Phát huy nguồn lực văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước

Tóm tắt: Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, việc huy động và phát huy các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực văn hóa đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần nâng cao sức mạnh mềm trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế. Bài viết làm rõ vai trò của nguồn lực văn hóa trong sự phát triển đất nước, đồng thời, phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: công nghiệp văn hóa, nguồn lực văn hóa, kỷ nguyên vươn mình.

Abstract: Recognizing the aspiration to become a prosperous and happy developed nation by 2045, this article argues that effectively mobilizing and promoting its rich cultural resources is crucial for Vietnam’s advancement in this era of national growth. Culture serves not only as a vital spiritual foundation but also as a significant driving force for sustainable development, enhancing the nation’s soft power in an increasingly integrated world. This analysis clarifies the role of cultural resources in Vietnam’s development, examines the current landscape, and proposes solutions to further leverage these assets today.

Keywords: cultural industry, cultural resources, era of growth.

Lễ hội Tràng An - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Trong tiến trình phát triển đất nước, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà còn là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Quan điểm này nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc định hướng và tạo động lực cho sự phát triển xã hội. Văn hóa biểu hiện bản sắc dân tộc và là yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh giúp đất nước phát triển một cách toàn diện và bền vững. Trong gần 40 năm đổi mới, thấm nhuần quan điểm trên, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng để tập trung xây dựng, phát triển văn hóa. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” (1).

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, vai trò của văn hóa trong phát triển quốc gia không ngừng được khẳng định. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tận dụng nguồn lực văn hóa như một “động lực tăng trưởng” góp phần tạo ra giá trị kinh tế, nâng cao sức mạnh mềm và củng cố bản sắc dân tộc. Với bề dày văn hóa lâu đời và hệ thống di sản phong phú, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để khai thác và phát huy nguồn lực này nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước đang “vươn mình” để bước vào nhóm các quốc gia phát triển vào giữa TK XXI, văn hóa không chỉ là một giá trị tinh thần, mà còn là một nguồn lực trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Vì vậy, có thể khẳng định phát huy nguồn lực văn hóa là yêu cầu cấp thiết, tạo động lực quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

1. Vai trò của nguồn lực văn hóa trong phát triển quốc gia

Nguồn lực văn hóa là một khái niệm rộng, bao gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể góp phần hình thành nên bản sắc dân tộc và có thể được khai thác để phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nguồn lực văn hóa đóng vai trò nền tảng tinh thần và là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao vị thế quốc gia. Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa phong phú, từ hệ thống di sản vật thể, phi vật thể đến những giá trị văn hóa con người. Nếu được khai thác một cách khoa học và bài bản, nguồn lực văn hóa có thể trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Xét trên phạm vi rộng, nguồn lực văn hóa có thể tiếp cận từ các khía cạnh chính: di sản văn hóa, công nghiệp văn hóa, yếu tố con người và thương hiệu văn hóa. Trong đó, nhân tố quan trọng nhất của nguồn lực văn hóa chính là con người - chủ thể sáng tạo, truyền bá, hưởng thụ văn hóa.

Hệ thống di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quý giá, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao sức mạnh mềm của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tính đến tháng 3-2025, Việt Nam có 8 di sản được UNESCO ghi nhận, gồm 5 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia (2). Cùng với đó, công nghiệp văn hóa đang trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, đóng góp lớn vào GDP của quốc gia. Các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, thiết kế và trò chơi điện tử giúp mang lại giá trị kinh tế và quảng bá hình ảnh quốc gia. Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm sáng tạo có sức lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường khu vực và quốc tế.

Bên cạnh di sản và công nghiệp văn hóa, yếu tố con người đóng vai trò trung tâm trong việc phát huy nguồn lực văn hóa. Những giá trị như tinh thần hiếu học, sáng tạo, lòng yêu nước và ý chí kiên cường giúp Việt Nam vượt qua những thách thức trong lịch sử; đồng thời, tạo nền tảng để phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Việc xây dựng con người cần gắn với tinh thần hội nhập và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, thương hiệu văn hóa là một thành tố quan trọng của sức mạnh mềm quốc gia, giúp nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Như vậy, nguồn lực văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú và có tiềm năng trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cần có những chiến lược tổng thể nhằm kết hợp giữa bảo tồn và sáng tạo, giữa truyền thống và công nghệ hiện đại. Khi văn hóa được phát huy đúng hướng, bản sắc dân tộc được gìn giữ và tạo ra giá trị kinh tế sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong kỷ nguyên mới.

2. Thực trạng phát huy nguồn lực văn hóa Việt Nam hiện nay

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát huy nguồn lực văn hóa, xem đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước. Báo cáo Phát triển Con người 2021-2022 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), công bố ngày 13-3-2024, Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam tăng đáng kể, đạt 0,726, xếp hạng 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với năm trước, Việt Nam đã tăng 8 bậc, tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số HDI cao. Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy... Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội” (3).

Bên cạnh đó, nước ta đã ban hành nhiều chính sách quan trọng và cơ chế về phát triển văn hóa ngày càng được hoàn thiện, qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Các chương trình, đề án như: “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa… đã góp phần tạo động lực cho sự phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, hàng trăm di tích quốc gia đặc biệt và hơn 3.500 di tích cấp quốc gia. Các di sản văn hóa phi vật thể như: nhã nhạc cung đình Huế, quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát Xoan... đã được UNESCO ghi danh, trở thành niềm tự hào của dân tộc và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế (4).

Đặc biệt, nguồn lực con người trong lĩnh vực văn hóa ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa không ngừng sáng tạo, góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị. Các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, thời trang, quảng cáo… ngày càng phát triển, mở rộng không gian sáng tạo cho giới trẻ và mang lại những giá trị kinh tế đáng kể. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ số đang tạo điều kiện thuận lợi để lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển đất nước vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Nhận thức về vai trò của văn hóa chưa đầy đủ và toàn diện, “còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa”(5). Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn những bất cập. Một số di sản văn hóa chưa được bảo vệ và khai thác đúng cách, có nguy cơ xuống cấp hoặc bị thương mại hóa quá mức. Việc trùng tu, tôn tạo di tích ở một số nơi còn thiếu khoa học, làm mất đi giá trị di sản. Đồng thời, tình trạng xâm phạm di tích, khai thác không chú trọng đến giá trị văn hóa, lịch sử của di sản vẫn xảy ra. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, sự liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn còn hạn chế, dẫn đến thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều ngành văn hóa vẫn chưa có sự đột phá. Việc xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm văn hóa trên thị trường quốc tế còn hạn chế.

Bên cạnh đó, sự tác động của toàn cầu hóa và công nghệ số đặt ra những thách thức lớn đối với việc giữ gìn bản sắc dân tộc, trong khi “đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh” (6). Ngoài ra, còn “thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người” (7). Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do nhận thức chưa đồng bộ, chính sách và cơ chế thực thi chưa hiệu quả, nguồn lực đầu tư còn hạn chế và sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ.

3. Một số giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa trong kỷ nguyên mới

Một là, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về phát huy nguồn lực văn hóa

Đảng và Nhà nước cần tiếp tục khẳng định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng, đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội trong chiến lược phát triển quốc gia. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, đặc biệt là tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn kiện liên quan đến văn hóa. Đại hội XIII của Đảng đã xác định một số nhiệm vụ: “tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh vực văn hóa. Đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả” (8). Theo đó, cần “tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng...” (9). Các cấp, các ngành, địa phương cần nhận thức đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong tư duy phát triển văn hóa theo hướng hiện đại, sáng tạo, gắn với khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, cần thúc đẩy tư duy đổi mới trong quản lý, sáng tạo và phổ biến các sản phẩm văn hóa để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại số. Tăng cường giáo dục về văn hóa và bản sắc dân tộc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Lồng ghép các nội dung về văn hóa, di sản, bản sắc dân tộc vào chương trình giảng dạy từ bậc phổ thông đến đại học. Đặc biệt, giáo dục về văn hóa cần gắn với thực tiễn, thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm di sản, giao lưu văn hóa nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, phát huy văn hóa.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển văn hóa theo hướng bền vững

Việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho phát triển văn hóa là vấn đề hết sức cấp thiết để văn hóa thực sự trở thành một trong bốn trụ cột quan trọng cho sự phát triển đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm phát triển văn hóa theo hướng bền vững, phù hợp với cơ chế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa.

Đổi mới phương thức quản lý văn hóa theo hướng linh hoạt, sáng tạo và ứng dụng công nghệ số. Tiếp tục giảm bớt các rào cản hành chính không cần thiết trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện các chính sách hỗ trợ để nghệ sĩ, doanh nghiệp sáng tạo có thể phát triển thuận lợi. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số trong quản lý di sản, bản quyền tác phẩm văn hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu văn hóa số để thuận tiện trong bảo tồn và quảng bá văn hóa.

Tăng cường đầu tư công cho văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và cộng đồng. Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Nhà nước cần ưu tiên ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng như: bảo tồn di sản, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, thông qua các ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng.

Ba là, phát huy tối đa nguồn lực con người Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước

Con người không chỉ là chủ thể sáng tạo văn hóa, mà còn là trung tâm của sự phát triển xã hội. Nguồn lực văn hóa suy cho cùng chính là nguồn lực con người với trí tuệ, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng trước sự biến đổi thực tiễn. Vì vậy, cần phát huy tối đa vai trò của con người, coi con người là trung tâm, là động lực của sự phát triển. Đầu tư vào con người chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững, trong đó trọng tâm là bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là thế hệ trẻ, nhằm tạo nguồn nhân lực vừa có phẩm chất đạo đức, vừa có trình độ chuyên môn cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Đặc biệt, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng đội ngũ chuyên gia, nhân lực kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý xã hội.

Bên cạnh đó, việc xây dựng con người toàn diện không thể tách rời những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Do vậy, cần “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (10), lòng nhân ái, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tạo nguồn lực tinh thần to lớn thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Bốn là, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập

Nhà nước cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng hiện đại, sáng tạo, có sức cạnh tranh quốc tế. Xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, có chính sách hỗ trợ nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung có điều kiện phát triển. Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ và ngành văn hóa để tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị cao. Tận dụng tối đa nền tảng công nghệ số để quảng bá và phát triển văn hóa Việt Nam. Các nền tảng số như YouTube, TikTok, Netflix… đang mở ra cơ hội lớn để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Xây dựng hệ thống bản quyền vững chắc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ các sản phẩm văn hóa.

Đổi mới cách tiếp cận trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Việc bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ nguyên trạng, mà cần gắn với phát triển, khai thác hiệu quả giá trị di sản thông qua du lịch, sáng tạo nghệ thuật, truyền thông đa phương tiện. Tăng cường “bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam” (11). Bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tiêu biểu như: di tích văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, nghề truyền thống, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… qua đó, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội. Đặc biệt, các bảo tàng, di tích cần được số hóa, xây dựng thành những trung tâm giáo dục và trải nghiệm văn hóa hấp dẫn.

Việc phát triển văn hóa cần tránh xu hướng cực đoan như: đóng cửa bảo thủ hoặc chạy theo thị hiếu một cách mù quáng. Tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các kênh truyền thông hiện đại. Tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế, tham gia các triển lãm nghệ thuật, lễ hội văn hóa lớn, thúc đẩy du lịch văn hóa, hợp tác với các nền tảng truyền thông. Có chiến lược xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, chủ động nâng cao sức miễn dịch của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với các sản phẩm độc hại, lai căng, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Phát huy nguồn lực văn hóa là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Việc phát huy nguồn lực văn hóa không chỉ đơn thuần là bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, mà còn phải gắn kết chặt chẽ với công nghệ, sáng tạo và hội nhập quốc tế góp phần nâng cao sức mạnh mềm quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong kỷ nguyên mới.

_________________________

1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.3, 64, 65, 84, 75, 84, 146, 110, 142.

5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận 76-KL/TW ngày 4-6-2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, 2020, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

8. Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tapchicongsan.org.vn, 24-11-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bvhttdl.gov.vn, 3-10-2016.

2. Đăng Nguyên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16-9-2024 về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, bvhttdl.gov.vn.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 30-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 10-4-2025; Ngày duyệt đăng: 25-4-2025.

TS TRỊNH THỊ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025

;