Trình diễn Bunraku- kịch rối truyền thống Nhật Bản - tại Hà Nội

Vào ngày 5 và 6-7-2025, tại Rạp Công nhân (Hà Nội), Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản) giới thiệu tới khán giả Thủ đô hai buổi biểu diễn đặc sắc Bunraku - Kịch rối truyền thống Nhật Bản. Buổi biểu diễn mang đến một trải nghiệm nghệ thuật khó quên cho khán giả Thủ đô.

Mỗi con rối Bunraku được điều khiển cùng lúc bởi ba nghệ nhân

Bunraku là một trong ba loại hình sân khấu truyền thống tiêu biểu của Nhật Bản, bên cạnh Noh và Kabuki. Ra đời từ TK XVII và phát triển rực rỡ trong thời kỳ Edo, Bunraku nổi bật với sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật điều khiển rối tinh xảo, nghệ thuật kể chuyện giàu cảm xúc và âm nhạc truyền thống. Mỗi con rối được ba nghệ nhân điều khiển một cách nhuần nhuyễn, tái hiện sống động hình dáng và tâm lý nhân vật. Người kể chuyện (Tayu) truyền tải cảm xúc bằng giọng thoại biến hóa, kết hợp với tiếng đàn shamisen đặc trưng, tạo nên một trải nghiệm nghệ thuật liền mạch và cuốn hút.

Năm 2003, Bunraku đã vinh dự được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định giá trị to lớn của loại hình sân khấu truyền thống này trong kho tàng văn hóa thế giới.

Với mong muốn giới thiệu đến khán giả Việt Nam một trong những tinh hoa sân khấu Bunraku Nhật Bản, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu trích đoạn Hành trình tiếng trống đầu Xuân thuộc vở kịch Yoshitsune và Ngàn cây anh đào. Trong buổi diễn, mỗi con rối được ba nghệ nhân phối hợp điều khiển nhuần nhuyễn, tái hiện sống động hình dáng và tâm lý nhân vật. Cùng lúc, người kể chuyện sẽ truyền tải cảm xúc bằng giọng thoại biến hóa, kết hợp với tiếng đàn shamisen đặc trưng, tạo nên một trải nghiệm nghệ thuật liền mạch và cuốn hút.

Cảnh trong trích đoạn "Hành trình tiếng trống đầu xuân"

Trích đoạn Hành trình tiếng trống đầu xuân kể về thời kỳ sau khi đoàn của vị tướng tài hoa Minamoto no Yoshitsune gặp bão lớn khi vượt biển đến Kyushu, tin đồn cho biết hiện họ đang ẩn náu ở vùng Yoshino. Hay tin ấy, Shizuka Gozen đã đơn độc lên đường đến Yamato (nay là Nara) để tìm Yoshitsune. Trên đường đi, để xua tan nỗi u sầu, nàng bắt đầu gõ trống Hatsune, vừa gõ vừa tưởng nhớ đến người mình yêu. Khi âm thanh trong trẻo của tiếng trống vang lên, Satō Tadanobu - người đã bị lạc đoàn - bỗng nhiên xuất hiện trong dáng vẻ một người lữ khách. Anh lấy ra bộ giáp mà Yoshitsune đã ban tặng, và kể lại rằng món bảo vật ấy là nhờ công lao trung nghĩa của người anh trai Satō Tsugunobu - người đã hy sinh thân mình để bảo vệ Chúa công. Tadanobu hồi tưởng và kể lại một cách hùng dũng trận chiến định mệnh, trong đó Tsugunobu đã đỡ mũi tên của đại tướng địch là Taira no Noritsune - kẻ có sức mạnh kinh người - thay cho Yoshitsune và hy sinh. Vừa động viên lẫn nhau, Shizuka và Tadanobu tiếp tục cuộc hành trình, mang trong mình nỗi nhớ về Yoshitsune, và cuối cùng, dãy núi Yoshino dần hiện ra trước mắt họ.

Qua buổi diễn, Bunraku không chỉ chạm tới trái tim khán giả, khơi dậy sự quan tâm sâu sắc đến di sản văn hóa phi vật thể mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong dòng chảy giao lưu văn hóa không ngừng mở rộng, Bunraku hiện lên như một minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của nghệ thuật truyền thống, đồng thời là lời mời gọi ý nghĩa để chúng ta cùng nhau gìn giữ, trân trọng và lan tỏa những tinh hoa đã gắn bó với bản sắc của mỗi dân tộc.

LIÊN HƯƠNG - Ảnh: BTC

;