Bỏ thói quen xấu để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Bất luận ở thời đại nào, tuổi trẻ bao giờ cũng sống giàu tình cảm, có hoài bão lớn, luôn rạo rực ước mơ vươn tới những điều tốt đẹp, có niềm tin tất thắng về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, những thói quen chưa tốt vẫn đang tồn tại, hiện hữu trong đời sống thường nhật của giới trẻ như: nói tục, chửi thề… cần sớm được loại bỏ để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Lễ phát động “Hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc” của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh  (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế)

 

Nói tục, chửi thề trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay là điều đáng quan ngại, đây là một “tồn tại xã hội” nhưng không thuộc phạm trù ý thức hay sự cố hữu của một con người cụ thể. Do đó, để dẹp bỏ vấn nạn này không phải một sớm, một chiều mà thực hiện được. Xét trên bình diện tổng thể, công tác giáo dục gia đình vẫn là khâu then chốt, cốt lõi và chính bố mẹ, người lớn cần phải nêu gương.

Lâu nay, tình trạng nói tục, chửi thề là hiện tượng xảy ra thường nhật trong cuộc sống của một bộ phận giới trẻ, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, khi đã trở thành “vấn nạn” nghĩa là nó đang có tốc độ lan tỏa khá nhanh, làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp vốn có của môi trường học đường, uy hiếp đến sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Thực tế đã chứng minh, trong môi trường học đường hiện nay, vấn nạn nói tục, chửi thề không chỉ tồn tại ở cửa miệng của một số học sinh nam, mà còn lan tỏa, đang dần khá phổ biến ở nhiều học sinh nữ. Chúng tôi đã “mục sở thị” một nhóm nữ sinh của một trường THPT ở một thành phố, với trang phục áo dài trắng đang đi trên đường bỗng dừng xe, tấp vào lề đường để “giải quyết mâu thuẫn”- đầu tiên là một nữ sinh được xem là “đàn chị” trong nhóm xắn tay áo, chống nạnh, miệng liên tục buông ra những ngôn từ thô tục, kệch cỡm, làm những người đi đường xung quanh phải ngoảnh đầu ngó lại và có chung cảm giác ngại ngùng, khó chịu. Điều đáng nói, nữ sinh kia còn dùng âm lượng lớn (hét to) để nói, để chửi đối phương với ánh mắt trừng trừng và thái độ hung dữ, cộc cằn. Những nữ sinh khác trong nhóm cũng vung tay, múa chân chửi lại không kém. Nói tục, chửi thề là một hiện tượng xã hội, đang là trào lưu tồn tại trong giới trẻ, được các em tiếp thu và truyền bá rất nhanh. Nhiều em học sinh nghĩ rằng, có nói tục, có chửi thề thì mới thể hiện đẳng cấp của bản thân, mới ra dáng “đàn anh”, “đàn chị”, và để làm cho mọi người xung quanh phải khiếp sợ.

Một phụ huynh chờ đón con tại một trường THCS của một huyện, đã vô cùng ngỡ ngàng và khá bất bình khi phải bất đắc dĩ nghe những ngôn từ chối tai, tục tĩu… của một em học sinh mang trên vai chiếc khăn quàng đỏ thắm vừa bước ra từ cổng trường, vừa đi vừa chửi một bạn đang đi bên cạnh. Khi đã “chửi” thoải mái xong, em học sinh ấy còn vẫy tay chào “đối phương” trước khi nhảy lên xe của người mẹ đang đợi sẵn cách đó không xa. Một người dân sau khi chứng kiến một tốp học sinh 4-5 em tầm lớp 10 vào quán luôn miệng nói tục, chửi thề - đã phải thốt lên: “Tụi nhỏ bây giờ văng tục chửi bậy quá ư là tầm bậy. Nếu tình trạng này không sớm được chấn chỉnh thì sẽ nguy to đến văn hóa của cả dân tộc mình”.

Tập huấn ATGT cho học sinh trường THPT Thừa Lưu ( huyện  Phú Lộc, Thừa Thiên Huế)
 

Lứa tuổi vị thành niên (10-17) là độ tuổi chưa phải là người lớn nhưng không còn là trẻ con, mọi hành vi, việc làm chủ yếu là bắt chước, học đòi người lớn, các em chưa ý thức được lời nói, hành vi của bản thân sẽ gây ra hậu quả như thế nào, gây tác hại ra sao đối với chính bản thân mình và cho những người xung quanh. Phần lớn các em chưa nhận diện được rằng, nói tục, chửi thề là những ngôn từ xúc phạm, là lời nguyền rủa, xỉ vả, chì chiết, là những ngôn từ bẩn, ngôn ngữ xấu xí, ngôn ngữ thô bạo, phi văn hóa… đã gây ra tổn thương tâm lí, tinh thần cho đối phương, vô hình chung là các em tự rước họa vào thân mà không hề hay biết. Như người xưa đã từng dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” (Bệnh cũng từ miệng mà vào, tai họa cũng do miệng mà ra). Thời đại bùng nổ thông tin, nhiều em học sinh tiếp xúc dày đặc với mạng xã hội, rồi nghiện game online, xem phim ảnh, chat chít với bạn bè qua Facebook, Zalo... hằng ngày. Một khi các em đã thích những nhân vật nổi tiếng thì ngay lập tức tôn sùng họ là “thần tượng” và liền bắt chước, làm theo, nói theo họ một cách vô thức, không đắn đo suy nghĩ. Không hiếm những trường hợp mà các em coi là “thần tượng” đã lên mạng xã hội, đăng đàn phát ngôn gây sốc, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thậm chí dùng những lời lẽ thô tục cũng được các em ghi nhớ và thực hành rất nhanh. Ở lứa tuổi vị thành niên, các em chưa có nhiều ý thức trong việc sử dụng ngôn từ chuẩn mực, đa số là chỉ bắt chước theo người lớn nói hoặc thực hành theo những nhân vật nổi tiếng, những “thần tượng” của các em trong phim ảnh, trên internet hay mạng xã hội nói chung. Một số học sinh không những nói tục, chửi thề ở trong trường, lớp, khi đi trên đường hoặc khi gặp nhau ở bất cứ nơi đâu, mà còn lên mạng xã hội như Facebook, Zalo, điện thoại… để nhắn tin, quay clip, làm video để chửi rủa nhau. Hành động của các em tuy không chủ ý, vô thức nên nhiều lúc không có lỗi, càng không có tội vì không vi phạm pháp luật (chỉ vi phạm đạo đức, chuẩn mực ứng xử của người học sinh) nhưng nếu các em dẫm lên đường cũ có hệ thống lâu dần thành thói quen sẽ gây ra hậu họa khôn lường. Do đó, các bậc phụ huynh phải dành thời gian lưu tâm đến vấn nạn nói tục, chửi thề của con em mình (nếu có) để tìm cách răn đe, uốn nắn và có những giải pháp phù hợp. Xét cho cùng, lời ăn tiếng nói được xem là thước đo nhân cách của một con người, thể hiện sự ứng xử có văn hóa giữa con người với nhau; thước đo ấy được sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, cha ông ta đã răn dạy: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang / Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”. Tuy nhiên, điều đáng tiếc trong cuộc sống của giới trẻ hiện nay, trong môi trường học tập của học sinh, sinh viên ở đâu đó, lúc này lúc nọ vẫn còn tồn tại hiện tượng nói tục, chửi thề - ít nhiều đã làm méo mó phần nào hình ảnh người học sinh ngây thơ, trắng trong vốn có; bỏ thói quen xấu như: Nói tục, chửi thề… để hình ảnh nữ sinh Việt mãi thanh lịch, dịu hiền, đoan trang, dễ cảm: “Học trò trong Quảng ra thi - Thấy cô gái Huế chân đi không đành” hoặc là “Em đẹp thế này có chết tôi không / Cái dáng hiền ngoan cho đời ngơ ngẩn / Có phải em đây hay là…cô Tấm / Mới vừa từ trong cổ tích bước ra” (Phan Thu Hà) và để lưu giữ trong ký ức của mỗi người những kỷ niệm tươi đẹp của tuổi học trò: “Nắng ươm hồng trải nhẹ bóng chiều rơi/ Tô điểm sắc bâng khuâng trời cõi hạ/ Vùng kỷ niệm dâng trào không thể xóa/ Tuổi học trò ôi đến lạ vấn vương/ Thắm rạng ngời màu áo thật mến thương/ Như mây trắng khắp sân trường phủ bọc…” (Khuyết danh). Suy cho cùng, nói tục, chửi thề đương nhiên sẽ làm mất đi nét đẹp văn hóa của ngôn ngữ, văn hóa trong môi trường học đường; ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục; mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Chính vì vậy, cần xóa bỏ thói quen xấu “Nói tục, chửi thề” trong giới trẻ giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. 

 

VÕ VĂN DẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

;