80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" - giá trị lý luận và thực tiễn

1. Tầm nhìn thời đại của một văn kiện lịch sử, tuyên ngôn của Đảng về văn hóa và cách mạng văn hóa

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện lịch sử có giá trị to lớn và ý nghĩa lý luận sâu sắc, có tính thời sự cấp thiết tại thời điểm lúc bấy giờ và tầm nhìn thời đại của Đảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” mà chúng ta đã và đang xây dựng trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam.

 Đã 80 năm trôi qua, bối cảnh tình hình và điều kiện cụ thể đã có khá nhiều đổi thay, tuy nhiên, những quan điểm khoa học và nội dung cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đây là nền tảng tư tưởng quan trọng để Đảng ta tiếp tục phát triển quan điểm, đường lối xây dựng, chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam trong hành trình đổi mới, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tạp chí Tiên Phong, Cơ quan vận động Văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa Cứu quốc xuất bản số 1 ra ngày 10-11-1945 đăng toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam - Ảnh: baovanhoa.vn

Vào những năm 40 của TK XX, Chiến tranh Thế giới lần II diễn ra dữ dội, tình hình trong nước rất phức tạp, rối ren, phát xít Nhật đã vào Đông Dương và liên tục xung đột, tranh giành quyền lực với thực dân Pháp để cai trị nước ta. Trên khắp cả nước, nhân dân ta rên xiết, đau khổ, đói nghèo, lầm than dưới ách thống trị bạo tàn của bọn đế quốc, phát xít và phong kiến tay sai. Cùng một lúc, cách mạng Việt Nam phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của ba loại kẻ thù độc ác, dã man là phát xít Nhật, thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai, bán nước. Bọn chúng đã dùng thủ đoạn triệt hạ giống nòi dân ta bằng thuốc phiện, rượu lậu và làm lan tràn các tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách nô dịch văn hóa, mê hoặc và đầu độc tinh thần con người, cổ súy lối sống ăn chơi trụy lạc, hòng hủy hoại tiền đồ, tương lai của nền văn hóa dân tộc ta. Lúc bấy giờ, không ít trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa đã tỏ ra bi quan, bế tắc, thờ ơ với nhân dân và thời cuộc, hoặc hoang mang, dao động, ủy mị yếu đuối, hèn nhát, mất phương hướng, thiếu sự dẫn lối về tư tưởng, tinh thần.

Yêu cầu lịch sử đặt ra cấp thiết lúc này là cần có một sự thay đổi về tinh thần của dân tộc mang tính đột phá, cần có định hướng khoa học về tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa có tâm huyết với đất nước, nhưng đang bị mất phương hướng. Trước tình hình cấp bách đó, tháng 2-1943, Đảng ta soạn thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam để gửi thông điệp khoa học lý luận về cách mạng văn hóa đến cho đảng viên, cho văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà văn hóa và quảng đại quần chúng nhân dân. Bản Đề cương này do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút và đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại xã Võng La, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là Đông Anh, Hà Nội). Trên cơ sở lập trường, quan điểm lý luận mác xít, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện nhận thức lý luận khoa học của Đảng về văn hóa và các vấn đề về cách mạng văn hóa, nêu rõ quan điểm phải thực hiện cách mạng chính trị đồng thời với cách mạng văn hóa ở nước ta, để khi giành được chính quyền, chúng ta sẽ xây dựng một nền văn hóa cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến bộ, nhân văn và dân chủ, đem hạnh phúc đến cho con người.

Với cách trình bày ngắn gọn và khái quát, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn thời đại ngay từ khi Đảng còn đang hoạt động bí mật, tích cực hướng tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, lật đổ chế độ phong kiến thực dân, phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, theo đó, sẽ thực hiện xây dựng một nền văn hóa mới: văn hóa cách mạng, văn hóa xã hội chủ nghĩa. Nội dung Đề cương về văn hóa Việt Nam được chia thành 5 phần: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, khi mà “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” đang thống trị, thì Đề cương về văn hóa Việt Nam là ngọn đuốc lý luận rực sáng, soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới.

 Bằng lối diễn đạt, hành văn cô đọng, hàm súc, nhiều ẩn ý sâu xa, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam cần hướng đến. Đảng ta đã xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong hành trình cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Phạm vi vấn đề văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. Trên thực tế, tư tưởng, học thuậtnghệ thuật là những yếu tố then chốt cấu thành nên nền văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là sự kết tinh cao độ các giá trị văn hóa, làm nên đời sống tinh thần chủ yếu của xã hội và con người qua các thời đại. Cho đến nay, quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị thời sự nóng hổi. Hầu như các tinh hoa giá trị văn hóa đều được thể hiện trong tư tưởng, học thuậtnghệ thuật. Hơn bao giờ hết, trong xây dựng và phát triển văn hóa cần chú trọng cả ba lĩnh vực này.

Trong thời kỳ Đổi mới, Đảng ta tiếp tục khái quát những vấn đề này ở một tầm cao hơn: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, trong đó bao gồm tư tưởng khoa học, tư tưởng chính trị, tình cảm nhân văn, ý chí nghị lực, niềm tin và khát vọng của con người và xã hội. Với tư duy cách mạng sáng tạo và tầm nhìn chiến lược rất xa, Đảng ta khẳng định một tất yếu chính trị là: cách mạng văn hóa muốn hoàn thành, dứt khoát phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động; không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả” (1).

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, đây là quan điểm lý luận rất sâu sắc. Đảng ta nhận thức rõ: cùng với kinh tế và chính trị, chắc chắn, văn hóa thường xuyên là một “mặt trận”, là trận địa tư tưởng, nơi diễn ra các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ văn hóa với kẻ địch về tư tưởng, học thuật, quan điểm, lẽ sống, lối sống, khi thầm lặng, lúc quyết liệt, với mong muốn sẽ ngăn chặn, đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái phản tiến bộ để cái mới tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn sẽ ra đời. Bản Đề cương còn nêu rõ một vấn đề có tính quy luật khách quan: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”. Người cộng sản không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa và chỉ có thể cải tạo được xã hội khi chúng ta hoàn thành cách mạng văn hóa. Bởi lẽ, làm cách mạng văn hóa là sáng tạo ra sự thay đổi tốt đẹp về bản chất về văn hóa, con người, tạo ra một xã hội mới ưu việt hơn.

Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại cường quyền áp bức, đánh đuổi các thế lực ngoại xâm, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và ngày nay là xóa đói giảm nghèo, chống tham nhũng lãng phí, Đảng ta đã luôn biết cách huy động sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, để cho ý Đảnglòng dân có sự gặp gỡ, đoàn kết thống nhất: “Nhất hô bá ứng”; “Tiền hô, hậu ủng”; “Dọc ngang thông suốt; “Trên dưới đồng lòng” (2), thực hiện đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế, vượt qua mọi thách thức, khó khăn, quyết phấn đấu hướng tới phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Các nhạc sĩ trong kháng chiến chống Pháp tập dượt biểu diễn - Ảnh: tư liệu

2. Định hướng chiến lược về cách mạng văn hóa và “ức thuyết” phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam trên tầm cao mới

Trở lại bối cảnh những năm 40 của TK XX, từ việc xác định tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (nhìn ở thời điểm năm 1943), Đảng ta đã phát hiện ra những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của phát xít Nhật - Pháp, theo đó phân tích tình hình xu thế vận động của văn hóa dân tộc ta lúc bấy giờ như sau: “2.Tiền đồ văn hóa Việt Nam: hai ức thuyết: Nền văn hóa phát xít (văn hóa trung cổ và nô dịch hóa) thắng thì văn hóa Việt Nam nghèo nàn thấp kém; Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới” (3).

Đảng đã khẳng định rõ: văn hóa Việt Nam sẽ đi theo “ức thuyết” thứ hai, tức là cần đấu tranh giải phóng dân tộc và tiến hành xây dựng nền văn hóa mới cho dân tộc chúng ta hướng đến “đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam còn nêu rõ về mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa:

 “Quan niệm của người cộng sản về vấn đề cách mạng văn hóa: Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội; cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo; cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau)” (4).

Như vậy, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, coi đó là một tất yếu chính trị trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Để thực hiện thắng lợi cách mạng văn hóa Việt Nam, bản Đề cương đã yêu cầu những người cộng sản cần nắm vững “ba nguyên tắc vận động” là: “dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa”. Trong đó, “dân tộc hóa” là phải chú trọng đến bản sắc dân tộc, chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, lai căng, giáo điều máy móc từ bên ngoài khi tiếp xúc với văn hóa, “khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. “Đại chúng hóa” là chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng. “Khoa học hóa” là chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ. Và “muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn của bọn tờ rốt kít” (5). Như vậy, ba nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” trong xây dựng và phát triển văn hóa là phương án trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết, nóng bỏng của lịch sử lúc bấy giờ. Hơn thế, trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng của đất nước, ba nguyên tắc này đã trở thành định hướng chỉ đạo để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, cho đến ngày nay vẫn còn giá trị thời sự, thực tiễn sâu sắc, sinh động.

Đề cương về văn hóa Việt Nam chính là Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng, thể hiện quan điểm chiến lược về nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mà chúng ta sẽ xây dựng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Bản Đề cương khẳng định: “Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa” (6). Từ Cương lĩnh đầu tiên này, Đảng ta đã phát triển quan điểm lý luận về văn hóa qua các thời kỳ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã phát triển văn hóa kháng chiến và con người kháng chiến tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc chiến thắng kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, ở miền Bắc đã tiến hành công cuộc xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuộc sống mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam, xây dựng văn hóa chống Mỹ cứu nước để thực hiện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam. Khi đất nước thống nhất, non sông liền một dải, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã ban hành những nghị quyết then chốt như Nghị quyết Hội nghị lần 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998), theo đó là Nghị quyết Hội nghị lần 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (2014) và đến Đại hội Đảng lần thứ XIII là: tiếp tục xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định là phải xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ. Theo đó, văn hóa, con người phải là sức mạnh nội sinh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã diễn ra sôi động và đã có những kết quả tốt đẹp trên phạm vi cả nước, chính là sự phát triển và hiện thực hóa nguyên tắc “đại chúng hóa” trong xây dựng văn hóa hiện nay. Như vậy, các nguyên tắc “dân tộc hóa”, “khoa học hóa” và “đại chúng hóa” trong Đề cương về văn hóa Việt Nam cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thực tiễn thời sự cập nhật trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đa dạng và phức tạp.

Kế thừa và phát triển quan điểm lý luận của Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nhiệm vụ quan trọng của cách mạng nước ta là phải bảo vệ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” (7).

3. Xác định nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của các nhà văn hóa mác xít, các chiến sĩ văn hóa trong tiến trình cách mạng văn hóa ở nước ta

Với ý nghĩa là nền tảng lý luận văn hóa đầu tiên của Đảng, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã chỉ rõ: để có được văn hóa cách mạng trong thời điểm những năm 40 của TK XX, thì cần phải tiến hành các biện pháp công khai và bí mật, với nhiều hình thức khác nhau và “nhiệm vụ cần kíp” của những nhà văn hóa mác xít lúc này là phải “chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân”; “phát huy văn hóa dân chủ thông qua việc tranh đấu bảo vệ học thuyết, tư tưởng, làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng”; “làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng; tranh đấu về tiếng nói, chữ viết, thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, xác định phong cách văn Việt Nam, cải cách chữ quốc ngữ…” (8). Có thể nói, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đặt nền móng, gợi dẫn, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Từ sau năm 1986, những quan điểm lý luận về văn hóa xã hội chủ nghĩa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Đảng kế thừa, bổ sung, phát triển, mà Nghị quyết Hội nghị lần 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII là văn kiện tiêu biểu nhất. Nghị quyết đã thể hiện bước phát triển mới về tư duy lý luận và năng lực đúc kết thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa đất nước những năm đầu đổi mới; kết tinh nhiều giá trị nhân văn và khoa học. Các quan điểm chỉ đạo phát triển văn hóa trong nghị quyết này đã được nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội”; “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”; “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, trong đó, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”; “Văn hóa là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng” (9). Nghị quyết Hội nghị lần 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (năm 1998) đã đánh dấu bước tiến quan trọng của quá trình xây dựng, hoàn thiện và nâng cao nhận thức lý luận về văn hóa của Đảng, làm rõ định hướng phát triển văn hóa trong điều kiện đất nước đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Năm 2014, Nghị quyết Hội nghị lần 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tiếp tục phát triển quan điểm lý luận của Đảng về phát triển văn hóa, con người - nguồn sức mạnh nội sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, Đảng cũng đưa ra một số quan điểm lý luận mới là cần phải xây dựng văn hóa trong chính trị và xây dựng văn hóa trong kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện, xây dựng, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, với khát vọng để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây chính là sự kế thừa và phát triển các quan điểm lý luận trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó Đảng ta xác định một cách đúng đắn, khoa học về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng phát triển văn hóa, con người nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao lưu, hội nhập quốc tế, chủ động thực hiện chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, quốc gia số, nền kinh tế số, văn hóa số và công dân số, tận dụng những cơ hội và vượt qua thách thức của toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức sôi động.

4. Kết luận

Từ thời điểm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 cho đến nay, nhận thức lý luận của Đảng, Nhà nước và nhân dân về văn hóa ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hơn (thể hiện trong các Hội nghị Văn hóa toàn quốc, quan điểm xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc những năm 1960, Nghị quyết Hội nghị lần 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị lần 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII). Cho đến nay, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị lý luận khoa học và thực tiễn; có tầm nhìn thời đại, xác định được sứ mệnh lịch sử và nhiệm vụ trọng đại của văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, góp phần định hướng cho cách mạng văn hóa ở nước ta qua các thời kỳ lịch sử của tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng như: thực hiện “văn hóa hóa kháng chiến” và “kháng chiến hóa văn hóa” để dân tộc ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người mới, cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc là hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; xây dựng nền văn hóa, văn nghệ chống Mỹ ở miền Nam, góp phần tích cực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tạo tiền đề lý luận quan trọng cho việc hình thành, phát triển đường lối văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.

_____________

1, 3, 4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.316-319.

2, 7. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.158, 157.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 1998, tr.55-58.

PGS, TS NGUYỄN TOÀN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;