Việt Lương như cái bản lề, mà bên này là Nghệ thuật, bên kia là kim loại: Nghệ thuật qua Việt Lương mà thành hình hài, Việt Lương nhờ Nghệ thuật mà bày biện được nội tâm mình; sắt thép nhờ Việt Lương mà từ vô tri trở nên có xúc cảm. Bộ ba gắn bó hữu cơ như thế, tính đến nay cũng gần 20 năm.
Vác sắt mở đường
Triển lãm cá nhân Con đường của sắt (2008) đã khép lại giai đoạn cổ điển trữ tình trong hành trình sáng tạo của nghệ sĩ Việt Lương. Không có quãng nghỉ, 2009 Việt Lương bước luôn vào điêu khắc hiện đại, bất chấp những nghi ngại không phải chỉ từ công chúng, mà còn từ cả đồng nghiệp, rằng điêu khắc hiện đại là như nào, nó có khác gì những thứ mà chúng ta đã luôn thấy từ trước tới nay? Nếu nó hay thì vì sao chưa nghệ sĩ Việt Nam nào làm? Việt Lương bảo, cứ xem mình là một đầu bếp được đào tạo bài bản đi, khi hành nghề, mình tạo ra một món mới được gia giảm kỹ lưỡng, mình thấy ngon, thấy hài lòng nhưng chưa chắc sẽ vừa miệng tất cả thực khách. Như thế là bình thường. Cái mình cần là kiên định, đã lựa chọn thì phải có niềm tin vào lựa chọn đó. Cũng là tin vào chính mình. Trước một cái mới người ta thường e dè, thậm chí hoài nghi, nhưng trong hàng nghìn người, giả dụ là vì tò mò mà đến xem, mà chỉ có một người quan tâm, thích thú thôi thì cũng là đủ rồi. Mình cứ làm thôi, rồi một lúc nào đó, với thực tế thời đại ngày nay, tất cả sẽ chạm được vào nhau. Mà chưa biết chừng, những cái tôi hoàn thiện ở thời gian này lại sẽ thành bình thường vào một lúc nào đó. Thế nên, hãy cứ làm việc không ngừng.
Nhưng điêu khắc hiện đại là như nào? Là tối giản, tất nhiên. Tối giản hóa các chi tiết. Việt tự nhận xét các tác phẩm của mình chưa hẳn là tối giản, đơn giản thì đúng hơn, nhưng đang có xu hướng trở nên tối giản triệt để. Sự chuyển biến này là cả một quá trình, thể hiện mạch lạc qua các thời kỳ sáng tác của Việt Lương, từ thể nghiệm với tạo hình mảnh (trong triển lãm Con đường của sắt năm 2008), tới các khối đặc (trong các triển lãm Cửa (2010), Cửa hẹp (2012), Mở (2015), và bây giờ là với khối rỗng, trong bộ tác phẩm anh đang hoàn thiện, dự kiến sẽ ra mắt trong năm sau, 2025.
Tác phẩm Chuyển động. Chất liệu sắt. 1,2m x 1,5m x 0,5m. Năm 2022
Ðiêu khắc, Việt Lương chia sẻ, về cơ bản chỉ là sự kết hợp giữa các khối tròn với các khối vuông, sự kết hợp ấy sẽ cho ra nhiều hình khối khác, lồi lõm, kể cả thủng thì vẫn là khối; một đường thẳng cũng có thể là một khối vuông, một bờ cong cũng gợi đến một khối tròn. Những đường nét mảng khối ấy chính là cái tĩnh và cái động trong tự nhiên, và việc của nghệ sĩ điêu khắc là sắp xếp những cái tĩnh động tròn vuông ấy thành một tổng thể mang dấu ấn cá nhân mình, thể hiện được toàn vẹn ý đồ của mình. Nhưng để tiến tới điêu khắc hiện đại, Việt Lương nói, tức là tới tối giản, thì trước tiên, các sáng tác của mình phải “sạch nước cản” cái đã, sau đó dần tiết chế lại, loại bỏ đi những rườm rà ồn ào. Phần lớn nghệ sĩ tạo hình ở mình có cái dở là cứ sợ khán giả không hiểu, nên cứ thêm thắt quá nhiều chi tiết, rồi thuyết minh rằng chi tiết này rất đắt, vậy như thế nào là rẻ? Việc cố gắng làm cho tác phẩm dễ hiểu hơn khiến các tác phẩm ấy cứ ở lưng chừng, không tới cả về ý tưởng lẫn tạo hình. Chưa kể, với mỗi tác phẩm, hãy cứ để khán giả tự cảm, tác giả đừng nên thuyết minh, bởi vì, sự định hướng, theo bất kỳ hình thức nào, cũng triệt tiêu hết mọi tư duy. Và như thế, chẳng còn gì thú vị.
Cảm xúc của sắt
Chất liệu là phương tiện để nghệ sĩ chuyển tải các ý đồ, thông điệp nghệ thuật của mình. Từng thử qua nhiều chất liệu, nhưng cuối cùng Việt Lương quyết định dừng lại ở sắt (và kim loại nói chung), lí do đầu tiên vì sắt là nguyên liệu dễ mua, dễ vận chuyển, dễ lưu trữ, trong khi những chất liệu khác thì đòi hỏi nhiều công sức, công đoạn hơn, ví dụ như đá thì phải tới tận mỏ đá, đồng thì phải tạo mẫu rồi mang đi xưởng đúc nên bản thân nghệ sĩ không thể tự quán xuyến, thao tác trong toàn bộ quá trình; tiếp đến là cái “biểu cảm” của sắt (hiệu ứng thị giác đến từ bề mặt, khối lượng, sự chuyển biến sau quá trình ô-xi hóa.) Với sắt, Việt Lương kiểm soát được sắt, sắt thỏa mãn được ý tưởng của Việt Lương, nhất là với hướng tạo hình hiện đại mà anh đang theo đuổi.
Tác phẩm Hội tụ: Gồm 12 cột, kích thước 2m x 4m Chất liệu sắt, gỗ. Triển lãm năm 2015 tại Dolphin Plaza, Mỹ Đình
Nhưng bắt đầu với sắt không hề đơn giản, vì để kết nối các mảnh với nhau thì phải dùng tới kĩ thuật hàn. Việt Lương tự mày mò học cách hàn. Tự học rất lãi, anh bảo, vì sau mỗi lần thực hành sẽ rút ra được những kiến thức cốt tử, như là về độ biến dạng của sắt do phản ứng sinh nhiệt khi hàn, từ đó tính ra sai số cần thiết khi đo đạc kích thước các tấm sắt; biết cách điều chỉnh máy sao cho nhiệt tản đều; rồi nếu hàn các tấm riêng rẽ thành khối thì phải chọn loại sắt có độ dày ra sao; rồi nhận biết được ưu và nhược điểm của kĩ thuật hàn que với hàn “Mig” (tên một loại máy hàn), để kết hợp linh hoạt, sao cho vừa đáp ứng được mặt thẩm mỹ, vừa đảm bảo độ bền của các mối hàn.
Tác phẩm kể chuyện
Phần lớn các tác phẩm của Việt Lương đều “khủng”, cả về kích thước lẫn trọng lượng. Nhưng cái sự “khủng” ấy không phải là một kiểu chơi trội, chơi ngông, mà chỉ ở kích thước ấy chúng mới đủ khả năng biểu đạt trọn vẹn ý tưởng của anh. Thêm nữa, cũng là xuất phát từ thực tế khi mà các tác phẩm điêu khắc lớn ở Việt Nam thường không có mấy nghệ sĩ thực hiện, bởi việc ấy không chỉ tốn kém nguyên vật liệu, thời gian công sức, mà cái chính là không có chỗ để bày, do tính ứng dụng không cao, trừ mảng tượng đài. Nhưng dẫu vậy, Việt Lương nói: Tôi vẫn phải làm, bởi cái ý muốn thỏa mãn những ý tưởng của mình, muốn tiêu tốn hết bản thân mình vào điêu khắc, muốn phá vỡ đi những định kiến cũ kỹ rằng, điêu khắc chỉ giới hạn ở những bục bệ trên cao, chỉ để nhìn ngắm từ xa. Bằng chứng cho sự phá vỡ định kiến ấy là các tác phẩm của anh không có chân đế, chỉ cứ thế như bàn chân trần đặt thẳng trên mặt đất. Chúng, những tác phẩm ấy, dù lớn dù nhỏ phải áp đảo được người xem, ép người ta phải tương tác với chúng, như sờ chạm, đi qua, ngồi lên; cổ vũ người ta tiếp cận chúng ở mọi góc nhìn, để từ đó có những cảm nhận cho riêng mình. Ví dụ như bộ tác phẩm Thiên nhiên chẳng hạn, đó là một quần thể các khối vuông có những kẽ nứt mở rộng ở một góc, từ khe nứt vểnh ra những mảnh kim loại, có người bảo nó tiềm ẩn nguy hiểm cho người xem, thế nhưng đó mới chính là ý đồ của tôi, tôi muốn người ta phải thật chú tâm khi xem chúng. Giống như chúng ta quan sát/ tận hưởng những biến chuyển không ngừng của thiên nhiên vậy.
Tác phẩm Thiên nhiên: Gồm 6 khối, tạo thành tổng thể 4mx4mx3m (dài x rộng x cao). Chất liệu: thép cotel và đồng. Triển lãm tại Tách Cafe, 20 Hai Bà Trưng, Hà Nội, tháng 4 /2024
Các thời kỳ sáng tác của Việt Lương, dù ngắt ra mạch lạc thì vẫn chung mạch chảy ngầm nhất quán của tư duy, tác phẩm trước là cái nền, cái cơ sở cho những tác phẩm sau; tác phẩm sau là sự tiếp nối phát triển từ câu chuyện trước nó, tức là khán giả sẽ nhìn ra sự khác, nhưng sự khác ấy là sự chuyển đổi dễ chịu chứ không phải những khúc cua đột ngột gây hoang mang, bối rối khi mà các tác phẩm bày ra không có sự kết nối với nhau. Như ở giai đoạn tạo hình khối đặc chẳng hạn, việc chuyển từ dòng khe/lỗ sang dòng mảnh ghép là sự chuyển tiếp ý tưởng từ các giá trị phổ quát, mang đậm suy tư nhân sinh sang những trăn trở mang tính cá nhân. Ở dòng khe/ lỗ, anh lấy ý tưởng từ những boong-ke, lô cốt_di chứng còn lại của hai cuộc chiến tranh vẫn còn trên khắp đất nước, men theo những máng trượt, mảng chéo trên các boong-ke lô cốt ấy, đắp vào các khối hiện đại để thể hiện cái nhìn về sinh-tử. Những sinh-tử ấy mở rộng ra thành những cái cửa: cửa mình, cửa ra vào, cửa đời sống, cửa huyệt (xem tác phẩm Cửa, Ðiểm đến, Bình đẳng). Tới dòng mảnh ghép, tạo hình đã cô đọng hơn một bước nữa, thông điệp được gửi gắm cũng gần gũi hơn, con người hơn, tình cảm hơn. Những mảnh ghép chỉ ra rằng, trong cuộc sống ai cũng cần tương tác, một mình anh có thể không làm được, một mình anh có thể là không đủ, anh cần các mảnh ghép, để hoàn thiện mình; những phần khuyết còn lại cho thấy con người luôn thường chờ đợi một điều gì đấy, như chỗ khuyết chờ được lấp đầy, sự lấp đầy có nhiều khía cạnh, có thể là giữa con người với con người, hoặc giữa con người và kiến thức (xem tác phẩm Chuyển động, Mảnh ghép, Hội tụ).
Sáng tác của Việt Lương đã đạt tới sự kiệm lời ở mức tối đa, đặc biệt ở những tác phẩm Ngã ba, Cửa hẹp, Bình đẳng, Hội tụ. Sừng sững như những cột mốc, chắc nịch như những tuyên ngôn, chân lý. Không còn những rườm rà ồn ào, chỉ còn lại những ba-via cảm xúc nằm ở sắc màu của sắt, và cái bình thản an tĩnh ở dáng hình. Cái an tĩnh, bình thản của một người có niềm tin như nhất vào con đường mình chọn lựa.
Tác phẩm Bình Đẳng: Gồm 7 tấm, kích thước 3m x 0,7m x 2m Chất liệu sắt hàn, sơn Triển lãm năm 2015, tại Dolphin Plaza, Mỹ Đình.
Hỏi Việt Lương, anh đã có tác phẩm tâm đắc nhất của mình chưa, Việt Lương bảo: Tác phẩm nào của mình tôi cũng thích, nhưng tâm đắc nhất thì chưa. Vì nếu có rồi thì coi như mình đã cạn, không thấy hứng thú gì nữa, không còn có thể sáng tạo được nữa. Sự thỏa mãn như một thứ á phiện, nó ru ngủ mình, nó làm mình mê muội đi, thế nên hãy để nó dừng lại tại một khoảnh khắc nào đó thôi. Ðể mà đi tiếp. Vì sáng tạo là con đường không có điểm cuối.
Về nghệ sĩ Việt Lương:
Tên thật là Lương Văn Việt, sinh năm 1977 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam. Anh đã có một số triển lãm cá nhân như: Con đường của sắt (2008), Cửa (2010), Cửa hẹp (2012), Mở (2015), và tham gia các triển lãm nhóm trong nước và quốc tế khác.
Việt Lương được xem là nghệ sĩ tiên phong trong điêu khắc hiện đại tại Việt Nam, hiện anh sống và làm việc như một nghệ sĩ tự do tại Hà Nội.
QUÝ PHẠM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024