Một số giải pháp bảo tồn và phát huy nhà vườn Huế trong giai đoạn hiện nay

Nhà vườn Huế có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gắn với quá trình hình thành của kinh đô Huế, là tài sản quý giá, là một phần của di sản kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa Huế. Trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay, hệ thống nhà vườn góp phần làm cho Huế được biết đến như một thành phố vườn, tạo nên niềm tự hào của mỗi một người con xứ Huế, và là một nét riêng trong lòng du khách mỗi lần đến Huế.

 

Vấn đề bảo tồn nhà vườn luôn là vấn đề thời sự và cấp thiết, cho nên trong hai thập niên qua, chính quyền và các cơ quan chức năng ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều động thái, tuy nhiên, vì nhiều lý do, giải pháp tối ưu vẫn chưa được hình thành. Năm 2002, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh đã phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản nhà vườn xứ Huế và vấn đề bảo tồn” nhằm đề xuất giải pháp bảo tồn di sản nhà vườn Huế. Thật đáng tiếc các bên chưa tìm được tiếng nói chung nên thời điểm đó câu chuyện bảo tồn nhà vườn Huế vẫn chưa tìm được giải pháp. Ngày 10/4/2006, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Nghị quyết số 3i/2006/NQBT-HĐND5 thông qua Đề án “Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010” với mục đích nhằm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản nhà vườn Huế, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án gặp phải một số khó khăn nhất định. Số lượng nhà vườn được đề xuất bảo tồn quá lớn nên dự toán kinh phí vượt quá khả năng cân đối ngân sách tỉnh. Chính sách hỗ trợ về thuế sử dụng đất không được áp dụng cơ chế đặc thù là miễn thuế nên các chủ nhà vườn có diện tích lớn gặp nhiều khó khăn. Các ràng buộc để tham gia chính sách quá chặt và nhiều văn bản chính sách triển khai chậm nên nhiều chủ nhà vườn ngại ngần tham gia đề án. Sau gần 10 năm thực hiện Đề án (từ 2006-2013) chỉ có khoảng 700 triệu đồng được giải ngân và trong danh mục 150 nhà vườn đề xuất cần được bảo tồn được sửa chữa rất khiêm tốn.

Ngày 25/4/2015, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Theo đó, Đề án thực hiện trong giai đoạn 2015-2020, với mục tiêu hỗ trợ bảo tồn từ 25 đến 40 nhà vườn Huế đặc trưng, góp phần hỗ trợ người dân bảo tồn vốn cổ, khai thác hiệu quả kinh tế của di sản nhà vườn Huế. Qua đó, làm tiền đề để lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ những giá trị văn hóa Huế đặc trưng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế nói chung của tỉnh nhà. Tuy nhiên, một số chủ nhà từ chối tham gia và danh sách rút xuống chỉ còn 18 nhà vườn đăng ký tham gia đề án, nhận hỗ trợ. Để thực hiện Đề án, Ban Quản lý nhà vườn Huế đã được UBND tỉnh giải ngân hơn 9,36 tỷ đồng kinh phí để thực hiện đề án. Sau 5 năm thực hiện, hơn 6,2 tỷ đồng đã được đến tay các chủ nhà vườn tham gia đề án. Nguồn vốn kết dư còn khoảng 3,1 tỷ đồng, thành phố Huế sẽ tiếp tục sử dụng để hỗ trợ các hạng mục như duy trì cảnh quan nhà vườn, hỗ trợ thuế đất phi nông nghiệp cho 13 nhà vườn đã trùng tu nhà chính trong giai đoạn 2015-2020. Ngoài ra, thành phố Huế dự kiến sử dụng một phần kết dư để hỗ trợ các nhà rường cổ ở Bao Vinh sau khi Đề án chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Hiện nay, khu vực Thủy Biều có rất nhiều nhà vườn truyền thống Huế đặc trưng được bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả, như nhà vườn của ông Hồ Xuân Đài, nhà vườn ông Đặng Văn Thành, ông Hồ Xuân Doanh, ông Tôn Thất Phương. Ngoài ra, khu vực này còn có các điểm du lịch nhà vườn được một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư, nâng cấp như Hue Ecolodge, Hue Riverside Boutique Resort & Spa. Gia đình ông Hồ Xuân Đài phối hợp với các hộ gia đình lân cận triển khai mô hình dịch vụ tham quan, trải nghiệm nhà vườn đã được 5 năm nay. Thực tế cho thấy, du khách quốc tế rất thích thú với trải nghiệm các dịch vụ truyền thống ở nhà vườn. Tuy nhiên, mô hình này này vẫn còn nhỏ lẻ do đó các cơ quan chức năng cần hỗ trợ kêu gọi nhà đầu tư để hỗ trợ người dân sở tại để phát huy tốt giá trị nhà vườn Huế.

Điểm chung nhất trong việc khai thác du lịch nhà vườn tại thành phố Huế hiện nay phần lớn được thực hiện theo cách làm du lịch như kiểu bảo tàng, khách đến chỉ biết nhìn ngắm, chụp ảnh, dạo chơi; do đó, cần tìm ra giải pháp tạo đột phá trong sản phẩm du lịch nhà vườn. Trước mắt có thể thực hiện một số nội dung như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tiến hành điều tra, khảo sát các nhà vườn truyền thống tại thành phố Huế để nhận diện chính xác về hệ thống nhà vườn, thông qua các cứ liệu lịch sử, các công trình nghiên cứu để đánh giá, xếp loại cụ thể từng loạinhà vườn và đề xuất chính sách phù hợp, đồng thời có cơ sở để lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận di tích lịch sử, văn hóa cho các nhà vườn đủ điều kiện. Mặt khác, các dữ liệu liên quan đến nhà vườn truyền thống Huế đã được thu thập thông qua điều tra, khảo sát cần phải được áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để số hóa các tài liệu, mã hóa thông tin từng ngôi nhà vườn để làm cơ sở khoa học, dễ dàng tra cứu trong công tác bảo tồn, tôn tạo.

Thứ hai, quá trình trùng tu, tôn tạo các nhà vườn truyền thống Huế phải được tiến hành một cách có khoa học theo đúng yêu cầu trùng tu di tích, yêu cầu giữ nguyên kết cấu kiến trúc ban đầu của ngôi nhà rường, hạn chế sự thay thế các chi tiết, vật liệu khác. Chủ đầu tư phải yêu cầu, giám sát đơn vị thi công nghiên cứu sử dụng đúng vật liệu truyền thống, màu sắc phải hợp lý, những chi tiết thuộc kiến trúc là những vật liệu bằng gỗ nhất thiết phải được thay bằng gỗ, không được sử dụng vật liệu khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị kiến trúc của ngôi nhà rường.

Thứ ba, để công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa nhà vườn truyền thống Huế đạt được hiệu quả, cần xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn tại thành phố Huế bằng việc làm cụ thể. Chẳng hạn như, tổ chức các sự kiện hội thảo khoa học, các hoạt động cộng đồng nhằm kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn Huế.

Thứ tư, bảo tồn giá trị nhà vườn Huế phải gắn liền với phát triển du lịch. Hướng tới, cần xây dựng mỗi nhà vườn là một điểm đến, xây dựng không gian Huế xưa để thu hút du khách. Trước xu thế đô thị hóa hiện nay, việc quy hoạch tổng thể đô thị ở Huế cần phải giữ được mối quan hệ hài hòa giữa kiến trúc với môi trường cảnh quan tự nhiên. Căn cứ từng đặc điểm loại hình, các nhà vườn lựa chọn phương án quy hoạch cho phù hợp. Những công trình kiến trúc cổ mang nét văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tư tưởng triết lý, thể hiện qua các đặc trưng của Huế như cổng vào, lối đi, bình phong, bể cạn, non bộ cần được bảo tồn nguyên hiện trạng.

Thứ năm, trong việc phát triển du lịch nhà vườn cũng cần quan tâm nghiên cứu tái hiện lại các lễ hội văn hóa của làng, xã có giá trị cộng đồng, các nghi thức cúng, lễ truyền thống của người Huế trong đời sống gia đình, cũng như các thú chơi tao nhã của tiền nhân như biểu diễn ca Huế, hát tuồng, hát bội, ngâm thơ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Ngoài ra, cần thành lập Hội nhà vườn Huế để tăng cường được sự liên kết giữa các chủ nhà vườn với nhau, giữa chủ nhà vườn với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, giữa chủ nhà vườn với các hãng lữ hành. Các buổi sinh hoạt sẽ giúp cho chủ nhà vườn có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà vườn hiệu quả.

Nhà vườn Huế mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc của văn hóa Huế và có vai trò, ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội, tinh thần của dân tộc. Di sản nhà vườn không chỉ có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa Huế mà còn góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn và bản sắc văn hóa, đạo đức, lối sống, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, xây dựng tinh thần cố kết trong cộng đồng; đồng thời còn góp phần vào việc phát triển kinh tế của chủ sở hữu cũng như người dân địa phương.

 

DƯƠNG VĂN KÍNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;