“Tim tôi luôn có Bác”

Với sự mê hoặc của “nàng tiên nâu”, Pờ Lóng Tơ (sinh năm 1955) người dân tộc Hà Nhì ở bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè (Lai Châu) tưởng chừng như đã bị chôn vùi bởi món cơm đen. Nhưng rồi dưới ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ và nghị lực phi thường của bản thân, ông đã trở thành Nghệ nhân Ưu tú, đi khắp các bản mường người Hà Nhì để truyền dạy bản sắc của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.

 

Bĩ cực của “nàng tiên nâu”

Có 5 năm trong quân ngũ với vai trò là lính trinh sát, đến năm 1976, Pờ Láng Tơ được ra quân, sau đó về làm Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Tè. Năm 1989 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái nheo nhóc không ai chăm sóc dạy dỗ, ông đã quyết định xin nghỉ việc để tiện chăm sóc gia đình.

Những tưởng bên gia đình vợ con thì cuộc sống sẽ tốt hơn. Nào ngờ “nàng tiên nâu” đã đưa ông tới tận cùng sự khổ cực. Đặc biệt, những cơn thèm thuốc hoành hành như muốn cấu xé thân xác ông thành trăm mảnh. Mọi đồ đạc trong nhà cũng dần đội nón ra đi để chui vào cái bàn đèn của ông.

Kể cho chúng tôi nghe về những ký ức buồn không thể nào quên, đôi mắt ông như ngấn lệ: “Tôi còn nhớ như in cái hôm ở nhà trông con bị ốm vẫn còn ẵm ngửa trên tay cho vợ đi nương. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê của “nàng tiên nâu”, tôi đã đổ bát gạo vào nồi vừa chế biến thuốc phiện để nấu cháo cho con. Thế rồi, ăn hết bát cháo, con tôi đã lịm đi cả tiếng đồng hồ, sau đó nôn ọe như muốn móc ruộc, móc gan mất mấy ngày trời”.

Sau lần ấy, ông Tơ đã tự đào một cái hố trong nhà để khi nào lên cơn sẽ nhảy xuống đó để tự cai. Trong một lần với sự giằng xé của “nàng tiên nâu” ông đã nhảy xuống hố và gọi vợ: “Bà hãy ném đất đá xuống và chôn tôi đi, đằng nào cũng một lần chết”. Thấy ông quằn quại trong sự dày vò của cơn thèm thuốc, vợ ông đã chạy đi mua thuốc về và đưa cho ông. Lúc ấy, cơn thèm thuốc của ông cũng đã gần tàn, nhìn vào mắt vợ, ông hỏi: “Bà lấy thuốc này ở đâu?” Bà ấy không nói gì cả. Nhìn lên chiếc mũ đội đầu của bà ấy thì chiếc vòng hạt cườm đã biến mất. “Bà lấy chiếc vòng hạt cườm để đổi thuốc phiện cho tôi có đúng không?” Ông rít lên như vậy. Vợ ông chỉ biết gật đầu. Rồi ông hét lên một lần nữa: “Bà đi đổi chiếc vòng hạt cườm về ngay, không tôi đốt hết chỗ thuốc phiện này cho bà xem”.

Những bĩ cực của nàng tiên nâu đã khiến ông suy nghĩ lại. Chẳng lẽ bản lĩnh của một người lính trính sát, đã từng làm đến Phó Bí thư Huyện đoàn, tới từng xã bản hô vang lời dậy của bác với thanh niên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” mà lại để cuộc đời ngã xuống vực sâu bởi “Nàng tiên nâu”? Mất vài ngày suy nghĩ về lời dạy của Bác với thanh niên, ông đã quyết tâm tự cai bằng cách cho cả vợ con cùng đi vào nương ở tận rừng sâu. Những lúc lên cơn, ông chấp nhận để vợ con trói chân tay mình lại. Lúc đầu tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng rồi với bản lĩnh của người lính trinh sát, ông đã lao vào công việc: trồng lúa, đi nương, làm cỏ cho đến khi thu hoạch. Sau lần ấy, ông đã chính thức cai nghiện thành công khiến nhiều người trong xã, trong bản cảm thấy ngỡ ngàng.

Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ trò chuyện với các học viên lớp truyền dậy tại xã Ka Lăng (Mường Tè)
 

Ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ tỏa rọi

Sau khi tự cai thành công và trở lại cuộc sống bình thường, Pờ Lóng Tơ lại nhớ về những kỷ niệm đẹp của một thời quân ngũ, rồi Phó Bí thư Huyện đoàn và đặc biệt là bản sắc văn hóa của người Hà Nhì với những bài hát, điệu múa, “Trường ca xa nhà ca” dài hàng đêm kể mà ông đã từng được chứng kiến chính cha mình và các bậc cao niên diễn xướng trong bao đêm hội của người Hà Nhì.

Với bản tính năng động, nhiệt tình, ông đã mày mò, tìm hiểu từ những bậc cao niên trong xã nhà, các xã lân cận và là tất cả những nơi đâu có người Hà Nhì sinh sống trên địa bàn huyện Mường Tè. Chính điều này khiến nhiều bà con trong xã, trong bản buông lời gièm: “Ông Tơ tự cai nghiện thành công thì giờ lại dở hơi đi sưu tầm, tìm hiểu những thứ chẳng biết để làm gì”.

Bỏ ngoài tai những lời nói đó, ông Tơ nhớ như in vào năm 2007 có cán bộ xã, rồi cán bộ huyện đến bản tuyên truyền rằng: “Học tập và làm theo Bác”, nói một cách đơn giản là mỗi chúng ta hãy tích cực làm những điều tốt có lợi cho cộng đồng, gia đình và xã hội, đồng thời hạn chế những điều xấu. Chính những lời nói ấy của cán bộ đã tiếp thêm sức mạnh để ông nghiên cứu, sưu tầm bản sắc của dân tộc mình. Nhiều đêm ông đã thức trắng để ghi chép lại những gì các cụ truyền lại.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lai Châu Nguyễn Trọng Hiến: “Pờ Lóng Tơ chính là pho tượng sống về văn hóa của người Hà Nhì. Ông đã chủ trì các lớp truyền dạy về văn hóa dân gian của người Hà Nhì do tỉnh tổ chức ở các xã trên địa bàn huyện; hướng dẫn các xã bản duy trì các lễ, Tết, hội hằng năm. Đặc biệt, ông đã phối hợp nghiên cứu sưu tầm và xuất bản được 3 tác phẩm: Tập quán quản lý và khai thác rừng, đất rừng, nguồn nước của dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè - Lai Châu (năm 2008); Trường ca Xa Nhà Ca của người Hà Nhì (năm 2009); Sử thi Phùy Ca Na Ca dân tộc Hà Nhì huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (năm 2011)”... Chính nhờ vào những thành quả ấy, năm 2019, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Sau những bước chân đi sưu tầm nghiên cứu không biết mệt mỏi, giờ đây, những bản của người Hà Nhì lại hân hoan đón ông trở lại truyền dạy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình với thế hệ trẻ. “Chúng tôi thấy nghệ nhân Pờ Lóng Tơ truyền đạt rất dễ nghe, dễ nhớ và dễ thực hiện. Tham gia lớp truyền dạy, chúng tôi đã hiểu, nắm bắt đầy đủ nội dung cơ bản Trường ca Xa Nhà Ca và có thể diễn xướng lại. Với vai trò là cán bộ văn hóa xã Ka Lăng (Mường Tè) tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và truyền dạy cho thế hệ sau về Trường ca Xa Nhà Ca nói riêng và bản sắc văn hóa của người Hà Nhì nói chung” - anh Mạ Lý Phạ bộc bạch.

Hình ảnh Bác Hồ - vị Cha già dân tộc những đối với lão nghệ nhân Pờ Lóng Tơ lại rất thân thương, gần gũi bởi những lời dạy của Bác chính là động lực, là niềm tin trong quá trình công tác, cũng như giúp ông vượt qua những bĩ cực của “nàng tiên nâu” và sau này là chặng đường dài sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Có lẽ chính vì vậy mà ông đã bộc bạch với người viết bài này rằng: “Tim tôi luôn có Bác”. 

 

NHẬT MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023

 

;