Mỗi đạo diễn khi gia nhập bộ môn nghệ thuật thứ bảy đều muốn mang tới những sáng tạo dưới góc nhìn đậm phong cách cá nhân. Đạo diễn Wes Anderson gắn phong cách làm phim với những khung hình đẹp như tranh vẽ. Ông đã mang đến bữa tiệc thị giác sống động về màu sắc trên màn ảnh.
Wes Anderson sinh năm 1969 tại Houston, Texas. Tốt nghiệp với bằng cử nhân về triết học tại Đại học Texas ở Austin, ông chuyển đến New York (Mỹ) và bắt đầu viết kịch bản phim.
Nhắc tới Wes Anderson, khán giả luôn nhớ tới những bộ phim có màu sắc sáng tạo độc lập, với phong cách không thể lẫn vào đâu. Đặc biệt, các tác phẩm này thường không tốn nhiều chi phí sản xuất, song vẫn tạo tiếng vang lớn và nhận nhiều lời khen từ các nhà phê bình.
Có thể nhắc tới một số bộ phim tiêu biểu của Wes Anderson như The Royal Tenenbaums (Hoàng gia Tennenbaums), The Darjeeling Limited (Đường đến tâm linh), Fantastic Mr. Fox (Gia đình nhà cáo), Rushmore (Mối tình tay ba trường Rushmore), Moonrise Kingdom (Vương quốc trăng lên)… hay gần nhất chính là bộ 4 phim ngắn đánh dấu việc Wes Anderson chào sân Netflix.
Phim Isle of Dogs (Đảo của những chú chó)
Trong một bài phỏng vấn, nhà làm phim từng chia sẻ có hai nguyên nhân khiến ông theo đuổi con đường điện ảnh: “Tôi cảm thấy hứng thú với việc sắp xếp mọi thứ về mặt thị giác, đó chính là lý do vì sao tôi thích vẽ. Tôi không phải là người quay phim, không tạo ra được những hình ảnh đẹp nhưng tôi lại thoải mái và hứng thú với nhiều khía cạnh khác của một nhà làm phim”.
Tờ Telegraph ngợi khen phong cách riêng của Wes Anderson: “Anderson không làm phim theo kiểu êm ái, ủy mị của Hollywood xưa cũ. Chúng ta có thể tìm thấy cái nhìn mới và thú vị với góc nhìn hoài cổ trong phim của ông”.
Nhiều người trong nghề thậm chí còn sử dụng thuật ngữ “Thế giới của Wes” (Wes World) dành riêng cho các dự án ông sáng tạo.
Phim The Life Aquatic with Steve Zissou (Cá mập đốm huyền thoại)
Màn kết hợp đầu tiên giữa Netflix và đạo diễn Wes Anderson mới đây mang đến cho khán giả những trải nghiệm điện ảnh đặc sắc. Tuyển tập 4 bộ phim ngắn gồm The Wonderful Story Of Henry Sugar (Câu chuyện kỳ diệu về Henry Sugar), The Swan (Thiên nga), The Rat Catcher (Kẻ bắt chuột), Poison (Độc dược) được chuyển thể từ các truyện ngắn của tác giả Roald Dahl.
Wes Anderson nhấn nhá cho những tác phẩm của mình bằng một phong cách có phần kỳ dị: giữ nguyên từng câu trong truyện ngắn gốc, để các nhân vật lần lượt xuất hiện nhằm mục đích minh họa cho câu chuyện. Với bối cảnh phim nhiều màu sắc, khiến người xem liên tưởng đến những tập truyện tranh pop-up dành cho trẻ em.
Các tác phẩm cài cắm nhiều chi tiết ẩn dụ, nhưng nhà làm phim không cố gắng phô diễn bất cứ thứ gì, mà hoàn toàn nhường quyền tưởng tượng và lý giải nó cho khán giả thưởng thức.
Ở mỗi bộ phim, Wes Anderson đặt dấu ấn riêng của mình bằng việc chăm chút từng khung hình như hội họa. Các tác phẩm của ông đều giống một bản hòa tấu màu sắc, tạo nên hiệu ứng bắt mắt và mới lạ về mặt thị giác.
Phim The Grand Budapest Hotel (Khách sạn Đế vương)
Trong Moonrise Kingdom, bộ phim lấy bối cảnh những năm 1960, kể về một cặp đôi yêu nhau đã bỏ trốn khỏi thị trấn New England, Wes Anderson sử dụng tông màu vàng để tạo nên vương quốc trăng non - nơi hai đứa trẻ có tuổi thơ bị mất đang tìm kiếm.
Màu vàng ngập tràn từ đầu đến cuối phim, tạo ra cảm giác trong sáng, lạc quan và tươi trẻ trong thế giới của hai cô cậu bé. Đôi khi nó mang đến sự thanh bình, tĩnh lặng, đôi khi lại là sự bứt phá mạnh mẽ trong cảm xúc.
Còn trong The Grand Budapest Hotel (Khách sạn Đế vương), đ?o di?n mang ??n g?c nh?n ch?m bi?m v? cu?c s?ng ph? phi?m c?a nh?ng nh?n v?t trong kh?ch s?n. ạo diễn mang đến góc nhìn châm biếm về cuộc sống phù phiếm của những nhân vật trong khách sạn. Sự hời hợt, giả tạo trong các mối quan hệ được ông phô bày bằng tông màu hồng kẹo ngọt.
Đôi khi, trong cùng một khung hình, màu hồng mang đến sự phân hóa rõ nét giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa niềm hạnh phúc và bi kịch của từng nhân vật.
Phim The Life Aquatic with Steve Zissou (Cá mập đốm huyền thoại) kể về Steve Zissou, một nhà hải dương học cố gắng trả thù con cá mập đã giết bạn và đồng đội của mình.
Trên nền gam màu xanh của nước biển, khán giả thấy Steve phải vật lộn với việc bản thân đang dần bị khán giả lãng quên, nỗi đau đớn khi mất đi người bạn đời. Steve muốn trở lại thời kỳ đỉnh cao, nhưng ông lại nghi ngờ khả năng của mình.
Điểm xuyết trong đó là hình ảnh chiếc mũ đỏ Steve luôn đội trên đầu, tượng trưng cho sự bất an xen lẫn lý tưởng mạnh mẽ của ông khi dấn thân vào biển sâu.
Wes Anderson thường chọn những bảng màu khá đối chọi để lột tả thông điệp các câu chuyện của mình. Xem phim của ông, ta thấy mình như đang sống trong một thế giới mới lạ, dị thường, vừa hỗn loạn vừa chỉn chu, vừa đời thường mà cũng đầy mơ mộng.
Phim Moonrise Kingdom (Vương quốc trăng lên)
Cùng với thời gian, Wes Anderson khơi nguồn và phát triển một thể loại thẩm mỹ và ý nghĩa điện ảnh nổi tiếng bằng sự hài hước kỳ dị, cay độc và hoài nghi, gần như mọi câu chuyện đều diễn ra trong một vũ trụ Anderson được chế tạo tỉ mỉ, cách điệu với những hình ảnh, chi tiết, môtip tinh xảo, sự hài hòa từ những yếu tố tưởng chừng bất hòa, vừa chân thực vừa phóng đại.
Những nhân vật của Wes Anderson, bất kể người già hay trẻ con, con người hay con rối, đều không chắc chắn về tình cảnh hiện tại của họ, luôn bất lực, đi lòng vòng không ngừng nghỉ giữa quá trình chuyển đổi. Sự tiến thoái lưỡng nan diễn ra như một phần tất yếu của họ là một vấn đề rất nhiều người Mỹ trung lưu trong cuộc sống hiện đại phải đối mặt.
Họ đứng trên bờ vực của tuổi trưởng thành, kết thúc một chặng đường nhưng viễn cảnh tương lai bất ổn và đáng sợ, họ khao khát sự tự do thời thơ ấu rõ ràng đã mãi mãi tuột khỏi tầm tay.
Phim Isle of Dogs (Đảo của những chú chó - 2018) lấy bối cảnh quen thuộc như rất nhiều bộ phim gần đây: xã hội phản - không - tưởng trong một tương lai gần (near-future dystopia).
Bộ phim hoạt hình stop-motion với thương hiệu đặc trưng vốn luôn bắt mắt và kỳ quặc của Wes Anderson tiếp cận đề tài “khó nhằn” này bằng sự châm biếm đầy khoái chí của tuổi trẻ hơn là oán giận và nhạo báng.
Trái với những ý kiến công kích phong cách của Wes Anderson, các tác phẩm của ông không chỉ đơn thuần về các nỗi đau cá nhân, đặc biệt là của tầng lớp trung lưu và những người được coi là có nhiều đặc quyền hơn trong xã hội, mà còn là về những sự bất công, lạm dụng quyền lực có hệ thống, và sự thất vọng, bất lực của mỗi cá nhân khi phải đối diện và nhận ra sự nhỏ bé của mình trước những điều như vậy.
Trong Isle of Dogs, những kẻ độc tài yêu mèo dựng nên thuyết âm mưu về những căn bệnh chết người được lây lan từ chó, tự phong cho một nhóm người nắm quyền được bắt bớ, đàn áp loài chó. Chúng bị đày ra “Đảo Rác” - một thứ gulag bẩn thỉu mà đâu đó có lẽ robot Wall-E đang phải cần mẫn dọn dẹp.
Đề tài chính mượn một sự xung đột không thể hiện đại và nhẹ nhàng hơn (trong thời buổi Internet đầy các hội yêu chó và hội yêu mèo trên mạng xã hội), Isle of Dogs là một bộ phim về chủ nghĩa độc tài, về trục xuất, đày ải, diệt chủng, cuộc khủng hoảng người tị nạn, thông tin giả, về bối cảnh chính trị hỗn loạn trên thế giới hiện nay.
Giữa sự ảm đạm đó là những câu chuyện ấm áp về tình bạn, tình yêu, lý tưởng, đấu tranh không ngừng nghỉ, sự nổi loạn và tổn thương của tuổi trẻ và của cả những chú chó.
Một lần nữa, Wes Anderson cho thấy niềm tin vào người trẻ. Họ hăng hái chiến đấu vì niềm tin không thể bị lung lay, tức giận với sự bất công xung quanh và thất vọng với sự bạc nhược của người lớn.
Với Isle of Dogs, hơn bao giờ hết, Wes Anderson trở lại với câu chuyện quen thuộc về thời ấu thơ và sự cô đơn, với thế giới ngọt ngào và u sầu, nhưng lần này còn có chỗ cho cả những khoảnh khắc yên tĩnh, trơ trụi.
Với phong cách mang đậm dấu ấn riêng, Wes Anderson dường như đã mang tới cho điện ảnh một sự khám phá mới với sự kết hợp giữa mầu sắc và khung hình nhằm đem tới những xúc cảm thị giác phong phú cho khán giả.
HỮU PHẠM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024