Khuất Bình Nguyên trở lại với văn chương cũng chính là trở lại với bản thân mình. Tình yêu văn chương, năng lượng sáng tạo vốn dĩ là một phẩm chất nguyên thủy trong ông, nhưng để có thể đi trên con đường ấy, ông đã phải qua một con đường vòng đúng ba mươi năm. Và cuộc trở lại với văn chương này chính là cách để ông ghi khắc tâm hồn mình, những suy tư sâu thẳm của chính mình trên từng con chữ.
Khuất Bình Nguyên tốt nghiệp khóa 13 khoa Ngữ Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng sau đó lại chuyển sang học luật, trở thành Tiến sĩ luật, công tác suốt hơn 30 năm và trở thành một chuyên gia, một lãnh đạo cao cấp trong ngành tư pháp. Đến năm 2007, giữa một đêm khuya trong chuyến công tác ở Sydney, nghe tiếng sột soạt của gió biển thổi từ cầu cảng vào thành phố và ông đã viết bài Ngọn gió di dân đánh dấu sự trở lại với văn chương sau một thời gian dài dường như quên lãng vì khối công việc chồng chất mỗi ngày.
Khuất Bình Nguyên sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học ở làng Gia Hòa, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, thuộc Sơn Tây xưa (nay là Hà Nội), một làng cổ từ thời Hùng Vương với nhiều trầm tích văn hóa. Ông đọc nhiều, mê đắm văn chương từ thuở nhỏ và say mê tìm hiểu nhiều trường trường phái triết học, tôn giáo Đông Tây. Chính những điều đó tạo nên một vốn văn hóa dày dặn, một năng lượng sáng tạo dồi dào.
Trong gần hai mươi năm trở lại với văn đàn, Khuất Bình Nguyên đã lặng lẽ nghiền ngẫm, suy tư và đào luyện mình. Ông đã tiến những bước dài trên hành trình sáng tạo thơ ca: từ đơn sơ đến phong phú và điêu luyện, liên tục mở rộng biên độ của cảm xúc và suy tưởng, cổ điển hòa quyện với hiện đại.
Thơ Khuất Bình nguyên là tiếng lòng tha thiết, là sự giãi bày những tình cảm nồng hậu với con người, với quê hương xứ sở. Ông yêu cả những cái đã mất đi trong thời gian không thể nào phục dựng lại:
“Cổng làng xây lại như xưa cũ
Chỉ vắng cành đa thuở thiếu thời
Đợi mẹ nơi này bao phiên chợ
Mẹ vẫn chưa về, lá chẳng rơi.”
(Nơi thời gian trở về)
Sự hoài niệm làm nên vẻ đẹp riêng, da diết, lắng sâu trong thơ Khuất Bình Nguyên. Hoài niệm về phần đời dĩ vãng, về người thân yêu, về những gì đã mất đi trong thăng biến của thời gian. Đối với Khuất Bình Nguyên, mỗi lần làm thơ là một lần hồi cố, là một lần đánh thức dậy những ký ức thẳm sâu, những nỗi niềm khuất lấp. Sự hoài niệm trong thơ ông, cùng với thời gian, càng sâu xa, càng mở rộng biên độ. Dần dần, không chỉ là sự hoài niệm về chính mình mà là sự hoài niệm về về kiếp người, về quê hương xứ sở, về lịch sử:
“Chu Đậu không còn làng gốm xưa
Trăm năm binh lửa nắng rồi mưa
Người quê ly tán còn đâu nữa
Người về dệt chiếu, chiếu dày thưa?”
(Làng cũ)
“Biển đi xa rồi chỉ còn gió ào trên ngọn cây ngỡ như tiếng sóng
Người xưa đi xa rồi chỉ còn võ sò sau những bữa ăn
Thời gian đi xa rồi để lại sau lưng hàng vạn mùa thu
Hơi ấm nắng vàng ngoài cửa động giữa lưng chừng núi
Chạm tay vào nghìn năm cây chò thiên cổ
Chiếc rìu đá người xưa nhờ giữ hộ
Nghe thời gian xào xạc giữa rừng.”
(Nơi hẹn nhau của mùa thu)
Hồi cố và ngẫm suy. Khuất Bình Nguyên gợi lại một ký ức, một hình tượng cổ xưa là để góp phần chắp nối cái nguồn mạch truyền thống vốn dĩ bị thời gian làm cho lìa đứt. Những câu thơ buồn đến hoang hoải của ông như một nguồn năng lượng gợi lên tình yêu về những vẻ đẹp xưa đã lặn vào hư ảo.
Những dòng thơ sâu lắng nhất, gợi lên nhiều rung cảm nhất của Khuất Bình Nguyên chính là những vần thơ về mẹ:
“Nhớ những buổi chiều mẹ tôi khóc thầm trong mưa
Những trận mưa ngâu dài, những mùa thu dài lắm
Dài hết cả đời người.”
(Thư gửi một nhà thơ)
“Lá đa rơi kín mùa hè ngày mẹ ra đi
Trăng xứ Đoài xa hơn cả thời xưa.”
…
“Lá đa vun mùa hè nhỏ lại
Vốc nắm đất quê hương bỏ vào túi áo”
…
“Đội mưa bốn mùa
Áo tơi nón lá
Đâu rồi người của ngày xưa.”
(Xa hơn cả thời xưa)
Ở đây, hoài niệm gắn liền với cảm thức về thân phận và khát vọng nhân văn. Hoài niệm thực ra là một phương cách nghệ thuật gợi mở những suy ngẫm về cuộc đời, tình yêu và cái đẹp.
Thơ Khuất Bình Nguyên thường đặt sự suy cảm về con người và sự vật trong cái mênh mông vô tận của không gian và thời gian. Đối diện với không gian vô bờ bến để thấy cái nhỏ bé, cô đơn và đối diện với cái giằng giặc của thời gian để thấy kiếp người ngắn ngủi. Đó là một đặc điểm nghệ thuật mang dấu ấn tư tưởng của nhà thơ. Chính ông đã từng tâm sự: “Không gian và thời gian vốn thật siêu hình. Thi ca như những hạt nhỏ trong chiếc đồng hồ cát cố gắng chạm vào cõi siêu hình ấy để tìm ra định lượng. Để con người trong những giới hạn của nó được yêu mến tận cùng vị ngọt đắng của mênh mông.”
Một ấn tượng khác về thơ Khất Bình Nguyên là việc ông đã đề cập nhiều đến thân phận “tha hương” của con người. Có thể nói, trong tiến trình lịch sử vấn đề di dân trở thành một hiện tượng xuyên suốt. Di dân tạo nên sự phân bố lại cư dân trên toàn cầu và phát triển nền văn minh nhân loại. Nhưng quá trình ấy cũng để lại bao đau thương, mất mát. Và đó chính là nơi mà thơ cất lên tiếng nói. Khuất Bình Nguyên đã khai thác đề tài này một cách tinh tế và biểu lộ những trăn trở, những niềm day dứt của mình trong những câu thơ đầy dư âm và những hình ảnh như khắc tạc vào trong tâm trí người đọc.
Khuất Bình Nguyên tự nhân mình là một kẻ tha phương với biết bao xê dịch trên mọi nẻo đường đời. Từ đó, ông nghĩ về những người tha hương với niềm đồng điệu:
“Tôi đi lang thang trên mặt đất
Nhiều đêm dừng lại
Những thành phố cảng bên đường
Sài Gòn, Sydney, Habana, New York…
Những đêm tôi thức giấc giữa khuya
Nghe gió đi vào từng dãy phố
Những ngọn gió của người di dân
Từ biển đi vào mặt đất…
Đánh thức đất dậy bằng mùa cây trồng
Đánh thức cỏ dậy bằng những đàn bò, đàn trâu
Đánh thức cửa biển bằng con đường, bến cảng
Ở đâu cũng những mái nhà…”
(Ngọn gió di dân)
Trong thế kỷ hai mốt này, vấn đề di dân trở thành một vấn đề lớn trong đời sống hiện đại. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã giải phóng một lượng lớn cư dân ra khỏi đất đai. Quá trình toàn cầu hóa đã tạo nên những sự du nhập văn hóa và phân bố lại dân cư trên các quốc gia, các châu lục. Trong thực tế đó, thân phận của những con người tha hương đang trở thành một vấn đề nhức nhối. Khuất Bình Nguyên là một trong số không nhiều thi sĩ đã chú ý đến cuộc đời của họ và ghi khắc lại bằng những vần thơ rớm lệ:
“Không có dòng sông nào dài hơn dòng người di cư
Họ đi rất lâu rồi trong bóng đêm lịch sử
Không có ngọn gió nào âm thầm lặng lẽ
Như ngọn gió của người di cư.
(…)
“Người chết chìm dưới đáy sâu biển cả
Người chết ngạt trong thùng xe vận tải”
“Nắng thiêu đốt trẻ em vô tội
Trốn chạy chiến tranh, trốn chạy đói nghèo
Mong được kiếp làm thuê nơi xứ lạ
Người nhà quê khắp nơi trên mặt đất
Kéo nhau vào thành phố nhặt ve chai
Nhặt những tháng năm cằn cỗi cuộc đời,
Người sẵn lòng bỏ nghề dạy chữ
Đi làm phu khuân vác xứ người...”
(Di cư)
Giờ đây, không ít nhà thơ nói rất nhiều về chính mình nhưng lại ít đề cập đến những mảnh đời bất hạnh. Những vần thơ này của Khuất Bình Nguyên cho thấy ông là người ưu thời mẫn thế.
Nhà thơ sẽ đánh mất người đọc nếu trong trang viết của mình không còn rung cảm trước những đau đớn của kiếp người, trước những bất công đang dồn đẩy chà đạp con người. Lịch sử cần tiếng nói của nhà thơ trước những bi kịch truyền đời đang đổ bóng đen lên biết bao số phận. Cái cốt tủy của thơ ca chân chính muôn đời là tình yêu thương đồng loại. Đó cũng chính là điều làm cho thơ luôn tồn tại, luôn đồng hành với con người trong thời gian. Khuất Bình Nguyên hiểu điều đó và ngòi bút của ông đang cố gắng làm tròn sứ mệnh của mình.
Thiên hướng chính của Khuất Bình Nguyên là hướng đến vẻ đẹp cổ điển. Ông tìm cách tạo nên một hệ thống thi ảnh có sức ám ảnh. Đặc biệt, ông chú ý đến việc sử dụng sắc màu để ghi lại hồn cốt của cảnh:
“Non nước xứ Đoài gần mà xa biết mấy
Sông đáy buông lơi trời đất ngả mây vàng”
(Tam thế xứ Đoài)
“Rừng buông một chiếc hư không
Bâng khuâng thu chợt mênh mông lá vàng”
(Lá thu)
“Lang thang trăng vàng thu ngoài bãi
Nửa vàng trăng gác mái xóm thuyền chài”
(Con sóng xa nhà)
Chỉ là một sắc “vàng” nhưng được thi sĩ sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau, tạo nên những bức tranh thơ tuyệt đẹp, đầy ấn tượng hàm chứa biết bao suy tư và cảm xúc.
Trong nhiều trường hợp, thơ Khuất Bình Nguyên đạt đến độ điêu luyện về ngôn từ, tạo được ấn tượng độc đáo. Ông chú trọng đến kỹ thuật sử dụng từ ngữ, đến việc tạo âm hưởng, nhạc điệu. Ông sử dụng nhiều thanh bằng làm cho câu thơ êm dịu, gợi những cảm xúc mênh mang, sâu lắng.
Khuất Bình Nguyên có lần nhấn mạnh: thơ không phải để biểu lộ trí khôn của con người. Ông cho rằng làm thơ là trở lại với bản thể của chính mình. Con người, thường được nhận diện qua các mối quan hệ xã hội, nhưng có một nơi sâu kín nhất, ấy là tâm hồn, là tiềm thức của nhà thơ thì chỉ có thể biểu hiện trong mỗi vần thơ. Thơ Khuất Bình Nguyên như một tấm gương soi chiếu tâm hồn nhiều đa đoan, giàu rung cảm của ông. Đấy là chiều kích thăm thẳm của suy tư, của cô đơn và khát vọng:
“Không phải vàng qua cửa trần gian
Nghìn câu thơ có một câu được nhớ
Triệu lá rừng rơi chỉ một chiếc rơi vào giấc ngủ
Mới hay rừng cô đơn lâu quá ở thượng ngàn.”
(Lá gửi trần gian)
“Văn chương kiêu bạc
Mặt mày nhàu nát
Đau đớn chúng sinh
Chiều vun nắng lại
Loang lổ một mình.”
(…)
“Đời biết có dài không
Hoa xoan rơi xuống đất còn chưa nở.”
(Mùa xuân có biết không)
Những câu thơ như lệ ứa. Trong bao nhiêu thương nhớ, cảm thương dành cho cuộc đời, có một nỗi chạnh lòng cho kiếp văn nhân. Cái đẹp trên thế gian này thường mong manh, nhiều khi bị vùi lấp, bị chà đạp trong cuộc đời đầy nghịch lý, đầy tăm tối và bạo ngược.
Trên thi đàn, Khuất Bình Nguyên như một bông hoa nở muộn. Lặng lẽ, sâu trầm và giàu nội lực. Ông đã kiên trì vượt qua những hạn chế của chính mình thời kỳ đầu để vươn lên thành một nhà thơ đích thực, dùng thơ để chạm trỗ những ưu tư của đời mình trong nét bút tài hoa. Trong 15 năm, từ năm 2009 đến nay, Khuất Bình Nguyên đã in 11 cuốn sách, trong đó có 6 tập thơ: Người lữ hành thời gian, Nơi thời gian trở về, Cành tục ngữ hóa đá, Bỏ quên trong rừng thu, Hoa Hoàng Đàn nở muộn, người tha hương. Cùng với thời gian, Khuất Bình Nguyên đã làm cho thế giới nghệ thuật trong thơ ông với những vỉa quặng đa tầng thêm phong phú và lấp lánh vẻ đẹp riêng.
Khuất Bình Nguyên cũng giành được thành công với tư cách là một nhà phê bình, thẩm luận văn chương qua các tập: Giọt nước trong lá sen, Giấu vàng trong gió thu, Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca. Qua các tập phê bình này cho thấy Khuất Bình Nguyên có phổ đọc rộng, suy ngẫm sâu sắc và xác lập một lối viết phê bình độc đáo với ngôn ngữ trau chuốt, sự tích hợp nhiều phương pháp thể hiện, có sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa tự sự và chính luận tạo nên một giọng điệu riêng, sinh động.
Tháng 7-2024
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024