Bắt hổ, TK XVII, đình Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Theo dòng chảy văn hóa dân gian, Hổ đứng hàng thứ ba trong mười hai con giáp. Nếu tìm về cội nguồn chữ Hán, người ta có thể thấy chữ DẦN ở dạng tượng hình xưa có dáng dấp một con mãnh hổ đang xông tới, oai phong lẫm liệt. Đương nhiên, nếu so với lợn, trâu, chó, gà… hổ không phải loài vật gắn bó với nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam suốt trường kỳ lịch sử. Không có gì lạ khi trong tập đại thành Kho tàng tục ngữ người Việt gồm 3.000 trang khổ lớn (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003), trên 16.000 đơn vị câu, hình tượng hổ xuất hiện khá “khiêm tốn” - chừng hơn 20 lần gắn với câu nói cửa miệng của người bình dân. Ấy thế nhưng, nếu thiếu hình tượng hổ, chắc chắn đời sống văn hóa tinh thần của chúng ta nghèo đi rất nhiều.
Hổ đi, báo tới chính là hình ảnh về những nguy hiểm liên tục giáng xuống, không bao giờ hết đối với người nông dân trong xã hội xưa. Đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau cho chúng ta thấy một sự lựa chọn không hề khôn ngoan. Hổ hay báo thì khác gì về độ nguy hiểm và tàn ác nhỉ? Hồ giả hổ oai (Cáo mượn oai hùm) nói về loại ranh ma mượn thế lực kẻ oai dũng để uy hiếp mọi người. Không vào hang hổ sao bắt được hổ con (Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử) nhắc đến điển tích về chàng Ban Siêu bên đất Trung Hoa: không chịu xông pha nơi mũi tên hòn đạn, không chấp nhận nguy hiểm muôn phần sao có thể lập được công lớn? Hổ chết chẳng hết vằn gợi lên cái bất biến trong một con người hay sự vật, hiện tượng. Hổ chết để da, người chết để tiếng là nỗi niềm đau đáu với những ai nghĩ nhiều đến chữ “danh” trong thiên hạ - nó nằm ngoài những gì gọi là băng hoại, mục nát. Hổ dữ không ăn thịt con muốn khẳng định tình mẫu tử cao quý có ở muôn loài, kể cả giống cọp độc ác. Con hổ có lá gan chuột nhắt nhằm chỉ những kẻ hèn nhát, “lá gan” bất xứng ngoại hình. Thả hổ về rừng thường để lại nhiều hậu họa. Vuốt râu hùm chỉ hành động vô cùng liều lĩnh. Đầu hổ đuôi rắn nói những việc làm hữu thủy vô chung (có đầu không cuối). Long bàng hổ cứ đem lại cái nhìn về thế đất hiểm trở, hùng vĩ. Thế ngồi lưng cọp là việc khó khăn nhưng không thể dừng lại. Nói hổ biến sắc thuộc về những kẻ mới nghe chuyện đáng sợ đã “co vòi”. Chắp cánh cho hổ thật chẳng nên. Làm ma giúp hổ khác nào việc đồng lõa làm điều xấu xa. Hà chính mãnh ư hổ (nền chính trị hà khắc như hổ dữ) quả thật đáng sợ. Tọa sơn quan hổ đấu chính là thái độ “đắc lợi” của một kẻ thứ ba. Hổ xuống đồng bằng sẽ không còn lợi thế dành cho chúa sơn lâm như ở “chốn ngàn năm cao cả, âm u”. Tương tự, Điệu hổ ly sơn nói về hiện thực “anh hùng nhất khoảnh” - khi rời khỏi địa bàn quen thuộc của mình, hổ dữ cũng hóa thành trâu. Dẫu là “ông kẹ” đi chăng nữa thì cũng chỉ có một không gian nhất định cho hổ làm vua mà thôi. Thậm chí, lúc “sa cơ”, hùm thiêng cũng “hèn” là điều chắc chắn (Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn - thơ Nguyễn Du). Mãnh hổ nan địch quần hồ để lại cả một bài học lớn. Hổ phụ sinh hổ tử (Cha hổ sinh con hổ) chỉ truyền thống, “tiếng tăm” của một gia đình từ đời bố đến đời con (cha truyền con nối) được tiếp tục xứng đáng - “hậu sinh khả úy”. Ngược lại, Hổ phụ sinh cẩu tử (Cha hổ sinh… con chó) lại đem đến nỗi thất vọng lớn, chẳng dễ nguôi ngoai - con không nối được chí cha, thiếu kế thừa, đứt gãy…
Đấu hổ, TK XVII, đình Chảy, Bình Lục, Hà Nam - Ảnh: Nguyễn Đức Bình
Nếu như trong thế giới tự nhiên, hổ được coi là một thứ uy lực tuyệt đối, “chúa tể muôn loài” (các hoa văn - nếp vằn trên trán hổ dường như mang dáng dấp một chữ “vương”) thì trong đời sống xã hội, từ lâu hình tượng hổ được gắn với quyền thế của vua. Thị vệ nhà vua gọi là quân “hổ bôn”; tướng cầm quân ra trận có sức mạnh vô song gọi là “hổ tướng”; nơi “đàm quân sự” được gọi “hổ trướng” (tác phẩm binh thư mà Đào Duy Từ (1572-1634) - nhân vật lịch sử lỗi lạc của nước ta thế kỷ XVI - soạn để dạy các tướng sĩ của xứ Đàng Trong là Hổ trướng khu cơ); phòng giam tử tội được định danh “hổ lao”; “hổ đầu đao” là phương tiện hành hình tử tội; “hổ phù” chỉ tín vật nhà vua dùng điều quân, gọi lính… Tả thanh long, hữu bạch hổ chỉ hai loại cờ (rồng xanh, cọp trắng) trong hành quân ngày xưa; cũng chính là thế đất tuyệt đẹp theo cái nhìn phong thuỷ về cồn Hến (Vĩ Dạ) và cồn Dã Viên mọc giữa lòng sông Hương trên đất Huế như hổ phục rồng chầu hai bên kinh thành. Liên quan đến hổ, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: thời Đinh, nhà vua nuôi cọp dữ trong chuồng để trừng phạt kẻ phạm trọng tội; còn ở thời Nguyễn, nước ta đã có một hổ quyền xây dựng dưới triều vua Minh Mạng (1830), là đấu trường giữa voi và hổ. Hai loài vật vốn danh bất hư truyền này sẽ có những trận thư hùng thật sự với mục đích giải trí cho nhà vua và hoàng tộc.
Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, chúng ta không có những câu chuyện “hoành tráng” kiểu: đồi Cảnh Dương, Võ Tòng tay không đả hổ hay Lý Quỳ vung búa giết năm chúa sơn lâm… song cũng chớ nên quên, một bài học về trí khôn nọ (Trí khôn của ta đây) đã gửi gắm bao điều về triết lý nhân sinh. Rồi hổ trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật lớn lao giúp nhà thơ Thế Lữ gửi lại với thời gian kiệt tác “Nhớ rừng”. Những người yêu mến Thơ mới cũng như văn học Việt Nam hiện đại, mấy ai không có lần thả hồn theo một vài vần điệu: Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua/ Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ/ Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm/ Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm/ Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi… Hổ được nhắc tới trong thơ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (bài Thế lộ nan - Đường đời khó khăn) những ngày Người phải chịu cảnh “Mười bốn trăng tê tái gông cùm” trên đất Trung Hoa với triết lý thâm sâu mà giản dị: Cao sơn ngộ hổ chung vô dạng/ Bình lộ phùng nhân khước bị giam [Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người bị tống lao (Nam Trân dịch)]… Hổ rất tự nhiên “đi” vào thơ Quang Dũng - hơn 70 năm nay vẫn còn nóng hổi và không thể nào quên được cái ấn tượng hoang sơ, “dễ sợ” ban đầu về núi rừng miền Tây ba ngàn ngày kháng chiến: Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm mường Hịch cọp trêu người/ Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi!
Nguyễn Tư Nghiêm, Hổ, bột mầu, 1998 - Sưu tập: Thu Giang
Nếu trên đất Trung Hoa (ở các tỉnh phía Bắc), vào đêm trừ tịch, người dân thường treo bức Thần hổ để cầu may, trừ tà diệt ác hay người Phúc Kiến có tranh về 5 “ông ba mươi” ngồi quanh chậu châu báu mong trời ban phúc thì ở Việt Nam ta, dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng có một “Ngũ hổ” của riêng mình. Có thể nói, bức “Ngũ hổ - Hàng Trống” (kích thước 0,55m.0,75m) là một tuyệt phẩm hội họa cả về tư tưởng và nghệ thuật, màu sắc lẫn bố cục: hoàng hổ (màu vàng) tượng trưng cho hành Thổ, ứng với chính điện; thanh hổ (màu xanh) tượng trưng cho hành Mộc, phương Đông; bạch hổ (màu trắng) tượng trưng cho hành Kim, phương Tây; xích hổ (màu đỏ) tượng trưng cho hành Hỏa, phương Nam; hắc hổ (màu đen) tượng trưng cho hành Thủy, phương Bắc… Tất cả đều chắc khỏe, oai phong, hài hòa sắc - dáng, bao quát cả càn khôn.
Cửa hàng bán tranh Hàng Trống, Hà Nội - Ảnh đầu thế kỷ XX
HÀ ĐAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022