Tìm hướng đi với nhiều triển vọng cho ngành giám tuyển

Hội thảo chuyên đề Ngành Giám tuyển lần thứ nhất diễn ra trong hai ngày 13 và 14/4 vừa qua tại Trung tâm Mỹ thuật Đương Đại - Hội Mỹ Thuật Việt Nam (621 Đê La Thành, Ba Đình, Hà Nội), đã thu hút được sự tham dự của nhiều nghệ sĩ trên khắp cả nước. Tuy còn non trẻ, nhưng hội thảo đã bước đầu xác định và giải quyết được các khúc mắc mà người làm công tác giám tuyển tại Việt Nam gặp phải trong thời gian qua.

Chị Lê Thuận Uyên trình bày tham luận - Ảnh: BTC

Cơ sở hạ tầng cho công tác thực hành giám tuyển

“Giám tuyển như một thực hành thử nghiệm phương thức đối thoại với nơi chốn”, là quan điểm mà ThS Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra trong phiên thứ nhất của hội thảo. Anh chia sẻ, trong hơn 10 năm thực hành giám tuyển, và đồng hành cùng những dự án nghệ thuật lớn, nhỏ, anh đã mở rộng trải nghiệm thực hành cá nhân của mình với những dự án có quy mô hơn, làm việc với nhiều nhóm người hơn, tương tác đa chiều hơn. Vì thế, công việc cũng phải mở rộng ra các hoạt động khác nhau như thương thuyết, làm việc với các cơ quan từ cấp phường, quận tới cấp thành phố. Các tác động nhiều chiều đó dần trở thành một trong những yếu tố tác động tới tiến trình, phương thức triển lãm, trưng bày và cách thức tiếp cận của các dự án. Đa phần các dự án có yếu tố nơi chốn, ký ức của nơi chốn đều có vị trí quan trọng trong việc lên ý tưởng triển khai, dự án cũng như cách thức trưng bày. Yếu tố ký ức cộng đồng cũng được ưu tiên đưa vào các dự án. Phần lớn các dự án nghệ thuật tiến hành gần đây, anh thường tích hợp các yếu tố giáo dực, hướng tới cộng đồng sinh viên nghệ thuật. Các dự án thường mong ý nghĩa mở rộng năng lực thực hành nghệ thuật đương đại song hành với nghiên cứu đối thoại với lịch sử, ký ức cộng đồng. Từ đó, hướng đến mục tiêu gợi mở sự truy vấn và tưởng tượng cho người xem. 

Các tham luận viên Vũ Đức Toàn, Nguyễn Như Huy, Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Thế Sơn (từ trái sang phải) - Ảnh: BTC

Trong một môi trường thiếu hỗ trợ kinh phí, thiếu hệ thống giáo dục, thiếu nguồn lực, những người đảm nhận vai trò kép là nghệ sĩ và giám tuyển đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến phản hồi với điều kiện đặc thù trong môi trường địa phương. Họ đóng vai trò tập hợp những người thực hành có chung chí hướng, huy động nguồn lực, để rồi hình thành các tổ chức và tập thể, đôi khi có không gian vật lý hoặc không, một cách linh hoạt, để đáp ứng hiệu quả những thiếu sót kể trên. Với sự tham gia này càng nhiều của các nhà đầu tư tư nhân, những nỗ lực đó đã mở rộng sang việc xây dựng các không gian nghệ thuật quy mô lớn, được trang bị tốt hơn, các sáng kiến xây dựng năng lực hoặc các bảo tàng tư nhân có tầm quan trọng về mặt lịch sử. 

Theo nghệ sĩ Lê Thuận Uyên, Giám đốc nghệ thuật Trung tâm Nghệ thuật The Outpost, khi nghĩ tới hạ tầng, có lẽ không ít người liên tưởng tới một cấu trúc phức tạp các mạng lưới cơ sở hạ tầng, nhân lực và tài lực để hỗ trợ cho quá trình tạo tác, trưng bày. Xuất phát từ những dự án thuần túy xoay quanh việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, chị nhận thấy bản thân mình và các đồng nghiệp ngày càng đảm nhiệm nhiều vai trò hơn trước: giám tuyển, nghiên cứu, viết lách, thông dịch, giảng dạy, tư vấn sưu tầm và xây dựng các không gian nghệ thuật. Bởi theo chị, để một hệ sinh thái nghệ thuật được nuôi dưỡng, cần nhiều hơn là nỗ lực của một vai trò. 

Triển lãm nghệ thuật Trúc chỉ tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội) - Ảnh: Trúc chỉ Garden

Qua những lần thử sức ở các dự án quy mô khác nhau, chị dần xác lập được rằng, nhu cầu xây dựng hạ tầng của mình trên thực tế, luôn xoay quanh nghệ sĩ và những người thực hành nghệ thuật. Vì vậy, nó “co giãn” cùng mong muốn phát triển thực hành giám tuyển của bản thân. Định vị hạ tầng của chị khởi nguồn từ nhu cầu bồi đắp dữ liệu lịch sử và điểm nhìn từ địa phương cho những cá nhân, sự kiện vốn chỉ được nhà quan sát nước ngoài ghi chép lại, tới việc khởi tạo một không gian suy tư về công việc giám tuyển được mở rộng, và cuối cùng đó là nhu cầu thực hành dựng triển lãm ở một quy mô lớn hơn về diện tích, thiết bị, kích thước sản phẩm và tệp khán giả. 

Tính cá nhân và tính tập thể trong công tác giám tuyển

Trước khi là một giám tuyển phải là một người thưởng thức, nghệ sĩ Nguyễn Huy An nhận định. Sự rung cảm này xuất phát từ tính cá nhân chủ quan: đồng cảm, phát hiện, mở rộng sức sống cho tác phẩm, phụ thuộc vào vốn sống, tâm tính của người thưởng thức. Một tác phẩm ra đời tạm thời coi như phần việc của nghệ sĩ đã xong. Khi làm giám tuyển, dù muốn hay không, nó vẫn sẽ được hiện ra dưới tác động nhiều yếu tố bên ngoài tác giả, trong đó phần quan trọng (khi có sự tham gia của giám tuyển) là dưới cảm nhận riêng của giám tuyển. Dựa vào cái cảm nhận riêng của giám tuyển - bối cảnh mà việc bày trở nên có nhiều cách phong phú tạm gọi là các thủ pháp trưng bày: giữ nguyên, chọn góc bày, bố cục không gian. 

Triển lãm Xuân lập tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. HCM) - Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Quang San

Nghệ sĩ Vân Đỗ, Giám đốc nghệ thuật Không gian nghệ thuật Á Space cho rằng, công tác giám tuyển triển lãm nghệ thuật đương đại, tưởng như đã an bài, và có thể đóng gói thành các công thức, vẫn tồn tại nhiều kẽ hở cho sự sáng tạo. Sẵn trong những cấu phần khác nhau của thực hành này, từ việc lựa chọn tác phẩm và phương pháp làm việc với nghệ sĩ, các thao tác bài trí và xử lý không gian, viết các dạng văn bản khác nhau, cách xử lý những tình huống xã hội gắn liền với yếu tố con người và phi con người mang đặc thù sở tại. Người thực hành giám tuyển đứng trước vô vàn các khả thể đề xuất khác đi với những quy ước đã được xác lập. Tất cả những cấu phần này được hình thành dựa trên nhãn quan, kinh nghiệm, thể trạng của giám tuyển, tuy có thể hiện lên rõ nét hoặc không rõ nét. Khi hiện ra rõ nét, họ có thể đứng trước nguy cơ của việc bị phê bình là “cá nhân” hoặc “can thiệp vào tác phẩm”, hoặc trung lập hơn thì được gọi là có tính “tác giả”.

Giám tuyển tự do Dương Mạnh Hùng lại thấy, trong bối cảnh đương đại ở nước ta, khi những ý niệm nghệ thuật và cách tiếp cận thẩm mỹ nội tại đang ngày một giao thoa và tương tác với sự đa dạng về hệ tư tưởng liên ngành, việc kiến tạo ý nghĩa do vậy trở thành vai trò không chỉ của nghệ sĩ, mà còn là của giám tuyển và những cá nhân làm công việc tổ chức trong cộng đồng nghệ thuật. Thực hành giám tuyển hiện nay đã trở nên phức hợp hơn, đòi hỏi độ thẩm thấu và mềm dẻo. 

Dự án Quá áp trưng bày trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội - Ảnh: Á Space

Triển lãm cũng giống như các hình thức trưng bày phi truyền thống không chỉ đóng vai trò như nơi trưng bày tác phẩm, mà còn can dự trực tiếp vào dòng chảy lịch sử nghệ thuật, là nơi các trần thuật khác cũng như các nhân vật nghệ thuật có cơ hội hiện diện và đưa ra những quan điểm mới. Điều này phản ánh tính tập thể trong công tác giám tuyển. Theo chị Lê Thuận Uyên, công việc khảo cứu, tìm hiểu lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại ở Việt Nam đôi khi gợi ra trạng thái của một người chơi nhảy lò cò. Bởi lẽ quá trình ấy đòi hỏi sự khéo léo, chú tâm và dẻo dai tương tự như khi trò chơi dân gian này vậy. Vốn cơ sở dữ liệu khuyết thiếu, lại tản mát, nên người khảo cứu luôn như đi tìm bằng một chân, vì “va đâu thiếu đấy”. Các tài liệu có sẵn thường được những người nghiên cứu hay giám tuyển nước ngoài lưu trữ bằng ngôn ngữ tiếng Anh và nằm ở các kho dữ liệu nước ngoài. Còn trong nước, việc thu thập tư liệu đôi khi cũng không hoàn toàn thuận lợi, khi nguồn tư liệu rải rác, tồn tại ở dạng chuyện kể, không có tư liệu lịch sử minh bạch để đối chiếu. Bên cạnh đó, hạ tầng hỗ trợ công việc khai thác lịch sử nghệ thuật vô cùng khan khiếm, khiến cho người thực hành luôn phải tìm cách vượt qua chướng ngại về nguồn lực: nhân lực, tài chính,… Cho nên, công việc khảo cứu lịch sử nghệ thuật thường diễn ra trong phạm vi chuẩn bị cho một triển lãm. 

Triển lãm Alice ở đường hầm thời gian do Trung tâm Nghệ thuật The Outpost tổ chức - Ảnh: The Qutpost Art Organisation

Từ những nội dung đã chia sẻ, có thể thấy, hội thảo đã xác định những trở ngại, khó khăn của những người thực hành công tác giám tuyển, góp phần tìm kiếm những cơ hội, khả năng giúp mở rộng và phát triển ngành nghề này tại Việt Nam. Qua đó, tạo tiền đề cho sự ra đời các chương trình tập trung vào thực hành giám tuyển trong tương lai không xa.

NAM SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024

;