Nhà văn Băng Sơn: “Chữ xưa còn một chút này”

Nhà văn Băng Sơn viết nhiều về Hà Nội bằng thể loại tùy bút, đoản văn với một tình yêu sâu đậm. Những trang viết của ông thấm đẫm chất thơ và tình yêu Hà Nội, với những kiến thức đầy lý thú về mảnh đất kinh kỳ. 14 năm kể từ khi ông mất, văn chương của ông một lần nữa trở lại với bạn đọc qua tác phẩm Ngàn mùa hoa (NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành tháng 6/2024).

Nhà văn Băng Sơn - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đoản văn và tùy bút của một người yêu Hà Nội

Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh ngày 18/12/1932 và lớn lên ở Cẩm Giàng (Hải Dương), quê cha ở Bình Lục (Hà Nam), quê mẹ ở làng Sét, Thanh Trì (Hà Nội) nhưng lại khởi nghiệp văn chương ở đất Hà thành. Băng Sơn làm thơ và viết văn từ năm 1949. Đến năm 1975, ông chuyển sang viết văn xuôi và làm nên tên tuổi bằng những đoản văn và tùy bút về Hà Nội.  

Giới viết văn từng thừa nhận, Băng Sơn là một nhà văn trong nhóm “ngũ hổ” có sức viết dẻo dai, bền bỉ nhất của Hà Nội. Đó là các nhà văn, nhà thơ Lê Bầu, Phong Thu, Tạ Hữu Yên, Lữ Giang và Băng Sơn. Nay thì cả 5 người trong nhóm “ngũ hổ” đều đã rời cõi tạm, nhưng những tác phẩm của họ vẫn còn mãi với hậu thế. 

Bìa tác phẩm Hà Nội rong ruổi quẩn quanh của nhà văn Băng Sơn

Viết nhiều, viết hay về Hà Nội bằng thể loại tùy bút, đoản văn, có lẽ ít người có thể sánh được với nhà văn Băng Sơn. Ông từng bật mí, một năm có 365 ngày thì ông viết khoảng chừng 300 bài, mà hầu hết là được in trên báo chí. Những trang viết của ông thấm đẫm chất thơ và tình yêu Hà Nội, với những kiến thức đầy lý thú về mảnh đất kinh kỳ. Với Hà Nội, Băng Sơn dường như có một mối duyên nợ. Mảnh đất này không chỉ chứng kiến mối tình thời son trẻ của ông với một thiếu nữ Hà thành mà ông đã gắn bó cả cuộc đời với Hà Nội. Ông hiểu rõ Hà Nội đến chừng có thể nói chính xác về những gốc cây me, cây muồng, cây gạo ở Bờ Hồ thay đổi ra sao mỗi ngày. Yêu Hà Nội theo cách riêng của mình, bước chân ông đã đặt lên hầu khắp các  phố phường Hà Nội. Một “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” (tên một tác phẩm của ông) hiện lên trong văn chương của ông thật tinh tế mà giàu cảm xúc. Đọc tùy bút, đoản văn của Băng Sơn sẽ thấy một Hà Nội nhiều nét hào hoa. Mỗi góc phố, mỗi con đường, gốc cây, mỗi tính cách con người ta gặp, mỗi tà áo dài qua phố... đều nhắc nhớ về nét hào hoa thanh lịch, về vẻ đẹp nghìn năm tiềm ẩn trong muôn mặt đời thường.

Không chỉ kể đủ thứ chuyện về Hà Nội. Băng Sơn còn viết nhiều cuốn sách về ẩm thực, về thú ăn chơi tao nhã của người dân đất kinh kỳ. Tùy bút Băng Sơn luôn giàu chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng như một giai điệu trữ tình sâu lắng. Hàng loạt các tác phẩm viết về Hà Nội của ông đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc như: Thú ăn chơi người Hà Nội (4 tập), Đường vào Hà Nội, Dòng sông Hà Nội, Phập phồng Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường... Đặc biệt, 4 tập Thú ăn chơi người Hà Nội được biên khảo rất công phu, phác họa văn hóa ẩm thực Hà thành với những đặc trưng riêng có của sự cầu kỳ, tinh tế và thanh lịch. Kể về những điều tưởng như rất đỗi giản đơn trong sinh hoạt đời thường nhưng lại đại diện cho phong cách của con người một thời, những cái thú ấy đã được nhà văn nâng lên thành một nghệ thuật, thành giá trị sống và trở thành những kí ức khó quên trong lòng mỗi người Hà Nội.   

Tác phẩm Thú ăn chơi người Hà Nội

Thú ăn chơi người Hà Nội bắt đầu từ những tản mạn về ăn, về uống. Nói đến Hà Nội thì phải nói đến chuyện ăn uống bởi người Tràng An có một gu ẩm thực rất riêng, đạm bạc giản đơn nhưng tinh tế, chi tiết. Nhà văn Băng Sơn kể tỉ mỉ từ bữa ăn thường ngày cho đến cách người Hà Nội ăn quà, từ những món ăn bình dị cho đến những món đặc sản. Từ gia vị cho đến bát nước chấm dành cho món luộc, cách ăn cơm nắm hay thưởng thức những món bún, bánh đúc, bánh dày bánh giò, xôi lúa, ngẩu pín và tái sách, nộm thịt bò khô, cốm Vòng, bánh tôm cho đến những món quà đã trở thành ký ức của một thời như phá xang, bánh cuốn bà Hai Tầu… Nếu phần đầu tập tùy bút, nhà văn tập trung vào văn hóa ẩm thực thì phần 2 lại là tản mạn về những nét đẹp bình dị trong tâm hồn người Hà Nội, đó là thú chơi, xem hát, ca nhạc ở nhà, thú sưu tập, chơi lá, đặc biệt là những câu chuyện liên quan đến Tết… Hẳn phải có một tình yêu tha thiết với Hà Nội lắm mới có thể nhìn ra cái đẹp trong từng chi tiết như vậy. Nhà báo, nhà văn Nguyễn Trọng Tiến từng chỉ ra chất riêng trong văn Băng Sơn rằng, văn của ông đã có sự tiếp nối từ những cây bút tài hoa Vũ Bằng, Thạch Lam nhưng lại có lối viết nhẹ nhàng, chân thành tái hiện sự vật một cách chân thực chứ không nhiều hư cấu dù người viết tùy bút hoàn toàn được làm vậy. Bởi vậy, tác phẩm của ông luôn gần gũi, giản dị, dễ gần, dễ cảm.

 “Chữ xưa còn một chút này”

Nhà văn Băng Sơn rời cõi tạm vào ngày 3/9/2010, 14 năm sau ngày ông mất, Nxb Phụ nữ Việt Nam vừa giới thiệu đến bạn đọc cuốn Ngàn mùa hoa của ông với mong muốn “giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn mỗi khi muốn bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình, đặc biệt mong trẻ không ngại ngần, chau mày ủ dột mỗi khi làm bài tập làm văn”.

Phiên bản màu, khổ lớn sẽ mang đến những hình ảnh nông thôn Việt Nam xưa với gam màu rực rỡ, tươi sáng đẹp mắt

Với kiến văn sâu sắc, ngôn ngữ trau chuốt mà giản dị, tác phẩm Ngàn mùa hoa của cố nhà văn Băng Sơn không chỉ mang đến cho độc giả những cảm nhận về nét đẹp của thiên nhiên mà cả vẻ bình yên, êm đềm của nông thôn xưa. Mỗi đoản văn của ông mang đến một nét đẹp riêng của làng quê Việt những năm 70, 80 của thế kỉ trước. Đó là những gian nhà lợp mái tranh mỗi khi trời mưa thì từng giọt, từng giọt tí tách như đuổi nhau từ mái nhà chạy xuống đất, chiếc cổng nhà bằng tre xanh vì “một số gia đình mở thêm trại, trổ lũy tre thành cái cổng riêng”. Hay là chiếc cổng làng rợp bóng “mát rượi vì lũy tre hai bên mọc sát vào vòm cổng” (Cổng làng), những buổi trưa oi ả đám trẻ nằm võng kẽo kẹt nghe đâu đây vọng lại tiếng gà gáy.

Ngàn mùa hoa còn là một bức tranh nhiều màu sắc sống động được tác giả phác họa bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị. Dưới ngòi bút của ông, màu không chỉ là xanh đỏ tím vàng, mỗi màu còn có nhiều thang bậc khác nhau “màu vàng chanh của hoa mướp, hoa cải, màu vàng thư của hoa bí ngô” (Hoa vàng), “Đỏ tía là hoa chuối, Đỏ tươi là hoa vông, hoa gạo. Màu đỏ của hoa hồng có quanh năm... Mùa hè hoa mào gà đỏ đến chói mắt. Hoa lựu như những đốm lửa lập lòe về mùa hè.” (Hoa đỏ). Đôi khi, ngòi bút của ông không chỉ vẽ hoa mà còn vẽ cây, vẽ lá dẫu chúng non nớt “chưa đủ màu xanh mà hãy còn hồng hồng như chưa biết cuộc đời làm lá” (Rau láo nháo). 

Phiên bản màu, khổ lớn sẽ mang đến những hình ảnh nông thôn Việt Nam xưa với gam màu rực rỡ, tươi sáng đẹp mắt

Dường như mọi vật qua góc nhìn của ông dẫu rất bình thường, đôi khi tưởng tầm thường, như cây rau sam, rau tập tàng nằm rạp mình trên đất, hay đơn giản là những giọt gianh “trông trong vắt” tí tách từ mái nhà tranh làm chỗ nước rơi “lõm sâu xuống, trơ ra vài miếng gạch hồng hồng, vài viên sỏi”, mái gianh “lơ xơ lác xác như một mái đầu lười cắt tóc” (Giọt gianh) cũng trở thành nỗi nhớ, niềm thương của người bé khi trở thành người lớn. Cái thuở bé bỏng mỗi buổi mẹ đi chợ về ngồi ngóng “cái dáng đi tất tưởi” của mẹ, ngóng cả món quà chợ mẹ cho khi thì cái bánh đa khoai, lúc là cái bánh chưng gù, một xâu hạt mít... Những món quà tuổi thơ giờ nghĩ lại đó còn là “tình thương yêu vô bờ bến của mẹ dành cho tôi” (Quà chợ). Có lẽ, nhà văn dùng ngôn từ vẽ lên từng cái lá, bông hoa, từng góc vườn, ruộng lúa không chỉ đơn giản muốn lột tả cái đẹp của quê hương, hơn hết ông muốn gửi gắm cả nỗi nhớ niềm thương về một nơi ông đã sinh ra và lớn lên, nơi có những kỉ niệm bên gia đình. 

Quê hương là cánh cổng làng ẩn hiện sau lũy tre, là ngôi đình làng “bảy gian hai chái” được “xây gạch vồ, lợp ngói mũi hài, bốn góc gọi là bốn đầu đao cong vút lên, có cái đuổi con chịm phượng uốn cong” (Ngôi đình Láng). Là cái nùn rơm bố cầm theo ra đồng, là ổ rơm tắm đủ nắng hè, sưởi ấm cho người bé vào ngày đông lạnh giá. Cách nhà văn mô tả rõ nét từng chi tiết giúp người thế hệ cũ hoài niệm về một thời chân đất, nền nhà bằng đất nện được trang trí bằng hạt trám xinh xinh, còn người thế hệ mới đọc thì tò mò về những vật dụng thời ấy, ví như cái cối giã gạo, cái nùn rơm, ổ rơm... Thế là độc giả nhỏ tuổi thời hiện đại lại tò mò tìm hiểu, tò mò khám phá những gì đã đi vào trí nhớ của người lớn, những gì đã nằm lại trên dòng chảy lịch sử phát triển của đất nước. 

Ngàn mùa hoa hai tập in đen trắng

Nét thân thương của làng quê không chỉ ở cỏ cây hoa lá, ở góc vườn nhà hay mái đình cổ kính, nó còn nằm trong những nét truyền thống mà dù ở đâu chúng ta cũng được trải nghiệm, chỉ là mỗi vùng quê sẽ có sắc thái rất riêng. Tết làng cho chúng ta nhìn thấy trước mắt không khí rộn ràng của những ngày cuối năm, vang đâu tiếng “lợn kêu eng éc. Ai cũng vội. Hình như Tết đang đuổi phía sau lưng”. Cách nhà văn sử dụng động từ “đuổi” khiến chúng ta tưởng như có một cuộc chạy marathon đang diễn ra ở đoạn về đích, gay cấn, vội vã và hồi hộp biết bao nhiêu. Tết đến nhà nào cũng bày biện nải chuối xanh, quả cam vàng, chùm quất, ai ai cũng có quần áo đẹp...  Độc giả sẽ được trải nghiệm tục chăng dây trong Đám cưới quê với mong muốn mang lại may mắn cho cô dâu chú rể. Thời đó cô dâu mặc trang phục cưới không phải bồng bềnh váy trắng mà chỉ mặc áo mớ ba mớ bảy đủ màu sắc, đầu đội nón thúng to.

Chỉ với hơn trăm trang sách nhưng bằng cách sử dụng khéo léo từ tượng thanh, tượng hình, cách mô tả chân thực từng cánh hoa, cọng lá mà dường như tác giả đưa chúng ta trở lại làng quê xưa với đủ âm thanh, hình ảnh và sắc màu sống động. Không những thế bạn còn được trải nghiệm đủ các phong tục tập quán, nét văn hóa dân gian của dân tộc ta qua những câu văn xúc tích, ngắn gọn khiến người đọc dễ thấm, dễ thẩm cái ý tác giả muốn truyền tải qua câu chữ. 

Đặc biệt, Ngàn mùa hoa sẽ được giới thiệu với hai phiên bản: đen trắng (đã xuất bản) và màu (sắp ra mắt). Phiên bản màu, khổ lớn sẽ mang đến những hình ảnh nông thôn Việt Nam xưa với gam màu rực rỡ, tươi sáng đẹp mắt. Phiên bản đen trắng được thiết kế nhỏ nhắn hơn, thuận tiện để bạn đọc cầm theo tranh thủ đọc ở bất cứ đâu. Cuốn sách không chỉ gợi cho các bậc phụ huynh nhớ lại một thời tuổi thơ đầy trong sáng, hồn nhiên của mình mà còn góp phần giúp các bạn nhỏ, đặc biệt là học sinh tiểu học, đọc và hiểu hơn vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, nét văn hóa truyền thống của quê hương ta. Từ đó giúp các em tích lũy thêm tri thức, mở rộng vốn từ, biết cách sử dụng các từ tượng thanh, tượng hình, từ láy, các biện pháp nhân hóa, so sánh... hài hòa trong làm bài văn để học văn tốt hơn, khiến mỗi giờ văn là một giờ vui.

HOÀNG ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024

;