Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung, huyện Ngọc Hồi nói riêng đã kết hợp đưa nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương vào trong các tiết học và hoạt động của nhà trường. Trong số đó, ngôi trường có nhiều hoạt động nổi bật về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi.
Một buổi chào cờ đầu tuần của Trường Tiểu học Lê Văn Tám
Ngôi trường được tọa lạc trên địa bàn một xã miền núi, biên giới của huyện Ngọc Hồi, có 100% học sinh là người dân tộc Dẻ Triêng. Cô Nguyễn Thị Liên – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng việc đưa di sản văn hóa dân tộc Dẻ Triêng vào giảng dạy và các hoạt động khác của nhà trường là một việc vô cùng cần thiết, phù hợp với mong muốn của các bậc phụ huynh trên địa bàn. Ngay trong buổi họp Ban đại diện cha mẹ học sinh đầu năm học, khi nhà trường triển khai, các bậc phụ huynh đều đồng lòng nhất trí. Từ việc vận động may trang phục truyền thống Dẻ Triêng cho học sinh, đến việc tìm nghệ nhân hỗ trợ, hướng dẫn, truyền dạy các bài cồng chiêng, múa xoang... đều được các bậc phụ huynh hưởng ứng tích cực.
Để việc đưa các di sản văn hóa truyền thống vào công tác giảng dạy và hoạt động của nhà trường hiệu quả, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhà trường đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể trong năm học. Trong đó, vào ngày thứ 2 và thứ 4 hằng tuần, nhà trường quy định tất cả học sinh và giáo viên đều mặc trang phục truyền thống của người Dẻ Triêng và múa xoang trên nền nhạc cồng chiêng. Còn vào thời gian tập thể dục đầu giờ và giữa giờ các ngày khác, các em sẽ được múa các bài dân vũ, nhảy các điệu Cha cha cha.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và mong muốn “làm cho văn hóa thấm sâu” vào tâm hồn các em, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức như: trong các buổi chào cờ, các tiết học âm nhạc, các tiết học về lịch sử địa phương, các hoạt động ngoại khóa...
Trong giờ học âm nhạc, giáo viên có thể lồng ghép giảng dạy về nhạc cụ truyền thống của dân tộc Dẻ Triêng như: sáo, đinh tút, ta - len, ta – lét, pin - pui, Pờ - Rưn...; các bài dân ca của người Dẻ Triêng như: Ru em, Giữ rẫy, Rủ nhau đi hái rau rừng... cũng được giới thiệu trong một số tiết học âm nhạc. Có nhiều bạn học sinh rất ngại học các nốt “đồ - rê - mi” nhưng lại vô cùng hào hứng với các làn điệu dân ca dễ nhớ, dễ thuộc và thể hiện các điệu múa xoang của dân tộc Dẻ Triêng một cách tự tin, tự nhiên đầy đáng yêu.
Cô trò trường Tiểu học Lê Văn Tám trong giờ ra chơi
Tại các buổi hoạt động ngoại khóa, các buổi trải nghiệm, nhà trường còn đưa các em đến tham quan di tích lịch sử Đắk Seang, Cột mốc tam biên, ngã 3 biên giới; tham quan Làng văn hóa Đắk Răng – ngôi làng đậm nét văn hóa truyền thống Dẻ Triêng ở huyện Ngọc Hồi với cảnh quan thiên nhiên gần gũi, với những phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ truyền thống vẫn được bảo tồn và gìn giữ từ bao đời... Đến đây, các em được nghe các nghệ nhân hát, nghệ nhân kể chuyện; được xem các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, chế tác nhạc cụ, dệt thổ cẩm và chia sẻ về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, càng thêm yêu và tự hào về quê hương...
Để công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đạt hiệu quả, bên cạnh sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch, nhà trường đã phát huy tinh thần sáng tạo của giáo viên và học sinh trong sưu tầm các bài nhạc, điệu múa, trong các hoạt động dạy – học; bên cạnh đó còn có sự đồng hành của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong việc may tặng trang phục truyền thống cho học sinh. Các nghệ nhân được mời đến hướng dẫn tập luyện, truyền dạy, ai nấy đều nhiệt tình; trường có nhiều giáo viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, công tác trên mảnh đất họ sinh ra và lớn lên... Tất cả những điều đó đã góp phần làm cho công tác tuyên truyền bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tại trường được thuận lợi hơn.
Đến trường Lê Văn Tám vào những ngày thứ 2, thứ 4 trong tuần, mọi người sẽ nhìn thấy nhiều hình ảnh thật đẹp, cảm giác thật hài hòa, thân thiện. Các em học sinh hớn hở, tung tăng, nô đùa dưới sân trường với trang phục Dẻ Triêng trông tự tin hơn, đáng yêu hơn.
Khi được hỏi về ý nghĩa bộ trang phục đang mặc, em Y Nga – học sinh lớp 4A, tự tin giới thiệu: “Bộ trang phục này là bà ngoại em may. Bà ngoại em bảo màu đỏ tượng trưng cho màu lửa, màu vàng là màu của ánh sáng, màu của mặt trời, còn màu đen là màu của đất, của nước... Đó là màu của những thứ làm nên cuộc sống ...”. Ngời lên trong đôi mắt long lanh của cô bé không chỉ là tình yêu đối với người bà của mình còn là niềm tự hào về bộ trang phục truyền thống của quê hương giàu bản sắc văn hóa...
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đang bị mai một dần theo thời gian, việc đưa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vào trường học với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả như Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi đã và đang làm là một mô hình cần được nhân rộng.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi
NGUYỄN THỊ TÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023