Tóm tắt: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể di tích tín ngưỡng và lịch sử giáo dục khoa cử quan trọng của Việt Nam, thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là học sinh, sinh viên đến học tập, nghiên cứu và cầu may. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học (TTHĐVHKH) Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trực thuộc Sở VHTT Hà Nội, có trách nhiệm thực hiện chính sách quốc gia về giáo dục di sản. Từ năm 2016, Trung tâm đã xây dựng và triển khai hơn 30 chuyên đề giáo dục di sản cho học sinh các cấp. Bài viết giới thiệu cách tiếp cận mới trong xây dựng chương trình giáo dục di sản tại các thiết chế văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, chỉ ra rào cản khi lồng ghép với hoạt động ngoại khóa, đề xuất cách thiết kế chương trình tại bảo tàng, di tích và kiến nghị đổi mới phương pháp giáo dục di sản.
Từ khóa: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giáo dục di sản, trải nghiệm, cán bộ giáo dục, học sinh, giáo viên.
Abstract: The Temple of Literature - Imperial Academy, a significant complex of religious and educational-historical relics of Vietnam, attracts a large number of visitors, especially students, for learning, research, and to pray for good luck. The Center for Cultural and Scientific Activities of the Temple of Literature - Imperial Academy, under the Hanoi Department of Culture and Sports, is responsible for implementing the national policy on heritage education. Since 2016, the Center has developed and implemented over 30 heritage education programs for students of all levels. This article introduces a new approach to developing heritage education programs at cultural institutions, shares practical experiences, points out challenges in integrating them with extracurricular activities, proposes ways to design programs at museums and historical sites, and suggests innovations in heritage education methods.
Keywords: Van Mieu - Quoc Tu Giam, heritage education, general education, heritage educator, teachers, students.
Hiện nay, di tích đón khoảng 2.000 học sinh mỗi năm tham gia trải nghiệm các chương trình giáo dục di sản với mô hình tham quan theo nhóm nhỏ - Ảnh: vanmieu.gov.vn
1. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và cơ hội tổ chức các chương trình giáo dục di sản
Là điểm di tích mang tính biểu tượng của lịch sử khoa cử Việt Nam nên hằng năm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón tiếp một số lượng lớn các trường đưa học sinh, sinh viên tới tham quan. Ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 700 đoàn với số lượng 175.000 học sinh tới tham quan di tích. Điều này đặt ra yêu cầu cho TTHĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cơ quan quản lý khu di tích cần chú trọng tới các hoạt động gắn kết di sản với nhà trường tại di tích. Bên cạnh đó, đã có những văn bản pháp quy để xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích như Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL ngày 16-1-2013 và công văn số 3809/BVHTTDL-DSVH ngày 14-10-2021 của Bộ VHTTDL.
Từ năm 2016, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đi tiên phong trong số các di tích, bảo tàng trên địa bàn Hà Nội triển khai xây dựng các chủ đề giáo dục di sản tại di tích. Cho đến nay, tại di tích đã có 26 chủ đề giáo dục di sản dành cho các em học sinh từ bậc mẫu giáo tới cấp trung học phổ thông đưa vào thực hiện và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
2. Quan điểm tiếp cận
Học thông qua trải nghiệm
Học thông qua trải nghiệm là một trong những phương pháp giúp chương trình giáo dục di sản không bị nhàm chán mà ngược lại trở nên thú vị với các em học sinh, không chỉ giúp học sinh lĩnh hội kiến thức mà còn giúp các em hình thành các kỹ năng và xây dựng năng lực tư duy. Tổ chức các hoạt động giáo dục tại di tích nhằm tạo điều kiện cho học sinh tính tự chủ và tích cực. Học sinh là chủ thể trong các bước hoạt động: không chỉ thụ động nghe giảng, nghe thuyết minh giới thiệu một chiều, mà chủ động, tự giác tìm hiểu trước, trao đổi, tự khám phá thực tế di tích, tự rút ra kết luận, bài học để bổ sung kiến thức. Các hoạt động giáo dục tại di tích sẽ chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác. Học sinh tham gia giáo dục di sản không chỉ được xem, nghe, nhìn một cách đơn thuần mà được trải nghiệm qua việc tự khám phá, tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin. Biết cách hỏi, chia sẻ với nhiều đối tượng. Biết tự chắt lọc thông tin để bổ sung kiến thức cho bản thân. Biết tương tác giữa các nhóm đối tượng khác nhau. Từ đó gây sự thích thú, ham học hỏi, khám phá cho học sinh.
Tích hợp nội dung kiến thức di sản với chương trình học phổ thông
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích có hệ thống các di sản phong phú. Các di sản được nghiên cứu, nhận diện và tích hợp với chương trình học phổ thông để đưa ra các chủ đề trải nghiệm phù hợp với từng đối tượng học sinh. Công việc này rất quan trọng, bởi vì việc thiết kế các bài học ở di sản nhất thiết phải bám sát vào mục tiêu và các chuẩn kiến thức, kỹ năng, tâm lý ở từng lớp, từng cấp học. Lượng kiến thức quá khó hay quá dễ đều giảm sự hấp dẫn của chương trình giáo dục di sản đối với học sinh. Hơn nữa, mục đích của các thiết chế văn hóa không chỉ là giới thiệu di sản mà còn giúp các em xây dựng mối liên hệ với những gì đang học và giúp các em học cách tìm hiểu và hiểu những nội dung mới theo cách toàn cầu, liên ngành. Việc học tập toàn diện vui tươi này nhằm hỗ trợ việc học tập ở trường và bổ sung cho nó những nội dung không phù hợp với khuôn khổ của các lớp học ở trường. Ví dụ như, với cùng một đối tượng di sản là công trình kiến trúc Khuê Văn Các, cán bộ giáo dục đã thiết kế 2 chủ đề giáo dục di sản dành cho học sinh lớp 1 và lớp 4 khác nhau dựa theo chuẩn kiến thức và kỹ năng học của từng khối lớp. Ở môn Toán của học sinh lớp 1, có yêu cầu kiến thức và chuẩn kỹ năng nhận biết hình vuông, hình tròn, hình tam giác, chủ đề giáo dục di sản được thiết kế giúp học sinh lớp 1 nhận biết các hình khối qua công trình kiến trúc Khuê Văn Các. Đối với học sinh lớp 4, các em được tìm hiểu vẻ đẹp của họa tiết trang trí dân tộc, học cách chép lại các họa tiết dân tộc ở môn Mỹ thuật, cán bộ di tích đã thiết kế chủ đề giáo dục di sản dành cho học sinh lớp 4 là “Khám phá công trình kiến trúc Khuê Văn Các”.
Sử dụng các phương pháp giáo dục di sản thú vị
Đó là các phương pháp được chọn để truyền tải nội dung, cụ thể là thông tin, kiến thức đến đối tượng học sinh mục tiêu trong một chương trình giáo dục di sản. Thông tin này có thể được cung cấp cho các em theo nhiều cách, sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hoặc cán bộ giáo dục di sản khác nhau. Cần nhận thức được sự đa dạng của các phương pháp, việc lựa chọn các phương pháp này phải theo các tiêu chí chính xác và cần khớp nối, liên kết các phương pháp này với nhau một cách hài hòa nhằm xây dựng một kịch bản chương trình giáo dục di sản sinh động và mạch lạc.
Thông thường ở mỗi chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường áp dụng từ 3-4 phương pháp giáo dục khác nhau nhằm hỗ trợ các em học sinh tìm hiểu di sản một cách thú vị và đa dạng. Việc sử dụng nhiều phương pháp kỹ thuật giáo dục di sản trong một chương trình cần chú ý đến: phương pháp giáo dục di sản đã chọn, thứ tự sử dụng và các liên kết logic khi sử dụng kết hợp các phương pháp khác nhau. Trong quá trình thực hiện chương trình, khi sử dụng các phương pháp giáo dục di sản khác nhau, cần đặt câu hỏi về tính chất và vị trí của mỗi phương pháp trong chương trình.
3. Cách thức xây dựng chương trình
Lựa chọn chủ đề giáo dục di sản
Nghiên cứu, tìm hiểu các tư liệu nội dung về di sản, thu thập và chọn lọc các thông tin, hình ảnh, câu chuyện chính xác, có giá trị, thú vị, gần gũi đáp ứng yêu cầu cần đạt được.
Nghiên cứu chuẩn kiến thức nội dung và kỹ năng chương trình học phổ thông nội và ngoại khóa.
Tích hợp nội dung di sản với chương trình học phổ thông.
Xem xét nguồn lực sẵn có gồm các nội dung về di sản, hiện vật, nguồn lực con người (cán bộ giáo dục, tình nguyện viên…) và mức tài chính để định hướng việc xây dựng kế hoạch chương trình giáo dục, xác định đối tượng, chủ đề, nội dung, phương pháp giáo dục một cách khoa học, hiện đại, phù hợp.
Bám sát mục tiêu, đối tượng tham gia để lựa chọn chủ đề giáo dục di sản phù hợp với lứa tuổi. Xây dựng các chương trình giáo dục di sản theo từng lứa tuổi tích hợp với chương trình học trên lớp.
Chủ đề của mỗi chương trình giáo dục được viết ngắn gọn, súc tích, gây ấn tượng, kích thích tính khám phá và tìm tòi của học sinh.
Thiết kế chương trình
Để một chương trình giáo dục di sản đạt hiệu quả cao, cần xác dịnh chương trình này dành cho đối tượng học sinh nào? Từ đó nắm bắt mức độ hiểu biết, năng lực, nhu cầu, tâm lý, sở thích, động lực để đưa ra nội dung kiến thức phù hợp với trình độ nhận thức.
Bên cạnh nội dung kiến thức là các hoạt động trải nghiệm thông qua một hoặc nhiều phương pháp giáo dục phù hợp với kỹ năng, sở thích của nhóm khách mục tiêu. Các phương pháp giáo dục được sử dụng phải có sự kết nối logic, hoạt động trước là tiền đề cho hoạt động sau, dẫn dắt các em tìm hiểu, khám phá và sáng tạo.
Học thông qua trải nghiệm sẽ tạo cho các em cơ hội trải nghiệm thực tế để phát triển kỹ năng tư duy và hành động, sức sáng tạo, khả năng tự lập, tập trung và làm việc nhóm. Do đó, cần nghiên cứu những kỹ năng theo từng lứa tuổi để xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho phù hợp. Đối với lứa tuổi 3-7 tuổi, các hoạt động tô màu, vẽ tranh hay hoạt động thể chất nhảy vào vòng tròn, trò chơi, đóng vai… luôn được ưu tiên sử dụng.
Các học cụ dành cho hoạt động trải nghiệm được chọn lọc mang tính sáng tạo, thiết thực, đa dạng như ván khắc bằng gỗ các hoa văn, chữ Hán trên bia tiến sĩ, các linh vật trên kiến trúc cho các chủ đề: Học chữ Hán qua tên gọi các công trình kiến trúc cổ, Khám phá bia tiến sĩ, Ơ kìa con nghê, giấy dó, bút lông, nghiên mực cho chủ đề Lớp học xưa. Các tài liệu học được thiết kế tinh xảo, in ấn trên các chất liệu phù hợp, giúp các em nhận diện rõ ràng, dễ hiểu, hứng thú khám phá. Các chủ để ứng dụng công nghệ sử dụng trên thiết bị di động, phần mềm được thiết kế chuyên nghiệp như một trò chơi, hấp dẫn, thú vị dễ chơi và khích lệ các em tham gia.
Xây dựng bộ tài liệu chương trình theo 3 bước: trước, trong và sau tham quan
Khi xây dựng các chủ đề giáo dục di sản, các cán bộ giáo dục tại di tích đã áp dụng quan điểm của Dewey về một chu trình học tập tại bảo tàng trong tương quan với trải nghiệm cuộc sống được Hein thể hiện lại bằng sơ đồ. Để hoạt động trải nghiệm giáo dục đạt hiệu quả, di tích luôn cung cấp tài liệu và khung chương trình của chủ đề đó cho nhà trường và giáo viên để hướng dẫn cho học sinh tại lớp. Chương trình giáo dục được xây dựng gồm ba bước: học ở lớp trước khi đến di tích, trải nghiệm tại di tích và học ở lớp sau khi chuyến thăm di tích.
Việc thực hiện các bước trên có tác động rất tốt đối với học sinh, giúp các em có sự chuẩn bị trước để dẫn dắt trải nghiệm tại di tích và có sự liên hệ với cuộc sống đương đại, phát huy các ý tưởng sáng tạo sau chuyến tham quan. Với các phương pháp tiếp cận mới này, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện đã xây dựng được các bộ tài liệu 26 chủ đề giáo dục di sản dành cho các lứa tuổi.
4. Những khó khăn khi thực hiện hoạt động giáo dục di sản
Các chương trình giáo dục di sản tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được đưa vào thực hiện thử nghiệm từ năm 2018 và chính thức vào tháng 11-2019 sau khi di tích bố trí một căn phòng diện tích 50m2 để học sinh tham gia trải nghiệm tại đây. Giáo dục di sản là một chương trình mới và khu di tích chưa có kế hoạch truyền thông về chương trình này ngoài việc đưa thông tin trên trang web và fanpage của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bởi vậy nhà trường hay phụ huynh thường biết chương trình thông qua trang web và fanpage hoặc khi gọi điện trực tiếp đến TTHĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám và được cán bộ phụ trách giáo dục di sản tư vấn.
Khi tư vấn chương trình giáo dục di sản mới này, cán bộ di tích luôn gặp khó khăn do nhu cầu của nhà trường thường đưa học sinh đi tham quan theo cả khối lớp hoặc theo trường thường lên tới hàng trăm đến cả nghìn học sinh và thường tập trung đi vào lịch dã ngoại thời gian cuối năm học từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Vì vậy, việc yêu cầu các trường đưa học sinh đi trải nghiệm theo nhóm nhỏ hay theo lớp là rất khó thực hiện. Với các đoàn tham quan theo nhóm lớp thường là do giáo viên tự tổ chức với điều kiện được sự đồng ý của nhà trường. Đây cũng là rào cản khiến các giáo viên chưa tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm ngoài kế hoạch dã ngoại chung của nhà trường.
Để đáp ứng nhu cầu của trường học nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của hoạt động trải nghiệm, TTHDVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể nhận số lượng học sinh tối đa cho một buổi trải nghiệm là 150 học sinh với số lượng cán bộ giáo dục hiện có là 6 người (1 cán bộ giáo dục chính phụ trách 25 học sinh, và từ 1-2 cán bộ hỗ trợ, cán bộ hỗ trợ có thể là tình nguyện viên hoặc cán bộ thực tập). Và với một đoàn học sinh đông, Trung tâm thường tư vấn mỗi nhóm sẽ tham gia một chủ đề giáo dục di sản khác nhau, nhằm giảm tải tập trung đông học sinh tại một điểm khảo sát hay tại một công trình kiến trúc. Với các buổi trải nghiệm của học sinh như vậy, các nhóm phải thay nhau sử dụng phòng trải nghiệm nơi có máy chiếu và hoạt động trải nghiệm thường chỉ có một nhóm diễn ra tại phòng trải nghiệm 50m2, các nhóm còn lại sẽ tìm địa điểm ngoài sân, ngoài vườn hoặc tại địa điểm khác trong di tích.
Cán bộ di tích luôn gửi bộ tài liệu dành cho giáo viên ở bước trước và sau tham quan, các bộ tài liệu này cũng đã được đưa lên trang web, giáo viên chỉ cần truy cập trang web để tải về. Tuy nhiên, rất ít giáo viên thực hiện đầy đủ các bước với lý do thời khóa biểu dày đặc, rất khó bố trí được các tiết học để thực hiện các bước này. Như vậy, thông thường giáo viên chỉ thực hiện bước trước tham quan đó là thông báo chủ đề trải nghiệm và tổ chức cho học sinh sưu tầm tài liệu mà bỏ qua bước sau tham quan.
5. Kết quả đạt được từ hoạt động giáo dục di sản
Ngoài những hạn chế và thách thức khi đưa chương tình giáo dục di sản vào hoạt động như đã nêu ở phần trước, thì chương trình giáo dục di sản tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Hiện nay, di tích đón khoảng 2.000 học sinh mỗi năm tham gia trải nghiệm các chương trình giáo dục di sản với mô hình tham quan theo nhóm nhỏ. Đã có những trường nhận thấy hiệu quả của chương trình đối với trải nghiệm của học sinh nên đã đưa học sinh đến trải nghiệm giáo dục di sản hằng năm như: Vinschool, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Trường liên cấp Archimedes Hà Nội… Ngoài ra, còn có các giáo viên chủ động đưa học sinh đến di tích trong các giờ học trải nghiệm và giáo dục lịch sử địa phương, có các nhóm gia đình đưa con em đến di tích vào dịp hè. Qua những chia sẻ của học sinh tham gia chương trình cho thấy, học sinh tiếp thu được kiến thức về di sản và những dẫn dắt trải nghiệm tại di tích đã khuyến khích các em tư duy, suy ngẫm, đưa ra quan điểm cá nhân và phát triển tư duy trên những vấn đề mới mà các em gặp trong cuộc sống.
Học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản theo chủ đề tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ động và hào hứng hơn so với hình thức nghe thuyết minh truyền thống trước kia. Với quan điểm tiếp cận học sinh là trung tâm trong các bước hoạt động đã khuyến khích các em làm việc chăm chỉ, nghiêm túc và các em tham gia một cách nhiệt tình vào các bước trải nghiệm. Hình thức tham quan theo nhóm nhỏ cũng tạo cho các em cơ hội tương tác nhiều hơn với cán bộ giáo dục. Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức di sản, chương trình còn giúp các em rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tại nơi công cộng, thờ tự.
Một trong những ưu điểm của chương trình đó là sau trải nghiệm, học sinh được khuyến khích sáng tạo, làm việc theo nhóm, theo năng lực và sở thích cá nhân để tạo ra các sản phẩm giới thiệu với cô giáo và các bạn trên lớp.
6. Đề xuất, kiến nghị
Từ những kinh nghiệm xây dựng chương trình cũng như những khó khăn và thách thức và những kết quả ban đầu của các chương trình giáo dục di sản tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đồng thời để chương trình giáo dục di sản tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng và tại các bảo tàng, di tích nói chung đạt hiệu quả, chúng tôi có những đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần có văn bản quy định cụ thể việc sử dụng di sản trong dạy và học ở trường phổ thông, đây cũng là các văn bản để để các giáo viên có cơ sở đưa học sinh đến di tích ngoài các kế hoạch đi dã ngoại chung của nhà trường.
Thứ hai, cần có cơ chế phối hợp giữa ngành Văn hóa và Giáo dục đào tạo để xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục di sản đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh và nhà trường.
Thứ ba, cần đầu tư nguồn kinh phí thích đáng và thường xuyên để xây dựng các chương trình giáo dục di sản mới với các hoạt động trải nghiệm đa dạng, chuyên nghiệp.
Thứ tư, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục di sản, có không gian với các phương tiện điều hòa, quạt, âm ly, bàn ghế, máy chiếu, ngăn đựng đồ, màn hình tương tác, dụng cụ học tập… nơi học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Thứ năm, tăng cường công tác nghiên cứu nhận diện di sản (hoặc nội dung hiện vật trưng bày tại bảo tàng) làm chất liệu xây dựng các chủ đề giáo dục di sản.
Thứ sáu, cần đào tạo đội ngũ cán bộ giáo dục có trình độ và kỹ năng và phương pháp làm việc với học sinh và xây dựng các chương trình giáo dục di sản.
Thứ bảy, cần đầu tư ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản giúp các chương trình thu hút, hấp dẫn học sinh tham gia.
Thứ tám, cần có kế hoạch truyền thông hiệu quả các chương trình giáo dục di sản đến các nhà trường.
_____________________
Tài liệu tham khảo
1. Arja van Veldhuizen, Petit Manuel Du Mesdiateur Culturel - Méthodes et techniques de médiation à l’usage des médiateurs de musées et du patrimoine Arja van Veldhuizen (Cuốn cẩm nang nhỏ - Phương pháp và các kỹ thuật trong giáo dục di sản dành cho cán bộ giáo dục ở bảo tàng và các khu di sản), ICOM Belgium / Wallonia-Brussels, 2019.
2. Phan Phương Anh, Đường Ngọc Hà, Giáo dục di sản và giáo dục toàn diện: Khai thác tiềm năng của di sản để phát triển giáo dục phổ thông toàn diện, Kỷ yếu hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đương đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022, tr.340.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, 2018.
4. Bộ GDĐT - Bộ VHTTDL Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong giảng dạy ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, Hướng dẫn số 73/ HD-BGDĐT-BVHTTDL ngày 16-1-2013 của Bộ GDĐT - Bộ VHTTDL, 2013.
5. Bộ GDĐT, Tài liệu tập huấn: Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông (Lưu hành nội bộ), Hà Nội, 2013.
6. Council of Europe, Recommendation No R (98) 5 of the Committee of Ministers to Member States Concerning Heritage Education (Khuyến nghị số R (98) 5 của Ủy ban Bộ trưởng cho các quốc gia thành viên liên quan đến giáo dục di sản), 1998.
7. Dự án Việt - Bỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dạy và học tích cực. Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, 2010.
8. Dewey John, The School and Society (Trường học và xã hội), Nxb Đại học Chicago, Chicago, 1900.
9. Hein George E., Learning in the museum (Học tập ở bảo tàng), Routledge, London, 2002.
10. O’Neill, Marie-Clarté và Colette Dufresne-Tassé, “Best practices” ou projet exemplaire. Programme d’éducation et d’action Culturelle. Descrire, analyser et apprécier une realization (“Phương pháp hay nhất” hay các chương trình giáo dục và hoạt động văn hóa. Mô tả, phân tích và đánh giá về một hoạt động), CECA, ICOM, 2016.
11. Nguyễn Thị Kim Thành, Bảo tàng, di tích - Nơi khơi nguồn cảm hứng dạy và học lịch sử cho học sinh phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014.
12. Teréz Kleisz and Dezső Kovács, Những hiểu biết sâu sắc về toàn cảnh văn hóa, Đại học Pécs, 2014.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 20-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 18-4-2025; Ngày duyệt đăng: 29-4-2025.
Ths ĐƯỜNG NGỌC HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025