Ngành Văn hóa - một năm nhìn lại sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Ngày 20-12-2022, Bộ VHTTDL chính thức công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành VHTTDL năm 2022. Trong đó, việc triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được xếp vị trí số 1 trong các sự kiện tiêu biểu của ngành. Có thể thấy, một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế, xã hội. Những chuyển biến ấy tạo thêm nền tảng vững chắc, động lực và niềm tin, góp phần thúc đẩy công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà.

Toàn cảnh Hội thảo văn hóa 2022

Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

 

1. Sự đổi mới về tuyên truyền và nhận thức có chuyển biến rõ rệt

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, toàn Đảng, toàn dân đã có nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Ngành Văn hóa, từ trung ương đến địa phương, đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa đến từng người dân với hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Bên cạnh đó, do ý thức được vai trò quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế, xã hội nên các cấp, các ngành liên quan cũng tham gia công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa. Nhờ đó, mỗi cán bộ, quần chúng nhân dân có ý thức sâu sắc hơn về vai trò của cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, cũng như vai trò của văn hóa trong việc phát triển kinh tế, xã hội.

Có được kết quả này cũng do công tác tuyên truyền, giáo dục được Bộ VHTTDL quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Báo Văn hóa đã mở chuyên mục “Triển khai Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc”. Các bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý… đã tập trung phản ánh những luận điểm quan trọng trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, trong đó nêu bật vai trò của văn hóa, mối quan hệ văn hóa với kinh tế và chính trị, việc xây dựng và phát triển văn hóa tại các địa phương, vùng miền… Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật hằng tháng đều có chuyên mục “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”. Chuyên mục được mở từ tháng 2-2022 trên tất cả các ấn phẩm in và điện tử. Tính đến ngày 30-11-2022 đã có 161 tin, bài của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương… được đăng tải (1). Ngoài ra, Tạp chí cũng đăng tải 6 tác phẩm tham gia giải Búa liềm vàng, với 21 bài viết về các vấn đề nóng của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội như: “Những định hướng sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển đất nước” (chùm 5 bài), các tuyến bài 3 kỳ: “Xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên-những vấn đề đặt ra”, “Xây dựng môi trường văn hóa số thích ứng với xã hội hiện đại”, “Ngành Du lịch Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19”, “Nhận diện và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong bối cảnh hội nhập”; 4 kỳ: “Bảo tồn âm nhạc truyền thống trong cộng đồng - những hướng đi cần lan tỏa.”

Báo Điện tử Tổ quốc cũng là một cơ quan truyền thông của Bộ VHTTDL, có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các hoạt động văn hóa trong nước và quốc tế. Sau một năm, các hoạt động của Báo ngày càng đa dạng, phong phú, bám sát thực tiễn của ngành. Bên cạnh đó, nhằm lan tỏa đến toàn xã hội về vai trò của văn hóa trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các chương trình phát sóng định kỳ nhằm tuyên truyền, quảng bá về hoạt động của ngành Văn hóa như: “Góc nhìn văn hóa” phát sóng lúc 11h05 hằng ngày trên VTV1 và tăng cường thêm các chương trình văn hóa, nghệ thuật đa dạng khác.

Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

 

Các ngành nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm… cũng làm tốt vai trò của mình trong việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội thông qua tổ chức các sự kiện và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu. Đặc biệt, trong thời gian cả nước chung tay chống lại đại dịch COVID-19, hoạt động văn hóa nghệ thuật góp phần tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước.

Cùng với sự chuyển biến về nhận thức, nhiều hội thảo, hội nghị từ cấp trung ương đến địa phương đã được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp đột phá cho sự chuyển biến về hành động. Hai trong số đó phải kể đến Hội thảo quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VHTTDL, Viện Hàn lâm KHXHVN tổ chức ngày 29-11-2022 và Hội thảo Văn hóa 2022: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL và tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 17-12-2022. Trong khuôn khổ hội thảo, các nhà khoa học tập trung xác định các vấn đề về thực trạng và giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Chúng ta tin tưởng rằng, sau các Hội thảo khoa học này, từ nhận thức, việc nâng cao vai trò, vị trí của văn hóa sẽ được chuyển biến thành các hành động cụ thể, đạt kết quả cao.

2. Việc triển khai nhiệm vụ phát triển văn hóa đi vào thực chất, đạt hiệu quả cao

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp để chấn hưng văn hóa. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cùng với việc ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, các địa phương, các ban ngành đã triển khai ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp này. Với việc xây dựng kế hoạch chi tiết, bài bản, công tác văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2022 đã có nhiều kết quả nổi bật.

Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 3

Ảnh: Tuấn Minh

 

Thứ nhất, công tác xây dựng môi trường văn hóa được đẩy mạnh.

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ VHTTDL đã phát động chủ đề công tác năm: “Năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”. Có thể nói, “xây dựng môi trường văn hóa” là vấn đề được toàn ngành hết sức quan tâm.

Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026. Đây là căn cứ để Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung trong phong trào có trọng tâm, trọng điểm; kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện phong trào kịp thời được ban hành đến các cấp, các ngành và người dân. Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 470/KH-BCĐ ngày 17-2-2022 về kiểm tra thực hiện phong trào. Năm 2022, đã có 5 Đoàn thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra gồm: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ VHTTDL kiểm tra tại 10 tỉnh (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bà Rịa -Vũng Tàu, TP.HCM) nhằm đánh giá thực trạng phong trào, những thuận lợi, khó khăn, kết quả thực hiện (2). Như vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa không còn được xem là việc riêng của ngành Văn hóa mà đã nhận được sự chung tay của các bộ, ngành liên quan. Điều đó khiến cho các phong trào không còn mang tính hình thức mà đã thực sự đi đúng hướng, phát huy được hiệu quả trong đời sống xã hội.

Bộ VHTTDL cũng tổ chức thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” được bắt đầu triển khai từ năm 2021. Kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc chương trình sau khi nghiệm thu sẽ cung cấp những luận cứ khoa học về môi trường văn hóa, mối quan hệ giữa xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội; với phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ từng đơn vị, cơ quan trong ngành Văn hóa phải đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong chính đơn vị mình.

Thứ hai, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử, văn hóa được quốc tế ghi nhận.

Ngày 6-7-2022, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), tại thủ đô Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 với sự kiện: Chuyến công tác và dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 tại Ninh Bình, Hà Nội, Huế của Tổng Giám đốc UNESCO từ ngày 5 đến ngày 7-9-2022.

Tháng 12-2022, di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh là vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Cùng năm, di sản tư liệu “Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là 2 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2022.

Thứ ba, vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân được phát huy, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao hơn.

Ngành Văn hóa tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận với đời sống văn hóa. Mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được cải thiện hơn.

Sau đại dịch COVID-19, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi. Hội thi, hội diễn các cấp được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần người dân. Các hoạt động có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên, gắn kết chặt chẽ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đẩy mạnh. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, sản xuất và phổ biến phim... thuộc khu vực tư nhân được hình thành, thư viện cộng đồng bước đầu đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, Bộ đang triển khai các đề án nhằm hoàn thiện các thiết chế, sản phẩm văn hóa, thể thao, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, thể thao cho nhân dân. Cụ thể như: Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án Phát triển văn học nghệ thuật góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, Đề án đầu tư quảng bá các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của Việt Nam và thế giới…

Thứ tư, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa được chú trọng xây dựng, bồi dưỡng.

Một trong các nội dung công tác năm 2022 của Bộ VHTTDL là công tác cán bộ. Hiện nay, Bộ đang triển khai các đề án: Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030; Đề án đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong các thiết chế văn hóa - thể thao; Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Công tác phát triển nguồn nhân lực ngành Văn hóa cũng được các địa phương quan tâm đầu tư hơn, từng bước khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, sử dụng cán bộ không đúng chuyên môn.

Thứ năm, vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ được củng cố, thể hiện rõ ràng hơn.

Trong hơn một năm qua, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn vì đại dịch, vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ được thể hiện nổi bật thông qua các hoạt động sáng tác, biểu diễn nhằm tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn dân nâng cao sức mạnh tinh thần, khắc phục khó khăn. Văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức đã trở thành tấm gương sáng, động lực tinh thần đối với nhiều người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL

 

Thứ sáu, công tác hoàn thiện thể chế đạt kết quả tốt.

Từ tháng 11-2021 đến nay, Bộ VHTTDL đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 dự án luật (Luật Điện ảnh sửa đổi, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi); phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình cấp có thẩm quyền ban hành 1 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - phần về bản quyền tác giả); Việc ban hành Luật Điện ảnh sửa đổi và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi cũng được bình chọn là 2 trong số 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2022. Tại Hội thảo Văn hóa năm 2022: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nhận định Luật Điện ảnh là bước tiến mới trong công tác hoàn thiện thể chế ngành Văn hóa, khi từng bước tháo bỏ cơ chế “tiền kiểm” chuyển sang “hậu kiểm”.

Thứ bảy, đầu tư cho văn hóa gia tăng.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nguồn lực đầu tư cho văn hóa của các địa phương đã có sự thay đổi tích cực. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó đã quyết định số vốn ngân sách trung ương đầu tư phát triển văn hóa gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (3). Đặc biệt, với việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong tương lai, nguồn lực đầu tư cho văn hóa sẽ càng gia tăng mạnh mẽ.

Dự toán ngân sách năm 2022 của nhiều tỉnh/ thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. Nhiều địa phương đã chú trọng triển khai công tác xã hội hóa. Các chính sách về thuế, đầu tư đang ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cho văn hóa. Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhận được sự hưởng ứng, đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp.

3. Khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong việc triển khai hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, năm 2022 hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên, nhận thức của một số cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng chưa thực sự đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa đồng đều. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động của ngành Văn hóa. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa vào hoạt động thực tiễn còn chậm, thiếu linh hoạt, sáng tạo. Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa. Theo Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, tỷ lệ ngân sách dành cho văn hóa và thông tin chỉ chiếm 0,9% tổng ngân sách được phân bổ. Đặc biệt, trong công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Ví dụ như tại di sản Tràng An với diện tích trên 12.252 ha nằm trên địa bàn 18 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố với tổng số dân cư sinh sống khoảng hơn 47.000 người, việc bảo tồn cảnh quan và hạn chế các hoạt động xây dựng trong khu vực di tích đã tạo sức ép nhất định với hoạt động xây dựng nhà ở phục vụ nhu cầu dân sinh (4). Thứ ba, cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa còn thiếu. Các chính sách hỗ trợ đầu tư cho văn hóa từ nguồn đầu tư tư nhân, xã hội hóa còn nhiều bất cập, thiếu ưu đãi so với các lĩnh vực giáo dục, y tế.

Hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022” góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam

Ảnh: Ngô Huyền

 

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn mỏng, một số lĩnh vực thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi; đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành còn thiếu, tình trạng hẫng hụt ngày một rõ giữa các thế hệ. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng và có chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở. Việc đào tạo, tuyển chọn diễn viên, nhạc công của các đơn vị nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn. Nhiều địa phương thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất và định hướng hoạt động cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chưa phù hợp tính đặc thù của ngành, địa phương, phát sinh bất cập. Tại Hội thảo Văn hóa 2022, trong bài phát biểu tổng kết, đồng chí Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các địa phương xem xét việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị nghệ thuật nhằm tránh tình trạng khiên cưỡng, lâu dài sẽ làm mai một các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Kết luận

Sau một năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều khởi sắc. Đây là những tín hiệu tích cực để chúng ta củng cố niềm tin vào việc văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Năm 2023 sẽ là thời điểm có nhiều thuận lợi nhưng không ít thách thức đối với ngành. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và các địa phương, sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch chắc chắc sẽ có nhiều khởi sắc, tạo điều kiện để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

______________

1. Bộ VHTTDL, Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tháng 12-2022; số liệu cập nhật của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

2. Bộ VHTTDL, Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tháng 12-2022.

3, 4. Tài liệu Hội thảo Văn hóa năm 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, quyển 1, tháng 12-2022, tr.309, 409.

 

TS MAI THỊ THÙY HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;