Đại dịch COVID-19 và câu chuyện về nguồn lực của Mỹ thuật Việt Nam

Hai năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của nhân loại, trong tất cả các khía cạnh đời sống từ vật chất đến tinh thần, trong tất cả các tương quan quan hệ từ cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, từ giữa các cộng đồng nhỏ hẹp với nhau đến cộng đồng chung toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng chính là khoảng thời gian có ý nghĩa với rất nhiều người sáng tạo, cùng nhau tĩnh tâm hơn, sống chậm lại, cùng nhìn nhận thêm một lần nữa vị trí và đóng góp của cá nhân vào sự phát triển chung của dân tộc, nhân loại.

Một không gian trưng bày tác phẩm trong nhà của FCAM - Ảnh: Mai Trang

Giới mỹ thuật Việt Nam đã có 2 năm cùng đất nước vượt qua nhiều thử thách chưa từng có trong lịch sử xã hội hiện đại và qua đây, nhiều người có cơ hội nhìn nhận sắc bén hơn hành trình nghệ thuật của bản thân mình, bồi đắp thêm khát vọng sáng tạo hướng đến con người, nhân loại và sự tiến bộ thẩm mỹ, nhận ra được sức mạnh nội tại của bản thân đã có gì và cần được bồi đắp ra sao.

Tự lực tổ chức các triển lãm, sự kiện nghệ thuật vì cộng đồng

Hàng chục năm qua, trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, việc mua - bán các sáng tác mỹ thuật trong nước ngày càng khởi sắc. Việc các nghệ sĩ/ gia đình nghệ sĩ tự đầu tư tổ chức một triển lãm cá nhân - nhóm đã trở thành chuyện thường nhật.

Để thực hiện được một triển lãm mỹ thuật, cần đến nhiều chi phí: tiền thuê không gian triển lãm, tiền vận chuyển sáng tác đến - về, tiền tổ chức khai mạc, chi phí hậu cần, truyền thông... Tất cả đều do cá nhân/ nhóm tác giả tự lo liệu và họ cũng có ý trông đợi vào việc bán sáng tác trong quá trình trưng bày, hoặc nhờ vào sự kiện này, thông tin về nghệ thuật của họ được biết đến rộng rãi hơn, có đa chiều dư luận quan tâm hơn, dễ thu hút sự chú ý của giới sưu tập hơn. Nếu như trong hoàn cảnh xã hội bình thường, đây là việc có thể hiểu được. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế nói chung sa sút do dịch bệnh COVID-19, việc mua hay sưu tập mỹ thuật ít nhiều bị tác động tiêu cực, mà nhiều nghệ sĩ vẫn tiếp tục dành một khoản tài chính không nhỏ để tổ chức triển lãm, trước tiên là thỏa mãn mong muốn giới thiệu sáng tác mới hoặc một hành trình nghệ thuật qua hàng chục năm, đến đồng nghiệp, công chúng, thì đây là một nỗ lực đáng khích lệ bởi người được hưởng lợi đầu tiên chính là công chúng yêu mỹ thuật. Phải nói thêm, tất cả các triển lãm mỹ thuật cá nhân, nhóm ở Việt Nam hiện nay, dù do bên nào tổ chức, đều hoàn toàn miễn phí vé vào cửa cho công chúng.

Hà Nội, một trong hai trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn nhất cả nước đã thực sự sôi động với hàng loạt các hoạt động sau một thời gian ngắn tạm im ắng vì dịch bệnh. Trong nửa cuối năm 2020, không gian triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sống động trở lại với một loạt triển lãm cá nhân, nhóm của Bùi Thanh Tâm, Duy Hòa, Nguyễn Đức Việt, Bùi Ngọc Dương, Hà Huy Mười - Nguyễn Xuân Lục, Lê Thị Hiền - Trần Thanh Thục, Lê Huy Tiếp, Trần Thược, Lương Trịnh... Không gian Art Space của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng kín lịch triển lãm của nhiều nghệ sĩ, từ cao tuổi đến rất trẻ: lão họa sĩ Ngọc Linh 90 tuổi, nhóm nghệ sĩ chưa đến tuổi 30, đến các họa sĩ đã có thành tựu nghệ thuật như Đỗ Minh Tâm, Trịnh Tuân, Nguyễn Linh... Trung tâm Triển lãm số 29 - phố Hàng Bài (thuộc Bộ VHTTDL) cũng khá kín lịch triển lãm của các họa sĩ và nhà điêu khắc đang tuổi sung sức sáng tác, nhiều trong số này là các triển lãm nhóm, do không gian ở đây được chia thành nhiều phòng nhỏ, thích hợp cho việc trưng bày cùng lúc nghệ thuật của một nhóm nghệ sĩ có phong cách khác nhau. Đây cũng là một cách làm chia sẻ về kinh phí tổ chức sự kiện chung giữa họ, đồng thời gắn kết hoạt động nhóm mang tính chất ổn định, như nhóm các họa sĩ vùng quê Kinh Bắc, nhóm các họa sĩ cùng vẽ với chất liệu sơn mài, nhóm các họa sĩ trẻ cùng khóa học...

Bên cạnh việc tự lực tổ chức triển lãm cá nhân, nhiều họa sĩ đã cố gắng chung sức cùng cộng đồng thực hiện các chương trình trưng bày, đấu giá tác phẩm mỹ thuật ủng hộ cuộc chiến chống COVID-19. Phải khẳng định, mỹ thuật là lĩnh vực nghệ thuật tiên phong trong phong trào hướng đến cộng đồng này.

Ngay trong đợt giãn cách đầu tiên của năm 2020, từ ngày 1-4-2020, Báo An ninh thủ đô và Công ty Indochine Art đã phối hợp tổ chức một chương trình đấu giá trực tuyến tác phẩm nghệ thuật và dành 100% số tiền thu được để ủng hộ y bác sĩ tuyến đầu. Chương trình bắt đầu từ 29-3 và kết thúc vào ngày 12-4-2020, với sự tham gia gửi sáng tác của 63 tác giả cả nước, trong đó có tên tuổi của nhiều họa sĩ nổi tiếng như Phan Cẩm Thượng, Lý Trực Sơn, Trịnh Tuân, Lê Trí Dũng (Hà Nội), Đặng Tiến (Hải Phòng)... 45 sáng tác đã có người mua, thu về hơn 500 triệu đồng là một thành công ngoài hình dung của ban tổ chức (1). Chương trình đã như một gợi ý và truyền cảm hứng cho rất nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước và tư nhân kết nối giới mỹ thuật tiếp tục thực hiện.

Ban Biên tập ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng, Báo Nhân Dân, phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động chương trình Tranh trong mùa giãn cách. Sau hơn 1 tháng, 44 họa sĩ trên khắp cả nước đã gửi 126 sáng tác mới nhất đến Ban tổ chức. Triển lãm được được trưng bày ở trụ sở Báo Nhân Dân và các sáng tác còn được in trong một cuốn sách do Nhà xuất bản Thông tấn cấp phép xuất bản, tổng số tiền đấu giá thu được là khoảng 500 triệu đồng, gửi đến nhiều bệnh viện tuyến đầu chống dịch.

Trong gần hai năm qua, rất nhiều chương trình triển lãm và đấu giá trực tuyến của một số cơ quan như Tỉnh Đoàn Đồng Nai và Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, các nhóm công khai trên mạng xã hội Facebook như Vietnam Art Space, Trung tâm Mỹ thuật Bụi, Viet Art Exchange, các quỹ cộng đồng như Sống Foundation, Gieo gạo, nhiều cá nhân hoạt động lâu năm trong lĩnh vực mỹ thuật đã dùng uy tín và bề dày quan hệ công việc của mình để tiếp tục kêu gọi, quy tụ hàng trăm họa sĩ, nhà điêu khắc cả nước, gửi sáng tác đến tham gia đấu giá trực tuyến hoặc gửi tặng tranh đến những bệnh viện tuyến đầu chống dịch. Chưa có một thống kê cụ thể nào về tổng số tiền thu được từ các hoạt động này trên khắp cả nước nhưng con số ước tính “hàng chục tỷ đồng” từ việc bán đấu giá khoảng 1.500 bức tranh, tượng (2) đã cho thấy sức mạnh nội lực từ hoạt động mỹ thuật trong nước hướng đến cộng đồng, chưa kể những đóng góp vô hình từ chất lượng thẩm mỹ đến tinh thần cho công chúng nói chung trong những tháng ngày mà đời sống vật chất, tinh thần của mọi người đều “căng như dây đàn” với biết bao lo lắng, đau buồn chung riêng.

Những bức tranh sơn mài đen trắng, nhiều bức có diện tích lên đến 5-7m2, của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương, bày tại không gian chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ 24 đến 30-11-2021, trong triển lãm cá nhân, tiêu đề Niệm, như một nhắn gửi tha thiết đến tất cả những ai quan tâm tới nghệ thuật và cộng đồng dân tộc mình: “Tuy đâu đó dịch bệnh vẫn hoành hành nhưng chúng ta vẫn cần phải sống, cần tình yêu và nghệ thuật. Tôi vẽ thiên nhiên, con người trên quê hương đất nước tôi, bằng tất cả tâm thức và lương tri của mình” (3). Đây là những sáng tác mới nhất của anh, được ra đời trong mạch suy tưởng về cuộc sống, về sự sống giữa những tháng ngày của đại dịch toàn cầu mà nhiều khi, ta thấm thía rằng chỉ cần được sống thôi, đã là trọn vẹn hạnh phúc.

Thêm nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ nghệ thuật

Đại dịch COVID-19 đã khiến hầu hết mọi cá nhân đều buộc phải cân đối lại các khoản chi tiêu, nhằm duy trì mức sống cơ bản thay vì dành tài chính cho các nhu cầu tinh thần. Một bức tranh, tượng có trị giá không hề thấp, tính bằng tiền triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Đây là lý do căn bản để việc thông thương mỹ thuật cũng chịu tác động tiêu cực của đại dịch.

Mặc dù vậy, giữa khó khăn chung này, vẫn xuất hiện nhiều sự kiện nghệ thuật do các doanh nghiệp tư nhân/ cá nhân trong nước hỗ trợ/ tài trợ. Cuối năm 2020, sau 5 năm gây dựng, Tập đoàn Flamingo chính thức công bố ra mắt Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo (FCAM) tại Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc). FCAM bao gồm 56 sáng tác điêu khắc đương đại hoành tráng ngoài trời, 70 sáng tác điêu khắc trong nhà và hội họa đương đại, nghệ thuật sắp đặt, video art khác của các nghệ sĩ đến từ 10 nước trên thế giới và Việt Nam (4). Đây là một bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên ở Việt Nam quy tụ đa dạng hình thức mỹ thuật (5) trong và ngoài nước. Phải nói thêm rằng, nước ta đã có ít nhất hai bảo tàng mỹ thuật tư nhân của nhà sưu tập Phan Thị Ngọc Mỹ (Hà Nội) và Bùi Quốc Chí (TP.HCM) nhưng hai địa chỉ này đều tập trung lưu giữ sáng tác hội họa hiện đại trong nước, tính từ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương đến Đổi mới.

Một số Quỹ/ Trung tâm nghệ thuật tư nhân khác như Quỹ Kim Long đã tài trợ cho triển lãm đồ họa của cá nhân hành trình nghệ thuật 10 năm của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân và triển lãm đồ họa nhóm Tranh in mini (2021); Quỹ Vũ Dân Tân đang triển khai kế hoạch xây dựng một không gian trưng bày nghệ thuật, trong đó ngoài phần tập trung giới thiệu hành trình nghệ thuật của cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân (1946-2009) còn dành một không gian cho các hoạt động cộng đồng khác; Không gian Nghệ thuật Lương Gia (Ninh Bình) tài trợ toàn bộ chi phí ăn ở, vật liệu, nhân công phụ việc, phương tiện kỹ thuật, cho một nhóm 9 nghệ sĩ điêu khắc tham gia trại sáng tác với chất liệu đá, kéo dài cả tháng trời (2021); Toong Co-working Space (chuỗi mô hình kinh doanh không gian làm việc chung ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) tiếp tục duy trì hình thức hỗ trợ trưng bày nghệ thuật/ giới thiệu nghệ sĩ đến công chúng trẻ, bao gồm không gian trưng bày, chi phí vận chuyển hai chiều cho tác phẩm, kết nối khách hàng hoàn toàn miễn phí giúp nghệ sĩ... Vincom Comtemporary Art Space (VCCA) tiếp tục duy trì hình thức tài trợ không gian triển lãm rộng tới 1.700m2 cùng nhiều chi phí hậu cần liên quan cho nhiều sự kiện mỹ thuật lớn của một số nhóm/ cá nhân nghệ sĩ như Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn (2020), triển lãm trại sáng tác của Lương Art Space Ninh Bình và triển lãm nhóm hai nghệ sĩ điêu khắc với gốm Trịnh Vũ Hiếu - Bùi Quốc Khánh (2021), mỗi sự kiện kéo dài từ 1 đến 2 tháng. VCCA thuộc Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn này cũng vừa tài trợ cho một nhóm 25 nghệ sĩ khắp cả nước tham gia trại sáng tác nghệ thuật đương đại tại Phú Quốc, theo mô hình trại sáng tác và để lại tác phẩm của nghệ sĩ vốn đã được Tập đoàn Flamingo gây dựng thành công. Gần đây, một tập đoàn đầu tư bất động sản cũng đã lập dự án hỗ trợ chi phí sáng tác và triển lãm điêu khắc cho một nhóm nghệ sĩ tên tuổi ở Hà Nội, thông qua một gallery tư nhân đóng vai trò như kết nối nghệ sĩ và tổ chức triển lãm, dự kiến sẽ trưng bày ở một địa điểm mà tương lai là bảo tàng nghệ thuật thuộc khu vực quận Long Biên, Hà Nội.

Nhiều giải thưởng/ triển lãm quốc tế gọi tên nghệ sĩ Việt Nam

Đầu tháng 11-2021, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trinh Thi của Việt Nam đã giành chiến thắng trong cuộc đua nhận tài trợ làm phim do bốn đơn vị tài trợ và tổ chức nghệ thuật có ảnh hưởng quốc tế phối hợp tổ chức: Han Nefkens Foundation (Quỹ Han Nefkens, Tây Ban Nha), M+ (Bảo tàng Nghệ thuật Thị giác đương đại Hồng Kông, Trung Quốc), Mori Art Museum (Bảo tàng Nghệ thuật Mori, Tokyo, Nhật Bản) và Singapore Art Museum (Bảo tàng Nghệ thuật Singapore). Giải thưởng có trị giá 100 nghìn USD, dành để nghệ sĩ thực hiện một tác phẩm video art mới và trình chiếu trong năm 2022 tại ba bảo tàng nói trên (6). Đây là giải thưởng được lựa chọn theo đề cử nghệ sĩ quốc tế từ nhiều giám tuyển có tên tuổi khắp thế giới, sau đó Hội đồng giám khảo chọn ra 3 nghệ sĩ vào vòng chung kết và sau đó, tiếp tục chọn nghệ sĩ duy nhất để trao giải thưởng. Video art vốn là một lĩnh vực nghệ thuật đương đại rất ít nghệ sĩ theo đuổi bền bỉ ở Việt Nam, có lẽ số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trinh Thi là một trong số đó. Chị đã có gần 20 năm gắn bó với thể loại này, từ những bản phim ngắn, trình chiếu ở những không gian nghệ thuật thể nghiệm chưa được chính thức công nhận ở Việt Nam, đầu những năm 2000. Những hoạt động sáng tạo lặng lẽ, độc lập của chị và nhiều nghệ sĩ khác đã thực sự là đóng góp quan trọng để cộng đồng nghệ thuật đương đại thế giới biết đến và biết nhiều hơn về Việt Nam.

Ưu Đàm Trần Nguyễn, Lê Giang cũng là các nghệ sĩ thị giác Việt Nam hiện được chú ý trong khu vực. Gần đây nhất, mặc dù dịch bệnh vẫn còn là vấn đề nan giải cho việc triển lãm nghệ thuật, sáng tác sắp đặt và video art của hai nghệ sĩ đã có mặt tại Asian Art Biennale (Liên hoan Nghệ thuật châu Á định kỳ 2 năm do Bảo tàng Nghệ thuật Đài Loan - Trung Quốc) tổ chức, từ 30-10-2021 đến 6-3-2022. Đây là lần thứ tám, Liên hoan này được tổ chức với một đội ngũ giám tuyển độc lập đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ trong châu lục (Ấn Độ, Philippines, Thái Lan và Đài Loan - TQ) nhằm đảm bảo tính chất khách quan và đa dạng của các tiếng nói nghệ thuật (7). Bên cạnh việc tham quan trực tiếp, công chúng còn dễ dàng tiếp cận các sáng tác thông qua những nền tảng trực tuyến như trang web chính thức của sự kiện, trang fanpage trên mạng xã hội Facebook.

Nguyễn Trinh Thi và nhóm nghệ sĩ Nhà sàn Colllective là 2 lựa chọn đến từ Việt Nam để tham gia Documenta, liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ 5 năm, tổ chức tại nước Đức, 2022, diễn ra từ 18-6 đến 25-9-2022. Đây là một trong nhưng sự kiện nghệ thuật đương đại được mong chờ của giới nghệ sĩ toàn cầu. Từ đầu tháng 10-2021, khi danh sách nghệ sĩ tham gia phiên thứ 15 này được công bố, vé tham quan sự kiện đã được mở bán, ở mức 27 Euro cho vé ngày và 125 Euro cho vé tham quan suốt mùa trưng bày (8).

Một số họa sĩ cũng tích cực tìm kiếm thông tin các cuộc thi, giải thưởng, quỹ tài trợ từ bên ngoài Việt Nam với mong muốn ban đầu là được “cọ xát, trải nghiệm và học hỏi ngay từ cách làm hồ sơ đăng ký tham dự và trau dồi tiếng Anh” (9).

Quy tụ các nguồn nội lực trong mỹ thuật - một số gợi ý

Có thể nói, đại dịch COVID-19 dường như không có quá nhiều tác động tiêu cực nổi bật đến giới sáng tác mỹ thuật. Với đặc điểm là (những người) làm việc độc lập, một mình hoặc nhóm nhỏ, tại xưởng riêng, họ thực sự là những “công nhân sáng tạo” có nhiều lợi thế, dù là mùa dịch bệnh, phải giãn cách, hay khi dòng chảy xã hội vận hành bình thường. Bên cạnh đó, sự phát triển chung của đời sống kinh tế xã hội, tuy ít nhiều bị dịch bệnh tác động tiêu cực song cũng không vì thế mà làm suy giảm quá mức nhu cầu thụ hưởng và sưu tập mỹ thuật của một bộ phận ngày càng đông đảo các thành phần xã hội, đặc biệt là những chủ doanh nghiệp, cá nhân đã có nhiều năm tích lũy trong kinh doanh cũng như tích lũy cảm xúc và tài chính dành cho nghệ thuật. Thực tế nguồn tiền và dòng tiền thông thương trong lĩnh vực này thể hiện trong vòng hai năm đại dịch vừa qua đã cho thấy rõ điều đó. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sớm quy tụ và làm bền vững hơn tất cả các nguồn lực ấy.

Trong Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (số 1755/ QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8-9-2016) có ghi rõ: “Mục tiêu đến năm 2020, ngành Mỹ thuật, nhiếp ảnh và Triển lãm thu về khoảng 80 triệu USD”, và đến năm 2030 là “khoảng 125 triệu USD”. Đây là những con số đáng để suy nghĩ bởi cho đến hiện tại, riêng trong lĩnh vực mua bán các sáng tác mỹ thuật, chưa có bất cứ một công cụ thống kê hiệu quả nào. Thực tế, hầu hết các họa sĩ, nhà điêu khắc đều hành nghề tự do và việc mua bán các sáng tác của họ được thực hiện chủ yếu qua kênh thanh toán tiền mặt. Bản thân các doanh nghiệp và cá nhân, nếu muốn lập một quỹ hoặc dự án tài trợ nghệ thuật thì cũng đều sử dụng nguồn tiền riêng, “nôm na là tiền túi cá nhân”, không thể thống kê. Đây chính là một khoảng trống trong quản lý thị trường mỹ thuật nội địa cần được cơ quan quản lý nhà nước xem xét sớm, bổ sung các công cụ quản lý cập nhật với thông lệ chung của thế giới, qua đó, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững của chính thị trường này, khơi thông được nguồn lực tiềm tàng. Trên thế giới, cá nhân/ doanh nghiệp mà trích lợi nhuận để sưu tập/ tài trợ cho nghệ thuật nói chung, bất kể là loại hình nghệ thuật nào thì ngân khoản đó sẽ được nhận ưu đãi thuế, giảm hoặc miễn. Thuế luôn là yếu tố quan trọng để minh bạch hóa dòng tiền đầu tư cho nghệ thuật và xác nhận một tác phẩm nghệ thuật là tài sản; các ngân hàng ở Thái Lan thậm chí đã cho phép đưa sáng tác mỹ thuật vào danh mục tài sản thế chấp, tương tự như nhà đất, tài sản công ty.

Một gợi ý khác là bên cạnh việc duy trì các hội đoàn nghề nghiệp mang tính chất diện rộng, phong trào như các hội thuộc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, duy trì các hệ thống giải thưởng VHNT nhằm khuyến khích phong trào sáng tác trên cả nước, giới chức quản lý cũng có thể đặt ra vấn đề thành lập Quỹ/ Hội đồng nghệ thuật quốc gia, dành cho việc thúc đẩy các sáng tác chuyên nghiệp trên tất cả các lĩnh vực của nghệ thuật nói chung, trong đó có mỹ thuật. Đây cũng là một mô hình tài trợ và thúc đẩy phát triển nghệ thuật phổ biến ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thành viên quản trị của Hội đồng nghệ thuật quốc gia sẽ đa dạng hơn: bao gồm từ nghệ sĩ đến các nhà quản trị giáo dục nghệ thuật, quỹ đầu tư, doanh nhân, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và xã hội. Hội đồng này thường hoạt động kiêm nhiệm, các thành viên là những người có uy tín trong lĩnh vực của họ và vẫn đang hoạt động tích cực nên khả năng cập nhật nhu cầu thực tiễn về đầu tư và thụ hưởng nghệ thuật cao, qua đó dễ dàng đưa ra các chiến lược, chương trình phát triển nghệ thuật trong đời sống, thúc đẩy các thể nghiệm nghệ thuật, tổ chức các chương trình/ sự kiện nghệ thuật mang tầm quốc gia, như tuần lễ nghệ thuật, các triển lãm quốc tế... góp phần giúp liên kết, quảng bá và làm nổi bật thêm vị thế của tất cả các ngành nghệ thuật trong nước, trong đó mỹ thuật không là một ngoại lệ (10).

_________________

1. Thông tin tham khảo thêm có tại: indochineart.vn, trang thông tin trực tuyến của công ty Indochine Art và cũng là nơi diễn ra 06 phiên đấu giá trực tuyến thuộc chương trình này.

2. Hải Lâm, Mỹ thuật góp sức, chung tay cùng cộng đồng chống dịch, nhandan.vn, 2-8-2021.

3. Tự sự của họa sĩ, giới thiệu tại không gian triển lãm.

4. Thông tin tham khảo thêm có tại trang tin trực tuyến của FCAM: flamingoartmuseum.com.

5. Ngày 2-10-2013, Chính phủ ban hành Nghị định 113/2013/NĐ-CP về Hoạt động mỹ thuật, trong đó, Mục 1, thuộc Điều 3, Chương 1 xác định: tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam bao gồm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác (video art, body art, nghệ thuật đa phương tiện).

6. Thông tin tham khảo có tại trang web chính thức của Han Nefkens Foundation: hnfoundation.com.

7. Thông tin tham khảo có tại trang web chính thức của Liên hoan: asianartbiennial.org.

8 Thông tin tham khảo có tại: Documenta 2022 artist list revealed (tạm dịch: Công bố danh sách nghệ sĩ tại Documenta 2022), đăng tải trên trang tin nghệ thuật trực tuyến toàn cầu: artreview.com, 1-10-2021.

9. Ý kiến của họa sĩ Phùng Huy (Hà Nội), người tham vấn tác giả bài viết về việc lập hồ sơ tham dự chương trình triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế NordArt 2022, CHLB Đức: nordart.de, 16-11-2021.

10. Mô hình Hội đồng nghệ thuật quốc gia (National Arts Council hoặc The National Council on the Arts) rất phổ biến ở mọi châu lục, từ châu Âu, châu Á đến châu Phi, Mỹ Latinh. Để liên kết quốc tế mạnh mẽ hơn, các văn phòng Hội đồng này đều lập trang web chính thức, vì thế, đây còn là “từ khóa” giúp tra cứu thông tin dễ dàng về các hội đồng này ở từng quốc gia. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Singapore đã và đang duy trì rất tốt mô hình này. Tham khảo: trang web chính thức của Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Singapore: nac.gov.sg; ở thủ đô Băng Cốc của Thái Lan hiện có Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Băng Cốc (BACC) hoạt động tương tự như mô hình của một Hội đồng nghệ thuật với nhiều sự kiện mang tầm khu vực và quốc tế, trong đó phải kể đến sự kiện triển lãm nghệ thuật đương đại Đông Nam Á trưng bày qua nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam (Viện Goethe Hà Nội, 2015), tiêu đề: Concept Context Contestation: art and the collective in Southeast Asia (Khái niệm - Ngữ cảnh - Tranh luận: nghệ thuật và cái tập thể ở Đông Nam Á). Tham khảo trang web chính thức, bản tiếng Anh, của BACC: en.bacc.or.th.

ĐÀO MAI TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;