Câu chuyện về làng bích họa bên phá Tam Giang

Mang dáng dấp của làng quê yên bình với cảnh đầm phá, thuyền chài sông nước mênh mông, nên thơ và kỳ vĩ, làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một làng ngư nghiệp nằm sát bên phá Tam Giang. Làng chài nhỏ bắt đầu chuyển mình từ năm 2014, khi các dự án SODI, VIEEO33 bắt đầu triển khai tiềm năng của làng quê này thì cái tên Ngư Mỹ Thạnh cũng dần trở nên thân thuộc với người dân, du khách và du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh cũng bắt đầu chuyển mình từ đó.

 

Vẻ đẹp làng bích họa bên phá Tam Giang

Làng chài Ngư Mỹ Thạnh, nguyên gốc là những ngư dân thủy diện sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, với con đò, chiếc thuyền nan lênh đênh trên đầm phá bắt đầu tên gọi là làng Vạn Mỹ Thạnh. Sau này khi thực hiện chính sách định cư cho ngư dân Thủy điện (dân vạn đò) vào bờ thì làng được đổi tên là Ngư Mỹ Thạnh.

Làng Ngư Mỹ Thạnh cách thành phố Huế gần 30km. Làng chài nhỏ với hơn 200 hộ dân sinh sống đã quen với cuộc sống sông nước, coi chiếc thuyền, con ghe là ngôi nhà, nơi sinh cơ lập nghiệp. Những năm gần đây, xóm vạn chài đang từng ngày thay da, đổi thịt, trở nên nhộn nhịp, được nhiều khách du lịch tìm đến, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê bên phá Tam Giang. Từ một làng quê ngư nghiệp, thông qua ý tưởng xây dựng làng bích họa do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện với sự tham gia của đông đảo các họa sĩ và tình nguyện viên đã trang trí thành bức họa nhiều màu sắc trên tường thể hiện đầy đủ những hoạt động đặc trưng của làng chài, phản ánh đời sống thường nhật, tái hiện khung cảnh đầm phá với chiếc thuyền nan, sông nước, ao sen, vườn hoa, cảnh cư dân đánh bắt cá, tôm… Những bức bích họa mộc mạc, mô phỏng những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng đầm phá Tam Giang, đời sống sinh hoạt của người dân chài vươn mình trong nắng gió và hơn hết là tôn vinh vẻ đẹp con người lao động gắn với sông nước. Không chỉ tôn thêm vẻ đẹp làng chài mà còn tạo ra điểm nhấn thu hút du khách, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đầm phá Ngư Mỹ Thạnh với những nguồn lợi thủy sản phong phú, góp phần thúc đẩy du lịch sinh thái phát triển, giúp khách tham quan hiểu hơn về vùng đất và con người nơi đây. Là làng bích họa đầu tiên của Thừa Thiên Huế, đến nơi đây, trò chuyện với người dân và hòa vào cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của một làng chài điển hình vùng Trung Bộ mới thấy sự chân chất, giản dị, thân thiện, hiếu khách… Những sắc màu rực rỡ khiến cho Ngư Mỹ Thạnh trở nên sống động, tươi mới, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đến Huế, cũng như đến tham quan phá Tam Giang.

Những tiềm năng đang được đánh thức

Tháng 5/2023, làng Ngư Mỹ Thạnh vừa được UBND tỉnh quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng, theo quyết định Ngư Mỹ Thạnh đạt 3/3 điều kiện công nhận điểm du lịch theo quy định của Luật Du lịch 2017 gồm: Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận, tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực; có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

Với những tiềm năng về phát triển du lịch, xóm vạn chài đang từng ngày phát triển, trở nên nhộn nhịp, được nhiều du khách tìm đến, góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê xinh đẹp bên phá Tam Giang. Phát huy lợi thế về tiềm năng du lịch vùng đầm phá cần được khai thác, sau khi được công nhận là điểm du lịch cộng đồng, Ngư Mỹ Thạnh đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch hiệu quả như: Chợ nổi, làng Bích họa Ngư Mỹ Thạnh, tham quan, check-in và tổ chức các trò chơi ở nhà chồ, ẩm thực, tham quan rừng ngập mặn và các hoạt động trải nghiệm cho du khách. Các sản phẩm du lịch tại Ngư Mỹ Thạnh được nhiều diễn đàn du lịch, du khách chia sẻ mạnh trên các nền tảng mạng xã hội, là địa điểm lý tưởng cho các ca sĩ, ban nhạc trình diễn, quay MV ca nhạc. Điều đó không chỉ làm phong phú sản phẩm du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương mà góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo tồn sinh thái vùng đầm phá. Chính điều này đã đưa tên Làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh ngày càng được du khách quan tâm và định hình thương hiệu của mình trên bản đồ du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nếu chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ nổi tiếng bán các sản vật chủ yếu là nông sản, các loại trái cây, rau củ, thức ăn… thì chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh mang một nét riêng biệt là nơi mua bán các loại thủy sản như: tôm, cá, cua, lươn… được người dân đánh bắt từ phá Tam Giang - một hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Chợ nổi thường bắt đầu từ 4 đến 7 giờ sáng hằng ngày, trên một vũng đầm hàng trăm chiếc thuyền chài của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh, thôn Cư Lạc và một số vùng lân cận sau khi đánh bắt về tập trung ở đây làm nhộn nhịp cả một khu đầm yên ả. Cảnh mua bán diễn ra rất nhanh và thanh bình, không ồn ào, đông đúc chen lấn, từ đây các đặc sản tôm cá của Tam Giang tỏa đi khắp các chợ lân cận và thành phố Huế.  Khi mặt trời hừng đông thì cũng là lúc chợ nổi kết thúc, những chiếc thuyền chài tập trung tại một bãi đậu, những ngư dân sắp xếp lại ngư lưới cụ để lại chuẩn bị cho chuyến đánh bắt tối hôm sau. Ngày nay, chợ nổi thủy sản Ngư Mỹ Thạnh là một trong những điểm thu hút khá đông khách du lịch khi đến Quảng Điền.

 

Đến với điểm du lịch Ngư Mỹ Thạnh, du khách còn được tham quan Nhà trưng bày sinh vật Phá Tam Giang - nơi trưng bày các loài thủy sản và ngư cụ đánh bắt của ngư dân đầm phá Tam Giang; tham quan rừng ngập mặn và hệ thống đầm phá Tam Giang bằng thuyền Sup để khám phá nơi được mệnh danh là hệ thống đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm làm ngư dân đánh bắt cá, bắt trìa... hết sức lạ lẫm và hấp dẫn; làm nông dân, thợ thủ công ở làng đan lát mây tre thôn Thủy Lập, trình diễn các tiết mục văn hóa truyền thống như Bài chòi, sinh hoạt cộng đồng về đêm. Với đặc trưng của vùng sông nước, du khách còn được tham gia những hoạt động check in, các trò chơi ở nhà chồ trên phá và thưởng thức ẩm thực siêu ngon, đặc sắc được chế biến từ sản vật vùng đầm phá. sông nước miền Trung.

Ông Trần Công Trực – Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Điền cho biết: “Sản phẩm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh được công nhận là động lực rất lớn để Quảng Điền vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng môi trường thân thiện. Đó cũng là tiền đề góp phần đẩy nhanh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” dựa trên các tiềm năng, lợi thế của vùng và hướng đến mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị, thương hiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền, gắn với phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ nông thôn”.

Để kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình khám phá Ngư Mỹ Thạnh, hiện nay, du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh đã có 5 thuyết minh viên, hướng dẫn cho khách; có biển chỉ dẫn, thuyết minh, giới thiệu về điểm du lịch và có dịch vụ ẩm thực tại các homestay; tại khu vực nhà chờ có bố trí quầy giới thiệu và bán các sản phẩm của địa phương. Thời gian lý tưởng nhất để khám phá làng Ngư Mỹ Thạnh là từ tháng 2 đến tháng 10 dương lịch, tức là thời điểm mùa khô. Nếu muốn tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc bơi lội tại đây, du khách đến vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 để trải nghiệm làn nước mát lành tưới mát da thịt, “rửa trôi” cái nắng nóng. Về thời gian trong ngày, làng Ngư Mỹ Thạnh được cho là đẹp nhất vào lúc sáng sớm hoặc khi chiều tà, đặc biệt là từ 4h30 - 6h sáng.

Có dịp du lịch Ngư Mỹ Thạnh, anh Vũ Đình Phong ở TP Tam Kỳ chia sẻ: “Đến Ngư Mỹ Thạnh, tôi không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên rộng lớn, tươi đẹp mà còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian, thưởng thức món ăn đặc sắc, tìm hiểu đời sống của người dân vùng sông nước. Tôi thấy đây thật sự là một hoạt động mới mẻ, độc đáo và rất thu hút”.

Bạn hãy thử một lần ghé chân đến Ngư Mỹ Thạnh để chứng kiến và thấy được sự đổi mới của vùng đất và con người nơi đây để rồi không nỡ rời xa khi thu vào tầm mắt ánh bình minh, hoàng hôn rộng lớn nơi đây và lặng ngắm thời gian như những thước phim quay chậm mê đắm lòng người.

 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

 

;