Bia di tích lịch sử chiến thắng Chủ Chè: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Bia chiến thắng Chủ Chè nằm tại địa điểm khu Bắc Tiến 1 xã Phú Lạc, là một trong những di tích lịch sử cách mạng quan trọng trên địa bàn huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), khẳng định truyền thống anh hùng đấu tranh chống ngoại xâm của Đảng bộ, chính quyền và quân dân toàn huyện, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bia di tích lịch sử Chiến thắng Chủ Chè được tôn tạo năm 2017
 

Xã Phú Lạc phía Đông giáp xã Tình Cương; phía Tây Nam giáp hai xã: Chương Xá, Văn Khúc; phía Bắc giáp xã Yên Tập và một phần ở phía Đông Bắc giáp sông Thao. Theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, xã có ngòi Me chảy qua, chia địa hình Phú Lạc thành hai phần.

Xã Phú Lạc có đường Quốc lộ 32C chạy qua và có bến đò, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông để giao lưu, trao đổi hàng hóa trong và ngoài vùng. Năm 1923, người Pháp đã thành lập đồn điền trên địa bàn hai xã Phú Lạc và Tình Cương. Cây chè là cây trồng chính của đồn điền với diện tích khoảng 50ha, nên nơi đây được nhân dân gọi là đồn điền Chủ Chè. Đồn điền đã nhiều lần thay đổi chủ và người chủ cuối cùng có tên là La - Qua. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồn điền này bị xóa bỏ song địa danh Chủ Chè vẫn được người dân trong vùng quen gọi.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ở Phú Thọ, thực dân Pháp mở nhiều trận càn quét, đánh chiếm một số vị trí quan trọng nhằm khống chế địa bàn rộng lớn giáp vùng Tây Bắc nước ta. Để bình định vùng đất Cẩm Khê, ngày 9/11/1947, địch từ Thu Cúc (Thanh Sơn), càn qua Tề Lễ (Tam Nông), ra Đá Hen (Đồng Lương) và Ngọc Lập (Yên Lập) rồi tiến tới Chủ Chè. Nhận được tin, tiểu đội du kích cơ động của Phú Lạc nhanh chóng được lệnh tổ chức mai phục ở dốc Bủ Trầu, đường 98 đi Yên Lập (khu II, xã Phú Lạc ngày nay) sẵn sàng chờ lệnh. Song do lực lượng du kích quá mỏng, vũ khí thô sơ, quân địch lại đông gấp nhiều lần nên du kích chỉ nổ súng ngăn chặn rồi rút về làng kháng chiến ở xóm Tây. Làng kháng chiến này gồm 4 xóm, có ngòi Me bao bọc 3 phía, muốn vào làng phải qua cây cầu tre dài khoảng 15m, phía trước làng có lũy tre bao bọc, là nơi lực lượng du kích tập trung, tổ chức các trận đánh địch. Sợ bị sa vào ổ phục kích của ta, quân địch không dám tiến vào làng nhưng tại khu phố Chủ Chè ở Phú Lạc, quân Pháp đã đốt 32 nóc nhà và phá hoại nhiều tài sản của nhân dân rồi rút theo đường 24 (Quốc lộ 32C ngày nay) về trú tại đồn Phong Vực.

Ngày 1/1/1949, quân ta mở chiến dịch sông Đà đánh địch ở Tây Bắc Bộ. Để đối phó và giữ vững phòng tuyến sông Đà, thực dân Pháp thiết lập phòng tuyến sông Bứa nhằm bảo vệ hệ thống cứ điểm đã chiếm đóng ở Tây Nam Phú Thọ, đồng thời bảo vệ cho việc liên lạc, vận chuyển của hai cung đường: đường 24 kết nối Hòa Bình - Hưng Hóa - Cẩm Khê - Hạ Hòa - Yên Bái (nay là Quốc lộ 32C) và đường 15 Hà Nội - Sơn La (nay là đường 32). Ngày 15/2/1949, địch mở cuộc hành quân mang tên Di-an (Bà chúa Thượng Ngàn) đánh chiếm vùng Tây Nam Phú Thọ. Trước tình hình đó, để ngăn chặn và làm thất bại của thực dân Pháp, bảo vệ nhân dân, Huyện ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Cẩm Khê đã bố trí lực lượng hướng dẫn và tổ chức cho nhân dân tạm sơ tán; tổ chức cho bộ đội địa phương, dân quân du kích các xã có địch càn qua phối hợp với bộ đội chủ lực bám sát đội hình địch để tổ chức phục kích, chặn đánh và tiêu diệt địch.

Ngày 4/3/1949, 1 tiểu đoàn bộ binh quân đội Pháp với sự yểm trợ của máy bay và pháo đã từ Tam Nông theo sông Hồng tấn công lên bến đò Chủ Chè nhằm chặn đường liên lạc, tiếp tế của quân và dân ta. Phát hiện ý đồ của địch, bộ đội chủ lực đã cùng dân quân địa phương chủ động tổ chức phục kích đánh địch tại dốc bến đò Chủ Chè trên địa bàn xã Phú Lạc. Trận đánh diễn ra quyết liệt từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Quân ta đã tiêu diệt và làm bị thương 132 tên địch (trong đó có 81 tên bị tiêu diệt tại trận), thu hơn 300 khẩu súng, nhiều lựu đạn và máy thông tin. Bị thất bại nặng nề ở Chủ Chè, quân Pháp không dám mở rộng phạm vi càn quét, buộc phải rút lui.

Để ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh Chủ Chè, đồng thời thể hiện niềm tự hào cũng như là việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước và cách mạng cho thế hệ sau, năm 1960, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Cẩm Khê đã xây dựng bia ghi dấu sự kiện lịch sử Chiến thắng Chủ Chè, đặt ven quốc lộ 32C thuộc khu Bắc Tiến 1, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, với địa thế cao, tầm nhìn thoáng đãng, bên phải là gò Cột Điện, xung quanh là khu dân cư trù phú.

Xã Phú Lạc đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới
 

Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Cẩm Khê, địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử chiến thắng Chủ Chè được tôn tạo. Bia lịch sử được xây dựng trên diện tích 120m2, bên ngoài được bao quanh bằng tường rào vững chắc. Phía trong khuôn viên, trước bia là một khoảng sân rộng 11,750m2 lát gạch đỏ, xung quanh xây tường bao bổ trụ gắn gạch gốm hoa chanh. Bia đặt trên nền cao giật 5 cấp, hình chữ nhật, cao 5,89m, rộng 5,2m, dầy 0,45m, được làm chủ yếu bằng chất liệu đá đen, kết hợp đài, móng bằng bê tông cốt thép, mặt bia hướng ra đường quốc lộ 32C. Trán bia thể hiện hình tượng lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay với hình sao vàng chính giữa. Thân bia khắc nội dung: “Chiến thắng Chủ Chè. Tháng 3 /1949, Pháp từ Tam Nông lên Chủ Chè, đem theo 1 tiểu đoàn bộ binh có máy bay, pháo yểm trợ, bị quân và dân Cẩm Khê chặn đánh. Sau 12 giờ chiến đấu, buộc địch phải rút lui, đem theo 80 khiêng thương vong”. Dưới chân bia có bát hương để nhân dân và du khách thập phương thắp hương vào những dịp lễ Tết, hoặc khi đến thăm di tích.

Ngày nay, tiếp nối cha ông đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức với tinh thần chủ động, sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của xã đạt gần 5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người của xã 42 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,4%/năm. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tích cực theo hướng Nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ tăng. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được kiên cố hóa đạt trên 86%. 100% hộ dân được dùng nước sạch, hợp vệ sinh, được dùng điện lưới quốc gia. Giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp và thủy sản đạt 124 triệu đồng/năm. Người dân Phú Lạc  tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh phát triển hàng hóa, dịch vụ. Các lĩnh vực giáo dục, y tế được quan tâm, nâng cao chất lượng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.Với những kết quả đó, xã Phú Lạc đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019. Đảng bộ chính quyền và nhân dân trong xã đang tích cực xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để toàn thể nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ, không xâm phạm đến di tích. Huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp một số hạng mục di tích đã xuống cấp. Thường xuyên tổ chức cho các em học sinh tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của mỗi di tích, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của bia di tích lịch sử Chiến thắng Chủ Chè trên địa bàn.

Có thể nói, Bia lịch sử chiến thắng Chủ Chè không chỉ là biểu tượng của ý chí quyết tâm của quân và dân xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà còn là biểu tượng khắc ghi sự hy sinh xương máu của các thế hệ anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau; là một địa điểm tham quan du lịch có tác dụng giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ về tinh thần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

 

MẠNH THUÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023

 

;