Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

 

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm nền tảng tinh thần và là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã tổ chức ký cam kết về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đến các hộ gia đình và được đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ.

Việc tổ chức đám cưới đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hoá của địa phương và hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, thực hành tiết kiệm, không phô trương hình thức. Nhìn chung, đại đa số các đám cưới trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức theo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, rất ít hiện tượng tảo hôn, vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Các hiện tượng vi phạm trong việc cưới từng bước được hạn chế. Đã tổ chức được một số mô hình đám cưới theo hình thức “văn minh, tiết kiệm” (chỉ tổ chức cưới tiệc trà, văn nghệ và báo hỷ sau ngày cưới thay cho tổ chức tiệc mặn tại gia đình, nhà hàng khách sạn, tổ chức dâng hương tại các điểm di tích cách mạng, trồng cây lưu niệm…).

Đối với việc tang, cơ bản đã đảm bảo chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và hoàn cảnh của từng gia đình, giảm tối đa tình trạng ăn uống trong các ngày tuần tiết, đa số chỉ mời họ hàng, làng xóm trong ngày giỗ đại tường. Nhiều hủ tục lạc hậu và mê tín dị đoan trong tang lễ được hạn chế. Hình thức hỏa táng trong tang lễ ngày càng được nhân dân hưởng ứng. Trong 10 năm qua (từ năm 2012 đến năm 2022), toàn tỉnh có hơn 81.800 đám cưới theo nếp sống văn hóa, trong đó có 632 đám cưới theo mô hình “văn minh, tiết kiệm”, có hơn 59.400 đám tang theo nếp sống văn hóa, hơn 1.900 đám tang theo hình thức hỏa táng.

Việc quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tốt. Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo về công tác lễ hội, cấp ủy, chính quyền các địa phương có lễ hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội đảm bảo thuần phong mỹ tục, giữ gìn bản sắc. Hầu hết các lễ hội trong tỉnh đều thực hiện đúng theo quy định Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ “quy định về quản lý và tổ chức lễ hội”. Hiện nay, Hà Tĩnh có gần 70 lễ hội, trong đó 13 lễ hội có quy mô lớn, có 3 lễ hội được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các lễ hội được phân cấp quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức và thông báo việc tổ chức với cấp có thẩm quyền theo quy định. Nội dung lễ hội phù hợp với truyền thống văn hóa. Phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội tổ chức phong phú, hấp dẫn, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm. Qua các lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được bảo tồn và phát triển đồng thời góp phần phát huy giá trị di tích tại các địa phương gắn với tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị ở một số cơ quan, đơn vị và đặc biệt là các địa phương cơ sở chưa thật sự sâu rộng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có thời điểm chưa quyết liệt, chưa sát với tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Công tác sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng về việc cưới, việc tang, lễ hội chưa kịp thời. Trong hoạt động cưới, tang, vẫn còn hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường dựng rạp đám cưới, đám tang đặc biệt là tại thành phố, thị xã, thị trấn. Trong hoạt động lễ hội, việc bố trí các hàng quán kinh doanh trong khuôn viên di tích ở một số lễ hội còn chưa hợp lý, gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan di tích, ùn tắc giao thông cục bộ vào ngày khai hội... Tại một số di tích, lễ hội vẫn xảy ra tình trạng chen lấn, xem bói, ăn xin, đổi tiền lẻ... Nhiều di tích chưa quản lý triệt để việc đặt tiền giọt dầu đúng nơi quy định, đốt nhiều vàng mã, hàng mã. Một số lễ hội còn nặng về nghi lễ, phần hội còn nghèo nàn, chưa thu hút được sự quan tâm của nhân dân và du khách. Việc giới thiệu, quảng bá lễ hội còn hạn chế, các biển chỉ dẫn còn ít.

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TU, ngày 20/3/2012  của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt thực hiện các Kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa nói chung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nói riêng gắn với  thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dụng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ hai: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục làm tốt công tác đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang vào hương ước, quy ước, quy chế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ ba: Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về cưới, tang, lễ hội cho đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, Ban Quản lý các di tích, lễ hội. Nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt Chỉ thị 20/CT-TU.

Thứ tư: Thực hiện nghiêm tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong việc bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; trong đánh giá, bình xét các danh hiệu thi đua của các tổ chức, cơ sở đảng, đảng viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang hằng năm.

Thứ năm: Phát huy vai trò của người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, khu dân cư khi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trong phạm vi cơ quan, đơn vị, khu dân cư xảy ra các vi phạm về việc cưới, việc tang.

Thứ sáu: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác vận động, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân thực hiện Chỉ thị.

Thứ bảy: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thực hiện nếp sống văn hoá. Xử lý nghiêm các hành vi truyền bá, phát tán tài liệu, băng đĩa không được phép lưu hành, những cá nhân lợi dụng tâm linh, để lừa gạt, xuyên tạc, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

 

NGUYỄN NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;