũng là động lực giúp nghề rối Đào Thục tiếp tục phát triển bền vững. Nếu tận dụng tốt những cơ hội này, rối nước Đào Thục sẽ luôn giữ vững giá trị truyền thống và còn có thể vươn tầm quốc tế, trở thành một trong những nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của Việt Nam được vinh danh trên thế giới.
Thách thức
Thứ nhất, nghề rối nước Đào Thục đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trước hết, một trong những khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật hiện đại. Trong thời đại công nghệ số, giới trẻ có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm giải trí mới như phim ảnh, trò chơi điện tử, âm nhạc trực tuyến thay vì các loại hình nghệ thuật truyền thống. Điều này khiến rối nước gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả trẻ, đặt ra thách thức trong việc duy trì và phát triển khán giả lâu dài.
Thứ hai, áp lực thương mại hóa cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Trong nỗ lực thu hút du khách và tăng doanh thu, một số chương trình rối nước có xu hướng rút ngắn thời lượng biểu diễn, thay đổi nội dung kịch bản để phù hợp với thị hiếu hiện đại. Việc này có thể khiến giá trị nghệ thuật truyền thống bị mai một, làm mất đi bản sắc độc đáo vốn có của rối nước Đào Thục. Nếu không có sự điều chỉnh hợp lý, nghệ thuật rối nước có nguy cơ trở thành một sản phẩm du lịch đơn thuần, mất đi chiều sâu văn hóa và ý nghĩa lịch sử.
Thứ ba, sự thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận. Hiện nay, số lượng nghệ nhân trẻ gắn bó với nghề rối nước Đào Thục ngày càng giảm. Nghề rối đòi hỏi sự kiên trì, đam mê và quá trình rèn luyện lâu dài, trong khi thu nhập từ nghề này chưa đem lại sự ổn định về cuộc sống cho các nghệ nhân. Điều đó khiến nhiều người trẻ e ngại theo đuổi, dẫn đến nguy cơ mai một đội ngũ kế thừa. Nếu không có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ học tập và phát triển nghề rối nước, nghệ thuật này có thể dần bị suy giảm về chất lượng và sự đa dạng trong tương lai.
Thứ tư, vấn đề cơ sở vật chất và không gian biểu diễn cũng là một trở ngại lớn. Hiện nay, nhiều phường rối nước, trong đó có Đào Thục, vẫn chưa có hệ thống sân khấu, ánh sáng và âm thanh được đầu tư bài bản. Không gian biểu diễn chủ yếu vẫn mang tính truyền thống, chưa có nhiều sự đổi mới để thu hút khán giả. Điều này khiến khả năng tiếp cận công chúng bị hạn chế, đặc biệt là với du khách quốc tế và khán giả trẻ. Nếu không có sự đầu tư hợp lý về hạ tầng, việc mở rộng quy mô biểu diễn và nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khán giả sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, hiện tại về quảng bá hình ảnh, phường múa rối nước Đào Thục đã tổ chức một số chương trình tiếp cận công chúng như xây dựng website, truyền thông qua mạng xã hội, tiếp cận với các trường học để phối hợp nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa và hợp tác với các công ty du lịch để thu hút khách tham quan... Tuy nhiên, hoạt động quảng bá vẫn chưa được đầu tư đồng bộ và bền vững (4). Cách thức truyền thông chưa chuyên nghiệp và còn tự phát dẫn đến việc quảng bá hình ảnh không hiệu quả.
Những thách thức trên đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đổi mới phương thức hoạt động, bảo tồn bản sắc nghệ thuật nhưng vẫn phải thích ứng với xu hướng hiện đại. Để làm được điều đó, cần có sự chung tay của các nghệ nhân, nhà quản lý văn hóa, chính quyền địa phương và cộng đồng yêu nghệ thuật, nhằm tìm ra hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nghề rối nước Đào Thục trong tương lai.
3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nghề rối Đào Thục
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật truyền thống
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật rối nước Đào Thục, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực. Trước hết, việc xây dựng các chương trình đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ là yếu tố quan trọng nhằm duy trì và phát triển lực lượng kế cận. Các nghệ nhân lâu năm có thể trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật điều khiển rối, chế tác con rối và sáng tạo kịch bản cho lớp trẻ, giúp họ hiểu và yêu nghề hơn. Bên cạnh đó, nội dung kịch bản và hình thức biểu diễn cũng cần được nghiên cứu cải tiến để phù hợp với thị hiếu khán giả hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống. Các vở diễn có thể bổ sung yếu tố sáng tạo về âm thanh, ánh sáng mà không làm mất đi tinh thần nguyên bản của nghệ thuật rối nước. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản là một hướng đi quan trọng, giúp số hóa tư liệu, lưu trữ hình ảnh, video về các buổi biểu diễn và câu chuyện lịch sử của phường rối. Điều đó góp phần bảo tồn giá trị nghệ thuật và tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá rộng rãi hơn đến công chúng trong và ngoài nước, tạo điều kiện để nghề rối nước Đào Thục phát triển bền vững trong bối cảnh hiện đại.
Kết nối nghề rối Đào Thục với thị trường du lịch và công nghiệp văn hóa
Để kết nối nghề rối Đào Thục với thị trường du lịch và công nghiệp văn hóa, một giải pháp hiệu quả là xây dựng mô hình liên kết giữa phường rối và các công ty du lịch, lữ hành. Các công ty du lịch có thể thiết kế các tour du lịch đặc biệt, đưa du khách đến tham quan làng nghề và thưởng thức các buổi biểu diễn rối nước trực tiếp, đồng thời giới thiệu về quy trình chế tác con rối và kỹ thuật điều khiển. Chắc chắn điều đó sẽ giúp du khách hiểu thêm về giá trị văn hóa của nghệ thuật rối nước, đồng thời góp phần phát triển ngành Du lịch địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình biểu diễn rối nước định kỳ tại không gian mở hoặc trong các sự kiện lễ hội lớn cũng là một cách để thu hút sự chú ý của công chúng. Những buổi biểu diễn này có thể được kết hợp với các hoạt động văn hóa truyền thống khác, tạo nên một không gian sống động và hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, việc phát triển các sản phẩm văn hóa sáng tạo lấy cảm hứng từ nghệ thuật rối nước sẽ là một hướng đi mới giúp nghệ thuật này lan tỏa rộng rãi. Các sản phẩm như quà lưu niệm, phim hoạt hình, game, và sách tranh về rối nước không những giúp bảo tồn văn hóa mà còn đem lại giá trị kinh tế. Những món quà lưu niệm như con rối nhỏ, hình ảnh về các vở diễn nổi tiếng sẽ là một cách tuyệt vời để du khách mang về làm kỷ niệm. Đồng thời, việc tạo ra các sản phẩm truyền thông hiện đại như phim hoạt hình hoặc trò chơi về nghệ thuật rối nước có thể thu hút đối tượng khán giả trẻ, giúp họ tiếp cận với văn hóa truyền thống một cách sinh động và dễ tiếp nhận hơn. Những sản phẩm này ngoài việc phục vụ mục đích giáo dục mà còn góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, nâng cao giá trị di sản và mở rộng thị trường cho nghề rối nước Đào Thục.
Hỗ trợ từ chính sách và các nguồn lực xã hội hóa
Để hỗ trợ sự phát triển bền vững của nghề rối Đào Thục, cần có sự tham gia và hỗ trợ từ chính sách và các nguồn lực xã hội hóa. Trước tiên, việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức văn hóa là rất quan trọng để phát triển không gian biểu diễn và cơ sở hạ tầng phục vụ du khách. Các doanh nghiệp có thể tài trợ cho các dự án nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng các khu vực biểu diễn rối nước chuyên nghiệp và hiện đại, giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách và khán giả. Sự đầu tư này tạo đà phát triển nghệ thuật, đồng thời còn tạo ra cơ hội việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, việc đề xuất cơ chế hỗ trợ cho các nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ là điều thiết yếu để họ có thể yên tâm gắn bó với nghề. Nhà nước và các tổ chức có thể cung cấp các khoản trợ cấp, học bổng đào tạo nghề, cũng như tạo ra các cơ hội thăng tiến cho nghệ sĩ trẻ trong ngành. Điều này sẽ khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần cống hiến của thế hệ kế cận, từ đó bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật rối nước truyền thống.
Cuối cùng, để nghề rối Đào Thục vươn ra thế giới, cần xây dựng chính sách quảng bá và thương hiệu mạnh mẽ thông qua các sự kiện nghệ thuật dân gian ở tầm quốc tế. Việc tham gia vào các liên hoan, triển lãm và sự kiện văn hóa quốc tế sẽ giúp nghệ thuật rối nước không chỉ được biết đến rộng rãi mà còn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ giao lưu, học hỏi và nâng cao tay nghề. Đồng thời, quảng bá thương hiệu rối Đào Thục ra thế giới cũng góp phần nâng cao vị thế của di sản văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và du khách quốc tế.
Kết luận
Nghề rối Đào Thục, với lịch sử phát triển lâu dài và giá trị văn hóa sâu sắc, vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ trong lòng công chúng và du khách, đồng thời thể hiện tiềm năng phát triển lớn trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nghệ thuật rối nước Đào Thục thực sự là một di sản văn hóa quý giá của Việt Nam và là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, để nghề rối Đào Thục có thể phát triển bền vững và tiếp tục duy trì được giá trị truyền thống trong thời đại mới rất cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, các tổ chức văn hóa và các chính sách của nhà nước cùng chính quyền địa phương.
Vai trò của quản lý văn hóa là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn, đổi mới và phát huy nghệ thuật rối nước truyền thống. Các chính sách văn hóa cần được thiết kế sao cho nghề vẫn giữ được những giá trị truyền thống, song song với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo, đổi mới phù hợp nhu cầu của xã hội, thêm vào đó là phải tạo sức lan tỏa giá trị nghệ thuật đến cộng đồng rộng lớn trong và ngoài nước. Quản lý văn hóa cần hỗ trợ các nghệ nhân truyền nghề, phát triển các chương trình đào tạo và bảo tồn tư liệu, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Để nghề rối Đào Thục có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai, rất cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan, từ chính quyền, nghệ nhân, đến doanh nghiệp và cộng đồng. Chính quyền cần tạo ra cơ chế và chính sách hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp cần tham gia đầu tư vào cơ sở vật chất, quảng bá sản phẩm, còn cộng đồng và du khách chính là những người trực tiếp gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật này. Nếu tất cả cùng chung sức, nghề rối Đào Thục không những được bảo tồn hiệu quả mà còn phát triển mạnh mẽ, vươn xa ra thế giới, đóng góp vào sự phát triển văn hóa và kinh tế của đất nước.
________________________
1. Uông Linh, Làng Đào Thục - Nơi gìn giữ giá trị tinh hoa nghệ thuật rối nước, dangcongsan.vn, 26-2-2019.
2. Thanh Quy, Rối nước Đào Thục được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sovhtt.hanoi.gov.vn, 15-3-2023.
3. Đỗ Minh, Phường múa rối 300 tuổi ở Đào Thục, laodongthudo.vn, 29-7-2023.
4. P.N, Làng rối nước Đào Thục tự làm mới để bảo tồn nghệ thuật, laodongthudo.vn, 29-11-2019.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Tú Quỳnh, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Rối nước châu thổ Bắc Bộ sự phục hồi từ đổi mới đến nay, Nxb Khoa học xã hội, 2014.
2. Trần Thị Thu Thủy, Dương Văn Sáu, Nguyễn Thanh Thúy, Phùng Tuệ Minh, Bảo tồn và phát huy giá trị rối nước dân gian tại cộng đồng: Qua nghiên cứu các phường rối nước dân gian ở Đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Khoa học xã hội, 2019.
3. Hiền Minh, Rối nước, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam, Tạp chí Con số và Sự kiện, số 1, 2022.
4. Vũ Thanh Vân, Đôi nét về đặc trưng nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 545, 2023, tr.67-70.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 8-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 17-2-2025; Ngày duyệt đăng: 28-2-2025.
Ths MA KIỀU LY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025