Độc đáo nghệ thuật tranh vỏ tràm

Gặp thầy Nguyễn Văn Cảnh tại không gian trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP nhân sự kiện Lễ hội chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Thầy hứa sẽ làm tặng bức tranh chân dung của tôi bằng vỏ tràm. Sau khi tôi chọn tấm hình ưng ý gửi cho thầy thì không bao lâu, thầy đã hoàn thành bức tranh bằng vỏ tràm rất ấn tượng, sống động và độc đáo. Lãnh đạo Trung ương, tỉnh, huyện và nhiều người đến không gian trưng bày hay đến tận cơ sở tranh vỏ tràm thầy Cảnh tham quan, trải nghiệm đều rất thích thú khen tranh đẹp, đầy sức sáng tạo và rất có hồn.

 

Đam mê nghệ thuật tranh vỏ tràm

Đam mê nghệ thuật vẽ tranh, cắt dán thủ công từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp Trường Trung học sư phạm tỉnh Đồng Tháp năm 1990, Nguyễn Văn Cảnh (sinh năm 1969) ra dạy học tại Trường Tiểu học Phú Đức một thời gian. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, thầy Cảnh tiếp tục theo học Cao đẳng Mỹ thuật tại Trường Đại học Đồng Tháp để thỏa mãn với niềm đam mê của mình. Cuối năm 2003, sau khi tốt nghiệp, thầy Cảnh trở về quê ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông vừa dạy học - vừa sáng tác nhiều tác phẩm tranh nghệ thuật bằng các loại chất liệu khác nhau rất độc đáo và mới lạ. Năm 2004, tác phẩm tranh nghệ thuật bằng vỏ tràm đầu tiên về đàn chim Sếu đón bình minh ở Vườn Quốc gia Tràm Chim được thầy Cảnh thực hiện thành công đã làm nguồn cảm hứng và là động lực để thầy Cảnh chọn phát triển dòng tranh từ chất liệu vỏ tràm cho đến nay. Thầy Cảnh vui vẻ chia sẻ: "Tôi là con thứ ba trong một gia đình có bảy anh em. Ba má tôi chuyên nghề làm ruộng, trong nhà không có ai theo nghề làm tranh, chỉ có ba và các chú thích Đờn ca tài tử… Xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật và hơn nữa bản thân tôi là giáo viên dạy vẽ trong trường nên ước muốn sáng tạo ra một vài tác phẩm tranh thủ công bằng hình thức xé, dán để minh họa cho học sinh trong những giờ lên lớp. Sau khi tác phẩm tranh vỏ tràm đầu tiên về đàn chim Sếu đón bình minh ở Vườn Quốc gia Tràm Chim của tôi ra đời, đưa vào trường minh họa cho các tiết dạy vẽ của mình được các đồng nghiệp và học sinh thích thú, tôi tiếp tục sáng tác nhiều tranh vỏ tràm vừa phục vụ cho việc giảng dạy - vừa trưng bày, giới thiệu tại các khu, điểm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách mua để làm quà lưu niệm… Qua tìm hiểu, mày mò sáng tạo và giới thiệu sản phẩm, đến năm 2012 dòng tranh vỏ tràm của tôi mới bán ra thị trường và được nhiều người khen ngợi".

Để có được một bức tranh vỏ tràm đẹp, có hồn, thu hút nhiều người thưởng thức giá trị nghệ thuật, thầy Cảnh phải trải qua quá trình khổ luyện. “Tranh vỏ tràm là một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm tranh phải thật sự đam mê, sống vì đam mê thì mới có thể phát triển được năng khiếu và tài năng của bản thân. Muốn làm được tác phẩm đẹp, có hồn… phải cố gắng luyện tập và sáng tạo. Đặc biệt, khi sáng tác đòi hỏi cái tâm phải tịnh và phải gạt bỏ qua hết mọi thứ xung quanh mình, chỉ duy nhất tập trung vào sáng tạo làm sao cho ra bức tranh đẹp, sống động và có hồn nhất”.

Bên cạnh “sự nghiệp trồng người”, thầy Cảnh luôn theo đuổi niềm đam mê và mở cơ sở tranh vỏ tràm tại nhà ở cạnh Vườn Quốc gia Tràm Chim, xã Phú Đức. Trong thời gian hành nghề và tích cực quảng bá sản phẩm, tranh vỏ tràm thầy Cảnh được đóng khung thành phẩm với nhiều kích cỡ bắt mắt nên có nhiều khách hàng ưa chuộng tìm đến xem, trải nghiệm và đặt mua.

Du khách tham quan trải nghiệm cơ sở tranh vỏ tràm thầy Cảnh

Thầy Cảnh (áo trắng) tiếp du khách đến cơ sở tham quan trải nghiệm

 

Thổi hồn vỏ tràm vào tranh

Để thực hiện hoàn chỉnh một bức tranh có chất liệu từ 100% vỏ tràm khô, thầy Cảnh phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là phải tìm kiếm nguyên liệu chính là vỏ tràm. Theo thầy Cảnh, không phải loại vỏ tràm nào cũng sử dụng được. Cái khó từ khâu thu mua, hái lượm vỏ tràm về để phân loại màu sắc. Ở đây hoàn toàn là màu tự nhiên của vỏ tràm, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Sau khi chọn vỏ tràm dày, bền chắc và phân loại các màu tự nhiên của vỏ tràm như: trắng, hồng phấn, vàng, xanh, xám, nâu, đen… thì phết hồ dán lên tờ giấy carton cứng đã in sẵn hình ảnh cần làm. Tiếp đó, dùng kéo cắt rời những hình ảnh đã dán các loại vỏ tràm lên đó rồi dùng hình ảnh có dán vỏ tràm vừa cắt rời tiếp tục phết hồ và dán lên nền bức tranh đem phơi khô. Khi tranh vỏ tràm khô, đem vô nhà tạo phong cảnh cỏ cây, hoa lá, ong bướm, ánh trăng, mắt trời, chim bay hay bài thơ, câu slogan… để tạo nên bức tranh đẹp, sống động, thi vị và có hồn nhất. Cuối cùng, đưa tranh vỏ tràm vào đóng khung thành phẩm. Chất liệu vỏ tràm cũng phải xử lý sao cho bền đẹp, không bị mối, mọt và không phai màu. Quan trọng là phải thổi hồn vào trong vỏ tràm để nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật được nhiều người đón nhận và hài lòng. Thời gian từ lúc bắt đầu làm đến khi thành phẩm bức tranh vỏ tràm 7 - 15 ngày. Sản phẩm tranh vỏ tràm thầy Cảnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Với gần 20 năm hành nghề, thầy Cảnh đã sáng tác  trên 1.000 bức tranh nghệ thuật bằng chất liệu vỏ tràm khô. Mỗi bức tranh có giá bán từ 700.000 đến trên 3 triệu đồng, tùy kích cỡ.

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, mỗi tháng, cơ sở sản xuất Tranh vỏ tràm của thầy Cảnh xuất bán ra thị trường bình quân cả chục bức các loại, với giá từ 700.000đồng/tranh trở lên. Thầy Cảnh cho biết: “Khi khách hàng đặt mua bất kỳ bức tranh vỏ tràm lớn nhỏ, tôi đều hướng dẫn khách treo tranh nơi nào cho phù hợp và cách bảo quản để tránh ẩm mốc, hư hỏng… Sản phẩm tranh vỏ tràm của tôi có độ bền từ 15 năm trở lên”.

Trước những kết quả khả quan, thầy Cảnh đã có kế hoạch đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và thiết kế, liên kết với các tour du lịch lữ hành của các công ty, các khu du lịch như: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt... đến tận cơ sở để tham quan, trải nghiệm thực tế cách làm tranh. Đồng thời, thầy có hướng liên kết với các điểm du lịch homestay, farmstay, Vườn sinh thái… trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp để ký gửi những sản phẩm giới thiệu với khách du lịch.

Trong chuyến đến thăm cơ sở tranh vỏ tràm của thầy Cảnh, ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: “Tôi rất ấn tượng với sản phẩm tranh vỏ tràm của thầy giáo Nguyễn Văn Cảnh. Thầy Cảnh đã thể hiện được sức sáng tạo cũng như nhiệt huyết trong lĩnh vực nghệ thuật khai thác từ tài nguyên bản địa để sáng tạo ra những bức tranh vỏ tràm đẹp mắt. Cơ sở tranh vỏ tràm của Thầy Cảnh không chỉ tạo việc làm và có nguồn thu nhập ổn định cho những lao động nông thôn mà còn tận dụng những vỏ cây tràm có rất nhiều trong Vườn Quốc gia Tràm Chim để sản xuất ra dòng sản phẩm tranh thật độc đáo, đầy sáng tạo. Tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện và địa phương tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thủ tục, giúp đỡ cơ sở tranh vỏ tràm của Thầy Cảnh có được mặt bằng rộng rãi để  đóng khuôn thành phẩm và trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thu hút mọi người đến tham quan, trải nghiệm, đặt hàng, mua về làm quà lưu niệm, quà tặng… nhằm phát triển kinh doanh ổn định và bền vững”.

Là một nhà giáo,  lại có hướng khởi nghiệp ở lĩnh vực nghệ thuật từ nguồn tài nguyên bản địa, có thể nói, Con đường khởi nghiệp của thầy Cảnh là động lực cho nhiều người học tập để lập thân, lập nghiệp. Bởi, con đường khởi nghiệp không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực, tuổi tác mà luôn dành cho những ai có niềm đam mê, khát vọng muốn vươn tới.

 

TRẦN TRỌNG TRUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023

 

;