Bản sắc Việt trên màn ảnh

Là ngành nghệ thuật có sự hội nhập mạnh mẽ nhưng con đường để định danh điện ảnh Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thứ bảy phải được xây dựng nền tảng vững chắc từ văn hóa bản địa. Chính nét riêng biệt này sẽ tạo nên sự nhận diện, bản sắc và chỗ đứng cho điện ảnh Việt.

Phim Mùa len trâu

 

Không có quá nhiều tác phẩm nhưng mỗi lần có một bộ phim khai thác sâu vào nét văn hóa Việt đều tạo được sự thích thú, tò mò của cả công chúng lẫn giới làm nghề. Những bộ phim như Áo la Hà Ðông, Mùa len trâu, Thi xa vng, Song Lang từng gây chú ý khi khắc họa được nhiều nét văn hóa vùng miền trong mỗi thời kỳ. Mỗi nghệ sĩ, trên quá trình làm nghề cũng luôn khao khát có được những bộ phim khắc họa, tôn vinh văn hóa của mảnh đất nơi mình sinh ra hay lớn lên. Sau loạt phim có yếu tố giật gân, kinh dị, hành động… Victor Vũ đã trình làng khán giả một bộ phim khác biệt: Người vợ cuối cùng. Với một bộ phim bàng bạc hơi thở Bắc Bộ xưa, vị đạo diễn Việt kiều từng nhiều năm bôn ba xứ người chắc cũng muốn khán giả cùng mình tìm lại những giá trị nguyên bản của văn hóa. Nói về quá trình thực hiện phim, đạo diễn Victor Vũ khẳng định: Văn hóa là yếu tố thu hút khán giả và đó cũng là công cụ hiệu quả để quảng bá văn hóa, du lịch. Ðiều quan trọng nhất ở yếu tố bản sắc Việt không chỉ qua phục trang hay những thứ bề nổi. Ðó phải là tinh thần, những đức tính biểu tượng của con người Việt Nam. Chính những thứ đó mới nói lên bản sắc Việt trên màn ảnh.

Trong câu chuyện tìm về bản sắc và tính bản địa cho điện ảnh Việt đòi hỏi ý thức của các nhà làm phim. Nói như đạo diễn Victor Vũ, phải có đam mê, khát khao và quyết tâm hiện thực vào phim. Với điện ảnh Việt đương đại, trong số 30-40 bộ phim ra rạp hàng năm, giữa vô số các đề tài thiên về giải trí để đảm bảo tính thương mại thì vẫn có một bộ phận nhà làm phim đi tìm sự khác biệt bằng văn hóa bản địa. Chọn con đường khác, họ ít nhiều phải chấp nhận “mạo hiểm”. Ðể có những đại cảnh mướt mắt làm bật lên vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam là sự dụng công đầy thiện chí. Ðó là một phương Nam thẳng cánh cò bay với những con người chân chất trong Ðt rng phương Nam, Tro tàn rc r, Lt mt 7: Một điều ước. Ðó còn là những cảnh sắc tuyệt đẹp, hùng vĩ và nên thơ phía Bắc trong 578: Phát đạn của kẻ điên, Chạm vào hạnh phúc, Cha cõng con. Khán giả còn tìm thấy một miền Trung bình yên với làng quê gợi bao ký ức đẹp trong Mắt biếc, Giao lộ 8675, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…

Phim Đất rừng Phương Nam

Phim Thời xa vắng

 

Với các bộ phim tôn vinh các yếu tố bản địa luôn đòi hỏi kinh phí đầu tư, sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Trong không ít trường hợp, đó là những quyết định mạo hiểm. Thực hiện Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, đạo diễn Lý Hải đã phục dựng cả một làng nghề rồi đốt đi trong tích tắc cho một cảnh phim.

Tái hiện những giá trị từng là thành trì của ký ức, nhà làm phim phải chấp nhận sự đánh giá khắt khe hơn, còn vì là “món ăn” không phổ thông nên thành bại về doanh thu phòng vé càng mong manh. Nhưng nói như một số nhà làm phim chấp nhận dấn thân, nếu ngại khó mà không dám bước đi thì chẳng bao giờ có thể chạm được điều rực rỡ nhất trong nghệ thuật. Với điện ảnh, hành trình khám phá và tôn vinh văn hóa Việt có lẽ là chìa khóa để phim Việt có thể tự tin mở cửa bước ra, chinh phục các Liên hoan phim (LHP), giải thưởng uy tín hay có cơ hội định danh, xuất khẩu phim ra nước ngoài.

Phim Áo lụa Hà Đông
 

Chúng ta có quyền tự hào vì những lát cắt tinh hoa ẩm thực Việt trong các phim ngắn: Giấc mơ gỏi cuốn hay trong bộ phim hoạt hình U linh tích ký: Bột thần kỳ… Màu sắc bản địa đậm đặc trong Tro tàn rực rỡ hay phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương đã tạo nên sự độc đáo, riêng biệt, thú vị để chạm đến những giải thưởng danh giá tại những LHP uy tín trên thế giới. Ðiểm chung của những bộ phim có thể chinh chiến, ghi dấu ấn trên thế giới như Những đứa trẻ trong sương, Bên trong vỏ kén vàng đều đậm đặc chất Việt.

Tại buổi công bố dàn diễn viên chính cho dự án Thanh Sói, nhà sản xuất - đạo diễn Ngô Thanh Vân chia sẻ, Hãng phim Studio 68 do chị thành lập hoạt động dựa trên 3 tiêu chí. Một trong số đó là tìm kịch bản gốc để phát triển hướng về con người và văn hóa Việt Nam, nỗ lực để có sản phẩm thuần Việt.

Minh chứng từ những: Song lang, Cô ba Sài Gòn, Tấm Cám, Chuyện chưa kể, Hai Phượng, Trạng Tí… cho thấy những tuyên bố của Ngô Thanh Vân không phải lời nói suông. Ngô Thanh vân cho biết: “Nếu không làm phim về văn hóa Việt, các bạn trẻ sẽ xem gì trong tương lai, nhất là trong trào lưu văn hóa ngoại nhập hiện nay?”.

Những bộ phim như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Sài Gòn anh yêu em, Mắt biếc, Dạ cổ hoài lang… đều cố gắng khắc họa một cách đậm đặc nhất văn hóa Việt lên phim. Nhiều êkip ngày càng hình thành ý thức trong việc đưa văn hóa Việt vào phim theo nhiều cách khác nhau. Phim Cậu VàngKiều đều được lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học kinh điển. Võ sinh đại chiến quảng bá và tôn vinh võ thuật truyền thống Việt. Những dự án dã sử, huyền sử, cổ trang như: Trưng Vương, Quỳnh Hoa Nhất Dạ… càng thể hiện yếu tố văn hóa rõ rệt hơn. Theo ý kiến của một số đạo diễn thì “Khán giả vốn yêu thích những giá trị truyền thống văn hóa Việt nhưng cũng từ đó mà sự kỳ vọng của họ càng lớn hơn”.

Phim Tro tàn rực rỡ
 

Trong Gái già lắm chiêu V,  hai  đạo diễn Bảo Nhân - Namcito cũng dành sự tôn vinh văn hóa Việt theo cách rất hiện đại. Ðây có lẽ là lần hiếm hoi cung đình Huế xuất hiện một cách đậm nét trên màn ảnh rộng. Bên cạnh đó, truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy hay họa tiết chim Phượng từ Phượng Bào triều Nguyễn… cũng lần lượt có mặt trong phim. Làm sống lại biết bao di tích cổ kính bằng một tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh hiện đại, đội ngũ sản xuất phim không chỉ muốn tôn vinh những giá trị, bản sắc của dân tộc Việt Nam mà còn đem tới cái nhìn mới mẻ cho giới trẻ ngày nay về lịch sử nước nhà.

Sau 3 năm dày công chuẩn bị, dự án Trưng Vương vẫn đang trong giai đoạn tuyển chọn diễn viên, chọn nhân vật phù hợp. Theo nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh: “Chúng tôi đã làm việc với nhiều giáo sư sử học Việt Nam, nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia lịch sử... để tạo nên một dự án chỉn chu từ kiến trúc, trang phục, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến 2 vị nữ vương - Hai Bà Trưng. Chúng tôi hy vọng sẽ khơi dậy niềm tự hào cho khán giả Việt Nam, cũng như giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc ta đến với bạn bè quốc tế”. Trong khi đó, nhà thiết kế Thủy Nguyễn từng chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn trang phục của mình không chỉ góp phần kể câu chuyện của nhân vật mà còn thể hiện được nét văn hóa Việt Nam”. 

Ðạo diễn Huỳnh Tuấn Anh  từng cho biết: “Chúng ta phải thừa nhận, để làm phim về đề tài văn hóa, lịch sử thuần Việt cần có một thế hệ làm phim thật sự tâm huyết, có nghiên cứu, quá trình thẩm thấu và nhìn ra tầm quan trọng của văn hóa dân tộc. Nói chính xác hơn, chúng ta đang thiếu hẳn một thế hệ có tầm nhìn và sự hiểu biết thật sự sâu sắc về giá trị đó, cũng như xem trọng nó. Tài năng, sự khổ luyện có thể bồi đắp nhưng sự trắc ẩn và tình yêu với văn hóa không thể sở hữu trong một sớm một chiều. Không có đề tài hay hay dở, nhỏ hay lớn, chỉ có tài năng ít hay nhiều và tấm lòng có hay không với sự tự tôn dân tộc, khát vọng định vị mình mà thôi”.

Phim Lật mặt 7: Một điều ước

 

Nhìn sang các nước láng giềng, yếu tố văn hóa truyền thống luôn được đặt để ở những vị trí trang trọng. Ðiện ảnh Thái Lan từng cho ra mắt bộ phim hoạt hình Muay Thái: 9 mảnh ghép thần kỳ, tôn vinh môn võ cổ truyền và tinh thần thượng võ. Ðiện ảnh Hàn Quốc không quên niềm tự hào với The Admiral: Roaring Currents (Ðại thủy chiến), bộ phim dựa trên sự kiện lịch sử có thật, là tác phẩm có lượt người xem cao nhất mọi thời đại ở xứ sở kim chi. Sử thi Baahubali: The Beginning và Baahubali 2: The Conclusion cũng mang đến niềm tự hào cho điện ảnh Ấn Ðộ, tạo nên cơn sốt trên các phòng vé toàn cầu. Xa hơn, điện ảnh Hollywood với các tác phẩm có hiện đại đến mấy cũng đậm đặc văn hóa Mỹ. 

Ðã đến lúc, phải có một chiến lược điều tiết rõ ràng, rành mạch và sự bắt tay chí tình, chí lý của nhà quản lý và những nhà đầu tư có kinh nghiệm. Ðạo diễn Lương Ðình Dũng cho rằng, ngoài việc khuyến khích các nhà làm phim tham gia, Nhà nước phải đóng vai trò đầu tàu. Mỗi năm chỉ cần Nhà nước đầu tư 5 phim, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, lựa chọn những đề tài thuần Việt, ê kíp tốt, có mục tiêu rõ ràng. Sau 5 năm phim Việt sẽ có tiếng nói trên trường quốc tế. Khán giả quốc tế muốn xem cái chất riêng, bao hàm đời sống, con người, văn hóa, lịch sử... chứ không phải là những thứ lai căng, thập cẩm. Và cũng chỉ có bản sắc mới làm nên nét riêng cũng như xác lập một vị thế, chỗ đứng của điện ảnh Việt Nam trên bản đồ phim ảnh thế giới.

 

HÀ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024

 

;