Kịch là một thể loại đặc biệt, vừa thuộc lĩnh vực sân khấu, vừa thuộc lĩnh vực văn học. Cùng với tự sự (văn xuôi) và thơ (trữ tình), kịch làm nên nghệ thuật thi ca mà chủ thể là nhà văn. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, kịch được hiểu theo hai cấp độ khác nhau, đó là: cấp độ loại hình và cấp độ loại thể. Ở cấp độ loại hình, kịch là một trong ba phương thức cơ bản của văn học bao gồm: kịch, tự sự, trữ tình. Ở cấp độ thể loại, kịch là một thể loại tồn tại bên cạnh các loại hình nghệ thuật sân khấu khác như kịch múa, kịch hát. Viết kịch bản chính là sáng tác văn học, là xây dựng một hình tượng nghệ thuật. Văn học ở đây là nghiên cứu tính cách, môi trường, tình huống để từ đó nhân vật hành động, phải chứa đựng đặc trưng của sân khấu để có thể trình diễn được. Mỗi thời đại đều có những vấn đề tư tưởng mang đặc trưng riêng. Tính tư tưởng đòi hỏi tác giả phát hiện, khám phá những mâu thuẫn, xung đột cơ bản. Ở mỗi giai đoạn phát triển của văn học (1945-1954, 1954-1975, 1975-1986), văn học kịch lại có sự thay đổi, đáp ứng nhu cầu hiện thực khách quan, sự tiến bộ xã hội và tư duy của con người. Sự thay đổi ấy thể hiện qua nội dung, phương thức phản ánh và khuynh hướng tiếp cận chất liệu cuộc sống của văn học. Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 lấy khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng là khuynh hướng chủ đạo. Các tác phẩm kịch mang khuynh hướng sử thi đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tính chất toàn dân tộc. Nhân vật chính là những người đại diện cho phẩm chất, lý tưởng, ý chí, khí phách của dân tộc. Khám phá con người ở bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Lời văn mang giọng điệu ngợi ca, trang trọng. Khuynh hướng cảm hứng lãng mạn lại khẳng định cái tôi đầy cảm xúc, hướng tới lý tưởng; ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng hòa hợp với nhau, thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ thời đại. Từ năm 1975-1986, khuynh hướng này tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tái thiết đất nước. Các tác phẩm tiêu biểu làm say mê công chúng một thời, đó là: Đại đội trưởng của tôi, Tiếng hát tuyệt vời của Đào Hồng Cẩm, Mùa hè ở biển của Xuân Trình, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Nàng Sita… của Lưu Quang Vũ. Nhiều tác giả khác cũng có kịch bản để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, đó là các kịch bản: Đêm trắng (Lưu Quang Hà), Nhân danh công lý (Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang). Giai đoạn này, một số tác giả cũng sáng tác các vở kịch viết về đề tài lịch sử. Tác giả lấy bối cảnh, sự kiện, nhân vật trong lịch sử và trong giai đoạn chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hình tượng nhân vật là những con người mang tầm vóc đất nước, dân tộc, tiêu biểu cho lý tưởng, lẽ sống của thời đại. Nhiều câu chuyện kịch được sáng tạo dựa vào nguyên mẫu của đời thực. Tác giả khai thác những sự kiện, hành động và biến cố quan trọng trong cuộc đời nhân vật nhưng thay đổi tên, tuổi, quê quán… Một số tác giả khai thác đề tài lịch sử, dã sử, đó là các vở kịch: Đêm hội Long Trì (Phạm Ngọc Côn), Rừng trúc (Nguyễn Đình Thi)...
1. Văn học kịch giai đoạn 1986 đến nay
Khuynh hướng sáng tác giai đoạn 1986 đến nay
Sau thời kỳ Đổi mới, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đất nước ta thay đổi toàn diện. Tuy nhiên, giai đoạn này, sân khấu Việt Nam rơi vào khủng hoảng, số lượng khán giả đến rạp ngày càng thưa thớt. Các nhà viết kịch có khuynh hướng tìm tòi, trải nghiệm, sáng tạo về nội dung, hình thức nhằm làm cho sân khấu đời hơn, phản ánh hiện thực giai đoạn cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Văn học nước nhà đã bước qua giai đoạn mới, giai đoạn văn học đương đại, từ năm 1986. Làm thế nào để có một kịch bản hay, vẫn là câu hỏi mà các tác giả cần tìm hướng khai thác, sáng tạo.
Ngày 28-11-1987, Bộ Chính trị khóa VI ra Nghị quyết số 5- NQ/TW “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”, khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Với tinh thần dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật được coi trọng, các thử nghiệm, sáng tạo của tác giả được khuyến khích. Khuynh hướng sáng tác kịch bản văn học được chắp thêm đôi cánh sáng tạo trong việc xây dựng hình tượng nhân vật con người đương đại trong tác phẩm kịch, chuyển thể từ kịch bản văn học, từ lịch sử, dã sử...
Tác giả và tác phẩm
Đất nước đổi mới, sân khấu không thể bó mình trong sự hạn hẹp của tư duy, Hội diễn Sân khấu năm 1990 - Hội diễn của thời kỳ Đổi mới, với các vở: Cảnh ngộ giữa cuộc đời, Vụ án 2.000 ngày, Lời thề thứ 9, Cuộc đời tôi, Anh hùng trên ghế phạm nhân, Nửa ngày về chiều, Hồn Trương Ba da hàng thịt… góp thêm nhiều tiếng nói mạnh mẽ, phê phán cái lỗi thời, cái ác đang manh nha tung hoành, che lấp cái thiện. Các vở diễn: Hòn đất, Người sót lại của rừng cười, Kẻ sát nhân lương thiện…, tác giả dùng hình thức chuyển thể từ truyện ngắn, tiểu thuyết sang kịch bản văn học. Một số tác phẩm văn học có cốt truyện, sự kiện, tình huống phù hợp để chuyển thể, vì thế đã xây dựng nên một hình tượng nghệ thuật đẹp, thu hút khán giả. Các tác giả khai thác những sự kiện, những nhân vật có thật trong lịch sử phong kiến với cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, trở thành xu hướng chủ đạo của kịch viết về đề tài lịch sử từ 1986 cho đến nay. Nhà viết kịch Tất Đạt viết: “Sự sáng tạo của nhà viết kịch, từ xuất phát đến kết thúc, đều sử dụng ngôn ngữ văn học của hiện tại, để viết về bất cứ không gian, thời gian nào” (1). Những tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn này, đó là: Cột trụ chống trời của Nguyễn Anh Biên, Mệnh đế vương của Hùng Tấn, Độc thoại đêm của Lê Duy Hạnh... Theo Trần Thị Thư, “Các nhà viết kịch đã đứng trong tâm thế của con người hiện tại để tiếp cận với lịch sử và cách tiếp cận của họ không dừng lại ở việc nhìn nhận đúng hay sai, tốt hay không tốt, mà họ đã đưa ra những cái nhìn mang tính đối thoại và nhiều chiều đối với những vấn đề tưởng chừng như đã được đóng khung trong sử sách” (2). Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1995 xuất hiện một số vở kịch tạo ấn tượng tốt cho công chúng, khích lệ tinh thần sáng tạo của tác giả như vở: Dạ cổ hoài lang (Thanh Hoàng), Người không thể chết (Thanh Đạm), Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng). Dư luận đánh giá, ngoài vở kịch Vũ Như Tô, vở kịch được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết năm 1924 có giá trị văn học cao, còn các vở diễn khác được viết trong giai đoạn này hiệu quả đạt được là nhờ kỹ thuật diễn xuất của diễn viên và dàn dựng của đạo diễn. Theo GS Hoàng Chương, từ cuối những năm 80, nhiều tác giả viết kịch có tài bị già yếu, qua đời. “Đội ngũ viết kịch Việt Nam bị hẫng hụt và cũng từ đó, kịch bản hay cứ dần dần hiếm đi, thay vào đó, hàng loạt kịch bản thay nhau ra đời từ những người sáng tác không chuyên nghiệp. Điều đáng nói là chất lượng văn học kịch ngày càng giảm sút ngay cả ở những nhà viết kịch có kinh nghiệm” (3).
Kịch, tác phẩm kịch cho sân khấu thuộc loại hình văn học, được thử nghiệm trên sân khấu với sự phán xét của khán giả. Từ những năm đầu TK XXI đến nay, sân khấu kịch TP.HCM rộ lên các kịch bản đề tài ma, kinh dị, đồng tính… Tác giả là các đạo diễn, diễn viên trẻ hoặc các tác giả trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng. Kịch bản có cốt truyện kịch đơn giản. Trên cơ sở kịch bản, đạo diễn, diễn viên khai thác các mảng miếng, trò diễn. Dùng thủ pháp, kỹ xảo và các hình thức ánh sáng, điện ảnh… hiện đại, bắt mắt, kích thích sự tò mò của khán giả. Ngôn ngữ sử dụng đời thường, như dạng kịch sinh hoạt. Các vở diễn sân khấu khuynh hướng chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản sân khấu vẫn là một phương án tối ưu của giai đoạn này. Một loạt truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư được nhiều sân khấu, đơn vị xã hội hóa tại TP.HCM chuyển thể dàn dựng, như: Nửa đời ngơ ngác (Chiều vắng), Đời như ý, Dòng nhớ, Cánh đồng bất tận, Chuyện của Điệp… Các vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi của Hoàng Hữu Đản, Dấu ấn giao thời của Triệu Trung Kiên, Thành Thăng Long thuở ấy của Chu Thơm… mượn chuyện xưa nói chuyện nay cũng thu hút được số lượng lớn khán giả.
2. Xu hướng phát triển văn học kịch trong giai đoạn hiện nay
Sân khấu kịch Việt Nam ngày nay đã có nhiều dịch chuyển, đa dạng. Cấu trúc kịch theo dòng kịch Aristote, theo dòng kịch tự sự, tự sự biện chứng đã dần thay đổi, không còn nhất quán nữa. Nhiều kịch bản văn học hiện nay, tác giả viết đan xen các dòng kịch. Cốt truyện là linh hồn của vở diễn, tuy nhiên để tìm được một cốt truyện hay thật sự là chuyện xưa nay hiếm. Kịch bản văn học hiện nay như chỉ là cái cớ ban đầu, để từ đó diễn viên, đạo diễn phát triển, sáng tạo. Có ý tưởng, có đường dây kịch bản, người diễn viên tung hứng, làm trò. Nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, vai trò của diễn viên trong việc thể hiện hình tượng nhân vật được nhận định là khâu xung yếu nhất. Một nền sân khấu vững mạnh cần có những kịch bản văn học ưu tú. Lịch sử nhân loại và dân tộc đã minh chứng bằng những trước tác còn lưu lại. Sân khấu cần đổi mới theo kịp thời đại, tùy theo điều kiện xã hội, thị hiếu của khán giả mà nhà viết kịch thay đổi hình thức thể hiện. Dù thay đổi đến đâu thì kịch bản văn học hay với đặc trưng thể loại từ cấu trúc kịch bản, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ kịch, xung đột kịch… vẫn phải đảm bảo tính thống nhất trọn vẹn nội tại. Kịch bản văn học giữ một đời sống độc lập với vở diễn, dành cho bạn đọc. Đây là một thể loại văn học kịch sáng tạo từ thực tiễn cuộc sống mà tác giả viết nên. Kịch bản văn học và vở diễn sân khấu có mối quan hệ đồng cảm: gợi cảm xúc và sáng tạo. Vở diễn sân khấu có đời sống thứ hai, được đạo diễn, diễn viên thể hiện thành một hình tượng nghệ thuật. Đây là sự sáng tạo từ kịch bản để trở về cuộc sống. “Kịch bản văn học là bộ mặt vĩnh cửu lâu bền của sân khấu, tồn tại qua bao thời đại. Vở diễn là sự sáng tạo của mỗi thời đại cho người đương thời, làm nên bộ mặt sân khấu hiện tại. Tuyệt tác văn học kịch chắp cánh bay cho người nghệ sĩ biểu diễn. Khuynh hướng khai thác đề tài lịch sử là cái cớ để nhà viết kịch thể hiện những sáng tạo mới mang đầy chất thế sự - hiện tại. Cách nhìn của nhà văn đối với vấn đề phản ánh trong tác phẩm, “tính đối thoại với lịch sử, nhìn lại lịch sử, “Phản cổ tích”, “Giải huyền thoại”… đã tạo nên những phản ứng nhất định của dư luận và bạn đọc” (4). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các tác giả vì không dám nói thẳng, nói thật, không dám đối diện với hiện thực nên đã phải trốn vào cái vỏ bọc lịch sử để phát biểu gián tiếp nhận định, quan niệm, cách nhìn của mình về xã hội, con người cuộc sống đương thời. Viết kịch với đề tài lịch sử có điều kiện thuận lợi đó là câu chuyện, nhân vật có thực trong lịch sử. Tuy nhiên để sáng tác được một kịch bản văn học hay, thuyết phục được bạn nghề và khán giả không phải dễ dàng. Theo PGS,TS Trần Trí Trắc: “Hãy viết kịch lịch sử bằng 3 chân kiềng: bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh chính trị và bản lĩnh thẩm mỹ” (5).
Để xây dựng một nền sân khấu kịch vững mạnh, xu hướng phát triển của văn học kịch rất cần được quan tâm. Theo nhà viết kịch Tất Đạt: “Văn học kịch nằm trong tâm tư nhân vật lúc xao động nhất” (6). Khi xây dựng cốt truyện kịch, sự kiện kịch, xung đột kịch, các tình huống phải được đẩy lên cao tới mức buộc nhân vật phải thốt ra lời, như thế, như thế, không thể khác. Văn học kịch là lời nói đã được chọn lọc, nằm ở trong tâm tư nhân vật, trong đời sống và tâm hồn con người. Nhà viết kịch cần có trình độ văn hóa cao, rành rẽ về văn phong, ngữ điệu, dân tộc tính và thế giới tính… Cần có đôi mắt tinh đời, “bắt nhậy những đỉnh điểm của bão lòng, bật ra ngôn ngữ kịch” (7). Văn học kịch là hồn của sân khấu, không có nó, sân khấu chỉ là trò diễn ngoại hình. Nhà viết kịch cần thu lượm để giàu có cảm xúc, hòa nhuyễn vào tâm tư, mới viết được một tác phẩm có chất lượng văn học cao. Khi chọn tác phẩm văn học tiểu thuyết, truyện ngắn chuyển thể thành kịch bản văn học, tác giả cần chú ý đến đặc trưng của kịch, khả năng chuyển biến các tình huống kịch thành xung đột, bởi đặc trưng của kịch là xung đột.
Hiện nay, hầu hết các tác phẩm viết về con người đương thời đều đang loay hoay trong nội dung cuộc sống sinh hoạt hằng ngày với những hỉ, nộ, ái, ố cá nhân. Vẫn chưa có một kịch bản văn học nào có tính tư tưởng mang tầm thời đại. Các tác giả vẫn loay hoay tìm kiếm nhân vật trung tâm, tìm kiếm cốt truyện kịch hay. Khán giả đang chờ đợi những tác phẩm viết về chính họ, những con người của ngày hôm nay với tập hợp hành động biện chứng, thuyết phục. Sân khấu, văn học kịch cần những tác giả có tính đột phá, dự báo như Lưu Quang Vũ một thời. Cần có những tác phẩm mở đường như: Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Tướng về hưu… Hình tượng nhân vật là yếu tố quan trọng nhất của kịch bản. Những nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng đã từng xây dựng được những hình tượng nhân vật độc đáo một thời. Từ những trang bản thảo, các nhân vật, hình tượng điển hình ấy bước lên sàn diễn rồi bước vào cuộc đời: Kiều, Hoạn Thư, Sở Khanh (Nguyễn Du); Chí Phèo, Thị Nở (Nam Cao); chị Dậu (Ngô Tất Tố); chị Sứ, chị Sáu, anh Trỗi, Trương Ba, hàng thịt, ông tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp)… thật gần gũi, sống động. Họ - những nhân vật điển hình là minh chứng về con người của một thời. Con người thời đại bao giờ cũng là đối tượng của phản ánh trong nghệ thuật. Sự nghiệp đổi mới của đất nước yêu cầu những nhà viết kịch bên cạnh nêu lên những mặt tốt đẹp của cuộc sống, cần dũng cảm phanh phui những mặt tiêu cực, bài trừ, lên án của cuộc sống cần dũng cảm phanh phui những mặt tiêu cực, bài trừ, lên án cái xấu, đấu tranh cho cái mới thắng lợi. Kịch không phải là một thể loại văn học đơn thuần, không chỉ dành để đọc mà còn để diễn. Vì vậy, đặc trưng của thể loại văn học chịu sự chi phối bởi đặc trưng của nghệ thuật sân khấu. Thực tế sân khấu cho thấy rằng, để có một vở diễn thành công, điều kiện tiên quyết phải có một kịch bản hay. Khán giả ngày nay đến với sân khấu, được xem đa dạng về thể loại kịch, nhưng cái họ cần xem nhất, quan tâm nhất đó là xem con người, xem số phận con người, số phận của chính họ. Người viết kịch phải có tầm nhìn khái quát, sâu sắc về cuộc sống, phải sống cùng nhân dân, hiểu tâm tư, khát vọng của nhân dân. Từ đó xây dựng nên một tác phẩm văn nghệ độc đáo, tài tình.
______________________
1, 4, 6. Tất Đạt, Vấn đề văn học kịch, Nxb Sân khấu, 1996 tr.111, 116, 113.
2. Trần Thị Thư, Kịch lịch sử ở Việt Nam từ năm 1945, Tạp chí Khoa học xã hội, số 10 + 11 (242 + 243), 2018, tr.108-116.
3. Vũ Hoàng Chương, Vấn đề văn học kịch, tr.8, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 1996.
5. Châu Xuyên, Viết kịch lịch sử phải hội đủ 3 yếu tố, Báo Quân đội Nhân dân, 12- 8-2022.
7. Nguyễn Thế Kỷ, Văn học Việt Nam đương đại: Thành tựu và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Cộng sản, số 947, 8-2020.
Ths TRƯƠNG VĂN TRÍ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024