Dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện

Gần dân, sát cơ sở, nắm vững địa bàn, đồng thời đảm bảo các hình thức, biện pháp tuyên truyền luôn đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện được coi là kim chỉ nam, phương châm hành động, góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và đồng bào các dân tộc thiểu số.

Mô hình “Tiếng loa Biên phòng” trở nên gần gũi với nhân dân nơi biên giới
 

Trên đường đến với bản Là Si (bản của người La Hủ) ở xã Thu Lũm huyện Mường Tè, Thiếu tá Cao Văn Quý - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm tâm sự: “Đồn Biên phòng Thu Lũm chúng tôi có nhiệm vụ quản lý gần 36,245 km đường biên giới, 15 cột mốc. Đây là khu vực định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc La Hủ, Hà Nhì, Dao… trình độ dân trí có những hạn chế nhất định, một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống của người dân. Vì vậy, một trong những hình thức khá phù hợp đối với địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là công tác tuyên truyền miệng. Để bà con dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện thì mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi phải luôn nghiên cứu kỹ và tìm ra những phương án tối ưu nhất. Với đồng bào Hà Nhì thì phải dùng tiếng Hà Nhì để tuyên truyền; bản của người La Hủ thì phải dùng tiếng của bà con. Có như vậy bà con mới hiểu hết nghĩa và thực hiện tốt được. Bên cạnh đó, cần có những ví dụ minh họa cụ thể gắn với đời sống thường ngày của bà con... thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật mới đạt hiệu quả cao”.

Ngoài ra, còn có rất nhiều hình thức khác nhau như: 117 tổ tuyên truyền lưu động của BĐBP tỉnh Lai Châu trên toàn tuyến biên giới đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Tiếng loa Biên phòng”; tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tập trung tại thôn, bản; dịp lễ hội và các hình thức sinh hoạt, biểu diễn văn hóa, văn nghệ; phát tờ rơi, tờ gấp. Đặc biệt, thời gian qua BĐBP Lai Châu đã chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới như: đưa 608 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và địa phương; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng 240 chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới”; 84 chuyên đề phổ biến pháp luật. Trực tiếp tiến hành tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới với 8.731 buổi/481.596 lượt người nghe về nhiều nội dung khác nhau như: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; 3 văn kiện pháp lý trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc khu vực biên giới không di, dịch cư tự do; không tuyên truyền đạo trái pháp luật…”.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông tuyên truyền đến nhân dân trên đại bàn về Luật Biên phòng Việt Nam

 

Song song với xây dựng 326 đề cương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có nội dung ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ đảm bảo phù hợp từng đối tượng thì 22 tủ sách pháp luật tại 22 xã biên giới và 13 tủ sách pháp luật tại 13 đồn Biên phòng luôn được coi là Bách khoa thư với đồng bào nơi biên giởi, bởi tủ sách không chỉ phong phú về chủng loại, nội dung mà còn thường xuyên được Thư viện tỉnh quan tâm luân chuyển các loại sách, báo, tạp chí... nhằm cung cấp, bổ sung tài liệu một cách kịp thời đến với cơ sở, nhất là các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, những văn bản; hướng dẫn liên quan đến biên giới. “Nhờ được đọc những cuốn sách tại Nhà văn hóa xã và Đồn biên phòng, cũng như hướng dẫn của cán bộ mà bà con trong bản có thêm kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, xây dựng gia đình hạnh phúc, bản văn hóa... Từ năm 2006 đến nay, bản không có hộ sinh con thứ ba, nhiều hủ tục lạc hậu không còn chỗ đứng. Người dân trong bản đã vượt qua được “cái lý” của cha ông truyền lại để thực hiện theo nếp sống mới với đám tang chỉ để hai ngày trong nhà, tục thách cưới không còn xảy ra; nhiều gia đình tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo; bản sắc văn hóa của người Hà Nhì chúng tôi được quan tâm gìn giữ thông qua các dịp lễ, tết, hội”- Bí thư Chi bộ bản Mé Gióng xã Ka Lăng (Mường Tè) Pờ Go Tư chia sẻ.

Nói về ấn tượng và để lại nhiều tình cảm đối đồng bào dân tộc nơi biên giới thì không thể không nhắc đến những cán bộ chiếu phim đã không quản ngại khó khăn vượt suối, băng rừng, cõng phim về bản khó. Những bộ phim được lựa chọn để chiếu cũng phải đảm bảo phù hợp với đời sống, phong tục tập quán của đồng bào, để bà con thấy đời sống của người dân mình trong đó. Bởi vậy, ngoài những bộ phim về lịch sử cách mạng, về Bác Hồ thì những bộ phim tuyên truyền về: xây dựng Nông thôn mới; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... luôn là chủ đề không thể thiếu trong mỗi buổi chiếu.

Còn có rất nhiều hình thức tuyên truyền khác được Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả như: thông tin lưu động, cổ động trực quan, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn ngay tại các xã biên giới... Chúng tôi vẫn nhớ như in lời nói của Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm (Mường Tè) Lỳ Pó Chừ sau khi Hội diễn Nghệ thuật quần chúng các xã biên giới lần thứ III năm 2021 được khép lại: “Đây là lần đầu tiên xã chúng tôi được chọn đăng cai tổ chức một hội diễn cấp tỉnh, đã thu hút trên ba nghìn lượt người đến xem, thưởng thức các tiết mục của các đoàn. Thông qua Hội diễn giúp bà con hiểu hơn và từ đó sẽ quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình thông qua nếp sống, sinh hoạt hàng ngày”.

Nhờ việc đẩy mạnh các hình thức biện pháp tuyên truyền nên đến nay trên địa bàn biên giới Lai Châu có 3/22 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao... Từ đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Chương trình của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật luôn thu hút đông đảo bà con nhân dân biên giới đến xem, cổ vũ
 

NHẬT MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;