Cơ hội và thách thức đối với nghệ thuật biểu diễn trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sử dụng thành công màn hình led trong vở “Người khốn khổ”- ảnh: Liên Hương

 

Ngày 12-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030. Chiến lược khẳng định nội dung cốt lõi của văn hóa là phát triển con người theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới cần tiếp tục “chấn hưng” văn hóa, để “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ khát vọng phát triển văn hóa dân tộc, Chiến lược đã đề ra 4 mục tiêu chung và 8 mục tiêu cụ thể phát triển văn hóa. Để thực hiện các mục tiêu trên, Chiến lược đã xác định các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2030, trong đó chú trọng: “Phát huy thành tựu khoa học, công nghệ gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng”; “Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa”. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không chỉ là giải pháp tình thế trong thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 mà còn là con đường tất yếu của sự phát triển nghệ thuật biểu diễn trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay.

1. Chuyển đổi số mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Chuyển đổi số được hiểu là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Ngành Văn hóa Nghệ thuật đang trải qua quá trình chuyển đổi số sâu sắc. Trong thời kỳ chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều đơn vị nghệ thuật phải chuyển từ trải nghiệm vật lý sang trải nghiệm ảo. Chuyển đổi số là chìa khóa tồn tại của sân khấu nghệ thuật biểu diễn thời kỳ này.

Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số tác động đáng kể đến các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Các chương trình nghệ thuật biểu diễn được phát trực tuyến thu hút hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Nhờ sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ như phần mềm tiếp thị, quản lý sự kiện, các công cụ thu thập dữ liệu…, nhiều nhà hát có thể quản lý chương trình hiệu quả, tiết kiệm được thời gian hơn so với trước đây. Nhiều sáng kiến kỹ thuật số đã và đang được khai thác trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Ví dụ như tất cả dữ liệu về thông tin khán giả, việc đặt vé, bán vé… được lưu dưới dạng kỹ thuật số và người quản lý có thể dễ dàng truy cập dữ liệu đó ở mọi lúc, mọi nơi.

Trên thế giới, nhiều nhà hát đã áp dụng thành công các thành tựu của công nghệ kỷ nguyên số để khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, tăng thêm nguồn thu nhập cho nhà hát, cải thiện đời sống cho các diễn viên, nhân viên…

Điển hình như bài học từ quá trình chuyển đổi số thành công của vở kịch The Tempest (Cơn bão) do Creation Theater và nhà đồng sản xuất Big Telly Theater thực hiện, biểu diễn trên Zoom vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020. Khi The Tempest được biểu diễn trực tiếp vào năm 2019 đã thu hút 3.368 khán giả và khách du lịch từ 11 quốc gia đến xem. Phiên bản “ảo” trên Zoom vào năm 2020 đã tiếp cận hơn 1.200 hộ gia đình ở 27 quốc gia. Qua đó giúp công ty có lượng khán giả lớn và tạo điều kiện cho những khán giả trước đây không có dịp đến nhà hát được tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật. Creation Theater tính vé 20 bảng cho mỗi thiết bị xem kịch. Thành công về mặt tài chính lần này giúp Creation Theater “mở cửa” được trong thời kì phong tỏa do dịch bệnh, tăng lợi nhuận và tiếp tục sản xuất những tác phẩm mới có khả năng vươn tới toàn cầu (1).

Opera North là một công ty opera quốc gia có trụ sở tại Leeds, Anh. Khi lệnh phong tỏa diễn ra bởi đại dịch COVID-19, dàn hợp xướng “ảo” ra đời với tên gọi From Couch to Chorus trở thành một không gian mà bất kỳ ai cũng có thể học hát các điệp khúc opera thông qua Zoom. Nhóm Opera North muốn tất cả mọi người đều có thể tiếp cận dàn hợp xướng này, vì vậy, thay vì tính giá cố định cho những buổi biểu diễn, họ đã thử nghiệm mô hình “trả tiền theo cảm nhận”. Opera North đã đạt được thành công lớn từ chương trình này với gần 5.000 người đặt vé từ khắp nơi trên thế giới, trong đó 48% là người mới tham gia nhập nhóm này (2).

Ở Việt Nam, thực tế cho thấy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, việc xây dựng và tổ chức nhà hát truyền hình, nhà hát online trên các nền tảng công nghệ là rất cần thiết để đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân. Nhằm tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị nghệ thuật và bảo đảm an toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngay từ giữa năm 2020, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật... Hình thức phát trực tuyến này đã giúp các nhà hát tổ chức được các sự kiện nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh, tạo cơ hội cho khán giả trên khắp mọi miền đất nước có thể thưởng thức tác phẩm nghệ thuật sân khấu, cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, giúp các nhà hát, các nghệ sĩ quảng bá rộng rãi các chương trình nghệ thuật mà không phải đến nhà hát.

Các chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề như: San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch, Ở nhà cùng vui… được phát trực tiếp trên YouTube đã tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch và mang đến “món ăn tinh thần” phục vụ khán giả. Chương trình nghệ thuật đặc biệt Những ngôi sao bất tử do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Thái Nguyên) thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã được phát sóng trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam. Vở tuồng Trung thần của Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng lên sóng truyền hình để phục vụ khán giả cả nước… Nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam đã livestream biểu diễn để phục vụ khán giả, thông qua chương trình Giữ lửa đam mê.

Việc thực hiện hình thức phát trực tuyến các chương trình nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh là nỗ lực để tạo cơ hội cho người làm nghệ thuật và khán giả dù không đến rạp vẫn có thể thưởng thức những tác phẩm, những chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông Bộ VHTTDL đánh giá: “Sân khấu truyền hình là cách thức quảng bá tới đông đảo công chúng và tạo cơ hội để nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo thể hiện niềm đam mê, cống hiến cho nghệ thuật, cho công chúng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Đây là cách thức, hướng đi mới để khắc phục khó khăn trong điều kiện phòng chống dịch bệnh nên cần quãng thời gian thử nghiệm và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể” (3).

Khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19, nhờ có sự chuyển đổi số, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã tự tìm cho mình những hướng đi riêng, trong đó có thể kể tới những nỗ lực áp dụng công nghệ mới để dễ dàng tiếp cận khán giả, nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật của nhiều nhà hát. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch (VNOB) đã bắt đầu sử dụng quét mã QR trên màn hình sân khấu trước giờ biểu diễn, từ vở Hàm lệ Minh Châu (2022), Ballet Đông Hồ (2023) để khán giả có thể tìm hiểu trước về nội dung vở diễn, các diễn viên tham gia, thứ tự các tiết mục... Nhờ vậy tiết kiệm một phần chi phí so với việc in tờ rơi, khán giả chủ động trong việc tiếp cận buổi diễn. Tích cực thay đổi, ứng dụng công nghệ và làm mới các chương trình, nhiều vở diễn của VNOB gần đây như vở nhạc kịch Những người khốn khổ, đã tạo ra sự đột phá trong cách thể hiện, kết hợp độc đáo giữa sân khấu tối giản và công nghệ Visual LED hiện đại, kết hợp giữa nghệ thuật thị giác với nghệ thuật trình diễn nhạc kịch, mang lại những trải nghiệm mới cho khán giả. Nhiều vở diễn đã có trailer giới thiệu trên kênh YouTube riêng của Nhà hát như vở ballet Giselle. Nhà hát đang có kế hoạch mở rộng thêm kênh TikTok để thu hút nhiều khán giả đến với các vở diễn nghệ thuật hàn lâm  chất lượng cao. Khi truy cập vào website của Nhà hát nhahatnhacvukichvietnam.com, khán giả sẽ thấy một ô cửa sổ Chat với VNOB hiện trên màn hình. Bất cứ mọi thắc mắc, mọi câu hỏi liên quan tới vở diễn đều được trả lời trong thời gian ngắn. Không chỉ áp dụng công nghệ trong chuyên môn, Nhà hát còn áp dụng kĩ thuật số vào công tác nhân sự, tạo kho dữ liệu số theo chủ trương của Bộ VHTTDL.

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: Nhà hát Tuổi trẻ đã đầu tư nhân lực để xây dựng nội dung cho fanpage. Nhà hát rất quan tâm tới các chỉ số như lượng người theo dõi, lượng người truy cập, tỷ lệ tương tác, bình luận trong từng bài đăng trên fanpage của Nhà hát, theo từng giai đoạn để từ đó có những điều chỉnh hợp lý. Việc quảng bá hiệu quả đã đóng góp tích cực về doanh thu phòng vé. Việc Nhà hát tương tác, trả lời khán giả trên các trang mạng xã hội được xác định như khâu chăm sóc khách hàng (4). Gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ thường xuyên livestream trên trang fanpage của Nhà hát để giới thiệu các vở kịch sắp diễn, các chương trình ưu đãi khi khán giả mua vé. Các nghệ sĩ của Nhà hát rất tích cực giới thiệu về vở diễn, giao lưu trực tuyến với khản giả. Nhà hát khuyến khích khán giả thanh toán online, đặt vé qua ví VNPay sẽ nhận ưu đãi giảm giá. Đặt vé online, soát vé bằng việc quét mã QR được áp dụng dễ dàng, thuận tiện, mang lại sự hài lòng cho khán giả thay vì gọi điện hay đến trực tiếp Nhà hát mua vé.

NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam khẳng định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nhà hát. Công nghệ sẽ giúp tăng cường tương tác giữa nhà hát, nghệ sĩ với khán giả. Do đó, cần tận dụng công nghệ để nhiều người biết đến sân khấu kịch Việt Nam hơn. Thông tin về các hoạt động của nhà hát đến được với nhiều khán giả hơn. Và quan trọng nhất, nó kích thích mong muốn, khát khao đến rạp của khán giả (5).

Nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, TS, NSND Thanh Ngoan cho rằng, với sự phát triển về công nghệ thông tin hiện nay, việc chuyển đổi số với nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng là vô cùng quan trọng. Vì từ trước đến nay, việc gìn giữ các tư liệu văn hóa nghệ thuật chưa được chú trọng, việc bị thất lạc, mai một vốn văn hóa cổ truyền vẫn xảy ra. Khi áp dụng công nghệ số, chúng ta sẽ có một nơi lưu giữ an toàn. Với công nghệ số, khán giả có thể nghe đi nghe lại những bài hát, những làn điệu để tìm hiểu sâu hơn về âm nhạc truyền thống. “Nếu có bảo tàng số, có nghĩa là chúng ta có thể bảo tồn nhiều môn nghệ thuật truyền thống mà không sợ quá tải. Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cũng gồm cả việc truyền thông ở trong nước và quốc tế, làm cho người trẻ yêu văn hóa nghệ thuật hơn” (6).

Rõ ràng, chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, giúp các loại hình nghệ thuật biểu diễn thích ứng với sự phát triển trong tình hình mới, cũng như góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại. Số hóa giúp khán giả ở khắp mọi nơi trên thế giới có thể theo dõi được các chương trình biểu diễn nghệ thuật, là sợi dây liên kết, tăng tính tương tác giữa các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ với khán giả... Số hóa cũng giúp cho công tác quản lý, điều hành nhà hát trở nên khoa học, gọn nhẹ hơn trước. Ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến, hợp lí sẽ giúp các chương trình nghệ thuật biểu diễn trở nên hấp dẫn hơn.

2. Những khó khăn của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Từ phía đơn vị nghệ thuật

Các chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tuyến đã được đẩy mạnh nhưng với sự chuyển đổi này, hầu hết các đơn vị hoạt động nghệ thuật biểu diễn và nghệ sĩ đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ bản quyền. Kiểm soát vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật càng trở nên phức tạp.

Chuyển hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất không đồng bộ, đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số còn hạn chế, phân bố còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu. Nhà hát, rạp biểu diễn đều có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, trang thiết bị kỹ thuật nghèo nàn chưa đáp ứng được yêu cầu thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Theo bà Nguyễn Tuyết Hoa - Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp, Trưởng Ban Truyền thông VNOB, Nhà hát VNOB đang chuyển đổi số từng bước, dù rất muốn thực hiện nhanh và hiệu quả nhưng cơ sở vật chất chưa phù hợp, hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin như máy tính, đường truyền đều cũ, không có đề án áp dụng nâng cấp toàn bộ hạ tầng cơ sở cho việc chuyển đổi số. Bên cạnh đó, theo biên chế, Nhà hát không có nhân viên phụ trách công nghệ thông tin.

NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Các sản phẩm nghệ thuật online hiện nay chúng ta đưa lên mới chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự hấp dẫn để có thể kiếm tiền. Muốn thu được tiền của khán giả thì chúng ta phải có sự đầu tư về công nghệ để có những sản phẩm nghệ thuật thích ứng với thị trường nghệ thuật hiện nay. Trong lúc các nhà hát chưa có phòng thu, chưa có đủ các trang thiết bị công nghệ thì rất mong cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có sự chỉ đạo để làm sao những đơn vị đã được trang bị công nghệ trong ngành hỗ trợ cho chúng tôi điều kiện chia sẻ về phòng thu, công nghệ…” (7).

Tại diễn đàn “Tác động của đại dịch COVID-19 - Hành động quyết liệt của ngành văn hóa, thể thao và du lịch” ngày 22-9-2021, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc chuyển đổi số còn gặp khó khăn về mặt con người, công nghệ, nguồn lực còn phân bổ rải rác, nhỏ lẻ. “Hoạt động chuyển hướng vẫn đang mang tính cũ, có dáng dấp của phong trào. Trong khi ở góc độ quản lý nhà nước đòi hỏi tính chuyên sâu, chuyên nghiệp” (8).

Nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật trong cả nước đã thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật để phát trên các nền tảng trực tuyến, các kênh online, fanpage riêng của đơn vị. Những nhà hát online, sân khấu trực tuyến với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi đưa các chương trình nghệ thuật đến gần hơn với khán giả. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những bước đi mang tính thử nghiệm. Dù được giới thiệu khá nhiều trên các phương tiện báo chí chính thống nhưng lượng khán giả theo dõi, tương tác các chương trình đó chưa như kỳ vọng. Lý giải cho điều này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Trong tư duy, nghệ sĩ và khán giả Việt Nam luôn nghĩ, để thưởng thức nghệ thuật cần phải được thưởng thức trực tiếp thì mới cảm nhận hết được những giá trị tinh túy. Mặt khác, chúng ta chưa có những chương trình nghệ thuật phù hợp với công nghệ kỹ thuật số, chưa có phương tiện để thực hiện biểu diễn nghệ thuật trên môi trường số; khán giả cũng chưa hoàn toàn quen với việc thưởng thức nghệ thuật trên môi trường này” (9). Bên cạnh đó, các chương trình giải trí ngày càng phong phú khiến cho việc lên mạng xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật ít nhiều bị xao lãng.

Từ phía khán giả

Khán giả là một trong những thành phần không thể thiếu của sân khấu. Giữa sân khấu online và sân khấu thực tế có nhiều sự khác nhau, đặc biệt là về cảm xúc nghệ thuật khi tiếp nhận. Hình thức diễn online chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả và nhu cầu biểu diễn của người nghệ sĩ. Hình thức online sẽ làm giảm đi ít nhiều sự hứng thú, hấp dẫn của cả người diễn và người xem. Trong tư duy, khán giả Việt Nam luôn nghĩ để thưởng thức nghệ thuật cần phải được thưởng thức trực tiếp thì mới cảm nhận được hết những giá trị nghệ thuật. Đối với những khán giả có tuổi, còn gặp những khó khăn trong việc tiếp cận được những tác phẩm nghệ thuật khai thác từ ứng dụng công nghệ mới.

3. Đề xuất một số giải pháp cụ thể

Nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao nguồn nhân lực số

Muốn chuyển đổi số thành công, trước hết cần có các phương tiện, công cụ kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của thời đại 4.0. Căn cứ vào Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên nền tảng công nghệ số thống nhất. Khuyến khích sử dụng các nền tảng công nghệ số trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trong đó có số hóa vở diễn sân khấu. Hiện, Bộ VHTTDL đã ban hành quyết định 405QĐ-BVHTTDL ngày 24-2-2023 về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ VHTTDL năm 2023. Trong đó nhấn mạnh đến nâng cấp hạ tầng số, rà soát, đánh giá toàn bộ hiện trạng thông tin dữ liệu hiện có tại từng đơn vị và hệ thống thông tin, phần mềm tương ứng có sử dụng thông tin, dữ liệu.

Đồng thời cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số… Mỗi sân khấu, nhà hát nên có bộ phận chuyên trách về công nghệ, truyền thông. Chỉ có nhân sự của chính nhà hát mới hiểu được sản phẩm nghệ thuật của đơn vị mình.

Cần nâng cao chuyên môn cho đội ngũ sáng tạo nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể nên tổ chức các buổi giao lưu giữa các nhà hát, sân khấu trong nước với các nhà hát, các đoàn nghệ thuật biểu diễn quốc tế có những thành công trong chuyển đổi số để đội ngũ sáng tạo được học hỏi kinh nghiệm về cách dàn dựng cũng như ứng dụng công nghệ vào vở diễn. Bên cạnh đó, cần tổ chức hội thảo, hội nghị, triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong nghệ thuật biểu diễn, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng trình diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam trên mạng công nghệ… để quá trình chuyển đổi số trong nghệ thuật biểu diễn được diễn ra nhanh hơn, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Thay đổi chất lượng chương trình phù hợp với nền tảng số

Việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp đóng băng, mà là xu thế phát triển của nghệ thuật biểu diễn trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, không phải cứ đưa các chương trình nghệ thuật lên mạng là đã có nhà hát online. Để có nhà hát online, các chương trình phải được thiết kế phù hợp với công nghệ số về nội dung, thời lượng, cách chuyển tải đến khán giả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của người xem… Mỗi chương trình nghệ thuật phải được dàn dựng phù hợp với công nghệ kỹ thuật số, được quay đẹp mắt, cuốn hút người xem và mang đến cảm giác như xem trực tiếp tại nhà hát. Khán giả có thể xem được các vở diễn online khi đăng ký tài khoản và trả phí. Cách làm này giúp sân khấu giữ được bản quyền vở diễn, thu được lợi nhuận từ việc thu phí và quảng cáo.

Xây dựng thương hiệu

Trong số các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, tăng cường khả năng tuyên truyền, giáo dục qua các chương trình nghệ thuật online, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, thương hiệu là yếu tố quan trọng. Khi có được thương hiệu, chúng ta có khả năng tăng nguồn thu trên môi trường mạng. Để tạo thương hiệu cho chương trình biểu diễn nghệ thuật, các chuyên gia văn hóa cho rằng trước tiên cần phải chuyển đổi về nhận thức. Chuyển đổi số cần phải bắt đầu từ thay đổi tư duy người lãnh đạo. Chuyển từ chiến lược tư duy truyền thống sang chiến lược tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả, từ đó lan tỏa và làm thay đổi nhận thức của cả đơn vị. Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cũng cần thay đổi để phù hợp với xu thế này. Cần xây dựng kế hoạch, chương trình biểu diễn một cách bài bản, có đầu tư, trên cơ sở đó dần định hình phong cách và xây dựng thương hiệu riêng. Cần mạnh dạn đổi mới tư duy trong tổ chức biểu diễn trên mạng internet, huy động nguồn lực, thu hút khán giả, xây dựng thương hiệu trên môi trường số.

4. Kết luận

Nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt sân khấu truyền thống là cái nôi của nghệ thuật đương đại, không thể mất đi dù xã hội, cuộc sống thay đổi. Đổi mới, tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số chính là cách để nghệ thuật biểu diễn vượt qua khó khăn trong thời kỳ hội nhập và trong xu thế bị lấn át bởi nhiều loại hình giải trí khác. Áp dụng công nghệ chuyển đổi số, đưa các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lên môi trường kỹ thuật số, chính là kênh kết nối giữa sản phẩm nghệ thuật và khán giả, là việc cần phải làm và là con đường tất yếu hiện nay. Trước mắt, còn nhiều thách thức với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật trong quá trình chuyển đổi số nhưng đây cũng là cơ hội để mỗi nhà hát, mỗi đơn vị nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ vượt lên chính mình để khẳng định và làm tỏa sáng những giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

Đúng như PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhận định: “sự lạc hậu, nếu diễn ra, sẽ tác động tai hại đến sự phát triển nghệ thuật của đất nước và ngược lại, nếu chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ giúp nghệ thuật cất cánh, tạo điều kiện để nghệ thuật không chỉ giúp người dân giải trí, mà quan trọng hơn còn để bồi đắp đời sống tinh thần cao đẹp cho nhân dân...” (10). Chắc chắn, nếu có sự chung tay, đồng lòng của các cấp, các ngành, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn… thì việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ tạo nên những hiệu quả mới trong sáng tạo nghệ thuật để các loại hình của nghệ thuật biểu diễn không đứng ngoài dòng chảy công nghiệp văn hóa.

________________________

1. Ngô Hà dịch, Chuyển đổi số: Chìa khóa tồn tại cho sân khấu thời coronavirus, nguoidothi.net.vn, 23-8-2020.

2. The digital future of the Arts and Culture sector (Tương lai kỹ thuật số của ngành Văn hóa Nghệ thuật), ftstrategies.com.

3. Hồng Hà, Nhà hát online: Lan tỏa nghệ thuật mạnh hơn, tới nhiều tầng lớp khán giả hơn, toquoc.vn, 2-8-2021.

4, 5. Nam Bình, Chuyển đổi số đổi mới ngành sân khấu Việt, bvhttdl.gov.vn, 29-8-2022.

6 Thúy Hiền, Ứng dụng chuyển đổi số vào nghệ thuật truyền thống, baovanhoa.vn, 11-6-2023.

7. Lại Tấn, Sân khấu chuyển đổi số, nỗ lực tiếp cận khán giả, kinhtedothi.vn, 26-2-2022.

8. Minh Quân, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch: Tìm cơ hội với chuyển đổi số, daidoanket.vn, 23-9-2021.

9, 10. Phương Anh, Nghệ thuật chuyển đổi số: Biến tình thế thành xu thế, baovanhoa.vn, 1-10-2021.

Tài liệu tham khảo

1. How Digitalization Benefits the Performing Arts Industry? (Số hóa mang lại lợi ích thế nào cho ngành Nghệ thuật biểu diễn?), venuearc.com, 10-5-2022.

2. Nguyệt Hà, Nhà hát online: Không chỉ là giải pháp tình thế, cand.com.vn, 6-8-2021.

3. Minh Khánh - Đăng Huy, Nhà hát Tuồng Việt Nam: Chuyển đổi số là xu thế phát triển của nghệ thuật để thích ứng với đại dịch, toquoc.vn, 4-9-2021.

 

 

TS. NGUYỄN LIÊN HƯƠNG

Trưởng Ban Nghiên cứu Lý luận, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

---------------------

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 –Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

;