Tác động của cơ chế thị trường đến môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống

Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được hình thành từ lâu đời, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, dưới tác động của cơ chế thị trường, môi trường văn hóa (MTVH) trong lễ hội đã có những biến đổi trên nhiều phương diện từ cảnh quan di tích, thời gian, không gian tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa cũng như ứng xử đối với lễ hội truyền thống. Sự tác động đó có cả những yếu tố tích cực, tuy nhiên, sự chi phối của yếu tố thương mại, yếu tố lợi nhuận trong tổ chức lễ hội đang là mối đe dọa tới việc bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền và bản sắc dân tộc trong các lễ hội truyền thống.

1. Đặt vấn đề

Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là một hiện tượng văn hóa - xã hội rất phong phú về mặt nội dung, đa dạng về mặt hình thức. Lễ hội truyền thống chứa đựng các giá trị văn hóa tiêu biểu của một địa phương, tộc người, là một thành tố quan trọng tạo nên văn hóa tộc người.

Trong khi đó, MTVH được hiểu là tổng hòa các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần tác động đến con người và cộng đồng trong một không gian và thời gian xác định (1). Nội hàm MTVH rất rộng, nó đề cao vai trò của con người với tư cách là sản phẩm văn hóa, đồng thời là chủ thể sáng tạo văn hóa trong mối quan hệ ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, tạo sự ổn định, phát triển hướng tới các giá trị chân thiện mỹ, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Vậy, MTVH có thể hiểu với nghĩa rộng nhất là sự hiện hữu các yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể do con người sáng tạo ra; sự hiện hữu cả yếu tố vật thể tự nhiên bao quanh con người; sự hiện diện các nhân cách văn hóa trong không gian, thời gian xác định, quan hệ tác động lẫn nhau hướng con người đến những chuẩn mực giá trị xã hội (2).

MTVH trong lễ hội được hiểu là tổng hòa các điều kiện văn hóa tinh thần cũng như vật chất, tồn tại xung quanh con người và tác động tới hoạt động của con người trong quá trình thực hành lễ hội. Đó là những nhận thức và hành vi của cá nhân và cộng đồng được biểu hiện ở những quy mô khác nhau thông qua hoạt động của các thiết chế về các nội dung gắn với các yếu tố tâm thức, tâm linh mang tính nghi lễ và các hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa… nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần và góp phần hình thành lối sống lành mạnh, gắn kết, bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng…

2. Những biểu hiện của sự tác động cơ chế thị trường đến MTVH trong lễ hội truyền thống

Cảnh quan, không gian, thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội

Cơ chế thị trường với nền kinh tế hàng hóa, kích thích tính năng động, sáng tạo của các chủ thể, kích thích lực lượng sản xuất phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… đã làm cho đời sống người dân ngày càng nâng cao. Kinh tế thị trường thúc đẩy hoạt động văn hóa theo hướng xã hội hóa. Nhờ có điều kiện về kinh tế mà hiện nay, không gian, cảnh quan và địa điểm tổ chức lễ hội đã có nhiều thay đổi tích cực. Những cơ sở thờ tự, địa điểm tổ chức lễ hội được tôn tạo, trùng tu, xây dựng mới to đẹp hơn, đáp ứng số lượng người tham dự lễ hội ngày càng đông. Tăng trưởng kinh tế dẫn đến đời sống nhân dân được nâng lên đã tạo điều kiện thực hiện các vấn đề tín ngưỡng, tâm linh.

Do đáp ứng nhu cầu của người tham dự, quy mô của các hội làng cũng được mở rộng cả về không gian và thời gian. Nhiều lễ hội làng có xu hướng biến thành lễ hội của nhiều làng, nhiều xã, thậm chí là lễ hội chung của huyện. Đối tượng người đến dự hội không chỉ là dân làng, mà còn nhiều du khách thập phương, có cả du khách nước ngoài. Quy mô của lễ hội ngày càng mở rộng, số lượng người tham gia ngày càng lớn, gây ra sự quá tải về không gian tổ chức lễ hội. Sự quá tải người tham dự đã gây nên sự hỗn loạn, ảnh hưởng tới trật tự an ninh và gây mất an toàn cho người tham dự. Một số ví dụ như lễ hội cướp phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), khai ấn đền Trần, cướp hoa tre trong lễ hội Gióng... Không gian lễ hội còn được mở rộng thành siêu không gian nhờ có truyền thông. Người dân không đi lễ hội nhưng quan sát, “tham dự” trên màn hình tivi, mạng xã hội... Sự mở rộng không gian lễ hội cũng đặt ra nhiều yêu cầu về quản lý cả không gian vật chất của lễ hội cũng như tại không gian ảo - các mạng xã hội. Thực tế cho thấy, gần đây, có rất nhiều những thực hành lễ hội đã có từ lâu đời bị đưa ra phê phán vì cho rằng mang tính bạo lực, không phù hợp với cuộc sống ngày nay như lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh; nghi lễ đâm trâu trong một số lễ hội của các dân tộc ở Tây Nguyên...

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của khách tham dự, nhu cầu quảng bá du lịch, một số lễ hội truyền thống vốn được tổ chức tại các địa điểm gắn với tự nhiên như khu ruộng trống, sườn đồi, gốc cây, bìa rừng... thì nay được đưa vào các sân vận động của xã, huyện, các khu trung tâm, nhà văn hóa... Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới không gian thiêng nơi diễn ra các lễ hội truyền thống.

Do sự tác động của cơ chế thị trường nên hầu hết các lễ hội làng đều rút ngắn thời gian tổ chức từ 3-5 ngày thành 1 ngày. Một số lễ hội vùng, hay liên vùng mang tính chất hành hương thì được tổ chức dài ngày, như lễ hội chùa Hương, lễ hội Quốc Mẫu Tây Thiên, các lễ hội thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu, các lễ hội gắn với du lịch...

Các hoạt động văn hóa trong lễ hội truyền thống

Cùng với sự phát triển kinh tế và xu hướng xã hội hóa kinh phí tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa trong lễ hội ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tham dự. Đến với các lễ hội truyền thống, con người không chỉ thỏa mãn về nhu cầu tâm linh mà còn thỏa mãn về vui chơi giải trí. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi theo hướng tích cực của các hoạt động văn hóa trong lễ hội truyền thống, cũng phát sinh những mặt hạn chế trong công tác tổ chức.

Chủ trương xã hội hóa việc tổ chức lễ hội đã bị hiểu sai và làm sai, dẫn đến thả lỏng cho các địa phương tùy nghi vận dụng mà hệ quả là có quá nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc tổ chức lễ hội, bao trùm lên tất cả là xu hướng thương mại hóa. Trong nhiều lễ hội, đôi khi người ta quá coi trọng mục tiêu hiệu quả kinh tế mà quên đi mục đích tôn vinh văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội. Rất nhiều lễ hội còn nặng hình thức, phô trương và coi nhẹ nội dung giáo dục, văn hóa. Ở một số nơi, lễ hội bị coi là một loại hàng hóa để kinh doanh chứ không còn là một hoạt động tinh thần lành mạnh của người dân.

Trước hết là những biến tướng trong việc xây dựng các kịch bản lễ hội. Từ nội dung đến hình thức của khá nhiều lễ hội đã bị biến dạng so với nguồn gốc ban đầu, bị pha tạp, lai căng, thậm chí cố bắt chước nước ngoài, tăng cường một cách thiếu thận trọng việc sân khấu hóa nội dung cả phần lễ và phần hội, gán ghép khiên cưỡng nội dung và hình thức hiện đại vào nội dung và hình thức truyền thống của lễ hội, gây ra sự khập khiễng, phản cảm... Ví dụ như các tiết mục văn nghệ trên sân khấu trong các lễ hội dân gian lại mang tính thời đại, trẻ trung, các bài hát, điệu múa hiện đại, thị trường... chỉ nhằm thu hút khách đến tham dự, để tăng nguồn thu cho địa phương. Do vậy, giá trị văn hóa của lễ hội đã bị lu mờ, nhiều lễ hội đã “mất thiêng”. Chính việc tổ chức quá nhiều lễ hội, sự học tập, tiếp thu xô bồ, thiếu chọn lọc của những thôn, làng, xã tại nhiều địa phương nước ta càng làm cho bộ mặt văn hóa lễ hội thêm méo mó. Theo thống kê, nước ta hiện có gần 8.000 lễ hội, song thực tế cho thấy, hiếm tìm được lễ hội vẫn còn giữ được bản sắc riêng. Các lễ hội đang tăng mạnh về lượng, nhưng cũng giảm mạnh về chất.

Do mặt trái cơ chế thị trường tác động làm cho lễ hội tổ chức chưa đúng nghi thức cổ truyền, mất cân đối giữa phần lễ và phần hội, có địa phương nghiêng về phần lễ, phần hội ít được chú trọng, thậm chí không được tổ chức và ngược lại có địa phương chỉ chú trọng phần hội để thu kinh phí mà coi nhẹ phần lễ, làm giảm tính linh thiêng, trang trọng của nghi lễ truyền thống. Các trò chơi dân gian đặc sắc không được tổ chức hoặc có tổ chức nhưng rất ít, thay vào đó là các môn thể thao hiện đại, có nơi còn để diễn ra các trò chơi mang tính thương mại có tính chất cờ bạc đỏ đen như cò quay, vui chơi có thưởng trá hình.

Để thu hút khách tham dự, nhiều lễ hội đã không ngần ngại tổ chức xác lập các kỷ lục trong lễ hội. Việc xác lập những kỷ lục trong lễ hội và đặc biệt là những kỷ lục liên quan đến đồ ăn gây lãng phí lớn trong khâu tổ chức vì hầu hết chúng chỉ mang tính chất trưng bày chứ không thể sử dụng được.

Hiện tượng nâng cấp các lễ hội một cách tràn lan, đưa những yếu tố sốc, độc, lạ nhằm thu hút khách du lịch cũng không hiếm với các lễ hội truyền thống. Lễ hội Ná Nhèm của người Tày ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ. Mặc dù, hình thức rước sinh thực khí trong lễ hội vẫn được tiến hành hằng năm nhưng việc thay đổi hình dạng của sinh thực khí to hơn nhiều lần và giống thật hơn lại là câu chuyện được nhiều người quan tâm. Nhiều người cho rằng nó không phù hợp với truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, từ khi lễ hội Ná Nhèm có sự thay đổi đã thu hút rất nhiều người tham dự mà đa phần vì sự hiếu kỳ…

Sự tác động của cơ chế thị trường khiến cho nhiều hoạt động trong lễ hội trở thành việc buôn bán hành động thiêng. Lễ hội chọi trâu (Đồ Sơn, Hải Phòng) là một ví dụ. Trước đây, cả tổng Đồ Sơn có 14 giáp (Đồ Sơn 6 giáp, Đồ Hải 6 giáp và Ngọc Xuyên 2 giáp) thì mỗi giáp phải có một con trâu để dự thi vòng loại, sau đó chọn lấy 6 con trâu để thi đấu ở vòng chung kết. Nhưng hiện nay, ban tổ chức bỏ thi đấu vòng loại, các con trâu muốn vào thi đấu phải nộp 60 triệu đồng. Như vậy, ban tổ chức vừa bán vé thu tiền người xem lại bắt các chủ trâu phải nộp tiền (tiền trâu được tham gia, tiền dịch vụ nhốt trâu…). Mục đích lễ hội là để tận thu tiền (3).

Các hoạt động dịch vụ trong lễ hội truyền thống

Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nhu cầu của con người ngày càng cao, các hoạt động dịch vụ trong lễ hội vì thế cũng nảy sinh và chịu sự tác động của cơ chế thị trường. Tại các lễ hội truyền thống hiện nay, có rất nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa được bày bán để phục vụ khách tham dự lễ hội. Nhiều lễ hội tổ chức các hội chợ, triển lãm để trưng bày các sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương mình. Những hoạt động này đã thu hút được rất nhiều người tham gia. Tại lễ hội đền Thượng (thành phố Lào Cai), ngoài những hoạt động nghi lễ là hoạt động hội chợ trưng bày và bán các sản phẩm địa phương. Người dân mang đến lễ hội các món ẩm thực riêng của các tộc người như: bánh dày có núm vú trâu trắng của người Giáy, cơm lam, xôi màu, lạp xưởng, thịt lợn hun khói bếp, thịt trâu gác bếp, bánh chưng đen, phở chua… và các loại cây dược liệu đặc sản như thảo quả, hoa hồi, quế, atiso… Đặc biệt, món thắng cố của người Mông thu hút nhiều khách hành hương thưởng thức.

Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của hoạt động dịch vụ trong lễ hội truyền thống cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực rất dễ nhận thấy tại các lễ hội truyền thống hiện nay. Sự phát triển quá lộn xộn và không quản lý chặt chẽ các dịch vụ ăn theo lễ hội. Từ đó đã nảy sinh nhiều hành vi phản văn hóa trong việc phục vụ khách, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội ngay trong địa bàn tổ chức lễ hội: bắt chẹt khách, chèo kéo khách, cờ bạc, trộm cắp, “buôn thần, bán thánh”, gây ô nhiễm môi trường, tự động lập bàn thờ, xây miếu thờ trong khu di tích để tranh khách... Sự lộn xộn này đã phá vỡ kỷ cương và không khí tôn nghiêm vốn có của lễ hội, làm lu mờ và méo mó đi các giá trị văn hóa đích thực của lễ hội.

Không ít người trước nguồn lợi thu được từ các hoạt động dịch vụ trong lễ hội đã không ngần ngại biến hoạt động tinh thần này trở thành một dịch vụ kinh doanh kiếm lời béo bở. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, quán ăn vây quanh lễ hội, thậm chí lấn át cả lễ hội làm ảnh hưởng tới môi trường cảnh quan lễ hội và tâm lý của người trảy hội. Các dịch vụ đi kèm phát sinh trong lễ hội nở rộ và luôn song hành cùng tệ nạn o ép, chèo kéo, ép giá: dịch vụ sắp lễ, đội lễ thuê, khấn thuê trọn gói, hóa tiền vàng mã, xin xăm, xóc thẻ, giải thẻ, cầu cúng giải tội giải hạn, bán bùa cầu an, sát tà... khá lộn xộn, gây tâm lý hoang mang cho nhiều người tham dự lễ hội. Tình trạng lãng phí trong việc tổ chức cũng như tham gia lễ hội diễn ra tại nhiều nơi. Lễ vật đặc biệt là hương, vàng mã đã tiêu phí một số tiền không nhỏ.

Tất cả những hiện tượng trên đã làm thay đổi mục đích và ý nghĩa tốt đẹp của các lễ hội truyền thống. Sự tác động của cơ chế thị trường dẫn tới nhiều hoạt động dịch vụ trong lễ hội truyền thống có xu hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh của lễ hội. Điều này đã làm cho những người tham dự lễ hội không còn cảm thấy hoan hỉ mà trở nên mệt mỏi, áp lực.

Ứng xử trong lễ hội truyền thống

Xưa kia, các lễ hội truyền thống đều do người dân tự đứng ra tổ chức theo hương ước, luật tục của các địa phương. Người dân thực sự là chủ thể của các lễ hội, ai cũng thấy mình có phần trách nhiệm trong việc tổ chức lễ hội. Mọi người đều háo hức tham gia tập luyện, chuẩn bị hàng tháng cho lễ hội. Tuy nhiên, hiện nay, dưới tác động của cơ chế thị trường, quy mô và mục đích tổ chức lễ hội có nhiều thay đổi. Vì vậy, nhiều lễ hội truyền thống đã có sự thay đổi về chủ thể tổ chức. Người dân không còn đóng vai trò chủ đạo mà thay vào đó là sự chỉ đạo của các cấp chính quyền. Lễ hội ở vùng dân tộc thiểu số dù là lễ hội của một làng, một số gia đình hay một gia đình thì đều có sự tham gia tổ chức của các cấp chính quyền.

Bên cạnh đó, lễ hội truyền thống gắn với tín ngưỡng nông nghiệp, vì vậy, tổ chức lễ hội gắn với ước mong mưa thuận gió hòa, người an, vật thịnh, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, ngày nay, dưới sự tác động của cơ chế thị trường, cùng với tâm lý sùng đồng tiền, coi tiền là chuẩn mực, tiêu chuẩn để ứng xử với thánh thần đã làm cho ứng xử trong lễ hội truyền thống có sự biến đổi. Chúng ta cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh tại lễ hội đền Trần, người dân sẵn sàng chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau, phá rào cản của khu vực cấm, giằng co với bảo vệ để lấy bằng được chiếc ấn. Thậm chí là hiện tượng buôn bán ấn ở đền Trần diễn ra phổ biến. Mọi người chỉ mong lấy được ấn nhưng cũng không biết ý nghĩa thực sự của việc này, bởi họ tin rằng nếu sở hữu được ấn thì sẽ gặp may mắn, làm ăn thuận lợi, thậm chí là trở nên giàu có. Hay như lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cũng thu hút rất nhiều người tham gia vào dịp đầu năm và cuối năm với quan niệm đầu năm vay, cuối năm trả. Vì vậy, tích Bà Chúa Kho trong quan niệm dân gian chỉ là một người giữ kho lương cho nhân dân đã trở thành bà chúa kho tiền và thành chủ nợ của nhiều người. Và ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà cũng từ một vị thần vệ quốc trấn giữ chốn biên ải đã trở thành một vị thần bảo trợ cho những người chơi lô đề cờ bạc và dần dần đã trở thành nơi cầu xin đủ thứ nhất là chuyện tiền bạc.

Hình ảnh chiếc hòm công đức có thể đặt ở bất cứ đâu, từ lối vào đến chính giữa điện thờ, thậm chí cả những nơi thờ tự những liệt sĩ có công với đất nước. Quan niệm đã đi lễ là phải lễ tiền. Nếu không đặt tiền thì người ta có cảm giác là mình sẽ không được thánh thần phù hộ. Càng đặt nhiều tiền thì càng thể hiện lòng thành của người đi lễ với thánh thần. Đi kèm với nó là các dịch vụ đổi tiền lẻ cũng nở rộ để phục vụ cho nhu cầu của những người đi lễ.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy phản cảm hơn khi chứng kiến các hành động như dán tiền thật, xả vàng mã lên tượng thánh thần, vứt tiền lẻ xuống giếng... nhằm phục vụ cho mục đích cầu xin. Bất kỳ vị trí nào có thể để tiền lẻ thì người đi lễ đều cố gắng thể hiện lòng thành của mình. Đây là những suy nghĩ, biểu hiện lệch lạc khi quá tôn sùng đồng tiền và đem những ứng xử cơ chế thị trường vào trong lễ hội, trong các hoạt động tâm linh. Rõ ràng khi người ta mất đi lòng tin ở cuộc sống hiện thực hoặc thấy có quá nhiều bất trắc trong cuộc sống thì họ tìm đến một lực lượng khác kỳ vĩ, siêu nhiên hơn với sức mạnh vô biên để giúp đỡ họ. Đi lễ như một lá bùa hộ mệnh đối với nhiều người trong cuộc sống.

3. Một số giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường đến MTVH trong lễ hội truyền thống

Trước hết, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn toàn bộ hoạt động của lễ hội. Xác định vị trí, vai trò chủ đạo trong công tác tham mưu của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích trong việc quản lý, tổ chức và giải quyết các vấn đề phát sinh tại lễ hội và tại di tích, hạn chế mức thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra trong lễ hội.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành tại địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là đối với hoạt động dịch vụ trong lễ hội. Công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên, liên tục, xử lý kịp thời và nghiêm minh những hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Cải tạo cảnh quan, không gian, lựa chọn địa điểm tổ chức lễ hội cần chú trọng tới sự phù hợp với mục đích, tính chất của lễ hội, giữ được nét đặc trưng vốn có của các lễ hội truyền thống.

Trong công tác tổ chức lễ hội truyền thống, cần chú trọng việc bảo tồn những đặc trưng của các lễ hội, tránh sao chép, bắt chước các lễ hội khác mà địa phương không có. Nếu muốn đưa các yếu tố mới vào lễ hội truyền thống cần thận trọng và nên có không gian riêng dành cho những hoạt động mới để tránh làm ảnh hưởng đến những nghi thức truyền thống trong lễ hội.

Tránh tình trạng nâng cấp quy mô của các lễ hội tràn lan để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Thận trọng trong việc đưa lễ hội truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch để tránh những tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến lễ hội truyền thống.

Tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, đề cao việc nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội, để người tham dự lễ hội hiểu rõ tính chất của lễ hội cũng như mục đích tổ chức lễ hội, tránh hiện tượng mê tín dị đoan, sùng bái một cách thái quá. Tăng cường vận động nhân dân và du khách tham gia lễ hội, nhất là các hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích, ứng xử văn minh trong hoạt động tâm linh, lễ hội, không ép giá, không chèo kéo khách.

Công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng đối với những lễ hội tổ chức tốt và phê bình kịp thời những lễ hội còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội phải được chú trọng tiến hành thường xuyên sau mỗi kỳ kết thúc lễ hội. Việc tập huấn cho cán bộ quản lý di tích, cán bộ tổ chức lễ hội phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, để các tổ chức và cá nhân tích cực tham gia các nghi lễ, hoạt động vui chơi giải trí trong phần hội.

Cần có nhìn nhận đúng đắn với việc các cấp chính quyền và các công ty tổ chức sự kiện đứng ra tổ chức hoạt động của các lễ hội một cách thấu đáo. Có thể áp dụng những mô hình tổ chức lễ hội như sau: mô hình quản lý lễ hội do cộng đồng tự quản, có sự giám sát của chính quyền cơ sở, mô hình kết hợp vai trò tổ chức của Nhà nước và sự phối hợp của cộng đồng. Dù lựa chọn mô hình nào cũng cho thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và người dân trong việc tổ chức và quản lý các lễ hội truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh tác động của cơ chế thị trường đối với các lễ hội như hiện nay. Tăng cường vai trò của người dân trong công tác tổ chức để lễ hội thực sự là ngày hội của toàn dân. Tuy nhiên, cũng cần sự phối hợp tổ chức của các đơn vị chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của người đi dự hội ngày càng tăng về số lượng và mở rộng quy mô của các lễ hội trong những năm gần đây.

Như vậy, có thể thấy, dưới tác động của cơ chế thị trường, MTVH trong lễ hội truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức. Để lễ hội truyền thống thực sự là một ngày hội của cả cộng đồng, là nơi con người tìm về với cội nguồn dân tộc, thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, là nơi vui chơi giải trí lành mạnh, tái tạo sức lao động của con người… thì đòi hỏi phải có sự vào cuộc nghiêm túc và quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý thức của tất cả những người tham dự lễ hội.

________________________

1. Văn Đức Thanh, Về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.29.

2. Nguyễn Hữu Thức, Bàn về khái niệm đời sống văn hóa và môi trường văn hóa in trong Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa và môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015, tr.62.

3. Trần Hữu Sơn, Văn hóa dân gian ứng dụng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2017, tr.187.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Hồng Lý, Sự tác động của kinh tế thị trường đến lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2008.

2. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

3. Lê Trung Vũ (chủ biên), Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

4. Cục Văn hóa cơ sở, Thống kê lễ hội, bvhttdl.gov.vn, 9-6-2009.

TS VŨ THỊ UYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;