Mở đầu
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, giáo dục đào tạo là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn nhất. Giáo dục 4.0 đã được tổng kết, đánh giá sự khác biệt so với giáo dục 1.0, 2.0, 3.0 là: sáng tạo và đổi mới giá trị…
Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong đó có ý kiến của ông Trương Nguyện Thành (Trường Đại học Hoa Sen): “Giáo dục 4.0 sẽ được đánh dấu bởi thay đổi lớn trong mục tiêu đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông qua khai lực (khai phóng tiềm lực, năng lực, và động lực) đồng thời trao quyền sáng tạo (empowering innovation) cho từng cá nhân” (1). CMCN 4.0 cũng cho thấy xu thế chuyển dịch cơ cấu việc làm từ các ngành kỹ thuật sang các ngành đòi hỏi tư duy sáng tạo. Văn hóa sáng tạo ngày càng được coi trọng.
“Công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nhiều nước. Đang xuất hiện ngày càng đông đảo tầng lớp/ giai cấp sáng tạo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, giải trí, truyền thông - giáo dục - đào tạo, y tế, pháp luật. Cùng với sự phát triển của công nghiệp 4.0 và kinh tế sáng tạo, lao động sáng tạo ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội” (2).
Trong xã hội ngày nay, bất kỳ ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải có tư duy sáng tạo. Khi các công việc ngày càng được chuyên môn hóa cao, làm theo quy trình tự động hóa, thì tư duy sáng tạo - nói cách khác là khả năng tạo nên sự khác biệt, sẽ làm nên thành công. Lịch sử cũng cho thấy, thành công của khoa học công nghệ hay văn hóa nghệ thuật đều đến từ sự sáng tạo, tìm tòi và khai phá cái mới, cái khác biệt.
Với những nhận định trên, vai trò của giáo dục trong việc khơi nguồn văn hóa sáng tạo trong mỗi người học, đặt nền tảng xây dựng những con người sáng tạo trong tương lai là vô cùng quan trọng.
1. Vai trò của nhà trường trong giáo dục tư duy sáng tạo
Theo John Dewey, “Nhà trường không có bất kỳ mục đích hoặc mục tiêu nào ngoài sự suy tưởng về sự tham gia vào đời sống xã hội” (3). Giáo dục nhà trường cũng được coi là quan trọng nhất trong việc định hướng, hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Nhà trường là cơ quan giáo dục chuyên nghiệp, có đội ngũ các nhà sư phạm được đào tạo chính quy, có nội dung, phương pháp giáo dục khoa học phù hợp với lứa tuổi, có cơ sở vật chất và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Mục đích giáo dục của nhà trường phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, bằng tri thức khoa học và phương pháp sư phạm chuẩn mực với hình thức tổ chức đa dạng, nhà trường định hướng giáo dục nhân cách cho học sinh (4). Vì vậy, với xu thế của đời sống xã hội hiện nay, vai trò của giáo dục nhà trường trong việc hình thành và phát triển tư duy sáng tạo cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng.
Lễ phát động Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 - Ảnh: VGP
Có thể thấy, tư duy sáng tạo được hình thành từ rất sớm. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã có sự tìm hiểu, khám phá cá nhân về thế giới xung quanh và tự hình thành thế giới tư duy của cá nhân mình. Từ 3-5 tuổi, trẻ em rất hay hỏi về mọi thứ xung quanh, thích tự tìm hiểu và khám phá. “Bernadette Duffy, tác giả cuốn sách Supporting Creativity and Imagination in the Early Years xuất bản bởi Đại học Oxford, đã nhấn mạnh về sự phát triển tư duy sáng tạo của trẻ như là nền tảng cho trí thông minh, đồng thời giúp trẻ có khả năng thích nghi dễ dàng với những thay đổi trong cuộc sống” (5). Tuy nhiên, tư duy sáng tạo của trẻ lúc này đến một cách tự phát, theo cảm xúc. Vì vậy, cần sự khuyến khích, dẫn dắt, định hướng của cha mẹ, thày cô và nhà trường. John Dewey cũng nhấn mạnh, phải “từ chối, phải rũ bỏ cách giáo dục áp đặt cho trẻ em những chuẩn mực và lo toan của người lớn”, sứ mệnh của người thày là “được giao nhiệm vụ phát triển cái bẩm sinh của trẻ em chứ không phải biến trẻ em thành những ông cụ non” (6).
Trong đó, vai trò của nhà trường thể hiện ở việc xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo nhằm hình thành và phát triển tư duy sáng tạo của người học. Chương trình đào tạo ở đây bao gồm các chương trình đào tạo riêng để phát triển tư duy sáng tạo (STEM, CORE…) và việc lồng ghép các nội dung nhằm phát huy năng lực sáng tạo trong các môn học chính khóa khác. Ở đó, thày cô đóng vai trò dẫn dắt, gợi mở để học sinh chủ động, sáng tạo tiếp nhận tri thức và sử dụng tri thức để sáng tạo nên những ý tưởng của bản thân. Trong phương châm xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức dạy học của chúng ta hiện nay, củng cố đạo nghĩa thày trò không có nghĩa là thày bảo ban, chăn dắt, là người ban phát chân lý, trò phải phục tùng một cách tuyệt đối. Chúng ta đang xây dựng môi trường dân chủ trong nhà trường, đang đề cao vai trò chủ động, tích cực của người học (7).
Gần đây, có ý kiến của một học giả cho rằng, cần phải bỏ chữ “lễ” trong tư duy giáo dục để phát triển được sự sáng tạo của học trò. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tinh thần tôn sư trọng đạo, nghĩa thày trò càng là yếu tố quan trọng góp phần định hướng, dẫn dắt và thúc đẩy tư duy sáng tạo của người học.
2. Giáo dục tư duy sáng tạo trong nhà trường hiện nay - STEM hay CORE?
Hiện nay, giáo dục tư duy sáng tạo trong nhà trường được xây dựng bằng chương trình chủ đạo là STEM (là thuật ngữ được viết tắt bởi các từ: science, technology, engineering, math). STEM là mô hình giáo dục giảng dạy tích hợp các kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Kiến thức các môn học được tích hợp với nhau, kết hợp cả lý thuyết và thực hành, đặt trong bối cảnh thực tế của xã hội, tạo ra những sáng kiến phù hợp với đời sống xã hội.
Các nhà khoa học đã tổng kết, giáo dục mô hình STEM có lợi thế ở sự tích hợp kiến thức, đề cao khả năng vận dụng tri thức, khả năng tự giải quyết vấn đề của học sinh và đặc biệt là khuyến khích tinh thần sáng tạo. STEM không có một phương thức học cố định, các bài học không có những đáp án cố định. STEM khuyến khích cách học sinh tìm tòi kết quả, thái độ của các em khi tìm kiếm kết quả. Các em tự tiếp nhận và vận dụng kiến thức, tự xây dựng phương pháp học cho mình, từ đó chủ động mở rộng kiến thức, phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.
Giáo dục STEM hiện nay được triển khai khá phổ biến trong các trường phổ thông trong cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng có những chính sách đầu tư khá bài bản và công phu để đưa mô hình giáo dục này vào trong nhà trường. Nhiều giáo viên đã được đi tập huấn ở các nước có mô hình giáo dục STEM phát triển như Mỹ, Đức… Chương trình giáo dục STEM cũng được xây dựng mang tính khoa học, hiện đại, đổi mới. Nhiều nghiên cứu đã đánh giá cao hiệu quả của mô hình này trong giáo dục tư duy sáng tạo cho học sinh Việt Nam hiện nay.
Nữ sinh Đà Lạt - Ảnh: Hà Hữu Nết
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mô hình STEM còn nặng về các môn học kỹ thuật, công nghệ, trong khi đó học sinh cần được học các môn học xã hội nhân văn nhằm bồi đắp trí tuệ cảm xúc, tính nhân văn… Từ đó, mô hình giáo dục CORE (creativy, originality, reciprocity, empathy) được đề xuất. Những môn học phổ biến của mô hình giáo dục này gồm: âm nhạc, văn học, nghệ thuật, lịch sử, triết học…
Trong cuốn sách Technology vs Humanity của Gerd Leonhard, nhà tương lai học này cho rằng, đặt CORE cạnh STEM là phương pháp giáo dục cân bằng giữa công nghệ và nhân văn, khiến thế hệ tương lai không dễ bị tổn thương, đào thải bởi công nghệ. Giáo dục CORE cần STEM để cải tiến phương pháp dạy học và tối đa hóa đóng góp xã hội. Ở chiều ngược lại, giáo dục STEM cần CORE để các giá trị, thành tựu không bị chệch theo hướng loại bỏ con người (8).
Hiện nay, mô hình này còn chưa phổ biến trong các trường phổ thông công lập ở Việt Nam. Trong chương trình học phổ thông, các môn văn học, nghệ thuật được giảng dạy độc lập, chưa có sự tích hợp nhiều. Các môn học về nghệ thuật đã được chú trọng nhiều hơn, tăng thời lượng trong chương trình chung nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả giáo dục. Có nhiều ý kiến đề xuất, sáng kiến, nghiên cứu để đưa các nội dung về văn học, đạo đức lồng ghép trong các môn học nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật...), tuy nhiên các giờ học này vẫn chưa phát huy được hết tính sáng tạo của học sinh, còn nặng tính hình thức, giáo điều.
Tác giả Mai Anh Tuấn, trên Tạp chí Tia sáng cũng có ý kiến: “…giáo dục nhân văn hiện nay không những phải khác kiểu giáo dục đạo đức trước đây mà còn, một cách nghiêm túc, phải có những bước đi sáng tạo để không lệch nhịp với sự chuyển đổi của thời đại công nghệ - truyền thông số. Trong đó, bước thứ nhất, là khơi gợi cảm xúc và tiếng nói nội tâm của người học” (9).
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục tư duy sáng tạo
Đổi mới tư duy giáo dục
Mọi sự thay đổi đều phải bắt đầu bằng thay đổi tư duy hành động. Cho đến lúc nào, giáo dục phổ thông vẫn còn nặng về truyền thụ kiến thức, đánh giá kết quả theo thang điểm cố định, đặt nặng kết quả điểm số để đánh giá năng lực học sinh, thì lúc đó tư duy sáng tạo còn chưa có cơ hội phát triển. Trong hệ thống các trường phổ thông công lập hiện nay, việc giảng dạy kiến thức đảm bảo theo tiến độ đề ra, với sự kiểm tra đánh giá của nhiều cơ quan quản lý, đã đặt gánh nặng lên cả người dạy và người học. Từ việc cố gắng đảm bảo truyền tải hết khối lượng kiến thức lớn khiến giáo viên không có cơ hội mở rộng bài giảng, học sinh cũng không còn đủ sức để phát huy sự sáng tạo của mình khi đã “bội thực” bởi kiến thức. Câu chuyện “thành tích” vẫn còn là câu chuyện phổ biến trong hệ thống các trường công lập. Khiến cho giáo viên định sẵn đáp án để giúp học sinh đạt điểm cao. Học sinh cũng thụ động tiếp nhận đáp án đó như “chân lý”. Tư duy sáng tạo, vì thế cũng dần bị thui chột. Rất mừng là gần đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã đề nghị “các cô giáo dạy văn đừng soạn bài mẫu để văn học phát huy trí tưởng tượng cho các em học sinh” (10). Điều đấy cho thấy tư duy giáo dục của các nhà lãnh đạo đã có những thay đổi tích cực, góp phần mở đường cho giáo dục tư duy sáng tạo được quan tâm và chú trọng. Nhìn sang hệ thống các trường phổ thông dân lập, quốc tế, từ lâu việc chú trọng giáo dục tư duy sáng tạo cho học sinh đã được đề cao từ sứ mệnh, tầm nhìn và triết lý giáo dục của nhà trường. Với quan điểm này, môi trường giáo dục của các trường dân lập, quốc tế được xây dựng thân thiện, cởi mở, đề cao cái tôi, tính sáng tạo của học sinh hơn.
Xây dựng chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa hướng đến phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh
Thay đổi tư duy biến thành hành động phải được thể hiện bằng việc xây dựng chương trình giáo dục trong nhà trường. Với chương trình giáo dục như hiện nay, học sinh phải tiếp nhận khối lượng kiến thức lớn, càng lên lớp trên càng khó, nhưng lại không có tính ứng dụng nhiều trong cuộc sống. Chương trình giáo dục cải cách đã có nhiều đổi mới trong việc tăng cường các môn giáo dục nghệ thuật trong nhà trường, tuy nhiên vẫn là chưa đủ. Các môn học chính khóa vẫn nặng về nhồi nhét kiến thức chứ chưa hướng đến tính ứng dụng trong cuộc sống, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh khi vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Các môn học ngoại khóa đã được nhà trường chú trọng hơn như các lớp học nghệ thuật: vẽ, múa, hát, nhảy… hay các câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ STEM… Tuy nhiên, khi áp lực từ các môn học chính khóa còn quá nhiều, áp lực của điểm số còn quá nặng nề, thì học sinh cũng không có nhiều thời gian để tham gia các môn học ngoại khóa.
Tập huấn, nâng cao kỹ năng, phương pháp giảng dạy của giáo viên trong hoạt động dạy học
Tư duy giáo dục không chỉ cần thay đổi ở các nhà quản lý mà ở cả đội ngũ giáo viên. Dưới tác động của đời sống xã hội, của CMCN 4.0, đội ngũ giáo viên cũng đã có nhiều thay đổi tích cực trong tư duy giảng dạy. Triết lý giáo dục nhà trường phổ thông lấy mối quan hệ thày trò làm trung tâm. Giáo viên không chỉ giảng dạy một chiều mà ngày càng quan tâm đến học sinh, tìm kiếm sự tương tác của học sinh trong giờ học, từ đó đề cao cái tôi, tư duy sáng tạo của học sinh.
Dường như câu chuyện lý thuyết đã được nghiên cứu, xác định rõ ràng. Nhưng trong thực tế, không phải giáo viên nào, giờ học nào cũng có sự tương tác tích cực giữa thày và trò, không phải giờ học nào, các em học sinh cũng được đề cao cái tôi cá nhân, tôn trọng sự khác biệt và phát triển tư duy sáng tạo. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tư duy giảng dạy theo lối mòn của giáo viên, áp lực việc phải truyền đạt hết lượng kiến thức theo kế hoạch, tư duy thành tích, áp đặt… Bên cạnh đó, việc các lớp học với số lượng học sinh lớn 40-50 học sinh, cũng khiến cho giáo viên không thể quan tâm hết tất cả các em, từ đó không phát huy được đồng đều khả năng tư duy, sáng tạo của từng học sinh. Có những em có tư chất thông minh, mạnh dạn thể hiện cái tôi, nhưng cũng còn nhiều em rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin, chưa dám thể hiện mình, hoặc e dè thái độ của thày cô. Với những trường hợp này, cần có sự nâng đỡ, khích lệ, cổ vũ của thày cô đối với những ý kiến, sáng tạo của học sinh, thay vì áp đặt, phản đối, chê bai, phê bình.
Có thể nói, giáo viên trong thời đại mới là công việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải có chiến lược đào tạo giáo viên từ trong trường đại học, cho đến khi đứng trên bục giảng. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng phải diễn ra thường xuyên, liên tục, cập nhật kiến thức, phương pháp, tư duy giáo dục mới. Việc Bộ GDĐT, Sở GDĐT Hà Nội đã đầu tư cử các giáo viên giỏi đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài về phương pháp giảng dạy STEM là những hành động tích cực, cần tiếp tục phát huy và nhân rộng.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, học liệu cho các môn học phát triển tư duy sáng tạo
Các môn học STEM hay CORE đều đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở vật chất, học liệu tốt. Điều này cũng lý giải vì sao các trường dân lập, quốc tế đã thành công trong việc xây dựng chương trình đào tạo phát huy sáng tạo của học sinh. Ở các trường này, cơ sở vật chất của nhà trường nói chung, cơ sở vật chất cho các chương trình phát triển tư duy sáng tạo được đầu tư bài bản, quy mô và chiếm ngân sách lớn của nhà trường. Trong khi đó, các trường công lập, hệ thống này mới được đầu tư ở mức cơ bản (phòng tập, lớp học, các trang thiết bị cơ bản…).
Tạo dựng nhiều sân chơi phát huy khả năng sáng tạo của học sinh
Trước đây, các cuộc thi về văn hóa, nghệ thuật (múa, hát, vẽ…) được tổ chức trong nhà trường dưới sự chỉ đạo của Phòng GDĐT, Sở GDĐT các địa phương, phần nhiều vẫn còn đại trà, máy móc, chạy theo thành tích chung, thiếu tính sáng tạo. Một số các cuộc thi do Bộ GDĐT tổ chức như Cuộc thi viết thư UPU, Vẽ tranh Toyota… được đầu tư quy mô, bài bản, đã thu hút được đông đảo học sinh, đem lại nhiều kết quả tốt, nhiều bài dự thi có chất lượng cao. Điều này cho thấy, tiềm năng sáng tạo trong giới trẻ rất dồi dào nhưng chưa có “đất” để thể hiện hết. Thời gian gần đây, giáo dục ngày càng được xã hội hóa cao, các cuộc thi, sân chơi cho các bạn học sinh, các bạn trẻ thể hiện tư duy sáng tạo của mình ngày càng nhiều. Thành công và tiếng vang của các cuộc thi như Cuộc thi sáng tạo cùng CodeKitten, Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật… do Bộ GDĐT tổ chức, hay các cuộc thi do các tổ chức trong nước và quốc tế phối hợp tổ chức như: Hà Nội là…, Tuần lễ thiết kế sáng tạo… cho thấy, các bạn trẻ cần những sân chơi để thể hiện tư duy sáng tạo của mình.
Kết luận
Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh xây dựng quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo trở thành tài nguyên quan trọng tạo ra nguồn lực cho đất nước phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu như vậy, giáo dục sáng tạo trong nhà trường phải được coi trọng đúng mức, để đào tạo ra những công dân sáng tạo làm cơ sở hình thành nên một môi trường sáng tạo cho một xã hội sáng tạo.
Nhà trường là nơi chuẩn bị cuộc sống cho con người, vì thế, để giáo dục tư duy sáng tạo không có nghĩa nhà trường chỉ cần có thêm những môn học sáng tạo như STEM hay CORE, mà chắc chắn chúng ta cần thay đổi tư duy đào tạo trong nhà trường và cả nền giáo dục. Nhà trường đóng vai trò chính trong xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo nhằm hình thành và phát triển tư duy sáng tạo của người học; xã hội tạo môi trường, hành lang chính sách, pháp lý hỗ trợ cho nhà trường; gia đình hỗ trợ nhà trường và xã hội trong định hướng giáo dục sáng tạo cho học sinh. Tất cả hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ giáo dục sáng tạo trong nhà trường.
____________________
1. Trương Thành Nguyện, Giáo dục 4.0 - Thử thách và cơ hội, news.hoasen.edu.vn.
2. Bộ Khoa học Công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, 2017, tr.23.
3, 6. Chambault R., John Dewey về giáo dục, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2012, tr.459.
4. Phạm Viết Vượng, Giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2017, tr.44.
5, 8. Hạ Thiên, Giáo dục sáng tạo: chìa khóa tương lai, vietnamnet.vn, 3-1-2020.
7. Đào Thị Oanh chủ biên, Văn hóa công nghiệp, Lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2015, tr.85.
9. Mai Anh Tuấn, Giáo dục nhân văn trong thời kỳ truyền thông - công nghệ: Giáo dục STEM hay CORE?, tiasang.com.vn, 21-10-2019.
10. quochoitv.vn, ngày 22-8-2022.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Quốc Bảo, Phạm Minh Giản, Phạm Minh Xuân, Đặng Thị Thu Liễu, Một số góc nhìn về triết lý giáo dục, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2019.
TS MAI THỊ THÙY HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022