Nghệ thuật đánh thức các không gian bị quên lãng

Người dân tập thể Văn Chương xem vở tuồng Sơn Hậu Beyond the Mountain -  Ảnh: Hoàng Anh

Sau hơn 30 năm Đổi mới, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, bên cạnh những thành tựu đạt được về tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, có một bức tranh đáng buồn về không gian công cộng đang bị xuống cấp. Công viên bị các nhà hàng, khách sạn bủa vây. Vỉa hè bị lấn chiếm. Các khu tập thể cũ từng là niềm kiêu hãnh một thời nay đã xuống cấp, sân chơi, vườn hoa bị lấn chiếm. Ngay cả đến lối lên xuống ở các cầu thang ở đây cũng trở thành quán nước, quán bia, quầy tạp hóa… Trong tác phẩm The structural transformation of the public sphere (Sự chuyển đổi cấu trúc của khu vực công cộng) xuất bản năm 1962, của triết gia Đức Jrgen Habermas đã nhấn mạnh đến không gian công cộng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, là điều kiện để thiết lập nền dân chủ. Dân chủ làng xã xưa kia có sân đình. Chiếu chèo sân đình, tuồng đồ chính là những hình thức diễn xướng dân gian góp phần giải tỏa những bức xúc xã hội, có tác dụng giáo dưỡng tâm hồn và làm nhẹ đi những cực nhọc kiếp người. Cho đến nay, đó vẫn là không gian công cộng chuẩn mực về chất lượng của nghệ thuật, đóng vai trò kiến tạo các quan hệ xã hội.

1. Những không gian bị quên lãng ở ven sông Hồng

Không gian bị bỏ quên trong bài viết này tập trung vào những không gian đô thị, vì những lý do nào đó mà bị bỏ quên, bị biến dạng, bị chiếm dụng thành những không gian ít người qua lại thành sở hữu tư nhân. Không gian bị bỏ quên ở các đô thị tiềm ẩn những bất an cho cộng đồng, trở thành nơi tập kết rác, nơi tụ tập cờ bạc, ma túy.

Bờ vở Phúc Tân, phần bờ mép của sông Hồng đoạn chạy qua quận Hoàn Kiếm tiếp giáp các phường Phúc Tân. Từ lâu nổi tiếng là khu vực tối tăm với nghĩa đen và nghĩa bóng. Đây là khu vực bị ngủ quên trong các bản quy hoạch phát triển của thành phố Hà Nội. Thực tế dân cư ở khu vực này khá phức tạp. Phần đông là dân tứ xứ, lao động phổ thông, con em dân vạn đò, thậm chí là những thành phần thua cờ thua bạc bán nhà bán cửa cắm lều dựng trại ở đây. Thành ngữ “ra đê mà ở” cũng từ đây mà ra. Bờ vở đảm bảo sự an toàn cho hành lang thoát lũ. Nhưng tại đây thường diễn ra các hoạt động lấn chiếm đất đai trái phép, cùng với đó là nạn đổ phế liệu phế thải. Trong suốt một thời gian dài, địa bàn này thường xuyên diễn ra hoạt động buôn bán, tiêm chích ma túy, cờ bạc. Người dân sở tại rất ngại qua đây khi đêm xuống. Khu bờ Vạn Phúc Tân vì thế như một mảnh đất hoang bị bỏ quên. Về đêm nếu nhìn từ trên cao xuống, chỉ nhìn thấy một vùng tối tăm le lói vài túp lều xen kẽ những bờ suối, bờ chuối bờ lau cao ngút. Về đêm, đứng từ đây có thể nhìn thấy rõ dòng xe ô tô hối hả qua lại trên hai cây cầu Long Biên và Chương Dương rực sáng.

Thường thì có sáng xanh mới sạch đẹp. Đẹp luôn ở giai đoạn sau cùng, cũng như cần có một mảng tường trắng mịn phẳng phiu rồi mới mời họa sĩ đến đó vẽ. Ai có thể tin được chính Dự án Nghệ thuật công cộng bờ vở Phúc Tân lại đi từ đẹp tới sạch, tới sáng tươi. Ai có thể tin được chính Dự án Nghệ thuật công cộng bờ vở Phúc Tân lại được khởi đầu từ trong tối tăm hôi hám. Từ ý tưởng của KTS Phạm Tuấn Long, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, nghệ thuật đã đánh thức mảnh đất bờ vở bị bỏ quên.

Dự án được tiến hành rất khác với cách thức mà những dự án nghệ thuật công cộng trước đó tiến hành. Nó rất khác với cách thức mà dự án Con đường gốm sứ cách đấy không xa. Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân kể những câu chuyện về đời sống, về ước mơ và tham gia thay đổi chất lượng cuộc sống của cộng đồng người dân nơi đây. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ ngoài sự ủng hộ của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, phường Phúc Tân, họ còn có sự đồng tình của người dân bờ vở. Không nhận được những khoản tài trợ từ doanh nghiệp, mọi người bắt đầu từ những mảng tường gồ ghề nham nhở bong tróc, thậm chí có những đoạn ẩm mốc địa y dương sỉ mọc đầy.

Những tác phẩm của nghệ sĩ Cấn Văn Ân, Lê Đăng Ninh là những tác phẩm đặc biệt gắn bó với ký ức người dân đất bãi. Một bộ phận không nhỏ dân cư Phúc Tân từng có cuộc sống nay đây mai đó, họ lênh đênh trên những con thuyền buôn bán, ngược xuôi đánh bắt cá của dân vạn đò, hình ảnh nhà nổi của những cư dân du cư trong thành phố - họ sống trên vùng bãi bồi giữa lòng sông, khi mùa nước về họ lại trôi đi, tới mùa nước cạn, họ trở về. Một cuộc sống không điện, không nước sạch, không hộ khẩu, nằm khuất giữa bóng tối của lòng sông.

Các tác phẩm của dự án nghệ thuật Phúc Tân là dự án đầu tiên phải có quy mô lớn nhất biến rác thành nghệ thuật theo đúng nghĩa đen của nó. Các tác phẩm của Vũ Xuân Đông, Phạm Khắc Quang, Nguyễn Hoài Giang đã sử dụng vật liệu phế thải làm tác phẩm.

Từ góc độ sinh thái bảo vệ môi trường, chất liệu để làm tác phẩm con đường gốm sứ là chất liệu đòi hỏi tiêu hao năng lượng lớn sử dụng nhiều hóa chất độc hại, kim loại nặng, đặc biệt có chì và thủy ngân là những chất có hại với môi trường. Nếu như con đường gốm sứ kể rất nhiều câu chuyện, phải mang nhiều hình ảnh của nhiều nền văn hóa trên thế giới, con đường gốm sứ là nghệ thuật “kỷ lục”, nhưng không phải là dự án nghệ thuật thành công trên phương diện nghệ thuật cũng như xây dựng cộng đồng. Con đường gốm sứ cũng có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế, nhưng các nghệ sĩ Tây chỉ để lại dấu ấn văn hóa quê hương của họ. Họ giống như những nghệ sĩ du lịch tình cờ ghé qua Hà Nội thấy vui vui thì tham gia dự án. Ngược lại, nghệ sĩ quốc tế tham gia Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân đem đến những câu chuyện rất địa phương.

Những tác phẩm này dù rất mới lạ nhưng không kiểu cách, màu mè. Nó chạm vào ký ức, làm xúc động người dân nơi đây vì kể lại những câu chuyện về chính cuộc đời của họ. Nghệ thuật chen vào cuộc sống một cách tự nhiên nhất, như cách nghệ sĩ Úc George Burchett làm một con voi sắt bên bức tường rêu ẩm vốn có, mọc đầy dương xỉ. Đây cũng là chỗ trẻ con hay ra vui chơi. Những câu chuyện về dòng sông, thuyền bè, người gồng gồng gánh gánh trong các tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn, Vũ Xuân Đông là câu chuyện quá khứ luôn được các bạn trẻ yêu thích vì là những thử nghiệm mới của chất liệu đèn led inox.

Tác phẩm Rồng của dòng sông của nghệ sĩ Diego như là giấc mơ kỳ ảo hòa trộn quá khứ và tương lai. Anh đã nhận về cho mình phần khó khăn nhất: Đây là đoạn đường tối tăm, bẩn thỉu nhất, luôn sặc mùi phóng uế. Anh và các nghệ sĩ khiếm thính đã biến đoạn đường này thành khúc nhạc dạo đầu rực rỡ nhất của con đường nghệ thuật Phúc Tân. Vào ngày 20-3-2021, tại đây đã có buổi trình diễn thời trang áo dài đặc biệt của thương hiệu Chula do chính anh thiết kế. Điều đặc biệt là cùng tham gia với những người mẫu chuyên nghiệp còn có người dân địa phương.

 Những ai đến với bờ vở Phúc Tân giờ đây không khỏi ngạc nhiên, từ sáng đến khuya luôn có người qua lại vui chơi, tập luyện thể dục. Bản thân người dân Phúc Tân cũng thực sự tự hào vì dự án nghệ thuật này đã thay đổi những định kiến của người dân trong phố với người dân nơi đất bãi, bờ vở. Đây cũng là dự án nhận được nhiều sự quan tâm của các phương tiện truyền thông báo mạng, báo giấy, báo hình. Dự án này cũng nhận được nhiều bình luận tích cực từ giới học thuật trong và ngoài nước.

Buổi Lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 13 (2020) tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Số 5 - Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đông người tham dự hơn thường lệ. Dường như chưa bao giờ trong lịch sử của giải thưởng này, có đông các nghệ sĩ đương đại đến như vậy, trong số họ có cả nghệ sĩ Úc và Tây Ban Nha. Đó là các nghệ sĩ tham gia Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Một vinh dự vô cùng to lớn khi dự án này được nhận giải Vì tình yêu Hà Nội hạng mục việc làm.

2. Những không gian bị quên lãng ở khu tập thể

Đôi nét về lịch sử phát triển các khu tập thể ở Hà Nội. Hiệp định Genève (1954) chia cắt đất nước thành hai miền: Bắc, Nam. Dạng thức nhà ở cao tầng có nhiều căn hộ xuất hiện ở cả hai miền. Loại hình nhà ở này miền Bắc gọi là nhà tập thể, miền Nam gọi là cư xá. Không chỉ khác tên gọi, sự khác biệt về chế độ ở hai miền dẫn đến sự khác biệt về hình thái kiến trúc, cho đến tên gọi và cung cách quản lý.

Xin bắt đầu với tên gọi khu tập thể. Chỉ ở miền Bắc mới có tên gọi này. Xét về quy mô xây dựng, miền Bắc đã vượt xa miền Nam về diện tích xây dựng do chế độ cũ ở miền Nam chấm dứt vào năm 1975. Các khu tập thể ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh xây dựng từ năm 1974 cho tới khoảng 1985. Ở Hà Nội, khu Văn Chương, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ là những thử nghiệm bước đầu, ở quy mô nhỏ, tiếp đến là các khu Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Thanh Xuân. Đặc biệt, khu Thanh Xuân có quy mô lớn, chất lượng quy hoạch, kiểu dáng kiến trúc hiện đại nhất.

Quá trình lấn chiếm các diện tích công

Những thiết kế ban đầu của các chuyên gia Triều Tiên tạo ra những khoảng trống đủ lớn để đảm bảo khi có động đất tòa nhà này không đổ vào nhà vào nhà kia. Khoảng rộng giữa hai nhà được hình thành từ tiêu chí thuần túy kỹ thuật. Sân trống giữa các khu tập thể ở Kim Liên nhanh chóng biến thành các ruộng rau. Trong những năm chiến tranh và bao cấp thời hậu chiến, những mảnh vườn tự phát này đã góp phần quan trọng vào bữa ăn của người dân nơi đây. Sau thời kỳ Đổi mới một vài hộ gia đình thay vì trồng dăm ba luống rau, nuôi dăm ba con gà, họ đã dựng một căn nhà đơn sơ để bán giải khát, sửa xe hay một cửa hàng tạp hóa. Một diễn biến khác của những ngôi nhà mọc trái phép ở các khu tập thể thập niên 80-90 của thế kỷ trước vốn là lều lán, kho bãi của công trường xây dựng. Những người công nhân xây xong căn nhà tập thể thì ở lại luôn trong các lều lán này. Mạnh ai người đấy lấn, thời thế thay đổi các nhà tầng 1 đều đua thêm ra bên ngoài từ 10-20m. Không gian đất trồng quanh khu tập thể là phần diện tích đất công bị lấn chiếm vô tư, là kết quả sự buông lỏng quản lý trong một thời gian khá dài. Đứng trước vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, sự an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là chất lượng sống của người dân, các cấp chính quyền đã quyết liệt vào cuộc giành lại sân chơi cộng đồng. Mới đầu là láng xi măng, khi nhiều tiền hơn thì lát gạch lắp đặt cầu tụt phải đu quay khỏe tác dụng cụ luyện tập thể thao đơn giản. Và từ đó, tiếng cười đã tràn ngập khoảng sân chơi ở các khu tập thể. Sáng sáng các cụ già xuống đây múa quạt, tập Thái Cực Quyền, chiều chiều trẻ đạp xe ba bánh, đánh cầu lông, khoảng sân nhỏ đầy ắp tiếng cười. Một không gian đô thị vị nhân sinh, tuy nghèo nhưng rất dư giả chỗ chơi cho trẻ con và người già. Các hoạt động thể thao thể dục mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe tinh thần người dân. Nhưng dù là thể thao gì đi chăng nữa nó cũng không thể tạo ra những xúc cảm thẩm mỹ, sự thanh lọc tâm hồn, những biểu đạt văn hóa vốn là những điều chỉ có thể tìm thấy trong nghệ thuật.

Đánh thức sân khấu cộng đồng bị bỏ quên

So với cộng đồng dân cư ở các khu phố cổ, làng trại Hà Nội, dân cư các khu tập thể nhìn chung dân trí tương đối cao, phần đông là cán bộ công nhân viên, viên chức nhà nước. Khu vực sân chơi cộng đồng ở các khu tập thể có tiềm năng cho các hình thức nghệ thuật biểu diễn như trình diễn thời trang, hát đồng ca. Xét về diện tích bình quân người trên mét vuông sân chơi công cộng, dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng chắc chắn so với cư dân phố cổ, làng trại ở Hà Nội những không gian sân vườn của các khu tập thể sẽ gấp nhiều lần.

MV Thật bất ngờ ca sĩ của Trúc Nhân được quay tại 43 Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Đây là MV ca nhạc đầu tiên của dòng nhạc nhẹ chọn bối cảnh là khu tập thể, từ trước đến nay bối cảnh các MV ca nhạc quay ở Hà Nội thường lựa chọn cảnh hồ Gươm, Hồ Tây, Thành Cửa Bắc, 36 phố phường, quảng trường Ba Đình, đường Phan Đình Phùng với biệt thự Pháp và hàng sấu cổ. Tạo lối đi riêng, khác với phần đông các ca sĩ thời nay, Trúc Nhân cảm mến trước vẻ bình dị, đáng yêu, đặc biệt thân thiện của các khu tập thể. Ngay sau khi MV Thật bất ngờ của ca sĩ Trúc Nhân ra mắt, cộng đồng mạng đã có nhiều lợi khen về chất lượng nghệ thuật, sự tham gia của cộng đồng người dân và cách xử lý bối cảnh không gian nhà tập thể. Quận Hoàn Kiếm là quận phong phú nhất các loại hình di sản kiến trúc ở Hà Nội. Tuy không có các khu tập thể với nhiều tòa nhà, có quy hoạch như khu tập thể Kim Liên Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ… cái hay của nhà tập thể 43 Vọng Hà là nằm ngay ở sát khu Phố Cổ của quận Hoàn Kiếm. Trong MV, hình ảnh những người hàng xóm, góc bản tin, cầu thang hành lang, quần đùi áo may ô phơi dọc ngang trên lối vào dù chỉ hiện vụt hiện qua vài giây hình nhưng sẽ làm kỷ niệm khó quên. Sự tham gia diễn xuất của cư dân khu tập thể Thủy lợi này cũng góp phần không nhỏ đem đến hiệu ứng thân thương bình dị cho MV ca nhạc Thật bất ngờ của Trúc Nhân.

Sân khấu thể nghiệm cũng đã có tác phẩm rất thành công khi chọn sân chơi khu tập thể làm sàn diễn. Đó là vở Sơn Hậu - Beyond the Mountain của Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Hà Nguyên Long. So với MV ca nhạc Thật bất ngờ của Trúc Nhân, vở Sơn Hậu - Beyond the Mountain là một vở diễn đồ sộ, có tính triết luận cao. Tuồng có nguồn gốc nghệ thuật cung đình. Việc đưa một loại hình nghệ thuật sân khấu đậm chất bác học thời phong kiến đến với công chúng khu tập thể là điều chưa từng có trong lịch sử sân khấu tuồng. Trong những năm gần đây, tuồng đã đến gần hơn với đời sống, nhưng chủ yếu là diễn ở trường học.

Đôi nét về khu tập thể Văn Chương và sân chơi trước nhà B1. Khác với nhà tập thể ở 43 Vọng Hà, khu tập thể Văn Chương khá tồi tàn. Dường như từ rất lâu rồi (chắc có tới vài chục năm) căn nhà B1 không được sửa sang, quét vôi mới. Sự nhếch nhác lộn xộn, biến dạng của ngôi nhà do hoạt động cơi nới. Phía sân B1 nhìn lên lại là phần công trình phụ, làm mặt sau của ngôi nhà. Những mảng tường rêu cùng với hệ thống ống nước nhằng nhịt, làm nên sự ma quái nhất định. Sự sáng tạo của vở diễn Sơn Hậu - Beyond the Mountain mang tính đột phá chính là khả năng xuyên không của vở diễn.

Tích truyện kể rằng kể lại những xung đột triều chính. Vở diễn tương tác với không gian thực, kết hợp nghệ thuật truyền thống với âm thanh điện tử và krumping (khiêu vũ đường phố) diễn tả lại cảnh hồn Linh Tá hiện lên chém đầu Tạ Ôn Đình. Tuy mượn chuyện nước người nhưng để nói nước mình là thủ pháp quen thuộc của văn học trung đại, các tác phẩm tuồng cung đình thường được biểu diễn tại những nơi trang trọng để giáo dục lòng trung nghĩa.

Sự kết hợp nghệ thuật tuồng với nghệ thuật múa đường phố cũng góp phần hóa giải không gian bối cảnh nhếch nhác, lộn xộn xung quanh. Diễn viên biểu diễn giữa đu quay, cầu trượt và bao bọc xung quanh bởi đông đảo bà con cư dân các căn nhà tập thể xung quanh. Tuồng và nghệ thuật truyền thống là món ăn tinh thần xa lạ với cư dân nhà tập thể. Đặc điểm của cư dân các khu tập thể là tính chất nửa quê, nửa đô thành. Đa phần họ đi ra từ một miền quê nào đó, nhưng đã quá lâu rồi, gần như họ không còn ký ức gì với không gian nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Còn với loại hình nghệ thuật đường phố như hiphop, krumping cũng không diễn ra ở đây - các khu tập thể phần nào khá bảo thủ, khá dè dặt với những trào lưu nghệ thuật mới. Cấu trúc vở diễn Sơn Hậu - Beyond the moutain mang đặc trưng của nghệ thuật hậu hiện đại, khả năng dung hợp, chuyển hóa các loại hình nghệ thuật rất khác nhau. Sự tiếp nhận hào hứng của công chúng và sự tán thưởng về mặt nghệ thuật của vở diễn. Sơn Hậu là vở tuồng mang chất chính luận ca ngợi tinh thần trung quân ái quốc, ca ngợi sự chính trực, nghĩa hiệp, chất anh hùng ca đã tương tác với chính bối cảnh khu nhà tập thể. Tính chất phức tạp của ngữ cảnh, sự đan xen cũ mới, không gian và đặc tính kiến trúc mở với dãy hành lang kéo dài cho phép mọi người dễ dàng đứng xem từ trên cao.

Nghệ thuật gắn kết cộng đồng, củng cố tinh thần tập thể vốn đang dần phai nhạt sau khi Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa đang dồn ép các giá trị văn hóa cổ truyền, bản địa được xây dựng bao đời đến chỗ suy vong, tàn lụi hay biến dị, lai tạp. Trong công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, UNESCO đã sớm cảnh báo mối nguy cơ này.

Sự thay đổi thành phần dân cư ở các khu tập thể đang diễn ra từng ngày. Hàng xóm trước đây phần lớn là đồng nghiệp cùng cơ quan nên thân tình, gắn kết hơn; khi có phát sinh mâu thuẫn thì cũng dễ hòa giải, gắn kết hơn. Nhưng giờ đây, rất nhiều người từ tứ xứ về mua nhà, mang sẵn tâm lý “mất tiền mua mâm có quyền đâm thủng”. Những xung đột, va chạm với hàng xóm diễn ra nhiều hơn. Nếu như các khu chung cư mới có ban quản lý tòa nhà thì các nhà tập thể cũ gần như vô chủ. Cộng đồng dân cư các khu tập thể trước kia dễ tạo dựng sự đồng thuận, đồng lòng thì giờ đây trở nên mong manh. Hoạt động thể thao và nghệ thuật sẽ góp phần gắn kết cộng đồng nơi đây.

Kết luận

Thông qua một vài dự án nghệ thuật đã góp phần đánh thức giá trị của các không gian công cộng, bài viết mong muốn ghi nhận những đóng góp không hề nhỏ bé của nghệ thuật đối với chất lượng sống cộng đồng. Những không gian công cộng trước những nguy cơ bị chiếm dụng, lấn chiếm hay bị bỏ hoang, trở thành nơi đổ phế liệu phế thải đã thay hình đổi dạng, thay da đổi thịt, dưới phép màu nghệ thuật như trong truyện cổ tích biến từ con cóc xấu xí thành hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Do sự phát triển nóng của đô thị, rất nhiều cộng đồng có nguy cơ bị bỏ quên, bị tụt lại phía sau, bị thiếu thốn sân chơi, những không gian nghệ thuật. Với 500m nghệ thuật công cộng ở bờ vở Phúc Tân chỉ xem như những bước chân đầu tiên. Nghệ thuật sẽ đánh thức tiềm năng, thay đổi tầm nhìn, để Hà Nội quyết tâm nhìn về Hồng Hà, dòng sông Mẹ. Một Hà Nội cổ kính, thanh lịch, anh hùng sẽ vươn mình đứng dậy ôm dòng sông lịch sử vào lòng. Những khu tập thể từng là niềm tự hào của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sau bao thập kỷ bị bỏ quên sẽ tìm được những tiếng nói chung, tìm lại được giá trị cốt lõi, những lý tưởng cao đẹp của mình thông qua những dự án nghệ thuật. Mặc dù các dự án nghệ thuật tham gia kiến tạo chất lượng sống, đánh thức các không gian bị quên lãng ở Hà Nội chưa nhiều, nhưng đó là những ví dụ tiêu biểu, những thành công đầu tiên. Hy vọng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền, của người dân sở tại, người nghệ sĩ sẽ thực sự là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, góp phần kiến tạo nên những không gian sống nhân văn.

____________________

Tài liệu tham khảo

1. Narumi và cộng sự, Locations and Transformations of the Collective Housing Areas Built under the Socialism System in Hanoi, Annual Report of FY 2004 (Vị trí và sự biến đổi của các khu tập thể ở Hà Nội trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Báo cáo tài chính thường niên năm 2004), Hội Xúc tiến khoa học của Nhật Bản và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2005, tr.75-83.

2. Philippe Papin, Histoire de Hanoi (Lịch sử Hà Nội), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2016.

3. William S. Logan, Hanoi: Biography of a City (Hà Nội: Tiểu sử một đô thị), Nxb Hà Nội, 2010.

4. Dương Tất Thành, Giá trị lịch sử - văn hóa của các khu tập thể cũ ở Hà Nội: Nghiên cứu trường hợp khu tập thể Trung Tự, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 5, số 1, 2019, tr.128-140.

5. Lê Phước Anh, Architecture, paysages, identités: approches urbaines appliquées au cas du Lac de l’Ouest à Hanoi (Kiến trúc, cảnh quan, căn tính nhận diện: cách tiếp cận đô thị áp dụng trong trường hợp Hồ Tây ở Hà Nội), Université Toulouse le Mirail - Toulouse II, 2016.

6. Jürgen Habermas, The structural transformation of the public sphere (Sự chuyển đổi cấu trúc của khu vực công cộng), The MIT Press; 5th or later Edition, 1991.

7. Nami Hong, Saehoon Kim, Persistence of the socialist collective housing areas (KTTs): the evolution and contemporary transformation of mass housing in Hanoi, Vietnam (Sự tồn tại của các khu nhà ở tập thể xã hội chủ nghĩa (KTT): sự phát triển và chuyển đổi hiện đại của nhà ở tập thể ở Hà Nội, Việt Nam).

8. Bùi Phương Ngọc, The Rehabilitation of the Socialist Collective Living Quarter in Hanoi: Case Study: Nguyen Cong Tru Quarter (Sự phục hồi của khu tập thể xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội: Nghiên cứu trường hợp tại khu vực Nguyễn Công Trứ), Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Bách khoa thành phố Milan, Italy, 2017.

9. Minh Đức, Chủ tịch Quốc hội: “Dân chủ là để dân được mở miệng ra”, vtc.vn, 18-2-2016.

TS TRẦN YÊN THẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

____________________

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9-2023).

;