“Bắt mạch” thị trường điện ảnh Việt

Trấn Thành, Lý Hải đang tạo nên những hiện tượng trong làng phim Việt. Sau những bộ phim thắng lớn ở phòng vé, một số đạo diễn, chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh nhìn nhận: khó tìm ra công thức để làm phim có doanh thu cao.

Phim Lật mặt 7 - một điều ước

Những năm gần đây, thị trường điện ảnh trong nước tăng trưởng mạnh, tốc độ trung bình từ 20-25%/ năm. Mỗi năm, có từ 30-40 phim điện ảnh Việt Nam được sản xuất và ra rạp. Năm 2023, 5 phim Việt có doanh thu cao nhất phòng vé đều vượt ngưỡng 100 tỷ đồng, đó là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầy, Đất rừng phương Nam, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Nhà bà Nữ. Kỳ vọng về những siêu phẩm doanh thu trăm tỷ đồng được nối dài khi phim Mai của Trấn Thành khởi chiếu dịp Tết Nguyên đán 2024 cán mốc 520 tỷ đồng, trở thành tác phẩm điện ảnh Việt Nam ăn khách nhất. Mai của Trấn Thành là minh chứng cho thấy, thị trường điện ảnh và thị hiếu khán giả Việt rất khó lường. Trước ngày ra rạp, nhiều chuyên gia dự đoán, Mai khó vượt qua thành tích của Nhà bà Nữ, vì chủ đề tình yêu, thân phận phụ nữ khó hấp dẫn và chinh phục người xem bằng câu chuyện về tình cảm gia đình.

Nhiều người giải mã hiện tượng Trấn Thành và nhận ra, anh trung thành với bối cảnh trong khu trọ, chung cư cũ, tập trung lao động nghèo. Đó là nơi những số phận, tính cách khác nhau cùng va chạm, tạo xung đột như một xã hội thu nhỏ. Nhân vật với câu chuyện đời thường gần gũi đánh vào tâm lý khán giả.

Phim Mai

Ngoài Trấn Thành, một đạo diễn tay ngang cũng gây bất ngờ ở phòng vé là Lý Hải. Từ một ca sĩ thị trường, anh trở thành người đứng sau thương hiệu phim riêng mang tên Lật mặt và hiện đã kéo dài tới phần thứ 7 - vừa ra rạp vào cuối tháng 4/2024 với doanh thu vượt trội và hiện vẫn không ngừng tăng. Tổng cộng 6 phần phim Lật mặt đã lên sóng giúp Lý Hải thu về khoảng 700 tỷ đồng. Nếu thêm doanh thu của phần 7 vừa ra mắt thì doanh số của series phim này dự đoán vượt trên 1.000 tỷ. Nói về Lý Hải thì đa số câu chuyện trong series phim của anh tập trung vào cốt truyện đơn giản, lời thoại và bối cảnh đời thường.

Nếu trước đây, điểm chung thường thấy giữa một số bộ phim doanh thu tốp đầu của điện ảnh là sở hữu gương mặt đình đám phòng vé, có yếu tố hài hước, thời điểm ra rạp trùng dịp lễ Tết và ê-kíp đầu tư mạnh cho truyền thông. Nhưng hiện tại, mẫu số này đã có nhiều thay đổi.

Hiện, ngoài Trấn Thành, Lý Hải cũng là đạo diễn duy nhất giữ kỷ lục thực hiện đến 7 phần phim. Phần phim sau luôn đạt doanh thu cao hơn phần trước. Nam nghệ sĩ cho biết anh học từ các bộ phim quốc tế và những đồng nghiệp ở Việt Nam, trong đó có nhiều người trẻ tuổi hơn. Lý Hải xem đi xem lại những cảnh hành động trong một bộ phim và tìm tòi video hậu trường để nghiên cứu phương án dàn dựng.

Phim Gặp lại chị bầu

Dân dã và thuần Việt cũng là điều anh hướng tới trong suốt quá trình làm phim. Sự gần gũi, yếu tố gia đình dễ thấy trong phim của cả Lý Hải và Trấn Thành. Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho biết: Lý Hải tạo niềm tin lớn với khán giả của điện ảnh Việt nhờ sự tâm huyết, chỉn chu, câu chuyện trong phim hướng đến số đông.

Có thể nói, trong khi các nhà sản xuất cần ngôi sao để tạo hiệu ứng cho phim, Lý Hải và Trấn Thành hút người xem ra rạp nhờ tên tuổi của đạo diễn, biên kịch bên cạnh dàn diễn viên. Lý Hải làm phim theo kiểu của mình. Và chính chất cá nhân chủ nghĩa đậm mùi dân dã ấy, phim của Lý Hải không bao giờ đụng hàng, tập sau luôn thắng hơn tập trước.

Bí kíp thành công của Lý Hải còn đến từ việc anh biết cách chiều lòng người hâm mộ. Đồng thời, Lý Hải chọn thể loại hành động hài pha trộn với chất chính kịch, đôi lúc hơi ngả sang bi kịch với nhiều nước mắt xuyên suốt sê-ri Lật mặt cho thấy sự khôn ngoan của đạo diễn.

Bù lại cho kịch bản vụng và có phần sượng, xây dựng nhân vật khá nông, Lý Hải luôn biết cách chiều lòng người hâm mộ của mình với nguồn năng lượng như chưa bao giờ cạn. Bối cảnh thay đổi liên tục, các màn hành động rượt đuổi và kịch tính dồn dập rồi kết thúc bằng một màn theo hướng bi kịch nhiều nước mắt.

Phim Chị chị em em 2

Nếu nói thị trường quyết định doanh thu sản phẩm nghệ thuật, rõ ràng thị trường đang chọn Lý Hải và Trấn Thành. Trấn Thành và Lý Hải mỗi người có một sở trường riêng. Nhưng điện ảnh Việt cần những đạo diễn như thế để kéo khán giả ra rạp và lâu dần kích cầu thị trường, tạo đà cho các dòng phim cùng phát triển. Nhiều nhà làm phim tay ngang đang gặt hái quả ngọt ở thị trường điện ảnh Việt. Dường như, điểm chung giữa họ là “đọc vị” khán giả và biết cách chiều lòng người xem.

Nói về hiện tượng này, GS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cho rằng, không có công thức giống như kiểu toán học để giải các bài toán về sáng tạo điện ảnh, thị trường điện ảnh, người xem điện ảnh. Tuân thủ theo một công thức cứng nhắc luôn dễ dẫn tới thất bại. Nhân vật trong phim của Trấn Thành không phải từ trên trời rơi xuống mà đó là nhân vật của đời thường chứa đựng những bi kịch của sự tồn tại. Trấn Thành đã rất thành công trong việc tỉnh thức và kéo người xem đồng hành với nhân vật của mình.

GS Trần Thanh Hiệp nhận định, điện ảnh Việt Nam khi bắt đầu phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường rất cần phải thay đổi chương trình đào tạo và quy trình làm phim. Cốt lõi của sự thay đổi đó là tác phẩm điện ảnh phải hướng tới khán giả. Vị thế của người làm phim, mối quan hệ của người làm phim với người xem phải có sự thay đổi. Nó không làm thay đổi bản chất sứ mệnh của nghệ thuật mà chỉ giúp cho việc thực hiện sứ mệnh đó hiệu quả hơn. Chinh phục, đồng hành với khán giả là lẽ sống còn của điện ảnh. Chính điều đó nói lên vai trò, tài năng của người làm phim.

Không có công thức rập khuôn, song, các phương pháp làm phim hiện đại là cơ sở tạo ra những bộ phim làm khuynh đảo phòng vé. Ví dụ, phương pháp làm phim của điện ảnh Mỹ hướng đến khán giả, chủ yếu dựa trên mâu thuẫn, phát triển và giải quyết mâu thuẫn (kịch bản 3 hồi). Tất cả giải thưởng, liên hoan phim đều phục vụ việc đưa phim đến với nhiều khán giả hơn. 

Phim Siêu lừa gặp siêu lầy

Điện ảnh Việt muốn có nhiều bộ phim doanh thu cao như Nhà bà Nữ, Mai hay Lật mặt 7: Một điều ước… Muốn nhân rộng nhiều phim đạt doanh thu cao như vậy thì phải có chiến lược phát triển cụ thể, lâu dài. Đây là điều điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo từ các quốc gia lân cận. Thái Lan thực hiện cam kết với ngành công nghiệp điện ảnh, lên kế hoạch hình thành Cơ quan Văn hóa Sáng tạo Thái Lan với ngân sách 200 triệu USD, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quay phim, cấp phép địa điểm, tài trợ phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Hàn Quốc chọn giải pháp cải tiến hệ thống kiểm duyệt phim trước đây quá cồng kềnh để thực hiện phân loại phim theo lứa tuổi.

Cần xây dựng các quỹ hỗ trợ điện ảnh, tham gia vào quá trình sản xuất phim, phát hành phim ở nội địa và quốc tế, đào tạo, tổ chức liên hoan phim, đổi mới trang thiết bị hiện đại. Kinh phí các quỹ này trích từ lợi nhuận của các ngành kinh doanh điện ảnh, phần trăm giá vé phim chiếu rạp, lợi nhuận phim chiếu trên truyền hình hoặc phát hành trực tuyến...

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, khẳng định: công nghiệp điện ảnh cần có sự chung tay từ các cơ quan quản lý, các hiệp hội, hội chuyên ngành và giới nghệ sĩ, nhà làm phim. So với các lĩnh vực nghệ thuật khác, ngành Điện ảnh có luật từ sớm, vừa được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện với Luật Điện ảnh năm 2022. Tuy nhiên, từ hành lang pháp lý đi vào thực tiễn còn nhiều khoảng cách. Thay vào đó, sự thay đổi và chuyển mình từ cốt lõi của nền điện ảnh mới là cơ sở cho việc ra đời những bộ phim chất lượng. Trong hành trình đó, sự sáng tạo và cả khả năng bắt mạch đúng thị trường sẽ tạo nên thành công cho các đạo diễn và êkip.

 TRẦN THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024

;