Tối 12-7-2025, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã trở thành tâm điểm của một sự kiện nghệ thuật đầy sáng tạo và cảm xúc mang tên “Sắc Việt 2025”. Chương trình do Nhà hát Múa rối Việt Nam phối hợp với nhóm sinh viên ngành Quản lý văn hóa, Khoa Văn hóa nghệ thuật (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) tổ chức.
Các mẫu nhí tham gia chương trình
Sắc Việt 2025 đã thành công trong việc thổi hồn vào di sản văn hóa dân tộc thông qua sự kết hợp độc đáo giữa múa rối truyền thống và thời trang nhí đương đại. Không chỉ là một buổi trình diễn đơn thuần, mà còn là một cuộc giao thoa đầy xúc cảm giữa nghệ thuật múa rối nghìn năm tuổi và ngôn ngữ thiết kế thời trang mới mẻ. Sân khấu thủy đình quen thuộc của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã trở thành một sàn diễn độc đáo, nơi những con rối truyền thống uyển chuyển kết hợp cùng các người mẫu nhí duyên dáng, tạo nên một không gian nghệ thuật đầy mê hoặc. Mỗi tiết mục, mỗi bước catwalk đều là một câu chuyện kể về văn hóa Việt, được thể hiện một cách gần gũi, sáng tạo và sống động.
Ông Lê Đức Anh - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: “Chương trình nghệ thuật Sắc Việt là một dấu ấn đặc biệt của Nhà hát Múa rối Việt Nam và nhóm sinh viên thực tập K15 K16 ngành Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trong hành trình làm mới mình nhưng vẫn giữ vững cốt lõi truyền thống. Việc kết hợp giữa nghệ thuật múa rối nước - một di sản văn hóa độc đáo với trình diễn thời trang thiếu nhi mang âm hưởng dân tộc không chỉ tạo nên sự giao thoa thú vị giữa truyền thống và hiện đại, mà còn là cách chúng tôi lan tỏa tình yêu văn hóa Việt đến với thế hệ trẻ một cách gần gũi, sáng tạo. Sân khấu Thủy Đình trong đêm diễn ngày 12-7 như được “thổi hồn” mới mẻ với tiếng cười, ánh sáng và hình ảnh của các em nhỏ - những “người mẫu nhí” đầy tự tin trong trang phục dân gian cách điệu. Chúng tôi tin rằng, những chương trình nghệ thuật mang tính kết nối thế này sẽ mở ra nhiều cơ hội để công chúng, đặc biệt là trẻ em, cảm nhận và trân trọng hơn vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam”.
Tiết mục "Âm vang đồng quê" do các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam thể hiện
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là bộ sưu tập mang tên Rối nước của nhà thiết kế trẻ Phạm Trần Thu Hằng. Lấy cảm hứng từ linh hồn của sân khấu thủy đình, Thu Hằng đã khéo léo “thổi hồn” nghệ thuật rối nước vào từng phom dáng, chất liệu và sắc màu trang phục. Từ tà áo dài, chiếc áo yếm đến khăn mỏ quạ, mỗi thiết kế đều là một lát cắt văn hóa tinh tế, vừa mang đậm nét truyền thống, vừa toát lên vẻ cá tính và hiện đại. Những bộ trang phục mềm mại, bay bổng như chính những con rối đang tung mình trên mặt nước, gợi lên hình ảnh làng quê Bắc Bộ rực rỡ sắc màu lễ hội.
Chương trình mở màn ấn tượng với tiết mục Múa rồng trên sân khấu múa rối truyền thống, thể hiện sự oai phong và ước vọng về hòa bình, thịnh vượng. Tiếp đó, các tiết mục múa rối đặc sắc kết hợp giữa rối cạn và rối nước mang tên Âm vang đồng quê đã tái hiện không khí lễ hội làng quê, trò chơi dân gian và sinh hoạt đời thường của người nông dân Bắc Bộ, mang đến một không gian trình diễn rộn ràng và ấm áp.
Tự hào khi tham gia chương trình, bé Bảo Nhi, một trong những người mẫu nhí tham gia trình diễn chia sẻ cảm xúc: “Con rất vui và tự hào khi được mặc trang phục có hình ảnh rối nước, một nét văn hóa truyền thống. Được trình diễn trước sân khấu thủy đình của Nhà hát Múa rối Việt Nam, con thấy như đang sống trong thế giới cổ tích. Con mong sẽ có thêm nhiều chương trình như Sắc Việt để các bạn nhỏ được khám phá văn hóa dân gian”.
Mỗi tiết mục không chỉ là phần trình diễn mà còn là câu chuyện kể - về nguồn cội, về niềm tự hào dân tộc. Với những ý tưởng táo bạo và cách thể hiện mới mẻ, Sắc Việt 2025 đã góp phần làm mới cách tiếp cận nghệ thuật truyền thống, khơi gợi tình yêu văn hóa trong lòng công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây là minh chứng sống động cho tinh thần gìn giữ và làm mới di sản, giúp những giá trị xưa cũ tiếp tục tỏa sáng và bay xa trong đời sống đương đại. Nhà hát Múa rối Việt Nam không chỉ tạo nên thành công về mặt tổ chức, mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong việc bảo tồn, đổi mới và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh nghệ thuật hiện đại.
LIÊN HƯƠNG - Ảnh: Nhà hát Múa rối Việt Nam