Ngày càng nhiều các nhóm bạn trẻ đang ngày đêm khơi dậy tình yêu văn hóa Việt, đặc biệt là phong trào phục dựng và ứng dụng cổ phục Việt đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, nghệ thuật biểu diễn cũng như du lịch di sản trên cả nước và được thế hệ trẻ đón nhận. Cổ phục không chỉ là thời trang mà còn trở thành trải nghiệm đưa nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống đến gần hơn với đông đảo công chúng. Nhiều hội nhóm yêu cổ phục hiện đang cùng nhau tập hợp để phục dựng lại trang phục thời Đinh trong dự án phim điện ảnh huyền sử Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh.
Hoạ sĩ Cao Việt Nguyễn và diễn giả Phạm Thu Hằng - nhóm Kinh Bắc Legacy trình bày nghiên cứu về cổ phục thời Đinh
Nỗ lực đưa nét đẹp văn hóa truyền thống vào ứng dụng trong cuộc sống hiện đại
Phong trào phục dựng cổ phục Việt đã đưa những nét đẹp của văn hóa truyền thống vào ứng dụng trong đời sống hiện đại. Trong vài năm trở lại đây, nỗ lực của những người yêu cổ phục Việt đã khiến những trang phục xưa tưởng như thất truyền trở lại trong cuộc sống đương đại, xuất hiện xuyên suốt các sự kiện cộng đồng như như Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội, Festival Huế, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, Lễ hội Áo dài TP. Hồ Chí Minh.... Ước tính hiện nay có khoảng 30 thương hiệu cổ phục Việt, các nhóm này đều hướng đến những mục tiêu: nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; tư vấn về văn hóa và cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước. Ứng dụng của cổ phục rất đa dạng, không chỉ để trình diễn mà còn được các nghệ sĩ đưa vào phim điện ảnh, MV ca nhạc, đồng thời liên tiếp tạo cơn sốt với người trẻ trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến…
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Lý Tùng Hiếu (Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) từng nhận định: “Khi người trẻ có thái độ, hành động đề cao, phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc thì phải chỉ ra được những phần nào trong văn hóa ấy, bản sắc ấy vẫn còn hữu ích, hữu dụng, tức là còn giá trị, thậm chí gia tăng giá trị trong cuộc sống của họ. Ðó cũng là con đường để cho các di sản văn hóa tiếp tục sống cuộc đời của nó trong thế giới hôm nay, con đường mà giới quản lý văn hóa gọi là “bảo tồn động”.
Diễn giả Vũ Đức - nhóm Great Vietnam trình bày nghiên cứu phỏng dựng trang phục Áo viên lĩnh đại khâm (giai đoạn Đinh - Tiền Lê)
Họa sĩ Phan Thanh Nam (Ấm Chè) trình bầy về nghiên cứu cổ phục thời Đinh cho bộ phim "Hộ Linh Tráng Sĩ - Bí Ẩn Mộ Vua Đinh" trong hội thảo
Lấp đầy khoảng cách giữa nghiên cứu và thực hành
Công ty BHD vừa công bố dự án phim điện ảnh huyền sử Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Ðinh, dự kiến quay trong 60 ngày, vào tháng 11 và 12/2025 và khởi chiếu cuối quý 2 năm 2026. Là một dự án phim hành động, võ thuật, tâm lý, bộ phim lấy cảm hứng từ một trong vô vàn những truyền thuyết dân gian huyền bí về lăng mộ Vua Ðinh - Vị Hoàng đế đầu tiên đặt nền móng cho nước Việt độc lập sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Phim mở ra một câu chuyện đầy kịch tính và xúc động về 7 tráng sĩ mang trong mình sức mạnh phi thường và tinh thần bất khuất.
Không chỉ là một bộ phim hành động, huyền sử, bộ phim còn là một hành trình trở về cội nguồn, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình - người được giao trọng trách đạo diễn bộ phim đã cam kết sẽ làm việc hết mình với tinh thần học hỏi, cầu thị để có thể mang lại một bộ phim như lời tri ân của ngày hôm nay với vị Hoàng Ðế đầu tiên của nước Việt. Tuy nhiên, ông cho biết tư liệu về thời kỳ này, đặc biệt là cổ phục vô cùng hạn chế. Không thể để hạn chế về tư liệu phục trang cản trở các nhà làm phim kể một câu chuyện của những người Việt xưa để lớp trẻ có thể tự hào hơn về những trang sử của dân tộc, Công ty BHD phối hợp cùng với UBND và Sở VHTT tỉnh Ninh Bình tổ chức một hội thảo về trang phục, cổ phục thời Ðinh, mời 5 nhóm tư vấn về cổ phục trình bày những nghiên cứu của mình và triển lãm các phần phục trang mà mỗi nhóm nghiên cứu được về thời kỳ này.
Ðây là lần đầu tiên một dự án phim điện ảnh tổ chức một hội thảo chuyên sâu về cổ phục, mở ra không gian đối thoại đầy ý nghĩa giữa hai thế hệ với khách mời là các sử gia, học giả hàng đầu, cũng như các chuyên gia về điện ảnh với các bạn trẻ nghiên cứu, yêu thích lịch sử và cổ phục, góp phần khơi dậy tình yêu văn hóa Việt, đặc biệt là phong trào Việt phục cổ đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ.
Các bạn trẻ từ 5 nhóm nghiên cứu đã mang đến những phỏng dựng trang phục thời Ðinh đầy tâm huyết. Ðầu tiên là Nguyễn Ngọc Phương Ðông, đồng sáng lập nhiều nhóm và trang chuyên về lịch sử, văn hóa cổ như Ðại Việt Cổ Phong, Vietnam Centre, Vương Sư Kiên Duệ… tác giả và đồng tác giả nhiều sách như Dệt nên triều đại về lịch sử trang phục nửa đầu thời kỳ Lê Sơ, Lôi Ðộng - Tinh Phi về lịch sử súng đạn của người Việt, Kỳ công diệu nghệ về các công nghệ và phát minh của người Việt. Lần này, Nguyễn Ngọc Phương Ðông trình bày một số bộ giáp trụ, trang phục của binh sĩ và tướng lĩnh thời Ðinh - Tiền Lê.
Dương Phạm Trí - nhà thiết kế và thực hành trang phục truyền thống nói về tính chân xác trong phỏng dựng phục trang và trình bầy về 2 bộ trang phục bạn nghiên cứu cho các nhân vật trong phim
Nhóm Kinh Bắc Legacy với Phạm Thu Hằng người phụ trách phục trang cho rất nhiều phim lịch sử như Phượng Khấu, Vua Bụt (Trần Nhân Tông), Bạch Ðằng giang…, tư vấn cổ phục cho lễ hội Festival Ninh Bình 2024 và họa sĩ Cao Việt Nguyễn, tác giả sách Việt sử nhân vật và đồng tác giả của sách Lôi động tinh phi. Nhóm trình bày các bộ mà nhóm nghiên cứu như Thái hậu họ Dương, Vua Ðinh Tiên Hoàng...
Nhóm Chiêu Minh Các do Dương Phạm Trí - nhà sáng lập, nhà thiết kế và thực hành trang phục truyền thống thực hiện. Anh là người đã giành giải Nhất cuộc thi hóa thân thành nhân vật lịch sử của Festival Ninh Bình 2024. Dương Phạm Trí mang đến hai bộ trang phục Nam Chính (Kinh) và Nữ Chính (Kinh) thời Ðinh.
Great Vietnam là nhóm đã tham gia nhiều dự án như thực cảnh Tinh hoa Việt Nam, Dự án Ðiểm ánh Ðan Thành, Dự án sách Dệt nên Triều đại, Chương trình Festival Huế và Lễ Ban sóc triều Nguyễn, Bộ sưu tập Lịch sử Quốc phục Ðàng Trong - Ðại Nam. Nhóm Great Việt Nam trình bày về phần Phỏng dựng trang phục Áo viên lĩnh đại khâm (giai đoạn Ðinh - Tiền Lê) với đối tượng mặc là quý tộc, quan lại.
Nhóm thứ 5 là họa sĩ Phan Thanh Nam, được biết đến với bút danh Ấm Chè bắt đầu từ nhóm Ðại Việt Cổ Phong, đồng sáng lập ngày hội Việt phục thường niên Tóc xanh vạt áo. Là người truyền cảm hứng lịch sử qua những bức tranh đầy sức lôi cuốn và sáng tạo và ngoài việc tham gia tham luận về cổ phục thời Ðinh với những bộ trang phục của ông thầy Mo (gốc người Mường), anh còn nghiên cứu và cùng đoàn phim Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Ðinh phỏng dựng lại một trong những bối cảnh chính của phim: lễ hội rằm tháng tám năm Kỷ Mão 979 ngay trước khi Vua Ðinh Tiên Hoàng băng hà trong một bức tranh dài 0,7x8m.
Bộ giáp trụ thời Đinh được trình bày bởi nhóm Đại Việt Cổ Phong của diễn giả Nguyễn Ngọc Phương Đông
Các nhà nghiên cứu như nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS,TS Ðặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, PGS,TS Nguyễn Phương Chi - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, PGS, TS Nguyễn Ðức Nhuệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sử học, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ, ông Trương Ðình Tưởng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Ninh Bình… cũng đóng góp nhiều ý kiến. PGS,TS Nguyễn Phương Chi khẳng định, bên cạnh tính thẩm mỹ, các trang phục được phục dựng cần đảm bảo đúng tính chân xác của thời đó, từ chất liệu, giày dép hay đến cả những hoa văn trên vải… Họa sĩ Trịnh Quang Vũ cho rằng các bạn trẻ mạnh dạn nghiên cứu và phục dựng các bộ trang phục, tuy nhiên lại đang thiếu đi tính sâu sắc và vẫn còn nhiều điểm chưa đúng với các hiện vật và tư liệu lịch sử. Các sử gia cũng cởi mở khẳng định sẵn lòng chia sẻ một số các tư liệu mình có nếu các bạn trẻ cần nghiên cứu thêm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng cần phải lấp đầy khoảng cách giữa thực tế lịch sử và thực hành sáng tạo bằng cách tạo ra một môi trường sinh thái cho sự sáng tạo phát triển. Các nhà quản lý nên bắt đầu có một bước đi quy củ hơn, không để mỗi bộ phim là một sáng tạo riêng, một tài sản riêng mà không có kế thừa. TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Ðiện ảnh Việt Nam (VFDA) cho rằng các nhà làm phim nên tận dụng tư liệu từ nhiều nguồn, từ sử liệu cho đến sáng tạo của những người trẻ, nhưng cũng nên tận dụng cả trí tuệ nhân tạo, làm sao để tìm ra một tiếng nói chung và tiếng nói đó phải có sức thuyết phục và đến được với khán giả không những là khán giả Việt Nam mà còn là khán giả quốc tế. Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Ðinh cũng không phải một dự án phim lịch sử mà là dự án phim cổ trang, dã sử, vì vậy nên sự sáng tạo của các nhà làm phim cũng sẽ tự do hơn rất nhiều. Bà Ngô Phương Lan cũng bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL sẽ có một chiến lược mạnh mẽ để có thêm nhiều nhà làm phim cùng khai thác đề tài lịch sử.
Phỏng dựng trang phục Áo viên lĩnh đại khâm (giai đoạn Đinh - Tiền Lê) của nhóm Great Vietnam
HOÀNG ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 604, tháng 4-2025