Bình Nguyên Trang - Người đàn bà làm thơ

Bình Nguyên Trang sáng tác văn học từ rất sớm và từng đoạt giải Nhất Cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền Phong năm 1997. Như phần lớn những cây bút viết văn làm thơ khác, chị cũng đi làm báo. Nhưng có lẽ Bình Nguyên Trang thành công nhất vẫn là ở địa hạt thơ. Và chị được bạn đọc nhớ đến trước hết cũng bởi chị đã là nhà thơ từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang

Từ khi còn là học sinh đến lúc là sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Bình Nguyên Trang đã tham gia hội bút Hương đầu mùa và có thơ đăng báo Hoa học trò, Mực tím, Tiền phong... Với giọng thơ thuần khiết, hồn hậu, Trang có nhiều bài thơ trong trẻo, tinh khôi về tuổi học trò được nhiều người yêu thích.  

Có thể nói, Bình Nguyên Trang là cây bút đa tài, cả trong văn chương và báo chí. Chị viết nhiều thể loại: từ thơ, văn xuôi (bao gồm tản văn, truyện và ký) đến báo chí, nhưng thơ mới là thế mạnh và để lại dấu ấn cá nhân đậm nét nhất của chị. Kể từ tập thơ trình làng Lối về vào năm 1995 đến nay, Bình Nguyên Trang vẫn bền bỉ trên hành trình sáng tạo với 5 tập thơ , 2 tập truyện, 2 tập ký chân dung và một tập tản văn. 

Ngoài đời, Trang thông minh, tinh tế nhưng cũng thật dịu dàng, thân thiện. Chất nữ tính là nét nổi bật nhất trong người đàn bà có phần năng động, xốc vác, vừa cá tính lại vừa đằm tính ấy. Thơ cũng như người vậy, thơ Bình Nguyên Trang đậm nữ tính, giàu nội tâm, vừa mơ mộng vừa đằm sâu, đôi khi man mác nỗi u hoài của một tâm hồn nhạy cảm. Sống chân thành và viết cũng chân thành, bởi vậy thơ của Trang được nhiều thế hệ độc giả yêu quý nằm lòng. Đọc thơ của Trang luôn được đắm mình trong những cung bậc cảm xúc lắng đọng đầy tinh tế, trong nỗi hoài nhớ thẳm sâu, trong nỗi buồn tuyệt đẹp và những tiếc nuối khôn nguôi luôn khiến tim ta day dứt. Trong thơ Trang, chất nữ tính được cộng hưởng từ những phẩm chất đôi khi trái ngược, vừa mạnh mẽ vừa yếu mềm, vừa tỉnh táo vừa khờ dại, vừa đằm thắm vừa bộc trực. 

Tập thơ Đêm hoa vàng của Bình Nguyên Trang vừa ra mắt bạn đọc tháng 6/2024  cho thấy “một tài năng đang độ sung mãn”, ngay sau khi ra đời đã nhận được sự đánh giá cao của bạn đọc gần xa và được in nối bản. Trong tập thơ thứ 5 này, chân dung của người đàn bà làm thơ ấy hiện lên với một thế giới nội tâm phong phú của những cảm xúc dịu dàng tinh tế và những suy tưởng đằm sâu, ăm ắp những nỗi niềm.

 Vẫn tiếp nối mạch cảm xúc trong trẻo đầy khát vọng vươn tới cái đẹp, Đêm hoa vàng còn là giọng thơ tự sự thẳm sâu những suy tư, chiêm nghiệm, ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc của một người đàn bà từng trải. Đêm hoa vàng gồm 43 bài thơ, chia làm hai phần: Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội (16 bài) và Niệm (27 bài). Tên tập thơ lấy từ một bài thơ trong phần Niệm. Đêm hoa vàng như hàm ý về đời người trôi qua tựa giấc mộng hoàng lương, như thực mà như ảo. Chỉ còn lại những hoài niệm và nuối tiếc về những ngày đã qua, về “người vì ai mà rực rỡ đến hoang tàn/Hay ta vì yêu người mà buộc vào gánh nặng” (Đêm hoa vàng). Tập thơ là những cung bậc đầy cảm xúc và những chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình yêu của một người đàn bà đã trải qua bao thăng trầm, đã yêu thương, đã dại khờ nhưng vẫn luôn hy vọng.  

Phần đầu gồm 16 bài thơ trữ tình với lời đề từ: Thuyền đã mất dấu buồn, sông đã vội. Nồng nhiệt, đắm say, giàu liên tưởng với những ngẫm suy không dứt, 16 bài thơ là những quán chiếu về tình yêu, về thời gian trong nỗi hoài nhớ về những ngày đã qua, về tuổi trẻ một đi không trở lại: “Thời gian trôi để già/hay thời gian luôn trẻ/ tình gần hay tình xa/hay tình là mãi mãi… Tình yêu như ngàn hoa/một sớm mai kỳ diệu/tình yêu như phép màu/một xuân nào hiển hiện” (Thư). Dẫu vậy, thanh xuân vẫn luôn rực rỡ trong ký ức: “Chiều nay mưa mờ vết dấu tháng Năm/ từ đáy hồn tôi vết sẹo buồn câm lặng/ chợt cất lời dịu dàng như tiếng gọi/ về tuổi trẻ nào đã khuất chân mây” (Khoảng trời màu tím).

Thơ tình của Bình Nguyên Trang luôn say đắm, chân thành đến tận cùng cảm xúc. Người đàn bà si mê, dại khờ trong thơ vẫn luôn thổn thức về một tình yêu trong quá vãng: “Và tháng Tám mùa Thu buồn bã/cỏ mọc hoang tận cuối chân trời/mưa nhắn gửi một lời sám hối/về tình yêu đã khuất trong đời”. Có lẽ bởi vậy mà người đàn bà ấy luôn phảng phất nỗi buồn: “Em mang về mỗi ngày một nỗi buồn/như cái cây mọc lên trên tháng năm cằn cỗi/ngôi nhà của chúng ta ở phía chân trời/mùa nối mùa gió thổi… Ôi tình yêu/người ở đâu sau lửa ấm tro tàn/ta đã đến giữa đời nhau, đã buồn hai nửa/không thể nào khớp lại thành vui” (Tìm). 

Nhưng vượt lên nỗi buồn, người đàn bà dường như đã ngộ ra được những hư ảo của kiếp người, của vạn vật: “Đã khác xưa, là tôi của bây giờ/cả thương tích cũng nở hoa, vì tôi biết/rằng hư ảo, mất còn và sự thật/cũng chập chờn như cánh bướm đêm thu”. Đã từng trải đủ để thấm thía mọi được mất trong đời, để rồi chấp nhận và vượt qua nó, thơ Bình Nguyên Trang đã vươn đến một tầm tư tưởng mới, của niềm an lạc trong tâm: “Dù tôi hiểu tình yêu rồi sẽ mất/trách làm sao lá kia từ biệt/như tháng Tám êm đềm, như giông bão/như cuộc đời, như cỏ, như phù du”. Nhưng dù vậy, ẩn sâu trong tim: “Sao trong tôi vẫn rực rỡ, ngục tù/âm vọng của lời yêu đã cũ/tôi đã sống đời mình như cơn lũ/trôi đi, còn mắc nợ bến bờ” (Nguyện cầu tháng tám).

Những cảm thức về thời gian luôn trở đi trở lại trong thơ Trang, trong hoài vọng về những ngày đã qua: “Trăng đấy/nhắc rằng đừng tuyệt vọng lòng tôi/người đàn bà tìm mình trong chiếc gương đã mất” (Trăng). Người đàn bà ấy tìm về ký ức: “Những giọt tháng Năm rơi vào khoảng trời màu tím/mùa hạ như cơn lũ tràn qua vùng ký ức thiếu thời/tiếng ai gọi trên con đường vắng/hay tôi về từ dốc nắng xa xôi” (Khoảng trời màu tím). Chạm vào ký ức để thỏa niềm nhớ, nhưng cũng đã tự an vui trong từng sát na: “Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống/ những nợ nần dưới đáy biển sâu/ta đã yêu và ta ly biệt/ta đã thương đau và ta đã chữa lành/ta đã thấy dẫu mù lòa thời cuộc/ấp ôm mình vô tận biển xanh” (Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống).

Bài thơ Có thể một sáng nào ngủ dậy là một đoản khúc đẹp mang đậm dấu ấn riêng của thơ Bình Nguyên Trang với những giai điệu đầy hoài niệm, tiếc nuối: “Có thể một sáng nào ngủ dậy/giấc mơ ngày xưa theo gió quay về/ngoài khung cửa trời xanh màu quá khứ/và tim ta nao nức mùa hè/Nắng chất vấn ta về tuổi trẻ/Những tháng năm lộng lẫy qua rồi/hay vẫn đấy trong phượng hồng rực cháy/môi thanh xuân còn tiếc một chân trời”. Người đàn bà trong thơ Trang dẫu buồn và cô độc nhưng đã chạm đến cảm thức thiền để ngộ ra sâu sắc những vui buồn, được mất trong kiếp nhân sinh: “Ta buồn quá nhưng xin đừng khóc nhé/ve đã than lạc mất giọng rồi/thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội/về xa kia đâu biết lở bồi”.

 Niệm - phần thứ hai của tập thơ trầm lắng chất tự sự với những triết lý nhân sinh và đậm chất thiền: “Nếu có chùa thì chính mỗi chúng ta là ngôi chùa đó/chẳng phải chen chúc cầu tìm đâu xa. Hãy dọn cỏ, hãy làm sạch lối đi, hãy đốt trầm cho ngôi chùa Tâm ta thơm ngát” (Chùa ở đâu).

Bởi đã biết đời là hư ảo, đời là sắc sắc không không, nên người thơ tĩnh tại: “Đầy ắp hay rỗng không/đâu cần chi phải nói/người đã đi qua sống/hay người đang còn đợi/buông mong ngóng đi rồi/VỀ khác gì ĐÃ TỚI” và bình thản: “Vô ngôn hay có lời/đâu còn là dấu hỏi/chiều đi chiều lại tới/đâu bận lòng nắng rơi…” (Chiều).

Và bởi đã thấm nhuần cái nhìn của Phật giáo về tính duyên sinh vô ngã của các pháp thể hiện trên khắp nhân gian, người thơ vẫn cô đơn trong: “Riêng tôi/Không cần ai biết” (Tôi và cây) nhưng tràn ngập tin yêu với đời và với người: “Tôi ơi đừng ngại/giá lạnh cuộc đời/trái tim còn vui/tình còn ấm nóng” (Trong tình riêng tôi).

Người thơ vẫn có những câu thơ nhuốm màu hoài niệm: “Tôi đã gặp lại mình hay là tôi đã/Ra đi từ xưa và trở lại bây giờ/Ngồi giữa hoàng hôn uống chút vàng sót lại/Nhìn vườn ngô trổ bông trắng bời bời” (Đi mãi rồi mùa xuân cũng tới).

Thế nhưng lúc này, chị đã ngộ ra rằng ra đi là để trở về, thế giới mênh mông, đi mãi rồi cuối cùng sẽ trở lại làng mình và trở về bên mẹ: “Trở về mùa xuân gói chút xôn xao/Ngày đã qua xin gửi ngày sắp tới/Tôi ngày xưa hay tôi vừa mới/Thức giấc nhìn tháng giêng nằm mộng cõi đời” (Trở về). Về để lòng mình được “gột tinh tươm gió bụi”: “Vẫn khu vườn ấy mùa xuân nay chồi non về chớm nở/Mái nhà đầy sương bay, khói bếp ủ men nồng/Mẹ của chúng ta mắt mơ màng chờ mong những đứa con đường xa/Trở lại ngôi nhà tuổi thơ gột tinh tươm gió bụi” (Về ).

Hình bóng mẹ luôn hiện hữu trong thơ Bình Nguyên Trang với biết bao yêu thương trìu mến. Mẹ là tuổi thơ đã qua, là quê nhà để trở về “Từ khu vườn của mẹ bước đi/Để biết đời nhỏ hẹp” (Những mùa trăng ta đã quên). Và hơn tất cả, mẹ còn là Phật trong tim: “Hôm nay ngày gì, Ngày Mẹ của tôi/ nhưng trong tim tôi ngày nào cũng mẹ/ tôi mang mẹ đi như một ngọn đèn/ để soi tháng ngày vợi bớt lênh đênh… Xin cảm ơn Người - Phật của riêng tôi/ từ mẹ mà đi con thấu phận người” (Đoản khúc dâng mẹ).

Và bởi đã “thấu phận người” nên lúc này, tâm hồn thi sĩ đã bình thản, an yên trong bản thể, với những câu thơ đạt đến tầm tư tưởng của triết lý nhân sinh: hãy sống hết mình ở phút giây hiện tại để biết trân quý và chấp nhận những gì mình đang có: “Đừng ôm lấy quá khứ/hãy buông/hãy làm rơi/để hiện tại bước đi là mới/là tình yêu tuyệt đối-phút giây này” (Rồi sớm mai). Có thể coi đây cũng chính là triết lý nghệ thuật trong sáng tác của Bình Nguyên Trang. Sống hết mình, yêu chân tình: “Khoảnh khắc này tôi vui/Hoa vô ưu bừng nở/Thương thế một nụ cười/Lạ mà quen trên phố” (Màu thế gian) và luôn mở lòng mình với người, với đời như “chiếc lá giấu tâm tư vào đêm/ Chờ trăng lên và gió” (Những chiếc lá), người thơ đã cảm được cả “Màu thế gian”: “Màu gì trong tiếng gọi/ Vang vang bờ nhân gian”.

 Biến cái vô hình thành cái hữu hình, sự sáng tạo ấy đã giúp Bình Nguyên Trang mở ra một thế giới nghệ thuật độc đáo, vừa gần gũi đồng điệu, vừa suy tưởng đằm sâu. Thơ Bình Nguyên Trang, vì thế luôn có một chỗ đứng riêng trong lòng người hâm mộ. Đặc biệt là với những câu thơ ngũ ngôn cấu tứ chặt chẽ, dồn nén chiêm nghiệm mà tràn đầy tin yêu ở cuộc đời này: “Bao điều người đã hứa/Như lá kia, bay rồi/Bao điều ta không đợi/Vẫn tìm về đó thôi” (Màu thế gian).

Bình Nguyên Trang

Tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang, sinh năm 1977 tại Nam Định; từng công tác tại các báo: Tiền phong, Hoa học trò, Công an nhân dân, hiện làm việc tại Báo Nhân dân.

Các tập thơ đã xuất bản: Lối về (1995), Chỉ em và chiếc bình pha lê biết (2022), Những bông hoa đang thiền (2012), Những người đàn bà trở về (2016), Đêm hoa vàng (2024); các tập truyện: Chuyến tàu thời gian (2000), Mùa đom đóm mở hội (2013); tản văn Hoa gạo cuối trời (2016); tập ký chân dung: Sông của nhiều bờ (2012), Tìm trong cõi người (2012).

Giải Nhất Tác phẩm tuổi xanh Báo Tiền phong (1997); Giải B Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ Những bông hoa đang thiền (2012).

 NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024

;