Nguyễn Quang Bích - một thủ lĩnh phong trào Cần Vương

Chân dung thủ lĩnh phong trào Cần Vương Nguyễn Quang Bích
 

Trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nước ta, phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX tuy chỉ  diễn ra trong thời gian ngắn nhưng nó đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử cận đại Việt Nam. Nguyễn Quang Bích - Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ) bất chấp lệnh bãi binh của triều đình nhà Nguyễn đã lãnh đạo nhân dân miền trung du và thượng du Bắc kỳ kiên cường kháng chiến. Tuy thất bại nhưng phong trào Cần Vương đã ghi những dấu ấn không phai mờ về ý chí sắt đá, quyết tâm và lòng dũng cảm chống giặc ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của văn thân yêu nước Nguyễn Quang Bích.

Ông vốn họ Ngô, tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (1832) tại làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).Thuở  nhỏ gia đình đã cho ông làm con nuôi nhà họ Nguyễn nên ông mang họ kép. Nguyễn Quang Bích xuất thân trong một nhà nho nghèo, con đường khoa cử khá vất vả, 26 tuổi năm Mậu Ngọ (1858) ông đỗ tú tài, 29 tuổi năm Tân Dậu (1861) đỗ cử nhân được Triều đình bổ nhiệm chức giáo thụ Trường Khánh nhưng ông dâng sớ không nhậm chức, xin ở nhà mở trường dạy học. Quê ông lúc đó thường xuyên bị úng thủy, ông xem xét địa hình rồi đứng ra lạc quyên và chỉ đạo nhân dân đào sông Sứ, xây cống Tam Đồng đưa nước tưới tiêu vào đồng ruộng, hai vụ được mùa liên tiếp, người nông dân rất phấn khởi. Tiếp đó, ông lại đứng ra xây Văn Chỉ, lập ra hương ước làng, bỏ một số hủ tục lạc hậu, được nhân dân ca ngợi. Năm Kỷ Tỵ (1869) Nguyễn Quang Bích thi đỗ Đình nguyên, Nhị giáp tiến sĩ, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ trong đó có chức vụ Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa. Ông có công thu nạp tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc - người hai lần có công giết được tướng chỉ huy quân Pháp ở trận Cầu Giấy, Hà Nội; ông được Vua khen “thanh liêm”, người dân coi ông là “hoạt Phật” (Phật sống).

 Năm 1884, sau khi đánh chiếm nhiều tỉnh thành, quân Pháp tấn công lên thành Hưng Hóa, ông đã anh dũng chỉ huy quân lính chiến đấu quyết liệt để bảo vệ thành. Nhưng quân Pháp quá mạnh với nhiều vũ khí hiện đại nên thành thất thủ, ông lên Kính Thiên Đài (cột cờ) định tuẫn tiết theo gương Hoàng Diệu nhưng tả hữu can ngăn, vực ông lên ngựa phá vòng vây chạy về làng Tứ Mỹ, Cẩm Khê (nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Tam Nông), lập căn cứ kháng chiến. Ít lâu sau, các tướng sỹ lục tục kéo về giúp sức cùng ông đánh giặc. Nhân dân trong vùng đã lập nhiều đội nghĩa dũng, mua sắm thêm vũ khí ủng hộ ông chiến đấu. Sau khi chiếm được thành Hưng Hóa, thực dân Pháp cho tàu chiến theo sông Thao ngược lên, dùng đại bác bắn vào Đình Cả và các ngôi đình nhỏ trong làng Tứ Mỹ, nơi đóng quân của Nguyễn Quang Bích. Mái đình Cả bị sập nhưng ông không hề nao núng, vẫn chỉ huy nghĩa quân từ sau các lũy tre dày bắn ra, anh dũng đánh trả quân địch. Được một tuần, do quân ít, khí giới kém Nguyễn Quang Bích đành cho rút quân bảo toàn lực lượng sang làng Áo Lộc ( xã Tuy Lộc) huyện Cẩm Khê, sau lùi về làng Tiên Động (Tiên Lương) dựa vào địa thế hiểm trở, đường độc đạo lập căn cứ đánh địch lâu dài. Trong 2 năm 1884 - 1885, từ căn cứ này nghĩa quân đã đánh nhiều trận làm cho quân địch khiếp sợ. Ngày 13 /7/1885, sau khi Vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế chạy về Tân Sở (Quảng Trị) xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân sĩ phu yêu nước giúp vua kháng Pháp. Vua Hàm Nghi đã phong cho Nguyễn Quang Bích chức Hiệp biện đại học sĩ, Lễ bộ thượng thư sung Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần trung hầu, toàn quyền tổ chức lực lượng kháng Pháp ở Bắc Kỳ. Trong 2 năm 1885 - 1886, ông được cử đi sứ hai lần sang Vân Nam, Trung Quốc mang quốc thư cầu viện nhà Thanh. Tuy việc không thành như mong đợi vì nhà Thanh đã ký hòa ước Thiên Tân với Pháp, nhưng chuyến đi ngoại giao của ông đã tranh thủ được sự ủng hộ của một số quan lại và nhân dân miền Nam Trung Quốc. Trở về nước, ông quyết định chuyển căn cứ lên châu Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích gồm người Kinh và người các dân tộc thiểu số Mường, Dao,Tày, Nùng… Ở vùng Tây Bắc, do có nhiều chỉ huy giỏi như Đề Kiều, Đốc Ngữ, Lãnh Mai, Đề Thành, Đốc Dị, họ lại có mối liên kết với nhiều đề đốc, lãnh binh đang dấy binh kháng Pháp ở nhiều tỉnh như Hoà Bình, Sơn Tây, Nam Định và vùng Thanh Hóa, Nghệ An nên quân số ngày một đông, thanh thế  ngày một lớn. Thực dân Pháp rất lo ngại, một mặt chúng cho quân đi đánh dẹp, mặt khác cho tay sai đến dụ hàng hòng dùng bổng lộc, vàng bạc mua chuộc thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích song ông cương quyết cự tuyệt. Trong thư trả lời quân Pháp, ông vạch trần dã tâm quân xâm lược và nêu rõ ý chí quyết tử để báo đền đất nước, báo đền ơn vua của mình. Không thể lay chuyển được ý chí sắt đá của ông, thực dân Pháp ra sức tấn công về quân sự, nghĩa quân chống càn một số trận giành nhiều thắng lợi song vì thế yếu đành phải lui binh về vùng núi Tôn Sơn (châu Yên Lập). Con cháu ông tìm đến căn cứ để thăm nom, ông đã căn dặn những lời sắt son: “Ta đã đem thân đi hứa quốc, không cần đi lại thăm hỏi vô ích. Sau này có nhớ đến ta, cứ lấy ngày mất thành Hưng Hoá làm giỗ”. Do sơn lam chướng khí nơi rừng núi heo hút, ông bị cảm hàn và mất tại bản doanh giữa lúc nghĩa quân đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô chống lại cuộc càn của quân Pháp. Thi hài ông được quân lính mai táng trên núi Cháu, Tôn Sơn nay là xã Xuân An, huyện Yên Lập. Mộ ông hình tròn xếp đá xung quanh. 3 năm sau, người con cả của ông là Nguyễn Quang Đoan chuyển hài cốt về chôn tạm tại làng Cát Trù (nay thuộc xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) quê của vị tướng thân cận là Đề Kiều. 2 năm sau nữa mới chuyển về quê làng Trình Phố, Thái Bình để  tránh sự chú ý gây khó dễ của quân Pháp. Khi chúng tôi có chuyến điền dã về xã Xuân An, huyện Yên Lập, khu căn cứ xưa của Nguyễn Quang Bích thì được biết thêm một số câu chuyện: khi Quan Đại (tên gọi kính trọng của người dân với lãnh tụ của phong trào Cần Vương Nguyễn Quang Bích) mất, ông Đinh Công Sành (tức Quản Sành) người Mường cử em trai là Đinh Công Sỏi và 10 người lính trông coi phần mộ chờ 3 năm sau người con trai cả của Nguyễn Quang Bích từ quê Thái Bình lên bốc mộ chuyển hài cốt trên 3 chiếc mảng kết bằng nứa từ khe Cháu ra ngòi Giành. Khi mảng ra đến đình Đạng, ông Đinh Công Sỏi cùng dân bản rước linh cốt vào đình, đặt ở chiếu tôn làm Thành hoàng làng. Ngày 9/8, năm Quý Tỵ (1893), ông Đinh Công Sỏi có người anh họ là Đinh Công Vân theo Pháp được phong chức Bang tá lấy cớ ông Nguyễn Quang Bích là người (nhân thần) không thể để chung với sơn thần được (đình Đạng thờ Tản viên sơn thánh) không cho dân bản thờ Nguyễn Quang Bích ở trong đình. Nhưng dân bản bất chấp vẫn thờ Nguyễn Quang Bích ở trong đình, tôn làm Thành hoàng làng. Sau đó, ông Đinh Công Sỏi còn lập miếu thờ Nguyễn Quang Bích ở xóm Dần cạnh gò Mưu (gò có tên này vì ngày trước là nơi bàn mưu kế đánh giặc của Nguyễn Quang Bích với các tướng) nhưng ở đình Đạng vẫn tồn tại sự kết hợp thờ sơn thần với nhân thần sau khi cúng tế Tản Viên ở thượng cung thì lễ Nguyễn Quang Bích. Khi chuyển hài cốt của người thủ lĩnh phong trào Cần Vương Nguyễn Quang Bích bằng thuyền về quê, hết thảy nhân dân từ người Mường, Dao, đến người Kinh đến địa hạt làng bản nào đều lập bàn thờ vọng dọc hai bờ sông đón lạy. Sinh thời, với ân đức của mình người dân đã tôn ông là Phật sống và đã lập sinh từ. Đây quả là trường hợp hiếm gặp trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Quang Bích không chỉ là thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào Cần Vương mà còn là nhà thơ, nhà yêu nước tiêu biểu cuối thế kỷ XIX. Những vần thơ, áng văn của ông thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí sắt đá không đội trời chung với quân xâm lược, bản lĩnh kiên cường không màng vinh hoa phú quý chịu gian khổ hy sinh vì nghĩa lớn. Trong thư  khước từ lời dụ hàng của quân Pháp, Nguyễn Quang Bích khảng khái viết: “Rồi nếu mà thắng, mà sống thì là nghĩa sĩ của triều đình, nhưng chẳng may mà thua, mà chết thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc”. Chúng ta càng thêm hiểu chất thép trong con người ông, nó thể hiện trong từng câu, từng chữ, chứa chan lòng yêu nước, xứng danh là những áng hùng văn chống quân xâm lược của dân tộc ta. Ở một số bài thơ trong Ngư Phong thi tập, ta thấy ông luôn trăn trở, suy nghĩ  đến vận nước, báo đền ơn vua và nỗi u hoài của người “cô trung” trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn nhiều cuộc khởi nghĩa dần thất bại, thế quân giặc ngày càng mạnh, ông  muốn  đánh những trận lớn để quét sạch kẻ thù, song lực bất tòng tâm với những vần thơ thấm đẫm tình đời, tình người, nó sống mãi với thời gian.

Hơn 130 năm sau ngày mất của Nguyễn Quang Bích - một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, người dân đất Tổ vẫn luôn khắc ghi hình tượng một con người người - trí dũng song toàn kiên quyết đánh giặc, một ông quan thanh liêm chính trực, hết lòng thương dân, một nhà thơ, nhà yêu nước lớn của dân tộc Việt Nam. 

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023

 

;