Bức tranh Tiên tắm đồ, hồn xưa lưu dấu

Cùng với làng tranh Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội. So với tranh Hàng Trống, làng tranh Kim Hoàng có một lịch sử lâu đời hơn, giàu chất Việt hơn. Một trong những bức tranh xứng đáng là báu vật của làng tranh Kim Hoàng là tranh Tiên tắm đồ. Nhờ có dự án “Dự án phục hồi Tranh Kim Hoàng” do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các họa sĩ như họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, họa sĩ Trần Nguyên Đán đã làm sống lại làng tranh của đất Thăng Long. Bức tranh Tiên tắm đồ đã từ trong sách Imagerie populaire Vietnamienne của Maurice Durand, sống lại trong từng thớ gỗ của bản khắc, trong nét màu rực rỡ để đến với công chúng yêu nghệ thuật hôm nay.

Tranh Kim Hoàng Tiên tắm đồ và trích đoạn

Bức tranh Tiên tắm gợi cho chúng ta nhớ đến chuyện cổ tích Ả Chức chàng Ngưu. Chuyện kể rằng: ngày xưa, trong khu rừng sâu có một giếng tiên. Giếng nước trong mát luôn năm không bao giờ cạn, vì giếng ở cách xa dân cư, người trần không mấy ai qua lại nên các nàng tiên trên trời thường đến chỗ ấy vui vầy. Ở đấy thỉnh thoảng đến lấy nước, hoặc có khi trút bộ cánh trên bờ, xuống bơi lội đùa giỡn cùng nhau. Rồi một hôm, có chàng trai vào rừng đốn củi, vì lạc đường mà đến bên giếng tiên. Chàng nảy ra ý lẻn trộm lấy cánh của một nàng tiên, vì không có cánh, không bay được về trời nên nàng tiên đành ở lại hạ giới. Từ đấy kẻ phàm người tiên lấy nhau, sinh con sinh cái. 

Chuyện cổ tích Ả Chức chàng Ngưu được cho là từ chuyện Ngưu Lang Chức Nữ của Trung Hoa. Về đại thể có nhiều điểm tương đồng, nhưng ngay từ phần mở đầu câu chuyện này, đã có một chi tiết rất khác: đó là đôi cánh tiên. Khi nghiên cứu về chuyện dân gian này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi đã so sánh với chuyện Ngưu lang chức nữ bên Trung Hoa. Hai câu truyện này gần như giống nhau hầu hết các tình tiết. Có một điểm khác biệt rất lớn trong miêu tả về cơ chế bay của các nàng tiên trong nghệ thuật Việt Nam và Trung Hoa là các nàng tiên có cánh hay không có cánh. Trong tâm thức của người Việt Mường, các nàng tiên có đôi cánh để bay xuống hạ giới. Đôi cánh này có thể tháo ra lắp vào. Trong văn hóa Trung Hoa, các nàng tiên không có cánh, các nàng bay lượn nhờ chiếc áo. 

Kiên trì theo hướng thần thoại so sánh học (Comparative mythology), Nguyễn Đổng Chi đã khảo sát những tích thần thoại của các tộc người trên mảnh đất Việt Nam tương đồng với chuyện Ả Chức chàng Ngưu của người Việt. Liên quan đến tình tiết ăn trộm cánh tiên, truyện Chàng trai đi săn của đồng bào Mường, Lúa chàng Nai của đồng bào Thái (Nghệ-an), Ông tiên hươu của Người Tày ở Cao-bằng, Trứng trời của Người Tày , Củ và Kỳ của người Pu Péo, Anh chàng canh rẫy của người Ca-tu, Nàng tiên thứ chín của người Hrê …đều có điểm chung là các nàng tiên có cánh. 

Không chỉ trong truyền thuyết có rất nhiều địa danh của người Việt, người Mường mang tên “cánh tiên” như núi Cánh tiên, ao Cánh tiên, hồ Cánh tiên. Thậm chí một ngọn tháp của người Chăm cũng được gắn cho tháp Cánh Tiên. Đó là ngôi tháp nằm ở chính giữa thành Đồ Bàn xưa, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Các tiên nữ trong mỹ thuật người Champa không xuất hiện đôi cánh. Đồng bào Champa còn có truyền thuyết nàng tiên Phu-ta-mứ cũng có hình tượng gần gũi với một hình tượng của Ả Chức chàng Ngưu. Nhưng nàng tiên này không được mô tả có cánh.

Cánh tiên mang dấu vết của tư duy Việt Mường cổ. Hội đền Du Yến ở Thanh Ba, Phú Thọ, thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng là Hạnh Nương.Trong lễ hội này, điệu múa tiên là tiết mục đặc sắc nhất. Các thiếu nữ xinh đẹp gắn đôi cánh sen sau lưng thực hiện những điệu múa linh thiêng. Nói đến điệu múa ở hội đền Du Yến mà không kể tới điệu múa Tiên của các phường rối nước cũng là một thiếu sót. Các phường rối nước mỗi phường có riêng cho mình một tích trò đặc sắc. Nhưng trò múa Tiên thì chung cho tất cả các phường rối nước. Và các nàng tiên của các phường rối nước đều có cánh. 

Tiên cưỡi rồng, đình Lỗ Hạnh, Bắc Giang

Bức tranh Tiên tắm đồ cũng làm ta liên tưởng đến những nàng tiên xòe đôi cánh ở đình làng Việt như đình Lỗ Hạnh, đình Tây Đằng, đình Tường Phiêu, là những ngôi đình được cho là sớm nhất. Không chỉ xuất hiện ở trong rất rất nhiều ngôi đình ở Bắc Bộ, những nàng tiên có cánh còn được thấy ở đền miếu, ở chùa chiền. Khảo sát diễn biến hình tượng tiên nữ trong điêu khắc đình làng, chúng ta có thể đinh ninh rằng dạng tiên nữ có cánh xuất hiện trước tiên nữ không có cánh.

Tiên nữ cưỡi rồng trên tấm bia chùa Keo là một trong những hình ảnh sớm nhất của các nàng tiên có cánh xuất hiện trên bi ký. Tấm bia Thần Quang tự Đại pháp bi sư (Bia ghi về Đại pháp sư, chùa Thần Quang), được soạn khắc giữa mùa thu năm Tân Hợi, niên hiệu Cảnh Trị 9 (1671), do Ngô Sách Dụ, Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn (1664) Lễ khoa cấp sự trung, người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) soạn văn. Huỳnh Cung Vọng sĩ độn phu Phạm Hữu Tuấn chép chữ. Nhiêu nhất đại Triều Thắng bá Trương Đình Phú (tự Phúc Nhẫn), người thôn Nhuệ xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa khắc bia (1)...

Múa tiên trong lễ hội Đền Du Yến - Ảnh: Nguyên An

Cái hay, cái táo bạo của tranh Tắm tiên của làng tranh Kim Hoàng là hình ảnh các nàng tiên đang khoe mình trong làn nước mát. Đây là những hình ảnh khỏa thân hiếm hoi trong tranh của người Việt xưa. Bức tranh Tiên tắm đồ là cho thấy dấu vết quan niệm cổ xưa của người Việt về các nàng tiên có cánh. Hình ảnh tắm tiên khá phổ biến trong nghệ thuật chạm khắc trên đình, đền người Việt thế kỷ XVII-XVIII. Nhưng trong mảng tranh khắc dân gian, dù là tranh Đông Hồ, tranh làng Sình hay tranh Hàng Trống đều không có những cảnh táo bạo như thế này. Phải chăng, so với những mảng chạm, tranh khắc chịu nhiều sự chi phối của tư tưởng khắc kỷ của Khổng giáo hơn. Bức tranh Tiên tắm đồ của làng tranh Kim Hoàng lấy cảm hứng từ một tích truyện cổ xưa được lưu truyền tới ngày hôm nay là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam.

___________

1. Dựa theo tài liệu của BQL di tích tỉnh Nam Định.

TRẦN HẬU YÊN THẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

 

;