Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng: Muốn hoạt hình phát triển, cần có sự hợp tác giữa các Studio, hãng phim

Nếu như ở mảng phim truyện điện ảnh chúng ta đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng khán giả, đạt được những thành tựu nhất định ở các liên hoan phim quốc tế vừa và nhỏ thì ở mảng phim hoạt hình, một bộ phim dài phát hành ngoài rạp chiếu vẫn là niềm mong ước của nhiều thế hệ làm phim trong những năm gần đây. Hoạt hình Việt Nam đã có những bước tiến như thế nào, có những tiềm năng gì cần được khai phá? Một tác phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế phát hành ngoài rạp chiếu thương mại có phải là tương lai quá xa vời? Đó là nội dung cuộc trò chuyện của chúng tôi với đạo diễn Trịnh Lâm Tùng.

Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng (trái) nhận giải Nhì tại cuộc thi phim ngắn Màn ảnh xanh

 

• Thưa đạo diễn Trịnh Lâm Tùng, gắn bó với Hãng phim hoạt hình Việt Nam, anh nhận thấy những năm gần đây phim hoạt hình Nhà nước đã có thay đổi như thế nào?

Trong khoảng 5 -10 năm vừa rồi, hoạt hình Việt Nam phát triển rất mạnh. Điều này cũng nằm trong tiến trình phát triển của xã hội nói chung và của điện ảnh nói riêng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nền tảng số. Là một đơn vị sản xuất phim từ nguồn vốn nhà nước, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi. Nếu chỉ tính về số lượng thì trước đây, trong một năm hãng phim sản xuất được khoảng 10 đến 12 phim. Những năm gần đây thì con số đã lên đến 22 - 25 phim, đa dạng về đề tài, thể loại, với những mức đầu tư khác nhau. Ví như phim lịch sử Đại Hành Hoàng đế độ dài đến 40 phút, đã được trình chiếu ở hệ thống rạp nhà nước trong dịp kỷ niệm Quốc khánh năm ngoái. Với phim dài như thế thì hãng phải đầu tư rất nhiều về tài chính và công sức, hướng tới chất lượng cao hơn, cũng như hướng tới mục tiêu lớn của Hãng là có bộ phim chiếu rạp một cách tròn trịa, đảm bảo tất cả các yếu tố về kỹ thuật và nghệ thuật.  

• Là đạo diễn trong một đơn vị làm phim nhà nước, nhìn sang khu vực tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, anh có thấy sốt ruột không?

 Phải thừa nhận rằng các studio tư nhân có năng lực sản xuất tốt, có hệ thống máy móc tốt, đặc biệt họ có một hệ thống quản trị mạng rất mạnh. Việc này thì hãng phim Nhà nước khó có thể làm được, bởi doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có khả năng tự quyết và sử dụng nguồn vốn linh hoạt. Bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi cũng đã nhận những lời mời cộng tác, cố vấn chia sẻ chuyên môn cho các công ty bên ngoài. Chúng tôi giao lưu về công việc, giao thoa về quan điểm sáng tác và đã có những sản phẩm hợp tác giữa Hãng phim với các đơn vị tư nhân. Hoàn toàn rất tốt đẹp khi chúng ta có làn gió mới, chúng ta có những nghệ sĩ trẻ say mê nghề, đặc biệt có khả năng công nghệ rất tốt. Chất lượng phim đi lên, số lượng phim cũng tăng lên. Những nghệ sĩ thuộc Hãng phim nhà nước và các anh chị em nghệ sĩ bên ngoài đều ý thức được rằng: muốn phát triển thì chúng ta cần phải hợp tác giữa các studio với nhau và giữa Nhà nước với tư nhân. Đó hoàn toàn là một tín hiệu đáng mừng.

Poster phim Đại Hành Hoàng đế - Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất

 

• Sự thành công của một phim hoạt hình gắn với những yếu tố nào, thưa anh?

Các bộ phim hoạt hình bom tấn như là Kungfu Panda hay nhiều phim khác gần đây có kinh phí đầu tư hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD, được sản xuất ở các nước vốn đã là cường quốc kinh tế, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Pháp. Ở những đất nước đó không coi hoạt hình đơn thuần là một bộ môn giải trí, không đơn thuần chỉ dành cho trẻ em, cũng không đơn thuần dành cho một lứa tuổi hay là một tầng lớp nào. Họ quan niệm hoạt hình là một sản phẩm điện ảnh, là một bộ phim điện ảnh. Khi đã là một sản phẩm, một tác phẩm điện ảnh thì phải đảm bảo tất cả các yếu tố về câu chuyện, về chất lượng hình ảnh, về giá trị xã hội, giá trị văn hóa, giá trị kinh tế, giá trị lịch sử.., và đương nhiên giá trị giải trí phải cao.

Nhật Bản là một đất nước phát triển rất mạnh từ truyện tranh tới hoại hình. Đằng sau bộ phim của họ là cả một hệ thống, một hệ sinh thái, bao gồm các khu vui chơi giải trí, ngành công nghiệp đồ chơi, công nghiệp thời trang… Doanh thu phim không đơn giản là doanh thu phòng vé mà là doanh thu của rất nhiều nguồn khác gọi là dòng tiền thứ cấp, nó lớn gấp nhiều lần tiền bán vé. Chỉ khi nào hoạt hình Việt Nam được xác định là một nền công nghiệp chất lượng cao, mũi nhọn, có ảnh hưởng tới văn hóa, chính trị, kinh tế của một đất nước thì lúc đấy hoạt hình mới nở rộ được và mới có vị thế, trước hết với người Việt mình, sau đó mới có thể nghĩ đến thị trường nước ngoài

• Một bộ phim dài chiếu rạp là đích phấn đấu của hoạt hình Việt Nam hiện nay. Vì sao cứ phải là phim dài chiếu rạp?

Một bộ phim ra rạp chuẩn chỉ là ước mơ cả đời của nhiều thế hệ nghệ sĩ làm phim hoạt hình ở nước ta, trong đó có tôi. Chắc chắn phải có lý do. Doanh thu phòng vé chẳng qua cũng chỉ là một khái niệm. Thực chất một bộ phim đảm bảo để ra rạp được cần những tiêu chí riêng. Ví dụ về mặt thời lượng phải từ 90 phút đến 120 phút, các yếu tố về mặt kỹ thuật tương ứng với tiêu chuẩn của một tác phẩm dự thi Liên hoan phim quốc tế. Một bộ phim ra rạp đem lại nhiều giá trị vượt hơn rất nhiều giá trị kinh tế, khẳng định được thương hiệu, năng lực, đường hướng phát triển của đơn vị sản xuất, tài năng của đạo diễn. Để chuẩn bị cho một bộ phim ra rạp cần phải chuẩn bị nền tảng về nhân sự, kỹ thuật, nguồn vốn. Đó là cái đích mang tính cơ học. Cái đích lớn lao hơn chính là những bộ phim chất lượng quốc tế.

Tạo hình nhân vật trong phim U linh tích ký: Bột thần kỳ
 

• Khoảng hơn 10 năm trước chúng ta hay giải thích rằng kỹ thuật của chúng ta còn kém. Nhưng đến thời điểm này nhiều studio tư nhân rất tự tin về kỹ thuật. Có lẽ câu chuyện về nguồn vốn đầu tư, câu chuyện về thương hiệu của phim hoạt hình Việt vẫn là điều cản trở lớn?

 Đúng là trong mọi lý do thì vẫn không thể né tránh lý do về nguồn lực kinh tế, dù có tài năng bao nhiêu. Hoạt hình vẫn được coi là bộ môn “quý tộc”, bởi sự tốn kém, đắt đỏ, kỳ công. Hoạt hình Việt thiếu những tên tuổi lớn, thiếu một đầu tàu đủ sức dẫn dắt. Điện ảnh Việt chưa có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới. Làm phim cần phải có tiền, rất nhiều tiền. Chúng tôi mong có một sự kết hợp nào đó. Có thể là sự kết hợp giữa Nhà nước với tư nhân. Điều này đã có tiền lệ với phim truyện điện ảnh, như trường hợp đạo diễn Victor Vũ và phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chạm đến cảm xúc của nhiều thế hệ, đồng thời đem lại doanh thu tốt. Ngôn ngữ của hoạt hình là ngôn ngữ xuyên biên giới, với tính thông điệp cao. Chúng ta có thể giới thiệu với bạn bè thế giới về lịch sử, văn hóa của chúng ta thông qua phim hoạt hình bằng nhiều hình thức khác nhau, nhiều chất liệu khác nhau, có thể phim 2D, 3D hay các thể loại khác. Hoạt hình nói riêng, nghệ thuật nói chung ngoài giá trị mang tính tinh thần thì còn có thể đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nhà đầu tư. Khi chúng ta xác định đầu tư đúng đắn, tìm được những đạo diễn, họa sĩ có tài có tâm chung tay thực hiện thì tôi thấy hoàn toàn có thể trở thành hiện thực được.

• Sâu xa hơn có lẽ vẫn là thái độ rụt rè ở phía đầu tư, vì chúng ta chưa có tiền lệ, và chưa có tiền lệ thì sẽ không thể dự đoán được tác phẩm với một kịch bản như thế liệu có đem tới sự bùng nổ nào không, có tạo được quan tâm của khán giả không?

 Sự bắt tay giữa Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân đương nhiên phải có chế tài và chế tài này thường mất nhiều thời gian. Nếu các đơn vị tư nhân bắt tay với nhau thì nhanh hơn về mặt thủ tục hành chính nhưng lại khó khăn trong việc đồng lòng hợp sức. Tôi nghĩ đến hướng giải quyết, đó chính là sự hợp tác giữa các đơn vị với các thế mạnh riêng, ví dụ đơn vị thì mạnh về đồ họa, đơn vị mạnh về tổ chức sản xuất, đơn vị mạnh về truyền thông quảng bá… Phía nhà nước cũng như tư nhân hiện không có đơn vị nào mạnh tất cả các khâu, nên thực hiện một mình là khó. Giữa sản phẩm và tác phẩm, đó là khoảng cách rất xa. Với sản phẩm, chúng ta có thể làm với số lượng nhiều, đáp ứng được nhu cầu xem liên tục của khán giả. Sản phẩm quy ra tài sản. Tác phẩm là di sản. Thực hiện một bộ phim lớn có giá trị di sản sẽ khó hơn rất nhiều. Nhưng không phải cứ khó thì chúng ta lại né tránh. Những người làm phim trẻ như chúng tôi vẫn âm thầm kết hợp với nhau. Chúng tôi đang chuẩn bị hai nguồn lực lớn, đó là nguồn lực kinh tế và nguồn lực nhân sự. Đây là một bài toán khó, nhưng chúng tôi tự tin sẽ giải được.

Một cảnh trong Tàn thể tiền truyện do Dee Dee Animation sản xuất được nhận nhiều giải thưởng quốc tế

 

ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023

 

;