Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn

LTS: “Hóa rồng” là một giấc mơ danh vọng của người xưa muốn truyền nối cho con cháu muôn đời, thông qua rất nhiều hình thức: từ truyện kể dân gian đến những mô típ hoa văn ở nơi cao sang quyền quý như cung điện, nơi thâm nghiêm cổ kính như từ đường, đình chùa và dần đến cả những trang trí dân dã. Mô típ này xuất hiện từ thời nào là câu hỏi mà giới nghiên cứu mỹ thuật cổ mong muốn có câu trả lời thỏa đáng, căn cứ trên những khảo sát, điền dã di tích hàng trăm năm tuổi. Qua đó, có thể góp phần kiến giải nhiều điều về truyền thống văn hóa và tâm lý dân tộc. Trong hoàn cảnh xã hội ở Việt Nam, khi hệ thống di tích cổ còn chưa được thống kê, số hóa dữ liệu đầy đủ, việc trả lời câu hỏi nói trên là không dễ dàng. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật gửi đến bạn đọc chùm hai bài viết bước đầu tìm hiểu và kiến giải về lịch sử và các dạng thức tồn tại của mô típ này, đăng tải lần lượt trên Tạp chí Kỳ 1, số 485 và 488, tháng 1 và 2-2022.

Trong mỹ thuật triều Nguyễn, biểu tượng cá hóa rồng trở thành đề tài trang trí phổ biến trên nhiều vị trí kiến trúc cung đình cũng như dân gian. Được thể hiện bằng nhiều chất liệu và hình thức biểu đạt khác nhau thông qua ngôn ngữ tạo hình của điêu khắc, biểu tượng này phản ánh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, đồng thời góp phần tạo nên một nét đặc trưng của mỹ thuật triều Nguyễn và văn hóa Huế nói chung. Cá hóa rồng là đề tài được lưu truyền trong văn hóa dân gian của người Việt từ bao đời nay. Chúng đã trở thành biểu tượng của sự kiên trì, bền bỉ, cùng nỗ lực phi thường vượt qua thử thách, khó khăn để đi đến thành công.

Cá trên mái điện Trùng thiềm điệp ốc của cung Diên Thọ - Ảnh do tác giả cung cấp

Cá là con vật có thật, sống dưới nước và hết sức gần gũi, đi vào tâm thức của người Việt Nam với một ước mong giản dị, dân dã về sự no đủ, mang lại may mắn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, “...trong tiếng Hán chữ “ngư” là cá với chữ “dư” là dư thừa đều có cách phát âm là “Yu”, rất giống nhau, cho nên cá còn mang biểu tượng của sự giàu có, sung túc...” (1). Trong Nho giáo, hình ảnh con cá gắn liền với câu chuyện kinh điển trong truyền thuyết, như cá hóa rồng hay cá vượt vũ môn, đều mang ý nghĩa: để đạt được thành công là cả một chặng đường gian nan thử thách, cần phẩm chất kiên định, nỗ lực vươn lên không ngừng, không từ bỏ những khó khăn. Con cá đã tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm khi bơi ngược dòng nước, vượt qua vũ môn, để hóa thành rồng. Vì vậy, cá hóa rồng đã trở thành biểu tượng của tinh thần và khát vọng vượt qua các kỳ thi, chinh phục tri thức, nhằm đạt được thành tựu trên đường đời của nho sĩ. Bằng tri thức của mình, con người có thể thay đổi được thân phận, vị trí xã hội. Đây cũng chính là lý tưởng và khát vọng mà con người vươn tới.

Trong mỹ thuật triều Nguyễn TK XIX đến đầu TK XX, đề tài hình tượng cá hóa rồng xuất hiện ở rất nhiều di tích, điển hình như bờ nóc kiến trúc Di Luân Đường (Quốc Tử Giám), Thế Miếu, Hưng Tổ Miếu, trên mái điện Trùng thiềm điệp ốc (2) của cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, trong các ô hộc ở cổng, cửa của Hoàng thành Huế. Hình tượng này được thể hiện với nhiều dạng thức, chất liệu: tượng tròn hoặc chạm khắc ở bình phong trong kiến trúc dân gian, đúc đồng hoặc tạo hình từ đá, gỗ, khảm sành sứ, nề vữa.

Bên cạnh các linh vật được trang trí một cách nghiêm ngắn, đối xứng trên kiến trúc cung đình, biểu tượng cá hóa rồng còn xuất hiện tại các kiến trúc dân gian. Ở đó, mỗi hình tượng cá đều được nghệ nhân bám sát vào tích chuyện dân gian và hiện thực cuộc sống nhằm biểu đạt tình cảm và tư duy chủ quan của họ. Điển hình là các kiểu thức: Lý khiêu long môn (cá gáy hóa rồng), Long môn điểm ngạch, Long ngư hoặc Lưỡng ngư hóa rồng, đều là biểu tượng của sự nỗ lực, can đảm, may mắn, thành công và chiến thắng.

Biểu tượng cá hóa rồng trên các bờ nóc mái điện và cổng kiến trúc cung đình

Cụm kiến trúc tiêu biểu là bờ nóc (3) cổng Thế Tổ miếu (nơi thờ các vua nhà Nguyễn) và Hưng Tổ miếu (nơi thờ song thân của vua Gia Long). Tại đây, xuất hiện cặp tượng cá hóa rồng, thường được gọi là “Lưỡng ngư hóa rồng chầu hoa sen”, gồm hai con cá trong bố cục đối xứng nhau đang chầu vào khối hoa sen trên đỉnh mái ở giữa. Bằng chất liệu nề vữa đắp nổi, cặp tượng cá nổi bật nhờ lớp màu phủ ngoài vàng nhạt, ấm áp, lại mang một số đặc điểm của đầu rồng cách điệu, như hai mắt rồng nổi lên, miệng há to quặp lấy gờ mái kiến trúc; mũi rồng được tạo khối tròn nhẵn; các lớp đao, vân xoắn trên lưng và dưới hàm tạo ra những khối sắc nhọn của một đầu rồng uy nghi, như đối lập với những đường cong mềm mại của phần đuôi cá đang xòe ra như hai chiếc lá, trong khi phần vây, thân và đuôi cá được thể hiện rất nhịp nhàng, tự nhiên. Đầu cá chúc xuống trong tư thế con cá đang cong mình vượt qua thử thách, gian nan để hóa thành rồng.

Cách tạo hình trên cho thấy nghệ nhân vừa tả thực hình con cá trong tự nhiên lại vừa có tư duy siêu thực để tưởng tượng ra hình đầu rồng, bởi rồng là linh vật, không có trong đời thật. Nhờ vậy, biểu tượng cá hóa rồng vừa giàu tính hiện thực vừa bay bổng, trừu tượng. Nghệ nhân đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo một đề tài dân gian mang đậm tư tưởng Nho giáo vào trang trí kiến trúc cung đình. Điều đáng nói ở kiểu thức trang trí này là hai con cá lại chầu vào khối hoa sen ở giữa; hoa sen vốn tượng trưng cho sự thanh cao, tinh khiết của nhà Phật. Không những vậy, ở khu vực phía trong hai ngôi miếu thờ này, còn xuất hiện nhiều mô típ trang trí dưới ảnh hưởng của Lão giáo.

Di Luân Đường (thuộc Quốc Tử Giám - Huế) từng mang chức năng là giảng đường chính, thuộc ngôi trường duy nhất thời phong kiến có tính kỷ cương của triều Nguyễn. Có lẽ vì vậy, các cặp tượng cá chép vượt vũ môn được chọn làm trang trí trọng tâm trên đỉnh mái kiến trúc trên bờ nóc mái hạ, trọng tâm của kiến trúc tòa nhà, bên cạnh nhiều đề tài linh thú khác. Khối hình cá căng tròn, sống động với chiều dài khoảng 50cm, được đặt phía trên mái ngói lưu ly (hay còn gọi là ngói âm dương) màu vàng óng của tòa nhà. Đầu cá chúc xuống, thân to bè như chiếc lá, đuôi vắt lên đã tạo nên sự chuyển động nhịp nhàng trong bố cục tự do. Nghệ nhân tận dụng những mảnh sành, sứ, vỏ chai gắn lên khối thân cá, màu sẵn có của chúng như xanh lục, xanh lam, men ngọc, kết hợp với men vàng và trắng sứ, đem tới vẻ tự nhiên, sống động, màu sắc tươi sáng mà không quá rực rỡ. Gam màu xanh là chủ đạo của các cặp tượng cá, gợi sự linh thiêng, niềm hy vọng và sức lan tỏa. Với tạo hình và xử lý khảm sành sứ trau chuốt, những bố cục cá hóa rồng đã tạo được hiệu quả thẩm mỹ cao.

Ở vị trí trên cao cộng hưởng với ánh sáng trời phản chiếu trên chất liệu khảm sành sứ, vỏ chai, cặp tượng cá trở nên lấp lánh, nổi bật trước rất nhiều đề tài, hoa văn của công trình kiến trúc. Điều đó cho thấy, chất liệu đã góp phần quan trọng trong việc mang lại biểu cảm thẩm mỹ với đặc thù riêng, tạo nên phong cách nghệ thuật cho giai đoạn lịch sử này.

Cá hóa rồng trang trí trên ô hộc, bình phong và đài phun nước

Trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn, hình tượng cá đã xuất hiện phổ biến trên ô hộc tại các cổng, cửa ở Thế Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, cửa Chương Đức và nội thất lăng Khải Định.

Trên mỗi ô hộc, cá được đắp nổi bằng nề vữa, có sơn màu, bên cạnh những linh vật khác như rồng, phụng, lân, hổ, ngựa, voi, dơi… đem tới cảm giác sống động, giảm bớt đi sự buồn tẻ, tĩnh lặng ở công trình kiến trúc. Điều đặc biệt, các nghệ nhân tài hoa tạo nên những công trình này đều là người đến từ làng quê ven kinh thành Huế. Do vậy, cách thể hiện hình tượng con cá hóa rồng ở mỗi ô hộc được miêu tả gần gũi, thân quen và giàu tính hiện thực. Con cá được thể hiện bằng khối nổi, căng tròn trong thế vận động, như vươn mình, bật ra khỏi khuôn khổ của bức phù điêu.

Những bức cá trang trí trên ô hộc luôn có tính lặp lại theo bề ngang của công trình. Do vậy, khối của từng con cá góp phần làm thành dãy liên hoàn trong bố cục, theo nhịp điệu dích dắc. Tạo hình và biểu cảm tạo hình của các con vật như gợi cho người xem thấy chúng đang vui đùa cùng nhau, đem tới cảm giác thư thái, gần gụi, phần nào làm giảm bớt đi sự nặng nề của cấu kiện kiến trúc công trình.

Trên đài phun nước điện Kiến Trung (Hoàng thành Huế), có cặp tượng cá đắp nổi song song nhau cùng mặt hổ phù ở giữa, thường được biết đến là Song ngư hý thủy. Cặp tượng cá này được tạo hình trên hai tấm đá đặt ở tầng 3 của đài nước, xung quanh có nhiều hoa văn. Hai con cá gáy thân dài, chúc đầu, uốn cong mình lao từ phía trên xuống theo chiều thẳng đứng. Phần đầu cá được cách điệu, có mũi giống mũi rồng, miệng cá rộng, 2 cái râu nổi căng dài, chĩa ra hai bên. Phần vây, vẩy và đuôi cá được chạm sắc nét, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đài nước được tạo tác từ đá xanh, là công trình nghệ thuật tuy nhỏ bé nhưng được trang trí khá đặc sắc bởi sự pha trộn giữa phong cách nghệ thuật phương Đông và một vài chi tiết mang dấu ấn phương Tây. Chất liệu đá vốn bền vững với thời gian và phù hợp với không gian mưa nắng ngoài trời, cho đến hiện nay, đài phun nước vẫn tồn tại, nằm nép mình phía sau điện Kiến Trung vốn được xây từ thời Khải Định và đã bị đổ nát trong năm 1947. Giữa không gian tĩnh lặng ấy, đài nước với nhiều hình tượng hoa văn cùng với cặp tượng cá Song ngư hý thủy đầy sức sống, đem tới cảm giác cân bằng.

 Thông qua cảm xúc về hình khối và nhịp điệu tạo hình, các nghệ nhân xưa đã thổi vào từng bức tượng cá không khí của đời sống xã hội con người đương thời. Nhờ vậy, họ đã giúp người thời sau phần nào hiểu và tiếp cận được với người đi trước, điều mà các loại hình nghệ thuật khác khó thể hiện được.

Ngoài ra, trong kiến trúc dân gian, hình tượng cá chép vượt vũ môn hóa rồng cũng xuất hiện khá nhiều trên trang trí bình phong ở một số làng quê Huế cuối thời Nguyễn. Bên cạnh những đề tài như hoa văn lá lật, tứ thời, chữ Vạn, chữ Thọ… kiểu thức Ngư long hý thủy đã trở thành trọng tâm của bố cục khi trang trí bình phong. Nghệ nhân xưa đã tạo hình cá theo phong cách giàu tính hiện thực nhưng rất sống động nhờ cách xử lý khối và chất liệu nề vữa điêu luyện, tinh tế. Khối hình cá duy nhất căng tròn, chiếm trọng tâm của bố cục. Hai phần ba thân cá nhảy vượt lên khỏi sóng nước với đôi vây được cách điệu, rộng, dài như đôi cánh. Phần đuôi cá lấp ló, ẩn mình sau lớp sóng lô xô phía dưới, miệng cá như đang hứng dòng nước thoát ra từ miệng con rồng phía trên đang ẩn trong những đám mây cổ, tạo nên một bố cục độc đáo. Dường như con cá đang cố gắng vươn mình bật lên khỏi cơn sóng dữ phía dưới để hóa thành rồng phun nước, tạo mưa.

Nhìn chung, bức phù điêu của bình phong trên về kiểu thức Ngư long hý thủy với chất xù xì, mộc mạc của nề vữa trên màu ghi xám đã gợi vẻ đẹp nhuốm màu thời gian, vừa cổ kính, trang nghiêm lại hết sức dân dã.

Biểu tượng cá hóa rồng ở dạng tượng tròn

Ngoài những bức phù điêu đắp nổi trang trí trên kiến trúc, hình tượng cá hóa rồng còn xuất hiện trên một tượng tròn, chất liệu gỗ, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Bức tượng cá chép dài khoảng 60cm, rộng 35cm. Khối thân cá căng tròn, lưng cong, bụng ỏng, chạm xuống sàn, phần đầu chuẩn bị hóa thành rồng. Đuôi cá không vểnh lên mà lại quặp xuống. Thay vì xuất hiện vây cá như vốn có trong tự nhiên, nghệ nhân tạo thêm 2 chân sau có 5 móng như móng rồng. Trên thân cá, lớp vảy thông thường được thay thế bằng mô típ hoa văn mây cổ. Đầu cá ngửa lên phía trên và đang ngậm một đám mây cuộn xoắn. Màu gỗ tạo hình cá được để nguyên, vàng nhạt, ấm áp, bình dị. Tạo hình đặc biệt của bức tượng cá rất sống động, đầy nhịp điệu, đem tới người xem những xúc cảm mạnh về một tác phẩm dựa trên yếu tố dân gian nhưng cách tạo hình rất hiện đại. Có thể nói, nghệ nhân sử dụng xu hướng tạo hình vừa tả thực lại vừa cường điệu, với sự tưởng tượng phong phú dựa trên hiện thực tự nhiên.

Thay lời kết

 Bên cạnh những cặp tượng rồng, lân hay phụng có cấu trúc cầu kỳ và kích thước lớn, các cặp tượng cá, cá hóa rồng luôn khiêm tốn về vị trí và kích thước, thường nhỏ hơn và ở bên dưới các linh vật trên. Tuy nhiên, cấu trúc hình khối cá rất cô đọng, có tính chuyển động cao từ đuôi đến phần đầu lại làm cho cặp tượng cá luôn nổi bật. Mặt khác, chính sự cô đọng và đơn giản về khối lại mang đến điểm nhấn trong tổng thể bố cục kiến trúc giữa hằng hà các đề tài, hoa văn, bố cục trang trí, làm cho mắt người xem được ngưng nghỉ và tập trung chú ý vào đối tượng.

Ngôn ngữ điêu khắc và trang trí trở thành lợi thế vì vừa chứa đựng mỹ cảm riêng biệt lại vừa biểu đạt hết ý nghĩa tinh thần và tâm linh của biểu tượng. Ở đó có sự kết hợp cả yếu tố dân gian và cung đình. Các nghệ nhân đã chọn lọc những hình dáng cá đơn giản nhất, khi vận dụng vào tạo khối điêu khắc và trang trí, đồng thời linh hoạt thay đổi để phù hợp với tiết diện khác nhau của kiến trúc, như ô hộc, mái điện, hoặc trên cổng, cửa của công trình. Với đặc thù của ngôn ngữ điêu khắc và trang trí bên cạnh bút pháp tả thực và cường điệu, biểu tượng cá hóa rồng đã góp phần làm nên phong cách trang trí kiến trúc triều Nguyễn.

Hình tượng cá hóa rồng bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo. Tuy nhiên, ở một số vị trí kiến trúc, cá hóa rồng lại chầu vào hoa sen ở giữa hay bên cạnh chữ Vạn, cây tùng, cây mai cùng với đề tài bát bửu, là sự biểu lộ tâm linh vào sự dung hòa cùng tồn tại của ba giáo lý Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Cho dù triều đình đã có những quy định nghiêm ngặt nhưng biểu tượng cá đã phản ánh phẩm chất tạo hình dân gian trong mỹ thuật cung đình. Đây chắc chắn là một chủ đề nghiên cứu cần được tiếp tục mở rộng và so sánh với các đề tài trang trí tương tự ở những giai đoạn lịch sử khác nhau và địa điểm khác nhau, ngõ hầu đem tới những kiến giải sâu sắc hơn về tư tưởng, tâm lý và thẩm mỹ tạo hình của cha ông ta, mà bài viết nhỏ này mới chỉ dừng lại như một gợi ý.

_____________________

1. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Thừa Thiên - Huế, 2001, tr.88.

2. Trùng thiềm điệp ốc, hay còn gọi là trùng lương trùng thiềm, là một kiểu kiến trúc tuyền thống của Việt Nam, tức là kiểu nhà kép hai mái trên một nền. Nhà trước và nhà sau được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng nước nối của hai mái nhà (thuật ngữ kiến trúc là máng thừa lưu).

3. Bờ nóc là phần trên cùng của mái kiến trúc, được xây bằng gạch và đắp xi măng. Phía trên bờ nóc của các công trình kiến trúc tôn giáo, Cung đình thường được đặt trang trí các linh vật trong bộ tứ linh: long, ly, quy, phụng…

Tài liệu tham khảo

1. Phan Thuận An, Kiến trúc Cố đô Huế, Nxb Đà Nẵng, 2006.

2. Phan Thanh Bình, Nghiên cứu nghệ thuật khảm sành sứ trong mỹ thuật Cung đình thời Nguyễn, Luận án Tiến sĩ nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, 2010.

3. Trần Lâm Biền, Mỹ thuật cổ truyền Việt (giáo trình), Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, 2007.

4. Nhiều tác giả, Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế (Lê Đức Quang dịch), Nxb Hà Nội, 2019.

6. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb Hội Nhà văn, 1992.

Ths LÊ THỊ TIỀM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;