Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh: Chung tay gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc

Hằng năm, Lễ hội Áo dài Thành Phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) 2024 đã diễn ra với nhiều hoạt động nhằm quảng, bá tôn vinh Áo dài Việt Nam. Đây sự kiện định kỳ, vừa qua TP. HCM ghi dấu mốc lần thứ 10 tổ chức Lễ hội Áo dài, mỗi năm đều có những hoạt động mới, để lại ấn tượng với cộng đồng, truyền thông và đặc biệt ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Nhân dịp này, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM - Đơn vị thực hiện công tác tổ chức Lễ hội Áo dài TP. HCM.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM

Hơn 10 năm qua, TP. HCM luôn luôn là địa phương tiên phong trong việc quảng bá Áo dài thông qua các hoạt động, sự kiện văn hóa lớn, đặc biệt là Lễ hội Áo dài TP. HCM. Vậy, xin bà cho biết tại sao TP. HCM lại sự lựa chọn Áo dài?

- Việt Nam tự hào về chiếc Áo dài. Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc mà còn chứa đựng một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Khi mặc Áo dài là đã lan tỏa giá trị của Việt Nam, truyền thống của Việt Nam, Áo dài cũng nhắc nhở người mặc phải ứng xử cho xứng đáng với giá trị truyền thống và lịch sử hào hùng của đất nước.

Trong nhiều năm qua, hình ảnh chiếc Áo dài không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ Tết, các sự kiện mang tính chất riêng của quốc gia, dân tộc, mà hiện diện ngày càng nhiều ở các sự kiện quốc tế, sự kiện ngoại giao cùng với sự hội nhập ngày càng rộng của Việt Nam. Áo dài đã trở thành biểu tượng của Việt Nam trong mắt của bạn bè quốc tế. Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Áo dài cũng chính là nuôi dưỡng, vun đắp, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Lễ hội Áo dài TP. HCM hằng năm luôn thu hút phụ nữ Thành phố tham gia với những màn trình diễn Áo dài đặc sắc - Ảnh: Sở Du lịch TP. HCM

Đồng thời, hướng đến việc công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể và xa hơn nữa là đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, bên cạnh các hoạt động nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống khoa học để đưa ra những cơ sở khoa học về lịch sử, hình thành và phát triển.., thì cần có nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá tuyên truyền đưa Áo dài ngày càng trở nên quen thuộc, gắn bó với đời sống của tất cả tầng lớp người dân, tất cả lứa tuổi, tất cả giới tính và lan tỏa ngày càng sâu rộng đối với bạn bè quốc tế.

Đó là những lý do TP. HCM tổ chức Lễ hội Áo dài.

Hiện nay, cùng với TP. HCM, các địa phương khác (Hà Nội, Thừa Thiên Huế) hằng năm cũng tổ chức lễ hội quảng bá và Áo dài, vậy, điểm khác của Lễ hội Áo dài TP. HCM hằng năm là gì?

- Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, việc tổ chức các sự kiện hoạt động tôn vinh chiếc Áo dài được Đảng và Nhà nước quan tâm và khuyến khích các địa phương tổ chức.

Áo dài của NTK Liên Hương

Đối với TP. HCM, Lễ hội Áo dài được xác định là sự kiện Văn hóa - Du lịch thường niên với quy mô ngày càng được mở rộng và đã trở thành lễ hội của công chúng khi thu hút sự hưởng ứng ngày càng nhiều của các cơ sở may đo, các nghệ nhân, nhà thiết kế, văn nghệ sĩ, du khách trong và ngoài nước. 

Xuyên suốt Lễ hội Áo dài 10 năm qua, thông điệp “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” luôn được truyền tải sống động qua chuỗi hoạt động mang tính trải nghiệm, tương tác cao với cộng đồng như: Các chương trình nghệ thuật, các chương trình đồng diễn với Áo dài, các buổi Tọa đàm, các cuộc thi (Cuộc thi vẽ trên áo dài, Duyên dáng Áo dài, Áo dài online…) và rất nhiều các hoạt động trang trí không gian, tiểu cảnh, sàn catwalk, mô hình check in đã thu hút sự tham gia tương tác trải nghiệm của du khách. Bên cạnh đó, lễ hội còn huy động sự tham gia của cộng đồng như: Vận động phu nhân các nhà ngoại giao, cán bộ công chức, người dân du khách mặc Áo dài khi tham gia lễ hội; khuyến khích cán bộ công chức, viên chức mặc Áo dài làm việc trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, vận động các cửa hàng may Áo dài áp dụng chính sách ưu đãi trong dịp Lễ hội, vận động doanh nghiệp giảm giá cho người dân và du khách mặc Áo dài tham gia tour tuyến, mua sắm, lưu trú… Hàng triệu chiếc Áo dài, vải Áo dài đã được thu nhận để tặng cho những người yếu thế, những người ít có cơ hội mặc Áo dài đã góp phần đưa Lễ hội trở thành ngày hội sẻ chia, góp phần tôn vinh Áo dài trong tình thương yêu của cộng đồng, làm giàu thêm sức mạnh nội sinh của Áo dài.

Áo dài của NTK Năm Tuyền

Đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển, đưa Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa độc đáo, truyền cảm hứng về Áo dài truyền thống của Việt Nam đến người dân thành phố và bạn bè quốc tế, thu hút du khách đến tham quan thành phố, Ban tổ chức đã tiếp tục đổi mới các hoạt động nêu trên, tăng cường tuyên truyền vận động người dân Thành phố và du khách trong và ngoài nước cùng hưởng ứng để mang đến nét văn hóa đặc trưng của TP. HCM và lan toả thông điệp chung tay gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, Lễ hội Áo dài TP. HCM năm nay còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc kết hợp với nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop nhằm tạo điều kiện cho các Nhà thiết kế, nhà may trong việc thực hiện quảng bá cũng như giới thiệu các sản phẩm Áo dài đến gần hơn tới công chúng. 

TP. HCM là địa phương có tiềm năng, thế mạnh rất khác biệt với các địa phương khác về du lịch, nhà thiết kế, nghệ nhân làm Áo dài, có cộng đồng mặc Áo dài chiếm lính lớn hơn các địa phương khác, vậy, Thành phố, Sở Du lịch TP. HCM đã có chiến lược gì nhằm phát huy tiềm năng này để tham gia vào tăng trưởng kinh tế cho TP. HCM? đặc biệt phục vụ du lịch?

- Việc phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn liền với di sản, lễ hội văn hóa nói riêng đã nhận được sự quan tâm lớn của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBNDTP, của người dân và doanh nghiệp du lịch. Trong Chiến lược phát triển du lịch TP. HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Sở Du lịch tham mưu xác định sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là một trong các sản phẩm chính của du lịch TP. HCM và Sở Du lịch sẽ tham mưu kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030 sau khi chiến lược được công bố. Trong đó có Lễ hội Áo dài định kỳ hằng năm và các show diễn áo dài phục vụ du khách định kỳ gắn với các điểm đến di sản của Thành phố. Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm Lễ hội Áo dài còn định hướng đưa Áo dài trở thành sản phẩm đặc trưng gắn với nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp thời trang của Thành phố trong thời gian tới.

Áo dài của NTK Nhật Dũng

Bên cạnh các giá trị đạt được về tinh thần và văn hóa, Lễ hội cũng thu hút được nhiều khách du lịch đến tham gia, doanh thu về du lịch và lượng khách đến TP. HCM tăng theo mỗi mùa Lễ hội, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế dịch vụ của thành phố.

Cá nhân bà, hoặc phía những người làm quản lý nhà nước về du lịch, văn hóa có những trăn trở gì với Áo dài - sản phẩm, biểu tượng văn hóa Việt Nam? Đặc biệt là mong muốn gì để Áo dài là sản phẩm đặc trưng của TP. HCM?

- Qua sự kiện Lễ hội Áo dài, thành phố mong muốn ngày càng nhiều địa phương trong cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cùng tổ chức Lễ hội và các hoạt động quảng bá, tôn vinh Áo dài để Áo dài không chỉ xuất hiện ở mỗi kỳ lễ hội, mỗi dịp sự kiện mà là một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của người dân trong cả nước Việt Nam và mãi là biểu tượng trường tồn của dân tộc trong lòng bạn bè quốc tế.

Xin bà cho biết, sau Lễ hội Áo dài TP. HCM năm 2024, Sở Du lịch TP. HCM sẽ làm gì để Lễ hội Áo dài hằng năm được tổ chức hiệu quả hơn?   

- Thành phố nói chung và ngành Du lịch nói riêng sẽ phấn đấu đưa Lễ hội Áo dài ngày càng mở rộng về quy mô, tăng tính lan tỏa, tính sáng tạo, hấp dẫn, tạo nhiều không gian tương tác với người dân và du khách. Đồng thời tiếp tục gắn sự kiện với các hoạt động trong hệ sinh thái du lịch, văn hóa, thương mại để thu hút khách đến thành phố, tăng độ dài chi lưu trú và chi tiêu của du khách. Đồng thời, thông qua sự kiện góp phần tăng cường hoạt động ngoại giao của Việt Nam với các nước.

Trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

NGUYỄN ĐỨC BÌNH thực hiện

Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024

;