Bếp lửa chiều cuối năm

Bên nồi bánh chưng - Ảnh: Quỳnh Trang

Chiều cuối năm, hơi sương bảng lảng trên những nẻo đường phố thị đã bớt người và xe. Tôi rẽ vào con hẻm, lòng bộn bề ý nghĩ. Tết đến rất gần rồi, người người đã lục tục lo về quê, lo mua sắm, lo dọn dẹp trang trí nhà cửa. Tôi vẫn mải miết với công việc, lướt qua mọi thanh âm sắc màu rộn rã ngoài kia. Một cái gì xông lên, cay cay nơi sống mũi.

Ồ, trước mắt tôi là bếp lửa. Bếp lửa được nhóm sát chân tường một bên ngõ, bắc đơn sơ bằng những viên gạch đỏ. Phía trên là nồi bánh chưng cao lênh khênh. Phía dưới là những thanh củi gộc mới bắt đầu bén lửa. Khói bốc lên cay mắt. Người phụ nữ trung niên lui cui khơi cho ngọn lửa bén thêm. Nét mặt bà vui vẻ, nhẹ nhõm. Mấy đứa trẻ xúm xít quanh bà, hồ hởi, đợi chờ.

Ôi, cái bếp lửa tưởng đã bị lãng quên nơi thị thành, tưởng chỉ còn hồng trong những gian bếp cũ ở vùng nông thôn nghèo xa lắc, nay đang hiển hiện trước mắt tôi, trong buổi chiều cuối năm ắp đầy niềm xa nhớ. Ngọn lửa đã được khơi lên bập bùng màu cam đỏ. Tôi nghe thấy tiếng reo và mùi thơm của lửa, tiếng tí tách trong từng thớ củi. Chỉ chút nữa thôi, nồi bánh chưng sẽ sôi sùng sục, bốc hơi nghi ngút. Người bà (tôi đoán người phụ nữ ấy là bà của những đứa trẻ kia) sẽ rút bớt lửa, để nồi bánh âm ỉ sôi dưới than hồng rừng rực. Chỉ chút nữa thôi, mùi khoai nướng ngô nướng sẽ tỏa hương, và đám trẻ con xúm xít chia nhau, miệng xuýt xoa hít hà, tay nọ chuyền sang tay kia củ khoai bắp ngô còn nóng hổi, thơm lựng. Chúng sẽ vừa ăn vừa cười, miệng, má, bàn tay, cổ tay và cả quần áo chúng nhọ nhem. Chiều tối mới đặt nồi bánh lên, thì phải sáng sớm mai mới dỡ. Cả đêm nay, người bà sẽ thức trông bánh, lo thêm nước vào nồi, thêm củi vào bếp. Những đứa trẻ, có đứa nào thức cùng bà, hay sẽ nằm ngủ tít trong chăn ấm? Dù có muốn, chúng cũng đâu có cơ hội được ngồi bên nồi bánh, hóng chờ chiếc bánh mụi chín trước, rồi ngáp dài lăn ra ngủ trên ổ rơm bà vừa trải, trong căn bếp bập bùng ánh lửa.

 Dẫu sao, sự có mặt của bếp lửa trong chiều đông phố thị này, trong con ngõ nhỏ này cũng đem lại bao ấm áp. Và tôi, dẫu chỉ một phút đi ngang, cũng được thức dậy bao niềm thương mến. Tôi biết nhóm bếp từ khi nào, ký ức tôi không còn nhớ. Chỉ nhớ rằng 6 tuổi tôi đã nấu được niêu cơm nhỏ. Và người ở bên tôi không ai khác chính là bà ngoại. Căn bếp của bà có rơm, có trấu, có lá khô, có gộc tre, có củi. Nhưng củi được dùng dè sẻn. Lá khô và gộc tre nơi vườn nhà. Trấu mua hoặc lấy về từ những lần xay xát gạo. Trong trấu có lẫn cả chút cám và đầu hạt gạo. Rơm cháy khỏe và nhanh. Đun bếp bằng rơm là cấm được chạy ra ngoài. Căn bếp nóng rực. Má sẽ đỏ hồng, mồ hôi chảy tong tong vào mùa hè và nẻ căng vào mùa đông. 

Bà tôi đã rời trần gian 20 năm. Trước khi mất, người không đủ sức ngồi bên bếp lửa. Nhà đã sắm bếp ga để đun nấu hàng ngày. Khói bếp được nhen lên trong ngày đưa ma bà, khi hàng xóm đến chia buồn và các con cháu hối hả vào ra đun nước pha trà mời khách. Mùi lá khô củi khô lẫn với mùi xả, mùi gừng, mùi bồ kết và mùi khói nhang.

Bao năm qua, hình ảnh của bà cùng bếp lửa đã găm vào trong tâm trí tôi. Bà đã ở bên tôi, giúp tôi nhóm bếp lửa đầu tiên, chỉ cho tôi cách thêm củi thêm trấu vào bếp sao cho khỏi bỏng tay, biết bắc nồi lên bếp, biết vần chúng xuống lớp tro… Nồi cơm bà nấu ủ trong than hồng, hương thơm nức, hạt nào hạt nấy tròn căng, cháy giòn rụm. Cá bà kho được vùi trong tro trấu, mềm bùi ngấm vị tương. Có cá vạ cơm. Cá kho ăn với cơm chín tới, thêm quả cà bát canh suông nóng hổi, những đứa cháu háu ăn sẽ vét nồi cơm chẳng còn một hạt. Và bà sẽ ngồi bên, cười hồ hởi, hàm răng đen, sợi tóc bạc rung rung, một bên con mắt đã lòa ướt nước. Mãi về sau, tôi mới hiểu được, vì sao, ở khoảnh khắc ấy, mắt bà lại ướt.

Tranh Vũ Đình Tuấn

Đêm đã buông. Thành phố lấp lánh ánh điện. Sâu trong các con ngõ nhỏ, bếp lửa nấu bánh vẫn hồng. Sắp khép lại một năm đầy thử thách - thử thách lòng người, thử thách tình người. Tôi hình dung, ở khắp mọi miền quê đất nước, nơi đồng bằng, vùng núi, vùng biển, trong căn bếp, hay trên sân gạch, hoặc có thể ngoài ngõ ngoài vườn, những bếp lửa đang ánh lên, rực lên trong đêm. Mùi thơm tỏa ra từ bếp lửa làm thành mùi hương cuối năm. Để ai đi xa nhớ tìm về, ai nơi quê nhà thêm một lần được đoàn tụ cùng nhau. Hơi ấm sẽ xua tan mọi lạnh giá nhọc nhằn, để năm mới về trong ấm áp khôi nguyên.

Sẽ không bao giờ mất đi ngọn lửa. Không bao giờ mất đi ánh lửa hồng. Vì, khởi nguồn của văn minh loài người - là lửa.

ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

 

;